23/01/2025

Gian nan cuộc chiến chống ‘cát tặc’

Nạn khai thác cát tràn lan là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở ngày một phức tạp ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Bến Tre. Điều đáng nói, sự lộng hành của “cát tặc” từng có dấu hiệu tiếp tay của cán bộ.

 

Gian nan cuộc chiến chống ‘cát tặc’

Nạn khai thác cát tràn lan là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở ngày một phức tạp ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Bến Tre. Điều đáng nói, sự lộng hành của “cát tặc” từng có dấu hiệu tiếp tay của cán bộ.
 
 
 
 
 

Gian nan cuộc chiến chống ‘cát tặc’

 
Tỉnh Bến Tre có các con sông lớn gồm: Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai và sông Tiền bao bọc cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt. Việc khai thác cát tràn lan dẫn đến sạt lở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xứ dừa.
 
 

Sà lan tủa vòi hút cát trên sông Hàm Luông đoạn qua ấp Phú Luông Ảnh: Trác Rin

Sà lan tủa vòi hút cát trên sông Hàm Luông đoạn qua ấp Phú Luông  ẢNH: TRÁC RIN

 

“Cát tặc” vươn vòi cả ngày lẫn đêm
Cuối tháng 8 vừa qua, phóng viên (PV) Thanh Niên có mặt trên sông Hàm Luông, đoạn chảy qua ấp Phú Luông (xã Tân Phú, H.Châu Thành), dùng xuồng máy tiếp cận các sà lan đang tủa hàng chục vòi xuống sông hút cát. Trên mỗi sà lan có 3 – 4 người luôn tất bật với việc rửa cát, nhặt rác nhưng vẫn không ngừng soi mắt cảnh giới xung quanh. Khi xuồng máy cách sà lan chừng 50 m, người điều khiển xuồng tên S. (55 tuổi, ngụ xã Tân Phú) nhắc: “Tụi nó manh động lắm, lại gần quay phim thế nào cũng bị đâm cho vỡ xuồng!”. Lúc này, trên đoạn sông khoảng 1 km có gần chục sà lan, ghe gỗ nối thành hàng dài. Ông S. cho hay ghe tàu hút cát hoạt động gần nhau để khi bị truy cản sẽ lập tức “tương trợ”.
 

Ghe gỗ hút cát trái phép vào ban ngày trên sông Cổ Chiên (xã Tân Thiềng) Ảnh: Bắc Bình

Ghe gỗ hút cát trái phép vào ban ngày trên sông Cổ Chiên (xã Tân Thiềng)  ẢNH: BẮC BÌNH
 
Dọc hai bờ sông, hầu hết những gốc bần, tre, chuối đều nghiêng ngả. Nhiều mảng đất bị xói thành hàm ếch sâu hoắm. Đưa ánh mắt đăm chiêu về phía bờ sông, nơi có vườn chôm chôm đang kết trái của gia đình, ông S. tâm tư: “Không hiểu sao khoảng 2 năm trở lại đây, ghe tàu hút cát ùn ùn kéo về đoạn sông này hoạt động. Đất của tui đang mất dần, vài năm nữa không biết có còn để canh tác không”.
 
Theo tìm hiểu của PV, tàu hút cát hoạt động mạnh nhất từ 14 giờ đến rạng sáng hôm sau. Tiếng động cơ ầm ĩ cả ngày lẫn đêm. Trong vai dân chài đi thả lưới, 3 giờ sáng chúng tôi tiếp tục có mặt trên đoạn sông này ghi hình “cát tặc”. Trời tối om, những chiếc sà lan tắt hết đèn, thả ống xuống lòng sông hút cát. Tiếng động cơ gầm rú inh tai. Trước khi trời sáng tỏ, ghe tàu hút cát lại lần lượt rút đi.
 

Xáng cạp hoạt động trái phép trên sông Cổ Chiên Ảnh: Bắc Bình

Xáng cạp hoạt động trái phép trên sông Cổ Chiên  ẢNH: BẮC BÌNH

 

Tại khu vực cồn Lát (xã Tân Thiềng, H.Chợ Lách), tình trạng khai thác cát cũng “sôi động” không kém. Nhiều sà lan, ghe gỗ hút cát ngang nhiên giữa ban ngày trên sông Cổ Chiên. Khi xuồng của PV tiếp cận một ghe gỗ đang hút cát, hai người đàn ông trên ghe nhìn cảnh giác, khựng lại vài chục giây rồi tiếp tục… hút cát trộm.
 
Dân mất nhà, mất đất
“Cát tặc” cứ ngang nhiên rút ruột lòng sông, hậu quả là nhà cửa, vườn tược, đất đai canh tác của người dân trôi toạc xuống sông. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thậm chí có trường hợp xảy ra xung đột, bạo lực luôn chực chờ ở những điểm nóng khai thác cát…
 
Hơn một năm trước, gia đình ông Phan Văn Phong (44 tuổi, ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, H.Chợ Lách) chuẩn bị dọn vào nhà mới thì đột nhiên đất sụt lún, căn nhà bê tông kiên cố trôi cả xuống sông, tài sản tích góp bấy lâu của cả gia đình bỗng mất trắng. “Nhà dài 16 m, rộng 5 m sắp xong thì đất lở cuốn trôi hết. Quanh đây có 2 mỏ khai thác cát hoạt động, không sớm thì muộn cồn Phú Đa này bị xoá sổ mất thôi”, ông Phong bức xúc. Đêm đó, cũng may ông lái đò trong lúc buộc ghe vào gốc dừa thì phát hiện gốc dừa tụt dần, nên tức tốc qua từng nhà hối mọi người chạy thoát thân.
 
