06/01/2025

ĐHY Farrell: Dân tộc Ireland đâm rễ sâu trong đức tin Kitô

ĐHY Farrell: “Chúng tôi cầu mong rằng nhờ cuộc gặp gỡ này các gia đình có thể chiếm hữu được một ý thức mạnh mẽ hơn về ơn gọi của mình, là làm chứng cho niềm vui đối với thế giới, mặc dù có các khó khăn đó đây không thể tránh được trên đường đi.”

 ĐHY Farrell: Dân tộc Ireland đâm rễ sâu trong đức tin Kitô

 

 
ĐHY Farrell: “Chúng tôi cầu mong rằng nhờ cuộc gặp gỡ này các gia đình có thể chiếm hữu được một ý thức mạnh mẽ hơn về ơn gọi của mình, là làm chứng cho niềm vui đối với thế giới, mặc dù có các khó khăn đó đây không thể tránh được trên đường đi.”

Bối cảnh xã hội đặc biệt của Ai len đang đặt ra những thách thức cho Giáo hội. Tuy nhiên, đối với ĐHY Kevin Farrell, Tổng trưởng của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, trong những lo âu này có ẩn chứa những tích cực và hy vọng, và ĐHY tin rằng tín hữu Ireland  sẽ tỏ cho thế giới thấy họ là một dân tộc được đâm rễ sâu trong đức tin

Hỏi: Thưa ĐHY, ĐHY chờ đợi những gì từ cuộc gặp gỡ này của các gia đình Công giáo thế giới với ĐTC?

Đáp: Các chờ đợi thì nhiều lắm, nhưng mục đích nền tảng, một cách chính yếu, là việc phát triển mục vụ gia đình một cách rộng rãi, như đã được đề ra trong Tông huấn “Niềm vui Yêu thương”, trong một bối cảnh của chủ thuyết cá nhân chủ nghĩa quá đáng, có nguy cơ làm lu mờ vẻ đẹp của hôn nhân và gia đình. Các lược đồ và phương pháp mục vụ gia đình trong quá khứ xem ra không hiệu quả trước các thay đổi xã hội sâu rộng ngày nay. Trong tình trạng mới mẻ triệt để này và thường khi bất ổn, chúng tôi cảm thấy có bổn phận phải chuẩn bị và đồng hành với các cặp hôn nhân một cách dấn thân và liên tục hơn, như là một “dự tòng” đích thực, thực thụ, theo kiểu diễn tả rất hay của ĐTC Phanxicô. Đây không chỉ là việc tổ chức các khoá dự bị hôn nhân hay tiền hôn nhân: vấn đề sâu rộng hơn nhiều, và liên quan tới việc đồng hành với các cặp vợ chồng, cả trong các năm đầu đời hôn nhân, đồng hành với các người nam nữ quyết định tham gia vào chương trình của Thiên Chúa. Trong quá khứ, nhiệm vụ tế nhị và tuyệt vời này được giao cho các gia đình, các hạt nhân nối dài tạo thành mạng lưới nâng đỡ, nhưng ngày nay đã biến mất vì các liên lạc lỏng lẻo hay một cách đơn sơ hơn, vì các khó khăn khách quan trong việc đồng hành với con cái. Chằng hạn vì các đòi hỏi của công ăn việc làm con cái bị bó buộc phải sống xa nơi là gốc gác của mình, không còn gần cha mẹ và người thân nữa.

Hỏi: Bối cảnh của Ireland, đặc biệt bối cảnh lịch sử đã để lại cho quốc gia này gia tài bao gồm nhiều vết thẹo và bầu khí đôi khi hơi bão táp. Chỉ cần nghĩ tới cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới việc cho phép phá thai mới đây. Cuộc gặp gỡ này của các gia đình Công giáo thế giới có giá trị gì trong một bối cảnh như thế, thưa ĐHY?

