24/01/2025

Chúa Nhật XX TN B 2018: Bánh khôn ngoan

Muốn được ơn khôn ngoan, điểm cơ bản là ta phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong đời sống, để nhờ sự thông hiệp với Chúa Cha, thở được Thần Khí là Chúa Thánh Thần, chúng ta biết sử dụng bộ não của mình để học hành, làm việc, thu nhận những kiến thức, biết tổng hợp và phân tích, biết chọn lựa và quyết định, biết hành động thế nào cho hiệu quả nhất theo ý của Thiên Chúa.

Chúa Nhật XX TN B 2018

Bánh khôn ngoan

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tập trung vào chủ đề “Bánh khôn ngoan”. Thiên Chúa mời gọi chúng ta tìm đến với Đức Giêsu, là tấm bánh trường sinh từ trời xuống, để Người chia sẻ cho ta sự sống vô cùng khôn ngoan và kỳ diệu của Thiên Chúa. Nhưng khôn ngoan là gì và làm sao để đạt được sự khôn ngoan thật sự? Đó là câu hỏi đáng cho ta quan tâm.

1. Khôn ngoan là gì?

Xét theo nghĩa thông thường, “khôn là có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có” (x. Viện Ngôn ngữ, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr.656). Khôn ngoan là khéo trong cách xử sự và tài giỏi trong hành động. Trong Ca dao ta vẫn thường nghe:

Nước lã mà vã nên hồ
Tay không dựng nổi cơ đồ mới ngoan.
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

Trong lĩnh vực Công giáo, khôn ngoan “là ơn giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh, phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó” (x. Sách GLHTCG, số 1835).

“Khôn ngoan là ơn đầu tiên trong 7 ơn của Chúa Thánh Thần, liên quan mật thiết với ơn hiểu biết. Ơn khôn ngoan làm cho tín hữu gắn bó với Thiên Chúa, cảm nếm được sự dịu ngọt và an bình khi chiêm ngắm các mầu nhiệm và suy gẫm các chân lý đức tin. Ơn này làm cho tín hữu phán đoán đúng đắn mọi sự và hướng dẫn người khác sống kiên vững trong đức tin” (HĐGMVN, Từ điển Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2016, tr.486).

2. Con người đi tìm sự khôn ngoan

Như thế, khôn ngoan vừa là một ân sủng cao quý vừa là một đức tính nhân bản cần thiết trong cách cư xử của con người. Chúng ta ai cũng muốn trở thành người khôn chứ không muốn trở thành kẻ dại. Nhiều phụ nữ mang thai chỉ muốn sinh được những đứa con khôn ngoan tài giỏi. Vì thế họ cố gắng ăn những đồ bổ, uống những thứ sữa thông minh để nuôi dưỡng bào thai. Khi sinh con rồi thì mua những thứ sữa thông minh, thí dụ như Similac IQ có pha thêm những chất DHA, ARA, AA, Cholin, Taurin… để đứa trẻ phát triển nhanh bộ não. Các quán ăn người Tàu vẫn bán các món như óc heo tiềm thuốc Bắc có thêm hạt kỷ tử để bồi bổ trí não cho những người làm việc nhiều về tinh thần, các học sinh ôn thi…

Tuy nhiên, sự khôn ngoan không bắt nguồn từ đồ ăn, thức uống, dù con người cần bộ não như một phương tiện căn bản để có suy tư và cảm xúc. Thí dụ đơn giản sau đây giúp ta hiểu bộ óc vận hành lạ lùng như thế nào: khi ta nói từ “nhà”, bộ óc có một vùng gọi là ngôn ngữ Broca để giúp ta phát âm được từ nhà; một vùng khác gần đó gọi là Wernicke giúp ta hiểu nhà chỉ một nơi để ở; vùng thứ ba Geschwind nối kết hai vùng trên để gắn từ phát âm và nghĩa với nhau. Nhưng để nói và hiểu được từ “nhà”, ta cần vùng vỏ não thính giác để nghe và nhớ cách phát âm, cần vùng vỏ não thị giác ở sau gáy để nhớ hình ảnh các ngôi nhà đã nhìn thấy, vùng vỏ não vận động ở đỉnh đầu để tác động đến môi, miệng, lưỡi, thanh quản…Tất cả dữ liệu các vùng lại được tổng hợp ở phần trán, rồi chúng ta mới có thể nói và hiểu được “nhà” là cái gì (x. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2016, tr.304-306).

Khi hiểu được cấu trúc của bộ não, ta có thể giúp cho các người bệnh tâm thần, trẻ tự kỷ và các em học sinh yếu kém phát huy được khả năng của mình nhờ kích thích các vùng não bằng cách xoa bóp, hít thở nhiều để có nhiều oxy trong máu ở não, tác động bằng hệ thống máy Brainmaster theo phương pháp phản hồi thần kinh (Neuro feedback). Chúng tôi đã chữa được nhiều bệnh nhân, các trẻ tự kỷ đã nói được, hiểu được, nghe được nhờ các phương pháp này

Nhưng tinh thần không lệ thuộc vào những thức ăn, hay những tác động thể lý. Chúng ta biết tinh thần có các chức năng chính như: trí hiểu, trí nhớ, ý chí (ước muốn), trí tưởng tượng; óc sáng tạo, óc phán đoán; tính năng hành động, cảm xúc, mẫn cảm, tính năng tổng hợp hay phân tích… Không phải ăn đủ thứ đồ bổ thì chúng ta có khả năng hiểu biết sâu xa, nhớ lâu, ý chí mạnh mẽ, biết thu nhận những tri thức, chọn lựa và quyết định đâu là điều đúng điều sai, điều thiện điều ác, điều đẹp điều xấu. Vậy ơn khôn ngoan cũng như các tài năng của tinh thần bắt nguồn từ đâu? Các bài Thánh Kinh hôm nay đã cho chúng ta biết được nguồn đó.

