24/01/2025

Chúa Nhật XXI TN B 2018: Đức Giêsu và nền nhân bản tâm linh

Trong dòng lịch sử, con người có nhiều thái độ khác nhau đối với sự sống vĩnh hằng, ta có thể tóm lược vào 4 thái độ sống sau đây:duy vật, duy linh, nhân bản và nhân bản tâm linh.

 

Chúa Nhật XXI TN B 2018

Đức Giêsu và nền nhân bản tâm linh

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong suốt năm tuần lễ vừa qua, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu là Đấng mang lại cho chúng ta sự sống muôn thuở, hạnh phúc vô biên của Thiên Chúa. Từ Chúa Nhật 17 với phép lạ hoá bánh ra nhiều cho hàng chục ngàn người ăn, Giáo Hội giới thiệu Đức Giêsu là nguồn sống mới, là bánh trường sinh, bánh khôn ngoan, là lời ban sự sống đời đời. Trong dòng lịch sử, con người có nhiều thái độ khác nhau đối với sự sống vĩnh hằng, ta có thể tóm lược vào 4 thái độ sống sau đây:

1. Thái độ duy vật sơ khai và hiện đại

Thái độ đầu tiên gọi là duy vật vì cách đây vài trăm ngàn năm cho đến bây giờ, con người chỉ coi sự sống của mình giống như sự sống của những sinh vật kéo dài vài chục năm hoặc 100, 200 năm rồi chết là hết. Khi con người chưa phát triển khả năng suy tư của tinh thần, họ chỉ ăn để sống, sống rồi chết như một cái cây, con thú. Chúng ta gọi đó là thái độ duy vật sơ khai của những con người sống hoang dã.

Nhưng bây giờ người ta vẫn tiếp tục thái độ ấy, dù khoa học đã phát triển tột bực. Nhiều người vẫn tiếp tục nghĩ rằng con người chỉ là kết quả của vật chất ngẫu nhiên tiến hoá, tụ vào thành người rồi sẽ lại tan thành vật. Tất cả cuộc sống của họ chỉ là cố gắng học hành thật giỏi, làm việc thành công, kiếm được nhiều tiền mua được ngôi nhà đủ tiện nghi, cái xe hơi đời mới, mặc quần áo đúng mode, ăn những bữa cơm thật ngon lành thịnh soạn…Thế là cuộc đời đáng sống, rồi có chết như một con vật và bỏ lại tất cả cũng không sao! Ta gọi đó là thái độ duy vật hiện đại.

2. Thái độ duy linh

Thái độ thứ hai gọi là duy linh, cho rằng chỉ có thần linh mới có thể sống vĩnh hằng. Con người không thuộc giới thần linh, nên phải chết là lẽ đương nhiên. Các triết gia Hy Lạp, Rôma, nhiều tôn giáo vẫn nghĩ rằng chỉ những thần linh như thần Zeus, Jupiter, Mars, Minerva, Venus, Dianna… mới có thể sống mãi mãi.  Con người chỉ là đồ chơi của các thần linh. Trong những thần thoại người ta kể rằng nếu con người muốn sống bất tử thì phải được thần linh gắn bó, nên có những con người, như Hercules, Achilles.. là sự kết hợp giữa một vị thần bất tử với một người trần khả tử để sinh ra một người nửa thần nửa người.

3. Thái độ nhân bản

Thái độ thứ ba gọi là nhân bản, lấy con người khả tử làm gốc chứ không phải lấy thần linh là chính và tin rằng nếu con người cố gắng, có thể vươn đến đời sống vĩnh hằng của thần linh. Đây là thái độ của rất nhiều người theo những tôn giáo khác nhau. Họ tôn thờ nhiều thần linh khác nhau và hy vọng các thần ấy chia sẻ cho mình sự sống vĩnh hằng, sự khôn ngoan, trẻ đẹp, quyền năng vô biên của mỗi vị thần.

Trong Bài đọc I (x. Gs 24, 1. 15-18) hôm nay, ông Giôsuê giới thiệu với người Do Thái rằng họ có thể chọn lựa giữa các thần linh ở miền Lưỡng Hà, nay là nước Iran và Irắc hoặc những vị thần của dân tộc Amorê đang sống chung quanh họ. Nhưng người Do Thái nói rằng họ chỉ chọn Thiên Chúa hằng sống như chính ông đang theo, vì chính Ngài đã dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập, đã giải phóng họ thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập, nuôi họ bằng manna suốt 40 năm trong sa mạc và đưa về Đất Hứa. Họ nghĩ rằng chỉ có Thiên Chúa đó mới có thể chia sẻ cho con người sự sống vĩnh hằng. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Ga 6, 51-58) đã cảnh báo cho người Do Thái rằng: “Tổ tiên họ đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết … Còn Người mới là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,49. 51). Người giới thiệu để cho con người hiểu rằng họ có thể đạt được sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa.