Đáp: Nó luôn luôn là một thời điểm đặc biệt ý nghĩa để nhớ lại và củng cố cuộc sống và sứ mệnh của gia đình. Bầu khí thực sự phức tạp mà quý vị vừa nên lên là điều không thể chối cãi, nhưng nó chứa đựng trong nó một mầm giống của sự tái sinh. Trong cuộc sống gia đình có bao gồm sức mạnh để loan báo niềm vui cho thế giới. Quý vị sẽ thường nghe lặp lại trong các ngày này và chúng tôi sẽ không mệt mỏi loan báo điều đó, loan báo rằng gia đình luôn luôn là một tài nguyên, một nâng đỡ cho thiện ích chung và cho cuộc sống của Giáo Hội – với tự vị đặc biệt dựa trên văn phạm của tình yêu thương. Cuộc gặp gỡ tại Dublin là một cuộc hẹn hò lớn của các gia đình Công giáo, gặp nhau để biểu lộ niềm tin riêng của mình và làm chứng cho thế giới, cho tất cả mọi gia đình và mọi người thiện chí thấy niềm vui của Phúc Âm được sống thực, mặc dù trong sự đơn sơ và hạn hẹp của điều kiện sống riêng. Cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình không có chủ ý thay đổi giáo lý Công giáo về hôn nhân, trái lại cố ý cho thấy sự phong phú và vẻ đẹp của nó, nhất là cho thấy dấu chỉ của niềm vui. Và đó chính là ý nghĩa của đề tài “Phúc Âm gia đình: Niềm vui cho thế giới”.

Hỏi: Đại hội Gia đình Quốc tế phong phú và có cấu trúc rất tốt với các chuyên viên và các chứng từ đến từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm 20 đề tài, từ mục vụ của Tông huấn “Niềm vui Yêu thương”  tới vấn đề di cư, sang tới việc săn sóc thụ tạo: gia đình là nhân vật chính tuyệt đối trong mọi khía cạnh. Chúng ta có thể cho thấy một cái nhìn toàn cảnh hay không, thưa ĐHY?

Đáp:  Qua một lộ trình được lý luận và có hiệu quả cụ thể đại hội thảo luận về cả 9 chương của Tông huấn “Niềm vui Yêu thương”, bằng cách cống hiến một quang cảnh chung về giáo lý, mục vụ, và kinh nghiệm cụ của toàn tông huấn. Sợi chỉ đỏ dẫn đường cho ba ngày đại hội là việc đào tạo hôn nhân trước, gần và tiếp theo ngày lấy nhau. Nó không chỉ quan trọng để phòng ngừa các xung đột và các vấn đề, nhưng cũng quan trọng vì chính ơn gọi lãnh nhận Bí tích Hôn Nhân cần phải được chuẩn bị, đồng hành, theo dõi và chăm sóc trong thời gian. Đại hội và cuộc gặp gỡ của các gia đình Công giáo sẽ đạt tột đỉnh với sự hiện diện của ĐTC Phanxicô, một cách hữu hình và có tính cách đại diện cao độ của toàn thể Giáo hội Công giáo. Nó muốn là hoa trái chín mùi của hai Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình và giáo huấn mục vụ của ĐTC được cống hiến trong Tông huấn “Niềm vui Yêu thương”, cũng như trong nhiều can thiệp tiếp nối của ngài, và trong công trình cải tổ các cơ quan trung ương Toà Thánh, liên quan tới Bộ của chúng tôi chính là để “săn sóc mục vụ cho giới trẻ, gia đình và sứ mệnh của nó” (Khoản 1 trong Quy chế).

Hỏi: Vị Giáo hoàng cuối cùng viếng thăm Ireland đã là Đức Gioan Phaolô II hồi năm 1979. Khi ĐTC Phanxicô đã thông báo ngài sẽ tham dự Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới, tín hữu Ireland đã phản ứng với sự hứng khởi rất lớn, đến độ các vé tham dự thánh lễ và lễ hội gia đinh đã hết sạch chỉ trong thời gian ngắn. Giữa âm nhạc, các chứng từ và các lúc chia sẻ đích thực, trên sân khấu các gia đình sẽ nhập thể một cách thực sự “niềm vui cho thế giới” là đề tài ĐTC Phanxicô đã chọn cho đại hội lần thứ IX này…

Đáp: Dân tộc Ireland đâm gốc rễ trong đức tin kitô một cách sâu đậm ngoại thường.

Hỏi: Ireland đã đáp trả việc chuẩn bị cho biến cố trọng đại này và nhất là tin ĐTC viếng thăm, với sự quảng đại lớn lao và lòng hăng say hứng khởi, có đúng thế không, thưa ĐHY?

Đáp: Đúng thế. Chúng tôi cầu mong rằng nhờ cuộc gặp gỡ này các gia đình có thể chiếm hữu được một ý thức mạnh mẽ hơn về ơn gọi của mình, là làm chứng cho niềm vui đối với thế giới, mặc dù có các khó khăn đó đây không thể tránh được trên đường đi. Chúng tôi xác tín rằng khi nhìn vào tấm gương và chia sẻ với các gia đình khác, ơn gọi là niềm vui cho thế giới này sẽ ban tặng cho tất cả mọi người một kiểu sống gia đình hơn, phù hợp với nòng cốt đích thực của Kitô giáo hơn.
 
 
 

Linh Tiến Khải