3. Thiên Chúa là nguồn khôn ngoan

Trước hết, khôn ngoan là một ơn bắt nguồn từ Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, vì khôn ngoan thuộc về tinh thần của con người.

Bài đọc I (x. Cn 9,1-6) trình bày đức khôn ngoan được nhân cách hoá ở trong Thiên Chúa như một Đấng xây dựng toà nhà lớn lao (có tới 7 cột), dọn bữa tiệc thịnh soạn để mời tất cả những kẻ ngây ngô, khờ dại đến ăn bánh khôn của mình. Thánh Phaolô, trong Bài đọc II (x. Ep 5,15-20) cũng dạy chúng ta cách sống để nhận được ơn khôn ngoan: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan… Hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè dẫn tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa…“. Chúa Thánh Thần sẵn sàng ban cho ta ơn khôn ngoan và các ân sủng khác nếu chúng ta tha thiết cầu xin Ngài.

Qua bài Tin Mừng (x. Ga 6,51-58), Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống… ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy“.

Khi ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, nhất là qua Bí tích Thánh Thể, thì máu thịt của Chúa Giêsu hoà nhập vào máu thịt của ta, đồng thời cũng chuyển thông sang ta sự sống phi thường, tình yêu vô biên, sự khôn ngoan vô tận, quyền năng vô cùng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là nguồn khôn ngoan và khi làm người, Chúa Giêsu là sự khôn ngoan cụ thể, hữu hình của Thiên Chúa. Vì thế, gắn bó với Chúa Giêsu là chúng ta trở thành người khôn ngoan, tài giỏi, phi thường, dù ta không được uống những loại sữa thông minh, không được học những trường học danh tiếng, không có những bằng cấp tối ưu hay chức quyền tối thượng.

Hôm qua tôi gặp một gia đình, cha mẹ quản trị một đại học danh tiếng của thành phố này, tài sản trị giá hàng trăm tỉ đồng. Gia đình ăn toàn đồ ăn cao cấp, nhưng đứa con 25 tuổi lại rất ngu dại. Như thế, sự khôn ngoan chẳng bắt nguồn từ đồ ăn, bằng cấp, điều kiện xã hội kinh tế bên ngoài.

Muốn được ơn khôn ngoan, điểm cơ bản là ta phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu trong đời sống, để nhờ sự thông hiệp với Chúa Cha, thở được Thần Khí là Chúa Thánh Thần, chúng ta biết sử dụng bộ não của mình để học hành, làm việc, thu nhận những kiến thức, biết tổng hợp và phân tích, biết chọn lựa và quyết định, biết hành động thế nào cho hiệu quả nhất theo ý của Thiên Chúa. Như thế dần dần chúng ta cảm nghiệm được ơn khôn ngoan Chúa ban để phục vụ Chúa và mọi người.

Tôi xin phép chia sẻ với anh chị em một kinh nghiệm cá nhân về ơn khôn ngoan. Năm 1975, tôi mới 27 tuổi, cả gia đình tôi sang Hoa Kỳ còn tôi ở lại Việt Nam. Lúc đó tôi làm phó giám đốc Caritas Việt Nam dưới quyền của Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận – Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chính quyền nghi ngờ tôi là nhân viên CIA cài lại, giữ vàng bạc của Đức cha Thuận để nuôi người nghèo khổ, những người đi vùng kinh tế mới, nên đặt nhiều bẫy bắt tôi, cấm không cho tôi dâng lễ ở nhà thờ.

Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình rất thương tôi, nên sai tôi đi làm công nhân ở nhà máy in LIKSIN cho bớt căng thẳng. Nhà máy giao cho tôi cả hệ thống sắp chữ phim MonoPhoto với 10 máy, và tôi làm tổ trưởng sản xuất. Hệ thống này thời đó là hiện đại nhất Đông Nam Á, do các kỹ sư người Anh điều khiển nhưng đã bỏ về nước. Một số máy hỏng không có phụ tùng thay thế. Tôi chỉ biết cầu nguyện với Chúa Giêsu, làm việc dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Chúng tôi phục hồi cho chạy được tất cả các máy trong hệ thống và còn có nhiều khám phá mới, sáng kiến mới, nên ba đại học ở TPHCM đã mời tôi dạy trong 16 năm cho các sinh viên về bộ môn Kỹ thuật Chữ và Kỹ thuật Sắp chữ.

Lời kết

Kinh nghiệm này như muốn nhắc nhở tôi hãy gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, học hành và làm việc với Chúa Thánh Thần để nhận ơn khôn ngoan và tình yêu của Chúa Cha. Từ đó ta mới có thể trở thành người khôn ngoan để làm sáng danh Chúa và mưu ích cho muôn loài.