24/12/2024

Chúa Nhật XVII TN B 2018: Chúa Giêsu trước cơn đói của con người

Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về thái độ của Đức Giêsu đứng trước cơn đói của con người để thúc đẩy chúng ta nhận thức và hành động tích cực như Người.

 

Chúa Nhật XVII TN B 2018

Chúa Giêsu trước cơn đói của con người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về thái độ của Đức Giêsu đứng trước cơn đói của con người để thúc đẩy chúng ta nhận thức và hành động tích cực như Người.

1. Cơn đói của con người

Đến nhà thờ hay ra ngoài đường, nhiều người chúng ta thấy ai cũng ăn mặc sạch sẽ và luôn vui vẻ chứ ít gặp những con người đói khát đến độ đi không vững, phải dựa vào cổng vào tường của nhà nào đó. Chính quyền cũng quyết tâm không để cho một người nào đói khổ.

Nhưng, nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy tình trạng đói khổ đang lan rộng khắp thế giới. ĐTC Phanxicô đã viết trong lời giới thiệu của cuốn Docat về tình trạng ấy, ngày 6/11/2015 rằng: “Chỉ 1% dân số toàn cầu đang chiếm giữ 40% tài sản thế giới; chỉ 10% dân số toàn cầu chiếm giữ 85% tài sản thế giới và có tới nửa dân số toàn cầu chỉ được hưởng 1% tài sản thế giới”.

Hiện nay chúng ta có hơn 7 tỉ người trên toàn cầu, trong đó có gần 1 tỉ người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực, kiếm không được 23.000 đồng/ngày và mỗi năm có khoảng gần 100 triệu người chết vì đói. Nhìn vào xã hội Việt Nam, chúng ta có khoảng 95 triệu người và theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, chúng ta có khoảng 15 triệu người sống trong cảnh đói khổ cùng cực. Hàng chục ngàn người đi nhặt ve chai, bới moi thùng rác suốt đêm để nhặt chai nhựa, vỏ bia và kiếm được khoảng 30.000 đồng! Những người bán vé số dạo mỗi ngày đi bộ chừng 10 tiếng đồng hồ, khoảng 40km, nếu bán được 50 vé số thì họ kiếm được khoảng 50.000 đồng. Nhưng nếu rơi vào đêm mưa, ngày vắng khách là họ bị đói ngay.Nói như vậy để chúng ta thấy biết bao nhiêu con người đói khổ quanh mình, nhưng đó mới chỉ là đói cơm bánh mà thôi.

Còn biết bao nhiêu tình trạng đói khổ khác, đói thuốc men chẳng hạn: cả hàng chục triệu người bệnh trong các bệnh viện, trong trạm y tế không kiếm ra thuốc thật sự tốt để chữa bệnh vì nhiều xí nghiệp dược làm thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Họ mua chuộc một số bác sĩ vô lương tâm để cho toa thuốc thật nhiều tiền, hoặc chỉ cho những thuốc để giảm đau để nuôi bệnh chứ không thật sự chữa nguyên nhân gây bệnh do chất lượng đào tạo sa sút của ngành y dược hiện nay, đến nỗi một số người bệnh phải tán gia bại sản vì những ca giải phẫu nhiều khi không cần thiết.

Đi xa hơn nữa, chúng ta thấy tình trạng đói khổ về tri thức, về các giá trị văn hoá, về ân sủng còn trầm trọng hơn khiến nhiều người không thể sống cho xứng đáng là con người và là con cái Thiên Chúa. Mỗi ngày, biết bao tờ báo, trang mạng, internet đăng những tin tức vớ vẩn, giải trí thấp kém, nặng tính kích dục như: nghệ sĩ này ăn mặc lộ nội y ra ngoài, cầu thủ kia đánh ghen đến nỗi phải đưa vô bệnh viện, những bộ phim, trò chơi cổ vũ bạo lực, ma quái, đồi truỵ… nhưng lại cuốn hút chính chúng ta, nhất là các bạn trẻ, để tất cả chúng ta lâm vào tình trạng đói khổ tinh thần.

2. Đức Giêsu hành động

Đức Giêsu đang mời gọi chúng ta khám phá ra tình trạng đói khổ của nhiều người quanh ta để có một hành động đúng đắn giống như tiên tri Elisê trong Bài đọc I (x. 2V 4,42-44) hôm nay: ông đã chia sẻ cho những ai đang đói 20 tấm bánh người ta mang đến tặng cho ông. Trong tình trạng đói khổ lâu ngày, ai cũng muốn giữ lại lương thực cho mình hay cho những người làm việc với mình để ăn dần, nhưng Êlisê tin vào tình yêu an bài của Thiên Chúa nên quảng đại phân phát cho người.

