24/12/2024

Chúa nhật XVI TN B – 2018: Đức Giêsu liên kết và quy tụ

Trong hoàn cảnh xã hội và Giáo Hội có nhiều xung đột và chia rẽ như hiện nay, chúng ta được mời gọi để thể hiện nhiệm vụ liên kết và quy tụ của mình như Đức Giêsu. Chúng ta sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

 

Chúa nhật XVI TN B-2018

Đức Giêsu liên kết và quy tụ

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay giới thiệu Đức Giêsu như người mục tử liên kết và quy tụ mọi người thành một đàn chiên duy nhất của Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh xã hội và Giáo Hội có nhiều xung đột và chia rẽ như hiện nay, chúng ta được mời gọi để thể hiện nhiệm vụ liên kết và quy tụ của mình như Đức Giêsu. Chúng ta sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

1. Người mục tử quy tụ và liên kết

Các bài Thánh Kinh trình bày cảnh hỗn loạn xảy ra trong cộng đồng dân tộc Do Thái cũng như tình trạng phân hoá của Giáo Hội sơ khai thời thánh Phaolô.

Bài Đọc I (x. Gr 23,1-6) mô tả tình trạng dân Do Thái xung đột, chia rẽ nhau như đàn chiên bị thất lạc và tan tác do sói dữ tấn công, vì những mục tử lãnh đạo đã bỏ chạy, đã hành động gian ác khiến chiên bị tổn thương. Thiên Chúa đã quyết định: “Chính Ta sẽ quy tụ đàn chiên từ khắp mọi miền. Chính ta sẽ cho xuất hiện các mục tử tốt lành lãnh đạo đoàn chiên… sẽ cho xuất hiện một vị vua khôn ngoan tài giỏi trị vì đất nước”.

Bài Đọc II (x. Ep 2,13-18) trình bày Đức Giêsu Kitô là sự bình an của chúng ta. Người đã liên kết dân Do Thái và dân ngoại, là mọi người chúng ta, thành một thân thể duy nhất, thành một người mới duy nhất trong chính bản thân mình. Người đã tiêu diệt sự thù ghét bằng cách hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách và liên kết mọi người xa gần trong một Thần Khí duy nhất. Hành động của Chúa Giêsu cũng phải là hành động của các mục tử và của từng Kitô hữu chúng ta vì tất cả đều được tham dự vào nhiệm vụ mục tử của Chúa Giêsu để quy tụ và liên kết muôn loài.

2. Tình trạng xung đột  và chia rẽ

Chúng ta cần phải có những tâm tình như Chúa Giêsu khi nhìn thấy một đám người rất đông tìm đến để nghe Lời Chúa và để được chữa lành bệnh tật. Người đã chạnh lòng thương xót vì họ như bầy chiên tan tác và bị thương tích vì không người chăn dắt (x. Mc 6, 30 34).

Cộng đồng xã hội quanh ta cũng đang sống trong tình trạng phân hoá và xung đột giống như vậy. Dân chúng sống trong cảnh bất an và bất công do những nhà lãnh đạo kém cỏi, tham lam, ích kỷ, chỉ biết tìm tư lợi và danh vọng bằng những thủ đoạn gian ác, thấp hèn. Tham nhũng tràn lan khắp nơi, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Vụ gian lận chấm thi Phổ thông Trung học ở tỉnh Hà Giang (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 18/4/2018, tr. 2-3) là kết quả của một xã hội đầy giả dối (x. Báo Thanh Niên, ngày 23/7/2018, tr. 1-2). Hai tuần trước, một cô nhân viên kế toán kể với tôi về chuyện một ông thu thuế ở Quận 10 Tp.HCM đòi ngủ với cô thì mới dễ dàng xét hồ sơ thuế của công ty.

Nhiều người chấp nhận sống hèn, sống nhục để được an thân, được danh lợi thay vì sống hào hùng, dám xả thân để bảo vệ đất nước như danh tướng Trần Bình Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai. Ông bị giặc bắt và dụ dỗ sẽ cho làm vương đất Bắc nếu ông đầu hàng. Ông khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Ông đã bị giặc giết năm 1.285 lúc mới đầy 26 tuổi. Ngày nay, dân tộc ta đang rất cần có những anh hùng như thế để bảo vệ quê hương. Nhưng không thiếu người đã đầu hàng quân thù để xin làm nô lệ cho đất Bắc, bán nhà bán đất của mình cho người Trung Quốc để đổi lấy danh vọng, quyền lực, bạc tiền.