Sau tai họa, ông Phong khăn gói đưa vợ con lên nhà người thân tá túc gần 7 tháng. “Hai vợ chồng mới dựng tạm lại quán bán nước cho khách đi đò. Vì cuộc sống phải bám trụ buôn bán chứ đêm nào ngủ mà không sợ cả nhà bị nước cuốn mất”, ông Phong bất an.
 
Tương tự, gần 100 hộ dân và một số doanh nghiệp nuôi cá ở cồn Lát (xã Tân Thiềng, H.Chợ Lách) cũng đang khốn đốn vì lở đất. Ông Nguyễn Thành Lai (70 tuổi) sinh sống, lập nghiệp từ 30 năm trước ở cồn Lát. Đầu năm 2017, nhận thấy đất sạt lở nghiêm trọng, ông bỏ tiền gia cố bờ bao hòng cứu 2 ha ao nuôi cá khỏi miệng “hà bá”. Nhưng mọi nỗ lực như đổ sông vì xáng cạp, sà lan hút cát vẫn hoành hành, khiến ông và gia đình phải dời về sống trong khu đất mà UBND H.Chợ Lách cấp cho những người bị mất đất sản xuất bởi các dự án khai thác cát.
 
Căn nhà của ông Tô Công Phúc (41 tuổi) cũng đang ở mức “báo động đỏ” vì có thể trôi xuống sông bất cứ lúc nào. Ông Phúc và các hộ dân nơi đây khẳng định từ khi có mỏ cát được phía Vĩnh Long cấp phép hoạt động, “cát tặc” theo đó kéo đến trà trộn. “Bà con ở đây bức xúc muốn dẹp tình trạng này nhưng không biết phương tiện nào là cát tặc, phương tiện nào có giấy phép. Chưa kể ranh giới ở mỏ cát ra sao dân đâu biết, thành ra ghe tàu cứ ung dung hút cát thôi”, ông Phúc nói.
 
Ông Nguyễn Thành Tiến, quản lý một công ty nuôi cá ở cồn Lát, bức xúc: “Tôi không biết căn cứ vào đâu chính quyền lại cấp phép khai thác cát ở khu vực cồn đang có nhiều hộ dân sinh sống như thế. Nếu tình trạng khai thác cát lấn bờ vẫn diễn ra thì dân sẽ mất đất, mất nhà nhiều lắm. Riêng công ty chúng tôi tính đến nay khoảng 3 ha đất đã trôi sông hết rồi!”.
 
Nguy cơ xảy ra xung đột
Xem những thước phim PV Thanh Niên quay ở xã Tân Thiềng (H.Chợ Lách), ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng TN-MT H.Chợ Lách, tường tận: “Chiếc sà lan này bị xử phạt hành chính 3 lần rồi. Không hiểu sao vẫn ngang nhiên hoạt động và thú thật, chúng tôi ngoài xử phạt hành chính ra cũng không thể làm gì khác”.
 
Thực tế “không thể làm gì khác” như ông Việt nói đang dẫn đến những nguy cơ mất an ninh trật tự, thậm chí có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Vào tháng 7.2018, bức xúc trước tình trạng nhà đất bị sạt lở, tài sản mất trắng, người dân ở cồn Lát kéo tới ngăn chặn 2 sà lan hút cát trên sông. Rất may chính quyền tỉnh Bến Tre có mặt kịp thời, tránh cuộc hỗn chiến có thể xảy ra giữa hai bên. Ngày 11.8, hàng trăm người dân ở ấp 5, 6 thuộc xã Thạnh Phú Đông (H.Giồng Trôm) tập trung buộc 2 sà lan bơm cát trở lại sông Hàm Luông vì cho rằng 2 sà lan này hút cát trộm…
 
Ông Phạm Anh Linh, Phó chủ tịch UBND H.Chợ Lách, cho biết thẩm quyền đàm phán, thỏa thuận về mỏ cát do UBND tỉnh quyết định. “Tình hình an ninh trật tự ở cồn Lát hiện đáng báo động nhưng chúng tôi chỉ có thể tăng cường vận động, thuyết phục bà con để tránh xảy ra bạo lực giữa các bên và chờ lãnh đạo 2 tỉnh làm việc, thống nhất cách xử lý”, ông Linh nói.
 
Trả lời PV Thanh Niên ngày 2.9, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bến Tre, cho biết đã gửi công văn đến Sở TN-MT Vĩnh Long đề nghị cho 2 mỏ cát đang khai thác tạm dừng tại khu vực “nóng” và đảm bảo khai thác cách xa bờ đất liền hiện hữu của cồn Lát tối thiểu 150 m. Theo ông Chính, trong thời gian chờ thống nhất ranh giới giữa 2 tỉnh, để tránh xung đột, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, việc tạm dừng khai thác là phương án cấp thiết. (còn tiếp)
 
Phức tạp chuyện địa bàn
Ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng phòng TN-MT H.Chợ Lách, cho biết địa giới cồn Lát do tỉnh Bến Tre quản lý nhưng nếu phân chia ranh giới theo Chỉ thị 364 năm 1990 của Thủ tướng Chính phủ thì gần 100 ha diện tích cồn Lát phần lớn nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. “Chuyện ranh giới địa bàn ở khu vực cồn Lát khá phức tạp. Trên thực tế trước năm 1990 người dân xã Tân Thiềng (H.Chợ Lách, Bến Tre) đã ra khu vực này canh tác cây lâu năm và nuôi cá. Trong khi mỏ khai thác cát được tỉnh Vĩnh Long cấp phép hiện ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cồn Lát (xã Tân Thiềng, H.Chợ Lách, Bến Tre)”, ông Việt nói.

TRÁC RIN – BẮC BÌNH