Con đường nhân bản rất đẹp này được Đức Phật Thích Ca giảng dạy cách đây hơn 2500 năm. Sau khi theo đuổi nhiều tôn phái khác nhau nhưng không đạt được kết quả, Ngài đã giác ngộ tìm ra được con đường giúp con người đạt đến sự sống vĩnh hằng. Trong bài giảng quan trọng ở Bênares, Ngài giới thiệu 4 chân lý căn bản cho con người, đó là: khổ-dục-diệt-đạo. Đời sống của con người tất cả đều là khổ, đều là vô thường. Nguyên nhân cái khổ là lòng dục của con người. Muốn thoát khổ thì phải diệt cái dục đó. Muốn diệt được dục thì phải theo bát chánh đạo, nghĩa là 8 hướng chân chính để con người có thể đi và đạt được hạnh phúc: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định. Tín đồ Phật giáo cố gắng giữ ngũ giới (5 điều xấu: tránh sát sinh, tránh trộm cắp, tránh tà dâm, tránh gian dối, tránh say sưa rượu chè).

Con đường nhân bản này chỉ tin vào sức mạnh của chính mình, không cần bất cứ thần linh nào giúp sức. Vì thế để có thể chuyển đổi từ một con người vô thường, hữu hạn, tỗi lỗi, đầy dục vọng, con người phải trải qua hàng tỷ kiếp tu thân, tích đức, mỗi kiếp thanh luyện mình một chút để một ngày nào đó mới thoát ra khỏi vòng luân hồi, không còn bị chi phối theo luật nhân quả và đạt đến cõi Niết Bàn. Khoảng 400 triệu người trên thế giới đang đi theo con đường của Đức Phật Thích Ca.

4. Thái độ nhân bản tâm linh

Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một con đường mới. Con đường này là chính Người khi nhắc nhở chúng ta rằng: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13).  Tự bản thân, khi đang là loài thụ tạo khả tử, hữu hạn, bất toàn, tội lỗi, con người không thể nào tự mình trở thành bất tử, vô hạn, hoàn hảo, thánh thiện như Thiên Chúa Tạo hoá vì không ai có thể tự cho cái mình không có. Như thế, con đường mà Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta không phải chỉ lấy con người làm gốc để tự cứu độ mình như con đường của Đức Phật Thích Ca, mà nó mang ý nghĩa nhân bản tâm linh vì cần đến sự can thiệp của Thần linh trong tâm hồn của con người.

Nhân bản vì vẫn lấy con người làm gốc, nhưng đây là Con Người đã được Ngôi Lời Thiên Chúa đón nhận, vì Ngôi Lời đã trở thành Đức Giêsu Kitô. Tâm linh vì được thần linh, được Thiên Chúa, khai sáng tâm hồn để trở thành một với Đức Giêsu. Thiên Chúa vì yêu thương đã dựng nên con người, cho con người được tự do để yêu thương hay từ khước Ngài. Con người đã từ chối tình yêu ấy, đã cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa nên đánh mất sự sống vĩnh hằng và mọi ân phúc cao cả như trẻ đẹp, khôn ngoan, thánh thiện, quyền năng. Con người không thể tự cứu được mình, nên Thiên Chúa đã sai con của Ngài xuống thế trở thành người, để nâng con người lên trở thành Thiên Chúa như Ngài, sau khi cho Con của Ngài là Đức Giêsu đã chết để đền tội cho chúng ta.

Như vậy, chúng ta chỉ cần một kiếp ở đời này mà thôi, nếu ta sống kiếp đó với niềm tin trọn vẹn vào Chúa Giêsu, đón nhận Người, gắn bó mật thiết với Người thì Người chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu, phi thường, vĩnh hằng của chính Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong Bài đọc II (Eph 5,21-32) đã nói rằng: chúng ta là hiền thê của Đức Kitô Giêsu, Người là người chồng của ta, cả hai gắn bó với nhau thành một thân thể nhiệm mầu để Người chuyển thông cho ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và sự sống phi thường của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ được sống muôn đời”. Nhiều người Do Thái, và ngay cả các môn đệ, thấy lời đó hết sức chướng tai, bởi vì họ không thể chấp nhận chuyện ăn thịt và uống máu người khác. Họ cũng không thể chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, vì họ chỉ tin một Thiên Chúa Giavê. Dù rằng những môn đệ ấy đã tận mắt thấy Người làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, cho kẻ chết sống lại, chữa lành bệnh nhân… họ vẫn bỏ Chúa Giêsu!

Lời kết

Trong thực tế của đời sống, chúng ta luôn được tự do để chọn lựa các thái độ sống trên đây và cũng trân trọng việc chọn lựa thái độ sống của người khác. Tuy nhiên, lịch sử của Giáo hội Công giáo và sự chọn lựa của hơn 2,2 tỉ người hiện nay đang theo con đường nhân bản tâm linh của Chúa Giêsu như mời gọi chúng ta tìm hiểu thái độ sống của mình. Chúng ta có thể xác tín như Phêrô hay như các môn đệ trong suốt dòng lịch sử con người rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai. Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu trong con người tầm thường, yếu đuối, hữu hạn của mình.