Hiện là sinh viên năm 2, ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Lê Đàm Hồng Lộc từng có 8 năm phụ giúp mẹ làm việc tại phòng khám vật lý trị liệu của gia đình.
|
|
10 thành viên của nhóm đến từ nhiều trường THPT, ĐH khác nhau: Lê Đàm Hồng Lộc, Trần Gia Bảo, Lê Nhật Minh, Đặng Thị Quỳnh Như, Nguyễn Thiên An, Trần Thụy Như Quỳnh, Lâm Vĩnh Thịnh, Phan Thị Nguyên Phương, Phạm Thị Ngọc Hòa, Văn Khánh Huyền.
|
|
|
“Mình đã nhìn thấy rất nhiều người bệnh đến phòng khám chữa đau cổ, đau lưng mỗi ngày, mà nguyên nhân căn bản là do họ ngồi làm việc sai tư thế. Đau lưng, đau cổ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Nhận thấy mình có thể sáng tạo ứng dụng, cảnh báo, hỗ trợ mọi người ngồi cho đúng, thế là mình lên kế hoạch, rồi kêu gọi mọi người tham gia thiết kế”, Lộc nói.
Nhóm gồm 10 thành viên, người phụ trách thiết kế, người viết chương trình, người phụ làm blog… cuối cùng sản phẩm Mind Your Neck được đăng trên hệ điều hành iOS của Apple.
Không chỉ là người viết chương trình, vạch kế hoạch, Lê Đàm Hồng Lộc còn được mẹ (thạc sĩ, bác sĩ Đàm Đinh Hồng Hoa), là chuyên gia, cố vấn các vấn đề bệnh lý ở cổ cho mình. Bác sĩ Hoa hiện đang là Trưởng khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên.
Bác sĩ Hoa chia sẻ: “Mỗi ngày có khoảng 100 người đến phòng khám của gia đình tôi điều trị về triệu chứng đau nhức xương khớp. 70% những người thoái hóa đốt sống cổ là nhân viên văn phòng. Bình thường, khi làm việc mọi người ngồi thẳng lưng vuông góc với mặt bàn, thì cổ nghiêng một góc 45 độ là phù hợp. Nếu người ngồi làm việc, nhìn máy tính, điện thoại nghiêng sâu, cúi gập người, lâu dài thì dễ sinh bệnh từ cấp độ 1 đến 5, cao nhất là thoái hóa đốt sống cổ, lưng. Thông thường sau khoảng 2 tuần điều trị, tập vật lý trị liệu, điều chỉnh tư thế ngồi làm việc là người bệnh có thể đi lại bình thường, các triệu chứng đau nhức giảm hẳn. Nhưng nếu ngồi làm việc trở lại theo thói quen thì nguy cơ tái phát rất cao”.
|
|
|
Phòng ngừa tốt thì nguy cơ mắc bệnh sẽ ít hơn. Với ứng dụng này, em hy vọng góp chút sức cho cộng đồng, mọi người ai cũng được khỏe mạnh
|
|
|
Trần Thụy Như Quỳnh - thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm
|
|
|
Ứng dụng Mind Your Neck sử dụng khá đơn giản: tải về điện thoại, sau khi cài đặt, mỗi lần chủ nhân sử dụng điện thoại, cúi đầu nghiêng góc hơn 45 độ, điện thoại sẽ tự động báo cho người sử dụng biết mình ngồi sai tư thế. Ứng dụng sẽ tự tính được bạn ngồi đúng tư thế bao nhiêu phút đồng thời có thêm các bài tập thể dục cho cổ với biểu tượng chú hươu cao cổ thu hút người dùng.
Sau khi đăng trên Apple store, sắp tới Lộc và các bạn trong nhóm sẽ cải tiến ứng dụng phù hợp với các thiết bị dùng hệ điều hành Android. Lộc chia sẻ thêm: “Ngoài tập luyện cho cổ, kế hoạch tương lai của mình là hướng đến công nghệ vật lý trị liệu, giảm thiểu các bệnh về mắt, cổ, lưng… bằng app trên di động. Ngừa bệnh bao giờ cũng là phương pháp dễ dàng và ít tốn kém hơn là dùng các biện pháp can thiệp y khoa”.
“Lần đầu tiên được tham gia quá trình làm một ứng dụng di động em cảm thấy rất háo hức. Đọc các tài liệu về bệnh lý, em thấy dù chưa nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhưng ngay từ bây giờ phải ý thức ngồi học, làm việc cho đúng tư thế. Phòng ngừa tốt thì nguy cơ mắc bệnh sẽ ít hơn. Với ứng dụng này, em hy vọng góp chút sức cho cộng đồng, mọi người ai cũng được khoẻ mạnh”, Trần Thuỵ Như Quỳnh, thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm, nói.
Theo một nghiên cứu của Trường Y Harvard (Boston, Mỹ) và Đại học Utah (Mỹ) xuất bản giữa tháng 4.2018 trên Global Spine Journal (Tạp chí nghiên cứu xương khớp toàn cầu), hiện nay trên thế giới mỗi năm có khoảng 266 triệu người bị bệnh về đốt sống cổ và cột sống, chiếm 3,63%. Nếu lấy con số này so với số người sử dụng smartphone trong độ tuổi từ 18 – 44 có thể bị bệnh là 2 tỉ người thì số người có thể bị bệnh thoái hoá đốt sống cổ, thoái hóa đốt sống lưng do ngồi sai tư thế khoảng 72,6 triệu người. Thoái hoá cột sống đang là bệnh đứng đầu trong nhóm khiến bệnh nhân mất khả năng vận động.
|
NGUYÊN TRANG