23/01/2025

ĐTC Phanxicô muốn thăm Nhật Bản vào năm tới

Sáng ngày 12/09, tại hội trường nhỏ của Đại Thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, ĐTC Phanxicô đã tiếp phái đoàn của Hiệp hội “Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai” của Nhật. ĐTC Phanxicô bày tỏ ý muốn thăm Nhật Bản vào năm tới.

 ĐTC Phanxicô muốn thăm Nhật Bản vào năm tới

 

 

ĐTC Phanxicô tiếp Hội Tensho Kenoh Shisetsu Kenshoukai của Nhật (Vatican Media)

Trong cuộc tiếp kiến ngắn dành cho Hội Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai” của Nhật Bản vào sáng 12/09/2018, ĐTC Phanxicô bày tỏ ý muốn thăm Nhật Bản vào năm tới.

Sáng ngày 12/09, tại hội trường nhỏ của Đại Thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, ĐTC Phanxicô đã tiếp phái đoàn của Hiệp hội “Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai” của Nhật.

Trước đề nghị phong chân phước cho 4 tín hữu Nhật Bản trẻ – những sứ giả đầu tiên đến châu Âu – vào năm tới, nhân kỷ niệm 400 năm Thánh Phanxicô Xaviê đến truyền giáo tại Nhật Bản, ĐTC đã bày tỏ ý định thăm Nhật Bản. ĐTC nói: “Nhân chuyến viếng thăm của anh chị em, tôi muốn thông báo với anh chị em ý muốn thăm Nhật Bản vào năm tới của tôi. Tôi hy vọng có thể thực hiện điều này.”

Hiệp hội “Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai”

Đây là một hiệp hội xúc tiến các dự án văn hoá và liên đới, được thành lập để ghi nhớ hoạt động ngoại giao đầu tiên của Nhật Bản ở châu Âu do các cha Dòng Tên hiện diện tại Nhật Bản tổ chức vào năm 1585.

Trong lời chào phái đoàn, ĐTC Phanxicô nhắc lại sự kiện xảy ra cách đây hơn 400 năm, khi 4 tín hữu Kitô trẻ tuổi người Nhật được một số vị truyền giáo Dòng Tên đồng hành đến Roma để yết kiến ĐGH Gregorio XIII. Một cuộc hành trình đặc biệt, kéo dài hơn 8 năm. Đây là lần đầu tiên các đại diện của Nhật đến châu Âu.

Cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn hoá và truyền thống

Trong hành trình đó, 4 bạn trẻ người Nhật đã viếng thăm và được tiếp đón tại nhiều thành phố như Lisbon, Madrid, Florence, Rome, Venice, Milan, Genoa… ĐTC nhận định đây là một cuộc gặp lịch sử giữa hai nền văn hoá và truyền thống tâm linh: người châu Âu gặp người Nhật và người Nhật có kinh nghiệm về châu Âu và trái tim của Giáo hội Công giáo. Ký ức này đáng được gìn giữ như Hội “Tensho Kenoho Shisetsu Kenshokai” đang làm.

Tôn giáo, văn hoá và kinh tế cộng tác với nhau

ĐTC hy vọng rằng phái đoàn của Hội, như 4 tiền nhân trẻ của họ, cũng cảm nghiệm được niềm vui trong cuộc gặp gỡ với ĐGH và được khuyến khích trở về quê hương “như các sứ giả của tình bạn và những người thăng tiến các giá trị nhân bản và Kitô giáo”. 
 
ĐTC đặc biệt khuyến khích nỗ lực hiện tại của Hội trong việc thiết lập ngân quỹ dành cho việc huấn luyện người trẻ và trẻ mồ côi, nhờ sự cộng tác của các công ty. ĐTC khen ngợi ý hướng của Hội trong nỗ lực chứng minh rằng tôn giáo, văn hoá và kinh tế có thể hoạt động cùng nhau trong hoà bình để xây dựng một thế giới nhân bản hơn được đánh dấu bởi một nền sinh thái học toàn diện, như được trình bày trong Thông điệp Laudato Sì.

Cuối cùng, ĐTC nhắc mọi người rằng ký ức rất quan trọng và đừng quên những điều đã mang đến cho chúng ta văn hóa, ngôn ngữ, đất nước, tôn giáo, và những điều thuộc về xã hội. Đừng quên nhưng hãy phát triển nó.

 
 
 

Hồng Thuỷ