23/01/2025

Chúa Nhật XV TN B – 2018: Sứ mệnh cao cả

Tất cả các bài Thánh Kinh tuần này mời gọi chúng ta suy nghĩ về sứ mệnh cao cả của người Kitô hữu. Sứ mệnh đó là gì? Chúng ta đang thực hiện sứ mệnh đó như thế nào? Đó cũng là điểm chúng ta nên tự hỏi để đổi mới đời sống Kitô hữu.

 

Chúa Nhật XV TN B – 2018

Sứ mệnh cao cả

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Tất cả các bài Thánh Kinh trong tuần 15 Thường niên này mời gọi chúng ta suy nghĩ về sứ mệnh cao cả của người Kitô hữu. Sứ mệnh đó là gì? Chúng ta đang thực hiện sứ mệnh đó như thế nào? Đó cũng là điểm chúng ta nên tự hỏi để đổi mới đời sống Kitô hữu.

1. Sứ mệnh là gì?

1.1. Sứ mệnh là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng được giao phó để hoàn thành. Theo Từ điển tiếng Việt, “Sứ” là chức quan được vua phái đi giao thiệp với nước ngoài hay người thay mặt vị lãnh đạo tối cao của một tổ chức, như ta thường nói “sứ giả” của Đức Giáo Hoàng, của tổng thống…. “Mệnh” là lời truyền bảo của người trên đối với người dưới.

Trong Thánh Kinh, đó là nhiệm vụ được Thiên Chúa trao trực tiếp hay qua người có thẩm quyền (x. Is 55,11; Rm 15,19). Sứ mệnh của Chúa Giêsu là cứu độ trần gian (x. Ga 3,17), của các tông đồ là tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Sứ mệnh của Giáo Hội là tiếp tục thực hiện “kế hoạch yêu thương của Chúa Cha mà Ngài đã định trước trong Đức Kitô là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10).

1.2. Bài đọc I (x. Am 7,12-15) kể lại việc tiên tri Amos đã can đảm thực hiện sứ mệnh Chúa trao. Ông là một người chăn nuôi súc vật và chăm sóc các cây sung, nhưng được Chúa sai đi loan báo Lời Chúa cho vương quốc Israel ở miền Bắc, trong khi nguyên quán của ông là ở miền Nam, xứ Giuđê. Khi vị tư tế chính thức của nhà vua Israel cấm ông không được nói tiên tri ở đó, Amos đã trả lời vị cho tư tế đó rằng: mình không phải được đào tạo chuyên nghiệp để làm tiên tri, nhưng Chúa đã chọn và trao sứ mệnh nên mình phải thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho chúng ta: Thiên Chúa đã chọn chúng ta, giao phó cho chúng ta nhiệm vụ cao cả, nhưng chúng ta có ý thức được nhiệm vụ ấy để thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào của cuộc sống không?

1.3. Thánh Phaolô, trong Bài đọc II (x. Ep 1,3-10), nói rõ cho ta hiểu rằng: nhiệm vụ thiêng liêng đó được Chúa trao phó cho ta kèm theo muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, vì trong Đức Kitô, Ngài đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình yêu của Ngài. Hơn nữa, Ngài lại tiền định cho ta làm nghĩa tử của Ngài, nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta trở thành con cái đích thực của Thiên Chúa.

Kèm theo ơn cao cả ấy, biết bao ân sủng được Ngài rộng ban cho ta: nhờ Chúa Giêsu, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, được khôn ngoan và rất nhiều ơn phúc để chúng ta thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài là quy tụ muôn loài dưới quyền một thủ lãnh duy nhất là Đức Giêsu. Những lời hết sức an ủi này nhắc nhở ta hãy tin tưởng và can đảm thực hiện sứ mệnh.

 1.4. Trong bài Tin Mừng (x. Mc 6, 7-13), Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, sai các ông từng hai người một để có thể hoạt động chung với nhau, loan báo Tin Mừng cứu độ của Người cho thế giới. Để thể hiện ơn cứu độ một cách cụ thể, Chúa ban cho các tông đồ quyền năng để xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật. Người nhắc bảo các ông đừng tin tưởng vào những phương tiện vật chất, tài năng tinh thần, nhưng hoàn toàn tín thác vào tình yêu an bài của Cha Trên Trời và vào quyền năng của Chúa Giêsu. Vì thế, các ông “đừng mặc hai áo, đừng mang tiền, lương thực; trừ ra cây gậy” tượng trưng cho quyền năng Chúa ban để chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Các tông đồ vâng lệnh Chúa Giêsu, đã thực hiện sứ mệnh bằng việc đi khắp nơi, loan báo Tin Mừng cứu độ, xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật.

Vậy chúng ta có hiểu được rằng mình đã được chọn lựa từ muôn thuở để nhận lãnh sứ mệnh cao trọng, đã nhận được biết bao ân huệ của Thánh Thần để giúp ta hoàn thành sứ mạng ấy, và tiếp tục dấn thân hành động hay ta lại bằng lòng với nếp sống đạo an thân quen thuộc của mình?

