25/12/2024

Mưa bão số 3 đe doạ nhiều hồ đập

Rạng sáng nay 19.7, bão số 3 đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh; sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa rất to.

 

Mưa bão số 3 đe doạ nhiều hồ đập

Rạng sáng nay 19.7, bão số 3 đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh; sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa rất to.
 
 
 
 

Tràn trên QL48E thuộc H.Nghĩa Đàn, Nghệ An bị nước lũ dâng cao khiến giao thông bị chia cắt /// Ảnh: N.Phan

Tràn trên QL48E thuộc H.Nghĩa Đàn, Nghệ An bị nước lũ dâng cao khiến giao thông bị chia cắt   ẢNH: N.PHAN

 
Lúc 22 giờ tối qua 18.7, tâm bão số 3 ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh. Vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8 (từ 60 – 75 km/giờ), giật cấp 10 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, khi đi sâu vào đất liền, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
 
Dự báo đến 10 giờ sáng nay (19.7), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực Trung Lào. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều và tối 18.7, ở Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to, ở Thái Bình có gió giật cấp 7, ở đảo Hòn Ngư gió giật cấp 7, trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ có gió giật cấp 6.
 
Mưa bão số 3 đe dọa nhiều hồ đập  - ảnh 1

Nhiều hộ dân ở xã Sơn Thọ, H.Vũ Quang (Hà Tĩnh) bị cô lập do mưa lớn  ẢNH: PHẠM ĐỨC

 

Trước khi bão đổ bộ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong ngày 14 – 17.7 đã ghi nhận xảy ra mưa to đến rất to ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ. Đặc biệt, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mưa rất to, có nơi mưa trên 400 mm. Chịu ảnh hưởng của bão số 3, các tỉnh Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa – Quảng Bình sẽ tiếp tục xảy ra mưa lớn đến hết ngày 20.7, lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm/đợt, có nơi từ 200 – 350 mm/đợt sẽ là nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh vùng núi phía bắc, Trung bộ, đặc biệt tại các tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
 
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cho biết qua kiểm tra phần lớn các hồ, đập ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái đang có dung tích gần đạt công suất tích nước. Đặc biệt, tại khu vực Trung bộ, trong đó Thanh Hóa có khoảng 200/600 hồ, đập đã đầy nước thì đợt mưa lớn sắp tới sẽ uy hiếp an toàn của nhiều công trình. Đáng lo ngại nhất là 27.000 ha úng ngập tại Nam Định trong đợt mưa áp thấp nhiệt đới sẽ rất khó tiêu thoát khi lại phải hứng mưa do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3.
 
Ngày 18.7, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đặc biệt cảnh báo mưa lớn sau bão số 3 ở các tỉnh nam đồng bằng sông Hồng và bắc Trung bộ trong khi những khu vực này đã có mưa kéo dài những ngày qua. Ông Cường yêu cầu đảm bảo kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành điều tiết của hồ, đập thuỷ điện nhỏ khi xảy ra mưa lớn.
 
Mưa bão số 3 đe dọa nhiều hồ đập  - ảnh 2

Nhiều đoạn taluy và taluy dương trên QL8A (Hà Tĩnh) bị sạt lở  ẢNH: PHẠM ĐỨC

Thanh Hóa: nhiều điểm sạt lở gây tắc giao thông
Từ 19 giờ tối 18.7, mưa lớn kèm gió mạnh bắt đầu xuất hiện ở các huyện ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng H, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP.Sầm Sơn. Trong ngày, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đã kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ và phòng, chống bão số 3. Ông Thắng yêu cầu Thanh Hoá cử lực lượng túc trực 24/24 giờ, khi có sự cố xảy ra cần thông tin sớm cho vùng hạ du.
 
Mưa kéo dài đã làm ngập gần 500 ngôi nhà dân tại H.Tĩnh Gia và TP.Sầm Sơn; nước sông Mã đang cao và chảy xiết đã khiến hơn 10 nhà dân tại xã Yên Trường (H.Yên Định) ở ven đê bị sụt lún, sạt lở phải sơ tán; ngập úng hơn 13.000 ha lúa vụ hè thu. Các tuyến QL15C và 217, các tỉnh lộ 114 và 521D xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông; sạt lở 90 vị trí tuyến đường tuần tra biên giới với khối lượng ước khoảng hơn 24.000 m3; 16/45 hồ chứa nước đã đầy nước.
 