Cộng đồng Giáo Hội quanh ta cũng không thiếu những mục tử gian ác làm tan tác đàn chiên. Họ sống an thân, hưởng thụ, nhắm mắt, câm miệng trước những bất công, dối trá của những người có quyền. Nhiều tín hữu bị lôi cuốn theo cuộc xung đột giữa phe nhóm địa phận gốc này với gốc khác, giữa cha xứ và cha phó, giữa hội đoàn này với hội đoàn nọ, giữa phong trào này với tổ chức kia. Nhiều người đến họp hội đoàn chỉ lo “buôn chuyện”, nói xấu người khác, khiến cho sinh hoạt giáo xứ bị phân hoá, xáo trộn, không phát triển và cũng không mang lại kết quả tốt đẹp trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Chúng ta tự hỏi phải làm gì để quy tụ và liên kết như Đức Giêsu “đối với người ở gần cũng như người ở xa” (Ep 2,17) Hội Thánh Chúa?

3. Giải pháp quy tụ và liên kết

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng, công bố năm 2013, đã giới thiệu 4 nguyên tắc cụ thể để hướng dẫn phát triển đời sống xã hội và xây dựng một cộng đồng hoà hợp. Đó là: 1. Thời gian lớn hơn không gian, 2. Hợp nhất thắng xung đột, 3. Thực tại hơn ý trưởng, 4. Toàn thể lớn hơn thành phần. Vấn đề quy tụ và liên kết liên quan đến nguyên tắc: “hợp nhất thắng xung đột (x. số 226-230).

Trước hết ngài kêu gọi ta “không được làm ngơ hay che giấu mà phải đối mặt với xung đột”. Chúng ta không thể bỏ chạy hay trốn tránh vì những xung dột ấy như con hổ dữ sẽ vồ lấy ta, cắn xé ta nếu ta quay lưng chạy trốn. Đất nước yêu quý này sẽ chẳng thể tồn tại nếu ai cũng muốn an thân, nếu những người có trách nhiệm không dám nhìn thẳng vào vấn đề để phân tích nguyên nhân, hậu quả và tìm giải pháp khắc phục.

Việc tiếp theo là muốn giải quyết những xung đột, ta cần nhớ đến nguyên tắc “hợp nhất thắng xung đột” để xây dựng tình huynh đệ trên sự tôn trọng con người. Nhưng hợp nhất không phải là bắt mọi người phải tuân giữ một kiểu sống như nhau, theo cùng một chủ nghĩa, một ý thức hệ, một đảng phái duy nhất. Thể chế độc tài càng tạo ra xung đột lớn lao hơn, mạnh mẽ hơn vì nó không biết đến giá trị cao cả của con người. Chúng ta chỉ nên đòi hỏi “sự hợp nhất trong những điều thiết yếu, được tự do trong những điều còn nghi ngờ và bác ái trong tất cả mọi sự”. Đây là nguyên tắc hướng dẫn của Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Gaudium et Spes, số 92.

Đức Giáo Hoàng cũng mời gọi chúng ta hãy nhìn vào Đức Giêsu Kitô. Người đã quy tụ mọi sự nơi bàn thân mình, “liên kết trời và đất, Thiên Chúa và con người, thời gian và vĩnh cửu, thể xác và tinh thần, cá nhân và xã hội. Dấu hiệu của sự hợp nhất và hoà giải muôn loài này trong Người là sự bình an. Đức Kitô là sự bình an của chúng ta (Ep 2,14)”. Để xoá bỏ sự thù ghét và chia rẽ, Đức Giêsu đã phải chịu chết nhục nhã trên thập giá để hoà giải muôn loài với Chúa Cha và liên kết tất cả với nhau. Nếu chúng ta thật sự muốn đem lại bình an cho đất nước và Giáo Hội, chúng ta cũng phải dám hy sinh chịu chết như Đức Giêsu thay vì bảo vệ sự an toàn cho mình bằng thái độ an thân, bất động.

Cuối cùng, chỉ có Chúa Thánh Thần Đấng vừa là tình yêu liên kết Chúa Cha, Chúa Con và chúng ta lại với nhau, vừa là sức mạnh và ân sủng để xoá tan mọi nghi ngờ, ngăn cách, mới thật sự hoà giải mọi xung đột và khác biệt. Nhờ Ngài chúng ta mới có thể mở rộng tâm trí để đón nhận một sự đa dạng được giải hoà giống như chiêm ngưỡng một vườn hoa muôn màu, muôn sắc của những loài hoa không loại trừ nhau.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu Kitô để thực hiện nhiệm vụ của người mục tử biết quy tụ và liên kết mọi người, mọi vật trong cộng đồng mình sống, bằng những hành động cụ thể và thiết thực, để tạo nên niềm vui và bình an cho muôn loài.