Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai phải trực tiếp kiểm tra, điểm danh các điểm đê điều và hồ đập xung yếu để đôn đốc xử lý, đảm bảo an toàn cho công trình trước đợt mưa lớn tại tỉnh vùng núi, trung du Bắc bộ và bắc Trung bộ.
Đó là chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành T.Ư bàn giải pháp ứng phó với đợt mưa lớn trong những ngày tới.
Sự cố tràn đê sông Tích (xã Cấn Hữu, H.Quốc Oai, Hà Nội) khiến hàng trăm hộ dân và trên 100 ha hoa màu ngập lụt nhiều ngày qua ẢNH: QUỐC THỊNH
|
Vùng lũ tiếp tục hứng mưa lớn
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Hoàng Đức Cường cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt – Trung, trong ngày 25.7 đã ghi nhận mưa lớn ở nhiều nơi như Than Uyên (Lai Châu) 46 mm, Lào Cai 45 mm, Bắc Quang (Hà Giang) 74 mm, Tây Hiếu (Nghệ An) 60 mm…
Đáng lưu ý, dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc bộ, nối với vùng áp thấp đang phát triển. Dự báo các tỉnh vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa lớn, trọng tâm mưa tập trung ở Hà Giang, Lào Cai, Hoà Bình, Yên Bái với lượng mưa 50 – 100 mm/ngày. Đến ngày 27.7, mưa lớn có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa và khả năng kéo dài đến đầu tháng 8. “Nhiều địa phương đang chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ như Yên Bái, Lai Châu, Thanh Hoá, Nghệ An sẽ tiếp tục là vùng trọng tâm trong đợt mưa này”, ông Cường cảnh báo.
Bày tỏ lo ngại về an toàn của các hồ chứa, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cho biết “căng nhất” là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, những địa phương có nhiều hồ đập xung yếu và phần lớn các hồ, đập đã tích đầy nước trong những đợt mưa lớn gần đây. Ngay trong đợt mưa bão số 3 vừa qua, tại Nghệ An xảy ra 2 sự cố đập tại H.Yên Thành. Còn tại các tỉnh phía bắc, các hồ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Lai Châu cũng đạt công suất tích nước 100%. Ngoài ra, trong đợt mưa này cũng phải lưu ý đến các hồ chứa ở Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Không tích nước ở hồ đập xung yếu
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), sau đợt mưa lũ vừa qua đã ghi nhận 48 sự cố đê điều tại Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An. Ở các địa phương cũng ghi nhận 93 cống hư hỏng nặng cần xây mới thay thế và 239 trọng điểm đê điều xung yếu phải lên phương án bảo vệ trong mùa lũ năm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý đợt mưa lớn sẽ đặt các tỉnh vùng núi, trung du Bắc bộ và các tỉnh bắc Trung bộ trong tình hình đặc biệt nguy hiểm khi chưa đầy 1 tháng qua, nhiều địa phương đã hứng chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lớn gây lũ quét và sạt lở đất. Các hệ thống đê điều cũng chịu tổn thương nặng nề, xuất hiện nhiều sự cố. Ở các tỉnh phía bắc, toàn bộ vùng rừng núi đã bão hòa nước, nếu phải cộng tải thêm một lượng mưa lớn thì đây sẽ là ẩn hoạ khôn lường, nguy cơ cao xảy ra các vụ sạt trượt địa chất ở quy mô lớn.
Ông Cường nhấn mạnh trong tình thế hiện nay, nếu không chuẩn bị kỹ, có các giải pháp ứng phó hiệu quả thì rất dễ xảy ra thảm họa thiên tai. Vì thế, ông Cường yêu cầu lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc địa phương trong công tác ứng phó với đợt mưa lớn này. “Phải điểm danh lại các hồ đập xung yếu ở các địa phương để có giải pháp đảm bảo an toàn, nếu cảm thấy không giữ được thì ngay từ đầu đợt mưa kiên quyết không cho tích nước”, ông Cường nói.
Kiểm soát chặt các hồ thuỷ điện
Dẫn chứng hậu quả sự cố vỡ đập thuỷ điện tại Lào, ông Cường yêu cầu Bộ Công thương phải kiểm soát chặt chẽ các hồ thuỷ điện nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong công tác vận hành. Các công trình này thường ở chỗ địa hình hẹp, tốc độ dòng chảy rất lớn nên có sự cố sẽ gây thiệt hại lớn cho vùng hạ du. Đối với các tuyến đê trọng điểm, các vị trí đê xung yếu, vừa phát hiện các sự cố, ông Cường lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai phải bàn tính kỹ với các địa phương trong các phương án xử lý, gia cố đảm bảo an toàn trong đợt mưa này và mùa lũ năm nay.
|
PHAN HẬU