Hà Tĩnh: 400 hộ dân bị cô lập
Ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Hà Tĩnh, cho biết do lưu lượng nước đổ về quá lớn, lúc 13 giờ ngày 18.7 thủy điện Hố Hô xả lũ điều tiết với lưu lượng từ 100 -300 m3/s, thuỷ điện Hương Sơn xả lũ từ 10 – 20 m3/s. Mưa lớn nhiều ngày qua khiến 6.935 ha diện tích lúa hè thu trên địa bàn bị ngập cục bộ. Ngoài ra, có hơn 2.000 ha đậu và 587 ha ngô của các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê đứng trước nguy cơ bị mất trắng. Trong các ngày 17 – 18.7, trên QL8A, đoạn gần Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (H.Hương Sơn) có 5 điểm bị sạt lở taluy và taluy dương.
 
Chiều 18.7, ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch H.Đức Thọ, cho biết 400 hộ dân trên địa bàn các xã Đức An, Đức Dũng, Đức Thanh… bị cô lập. Tại H.Vũ Quang, mưa lớn khiến một số thôn với khoảng 50 hộ dân ở 2 xã Đức Lĩnh, Đức Bồng bị nước lũ chia cắt, tạm thời đang bị cô lập.
 
Cùng ngày, UBND H.Nghi Xuân huy động toàn bộ lực lượng, tổ chức di dời 409 hộ dân với 1.240 nhân khẩu ở 6 xã ven biển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất.
Mưa bão số 3 đe dọa nhiều hồ đập  - ảnh 3

Người già neo đơn sống ven biển thuộc xã Xuân Hội, H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được di dời đến nơi an toàn  ẢNH: TÂN KỲ

Nghệ An: Hơn 15.000 dân được di dời
Mưa lớn kéo dài đã khiến tuyến đường liên xã Châu Bính, Châu Tiến (H.Quỳ Châu) bị cắt đứt, giao thông tê liệt. Một số cầu tạm ở các xã Môn Sơn, Thạch Ngàn (H.Con Cuông) bị nước cuốn trôi; các tràn qua QL48E (H.Nghĩa Đàn) ngập sâu, giao thông bị chia cắt, hơn 10.000 ha lúa và gần 3.700 ha hoa màu bị ngập. 1 nhà dân bị sập, 4 nhà bị hư hỏng do sạt lở. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đông (66 tuổi) và bà Trần Thị Lợi (60 tuổi, ngụ xóm 3, xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) bị mất tích trên sông Lam ngày 17.7 và 1 người dân ở P.Hưng Dũng (TP.Vinh) nghi bị mất tích trên kênh Bắc vẫn chưa tìm thấy.
 
Mưa bão số 3 đe dọa nhiều hồ đập  - ảnh 4

Tàu thuyền ở TP.Sầm Sơn (Thanh Hoá) được người dân kéo lên mặt đường để tránh bão số 3 gây thiệt hại  ẢNH: MINH HẢI

Tại xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long (H.Quỳnh Lưu) khoảng 1 km tuyến đê biển có nhiều điểm bị xói lở, có nguy cơ vỡ khi bão đổ bộ. Chiều 18.7, địa phương huy động lực lượng và máy múc đến đến hộ đê. Đến tối cùng ngày, việc đóng cọc tre, dùng các bao tải chứa đất đá gia cố quanh chân đê ở những đoạn có nguy cơ vỡ đã hoàn thành. Trên địa bàn tỉnh có 121 hồ thủy lợi đã đầy nước, 3 hồ thủy điện phải xả lũ. Đến tối 18.7, có 3.482 hộ dân với 15.120 người ở các huyện, thị xã ven biển, có nguy cơ bị ngập do triều cường dâng được di dời đến nơi cao.
 
Phê bình lãnh đạo huyện lơ là trong công tác phòng chống bão
Ngày 18.7, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê bình ông Nguyễn Văn Chính, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND H.Quảng Xương và tập thể lãnh đạo UBND huyện này vì không dừng cuộc họp HĐND huyện để tập trung phòng, chống bão số 3. Sáng cùng ngày, ông Xứng đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại H.Quảng Xương, nhưng huyện này vẫn tổ chức ngày họp thứ 2 HĐND huyện. Trong khi đó, nhiều tàu thuyền và người dân trông coi trên các bãi ngao vẫn chưa vào nơi trú ẩn an toàn. Trước đó, chiều 17.7, UBND tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp để tập trung phòng, chống bão.
 
Minh Hải

 

THANH NIÊN