Chúa Giêsu thấy đám đông đói khổ lớn lao quanh mình, “Ngài biết mình phải làm gì”. Ngài chỉ hỏi thử: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” để gợi ý cho các môn đệ và chúng ta đừng giữ thái độ thờ ơ, lãnh đạm trước cơn đói của con người như rất nhiều người chúng ta hiện nay. Chúng ta nghĩ đó là trách nhiệm, là công việc của chính quyền, của người giàu, của những người lo “chuyện thế gian” còn ta thuộc về một thế giới khác, có lĩnh vực hoạt động khác, ta nghèo, ta yếu, ta bận…. Chúng ta thờ ơ vì không nhớ đến lời dạy của thánh Phaolô trong Bài Đọc II (x. Ep 4,1-6): “Anh em hãy sống xứng đáng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em… Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau…Hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại. Anh em chỉ có một thân thể… một Chúa…một Thiên Chúa là Cha của mọi người…”.

Nhưng phép lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Ga 6,1-15) cũng không phải chỉ làm cho người ta no nê về thân xác “Ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý”. Với những lời gợi ý: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát…” hành động của Chúa Giêsu sẽ dẫn đến một phép lạ khác lớn lao hơn nhiều và mang lại sự sống cao quý tột bực về tinh thần cho những người đói khổ mà chúng ta sẽ thấy thánh Gioan khai triển trong phần Tin Mừng tiếp theo. Đức Giêsu muốn chúng ta cùng với Người trở thành một tấm bánh bẻ ra nuôi sống con người. Chúng ta có dám quảng đại theo Chúa Giêsu như thế? Muốn trở thành tấm bánh hằng sống, chúng ta cần phải làm gì?

3. Chúng ta hành động

Như các tông đồ, cảm thấy mình bất lực trước cơn đói của con người: “Thưa Thầy,  có mua đến 200 quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Thánh Andrê đã gợi ý: “Ở đây có một em bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá”. Chúa Giêsu đã dùng phần đóng góp nhỏ bé ấy của con người để làm nên một phép lạ lớn lao và gợi ý cho các phép lạ kỳ diệu hơn nữa, đó là chính Người trở thành tấm bánh nuôi sống toàn thể nhân loại.

Phép lạ như mời gọi mỗi người chúng ta hãy đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công trình kỳ diệu của Chúa Giêsu. Nếu mỗi người chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình, thì những giây phút nhàn rỗi, những hành động học hành, làm việc tích cực của chúng ta sẽ mang lại những kết quả vô cùng to lớn mà chúng ta chẳng bao giờ ngờ tới. Ngoài việc kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, ta đừng quên là Người Cha Trên Trời đang “ở trong chúng ta” để tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài và Chúa Thánh Thần với những ân sủng phi thường sẽ hoàn thành phép lạ của Chúa Giêsu nơi chúng ta.

Những giờ học hành, nghiên cứu của ta hôm nay, thay vì xem phim, lướt web, đọc hết báo này đến báo khác, có thể là chất liệu cho những phát minh kỳ diệu sau này để chữa những bệnh nan y, hoặc để sáng tác những truyện hay, bài thơ độc đáo cổ vũ nền văn hoá sự sống. Chúng ta cũng có thể chỉ cần thực hiện những hành động nhỏ trong gia đình như quét nhà, sắp bàn ăn, lau rửa chén đĩa, giặt giũ quần áo thay cho mẹ, cho chị vất vả suốt một ngày vì lo cơm nước, hoặc cho ba suốt ngày làm việc ở nhà máy, công ty. Chính những hành động tích cực, những thời giờ nhỏ nhỏ ấy đóng góp vào cuộc sống, nhờ việc kết hợp với Chúa Giêsu, sẽ làm thành những phép lạ lớn lao cho thế giới hôm nay. Đó là những tấm bánh, những con cá nhỏ của chúng ta dâng cho Chúa Giêsu.

Lời kết

Hôm nay Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn thẳng vào cơn đói của con người trong xã hội để chúng ta nhận ra rằng quanh ta còn nhiều người đang đói khổ. Chúng ta phải góp cho họ những gì Người đặt vào trong lòng bàn tay của ta: thời gian, tiền của, tài năng, kiến thức, ân sủng để làm thành nên một phép lạ lớn nhất: trở thành tấm bánh Giêsu cho mọi người. Đó là phép lạ của tình yêu!