24/01/2025

Chúa Nhật XVIII TN B 2018: Ăn để sống hay sống để ăn?

Cha ông chúng ta thường dạy: “ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Nhưng “sống là gì” và “sống như thế nào mới đáng sống” thì người ta lại ít nghĩ đến, nên người ta cũng không biết ăn gì và ăn như thế nào để sống cho xứng đáng.

 

Chúa Nhật XVIII TN B 2018

Ăn để sống hay sống để ăn?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về một hành động thường làm hằng ngày trong đời sống, đó là ăn uống. Cha ông chúng ta thường dạy: “ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Nhưng “sống là gì” và “sống như thế nào mới đáng sống” thì người ta lại ít nghĩ đến, nên người ta cũng không biết ăn gì và ăn như thế nào để sống cho xứng đáng.

1. Sống là gì?

Từng giây phút chúng ta đang sống, nhưng nếu hỏi sống là gì và sống như thế nào thì cũng không dễ dàng trả lời. Mở cuốn từ điển giá trị nhất hiện nay là bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, với hơn 4000 trang khổ lớn do hơn 100 tiến sĩ và giáo sư hàng đầu Việt Nam soạn thảo, chúng ta thấy họ không định nghĩa được sống là gì. Nếu mở cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, ta thấy định nghĩa: “sống là tồn tại ở tình trạng có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh sản, lớn lên và chết”. Câu định nghĩa này chỉ mô tả các chức năng của “sự sống” chứ không định nghĩa nó.

Sự sống là một cái gì hiển nhiên, không cần minh chứng, vì nó đang ở trong ta và trong những loài sống động quanh ta. Sự sống là một cái gì lạ lùng, thiêng liêng, cao quý, nhưng đồng thời nó cũng có vẻ tạm thời, mong manh, thậm chí vô nghĩa. Nhà văn Jean Paul Sartre, ông tổ của thuyết Hiện sinh vô thần, còn cho nó là phi lý. Phi lý, vô nghĩa, tạm thời, vì chỉ cần một làn gió nóng thoảng qua, bông hoa tươi đẹp này sẽ chết ngay. Chỉ cần một hành động đổ nước thải ra ngoài biển như vụ Formosa năm 2016 ở Hà Tĩnh thì hàng triệu tôm cá đã chết và làm ô nhiễm môi trường sống của con người. Chỉ cần uống nhầm một thứ thuốc nào đó, hay bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não thì nhiều người cũng hết sống, và bỏ lại tất cả!

Nhưng sự sống vẫn là một thực tại nhiệm mầu cần chúng ta khám phá không ngừng,  vì từng ngọn cỏ, cành hoa, con bướm cũng đã làm mê mẩn biết bao nhà bác học để tạo nên các khoa học hiện nay. Vào trong các bệnh viện, chúng ta sẽ thấy các bác sĩ  giành giật từng giây phút sống cho bệnh nhân và người thân sẵn sàng tốn cả triệu, cả tỉ đồng để mong cho người bệnh được sống. Sự sống quả thật quý báu, linh thiêng nên ai cũng muốn sống dồi dào, khoẻ mạnh, hạnh phúc. Vì thế mà người ta cố gắng ăn để sống thật dồi dào vì chỉ cần nhịn đói một hai ngày là cơ thể chúng ta rũ liệt và hầu như mất cả sức sống.

2. Những người sống để ăn

Vì quá quan tâm đến ăn nhưng không nhận ra giá trị sống nên không thiếu những người sống chỉ để ăn. Ăn là hành động đưa lương thực vào hệ tiêu hoá để thu nhận, biến đổi, phân giải các thức ăn về mặt vật lý và hoá học, chiết xuất các chất dinh dưỡng có ích từ đồ ăn và bài tiết những thứ không cần thiết ra ngoài. Hành động này cần thiết vì cung cấp các chất dinh dưỡng cho ta sống khoẻ mạnh, có sức học hành để trở thành người hiểu biết, có điều kiện mở ra cho những giá trị tinh thần cao cả. Nhưng khi con người chỉ ăn theo bản năng, họ đánh mất giá trị của việc ăn như là phương tiện cho sự sống, và ăn trở thành mục đích cho cuộc sống của họ: sống để ăn.

Những người Do Thái, trong Bài đọc I (x. Xh 16,2-15), nói với ông Môsê và ông Aharon rằng: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!”. Họ thích sống nô lệ để ăn chứ không muốn sống tự do. Họ thích sống tủi, sống hèn, sống nhục. Nhà ái quốc Phan Bội Châu, trong bài Sống của ông, cũng nói với hạng người này:  

Sống tủi làm chi đứng chật trời?

Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?

Sống làm nô lệ cho người khiến,

Sống chịu ngu si để chúng cười.

Sống tưởng công danh, không tưởng nước,

Sống lo phú quý, chẳng lo đời.

Sống mà như thế, đừng nên sống!

Sống tủi làm chi đứng chật trời?”.

Những lời đó cũng nhắn gửi cho nhiều người trong thời đại hôm nay. Người ta bán đất nước, bán tự do, bán danh dự, bán lương tâm để kiếm tiền bạc, danh vọng, chỉ để ăn, từ ăn những thứ vật chất đến ăn cắp, ăn chận, ăn bớt của công… . Người ta đi tìm những của ngon vật lạ, ăn những thứ đặc sản trong nước hay ngoài nước cho thoả mãn bản năng của mình. Nhưng nếu nghiên cứu về ăn, chúng ta biết cơ thể chỉ cần khoảng 20 hoá chất, mà 4 hoá chất chính là Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ chiếm tới 96% trọng lượng cơ thể, chỉ còn ít khoáng chất thêm vào như Calci, Sắt, Đồng, Chì, Kẽm… Dù của ngon vật lạ có là nem công, chả phượng, tay gấu hay cả thai nhi như ở Trung Quốc, thì chúng chỉ lừa dối vị giác, xúc giác, khứu giác của ta, chứ đi vào ruột rồi thì tất cả đều chuyển thành những chất đơn giản mà thôi.

Người Công giáo chúng ta cần thay đổi cách ăn để hiểu được cách sống. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc (x. Ep 4,17-24) hôm nay: “Anh em đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo  những tư tưởng phù phiếm của họ… Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và phải mặc lấy con người mới, được sáng tạo  theo hình ảnh của Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”.

Qua bài Tin Mừng (x. Ga 6,24-35), Đức Giêsu cũng vạch trần thái độ sống để ăn của người Do Thái: “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Người mời gọi họ cũng như  chúng ta: “ Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại sự sống vĩnh hằng”. Phép lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu đáng lý phải làm cho người Do Thái nhận ra quyền năng siêu việt có thể giúp họ đạt tới sự sống phi thường thì họ chỉ dừng lại ở việc được ăn bánh cá thoả thuê.

3. Làm việc để sống vĩnh hằng

Chúng ta biết rằng có ba bậc sống, nhưng nhiều người chưa xác định mình đang ở bậc sống nào. Bậc sống đầu tiên là sống theo bản năng, giống như loài thực vật và động vật; bậc sống thứ hai là của con người có lý trí, có cảm xúc; bậc sống thứ ba là của những loài chỉ có tinh thần để hướng đến một sự sống vĩnh hằng với những giá trị cao quý như tự do, sự thật, công lý, bình an, tình yêu, hạnh phúc… Chúng ta ăn để sống và tìm được sự sống cao quý nhất mà chỉ có con người mới có thể đạt được và chuyển hoá được cho các loài thực vật (rau, củ, quả) và động vật (con tôm, con cá…) mà chúng đã hy sinh sự sống cho chúng ta trong bữa ăn hằng ngày.

Rất nhiều người đã biết ăn để sống, và sống là để làm việc. Người ta làm việc là để kiếm tiền mua được cái xe, cái nhà, để sắm sửa đầy đủ cho vợ con, gia đình. Điều đó là đúng và cần thiết. Nhưng tất cả những hoạt động đó phải hướng đến mục đích cuối cùng là sự sống vĩnh hằng mà chỉ có Đức Giêsu mới có thể ban cho con người. Nếu không đạt được sự sống này, tất cả đều vô nghĩa, tạm bợ và phi lý.

Nhưng muốn làm được việc thì ta phải biết từng loại công việc cần đến những thứ đồ ăn nào. Có người coi “miếng ăn là miếng nhục” nên người ta coi thường việc ăn uống. Có những tín hữu cho “thân xác là 1 trong 3 kẻ thù” và nghe theo những lời dạy thiếu khoa học của vài phong trào đạo đức nào đó, nên ăn uống không đủ chất dinh dưỡng khiến thân xác suy nhược, không có sức làm việc. Vì thế, theo lời dạy của Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng, chúng ta phải trân trọng việc ăn uống và ăn theo khoa học, theo văn hoá của người Công giáo.

Nhiều người sợ béo phì, sợ mất đi hình dáng thon thả, gọn gàng nên kiêng ăn nhiều thứ. Ăn theo khoa học là ta phải ăn đủ bốn chất chính là đường (Glucid) cần cho các cơ bắp, mỡ (Lipid) để dự trữ năng lượng, đạm (Protid) để giúp cho não hoạt động tốt, cuối cùng là các vitamin và các khoáng chất giúp cho cơ thể phát triển đầy đủ. Nhưng có nhiều người không chịu ăn rau, không chịu ăn cá vì sợ tanh. Nhiều bệnh nhân không thay đổi quan điểm ăn uống thì không thể chữa khỏi bệnh tật.

Lời kết

Như thế, ăn là việc rất quan trọng để ta có đủ sức khoẻ làm việc. Nhưng công việc cao cả nhất mà mọi  hành động của chúng ta đều phải quy chiếu vào, đó là tin vào Đức Giêsu. “Người là bánh hằng sống” sẽ giúp ta cảm nhận được sự sống phi thường, vĩnh cửu khi ta “ăn “ Người. Ta sẽ ăn như Người như thế nào, đó là chuyện ta sẽ bàn vào tuần tới.