2. Chúng ta đang thực hiện sứ mệnh ấy như thế nào?

2.1. Câu chuyện bên lề. Ngày hôm qua 14/7, ngày Quốc Khánh của nước Pháp, một nữ tu bên đó đến thăm và nói với tôi: ở bên Pháp rất thiếu linh mục, một người phải cai quản mấy chục giáo xứ, hơn nữa các cha cũng chẳng có công việc gì ngoài việc dâng Thánh lễ. Công việc chính bây giờ là đi làm phép xác, vì người ta cần linh mục để tiễn đưa người chết cho an lòng người sống. Hiện nay, người ta ít xin rửa tội cho trẻ nhỏ, vì muốn đứa trẻ được tự do theo đạo sau này. Phép cưới cũng ít khi làm, cho đỡ tốn giờ, tốn tiền mà hạnh phúc cũng chẳng hơn gì! Trước đây cả nước Pháp hầu như theo Công giáo, nên được gọi là trưởng nữ của Giáo Hội tại châu Âu, bây giờ có tới 47% dân Pháp tuyên bố mình vô thần. Nhà thờ chỉ còn ít người già dự lễ! Tại sao có sự sa sút kinh khủng như thế chỉ trong khoảng 50 năm qua? Chắc hẳn có nhiều lý do cần phân tích nhưng một trong các nguyên nhân quan trọng là các tín hữu không còn ý thức sứ mệnh và thể hiện sứ mệnh cứu độ của mình.

Ở Việt Nam cũng đâu có khá hơn. Chúng ta đã nhắc nhiều lần về tình trạng thiếu hiệu quả trong việc loan báo Tin Mừng, dù rằng nhà thờ vẫn còn đông người dự lễ, còn đông người đi tu. Tại sao? Tại vì chúng ta chưa biểu lộ ơn cứu độ của Chúa Giêsu cho người khác, chưa hiểu được xã hội hôm nay đang cần đến Đức Giêsu, đang cần chúng ta loan báo Tin Mừng cứu độ như thế nào.

Quanh ta đang có bao con người đói khổ đầu tắt mặt tối để kiếm sống, hàng chục triệu người bệnh tật cần cứu chữa, hàng triệu người bị ma quỷ kiềm chế cần giải thoát. Họ sống theo tham vọng và dục vọng, đang chết lần chết mòn, đang ở lì trong tội lỗi cần được tha thứ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy giải thoát họ, vì thế Người  ban cho chúng ta quyền năng làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, khả năng trừ quỷ, chữa bệnh, làm cho người chết sống lại. Nhưng chúng ta lại bằng lòng với nếp sống đạo quen thuộc với sáng lễ chiều kinh, thỉnh thoảng làm vài việc bác ái nhẹ nhàng để cho lương tâm yên ổn trong một xã hội đầy bất an và bất công. Nếu chúng ta không sử dụng những ân phúc và quyền năng Chúa ban để làm chứng sự hiện diện của Chúa thì làm sao người ta nhận ra Chúa Giêsu và tin theo Người!

2.2. Kinh nghiệm cụ thể. Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm cụ thể mà chúng tôi mới cảm nhận trong tháng vừa qua. Gia đình bệnh nhân cũng muốn chúng tôi công bố câu chuyện để mọi người cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho nhau. Bệnh nhân tên là Trịnh Thị Thu Hằng, 27 tuổi, ở giáo xứ Thuỷ Nhai, giáo phận Bùi Chu, Nam Định. Năm 2010, đang làm việc ở Hà Nội, tự nhiên các khớp gối, khuỷu tay, đầu vai của cô Hằng sưng to lên. Sau 2 năm chữa ở bệnh viện Hà Nội và bệnh viện Việt-Bun ở Thái Bình không khỏi, người thân đành đưa về nhà. Tay chân cô co cứng lại, mọi việc: ăn uống, tắm rửa, vệ sinh… đều do người thân làm giúp. Cuối cùng gia đình quyết định chở cô vào Nam, đến giáo điểm Lòng Chúa Thương xót của cha Long ỏ Nhà Bè để cầu ơn thiêng vào chiều 12 tháng 6/2018. Ngày 19 tháng 6, gia đình chở cô đến chúng tôi.

Lần đầu tiên, chúng tôi hỏi tên, tuổi, cô không trả lời, thỉnh thoảng cười ngu ngơ. Chúng tôi đo não bằng phương pháp neurofeedback và thấy các hoạt động não rất kém, không đo được huyết áp, các cơ bắp co rút nên không cử động tay và chân được, chỉ nhờ người anh trai bế. Tôi và 4 anh chị em giáo dân cùng xoa nắn toàn thân cho cô, vừa làm vừa đọc kinh: Kinh Chúa Thánh Thần, Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh. Ngày 22 tháng 6 gia đình đưa cô trở lại lần thứ hai. Chúng tôi đo huyết áp nhưng không được, nhưng sau hơn 1 giờ xoa nắn thì đo được bình thường. Chúng tôi vừa làm vừa đọc kinh, cô đọc theo chúng tôi. Cô tự đi về không cần dìu.  Ngày 25 tháng 6, gia đình đưa cô đến chữa lần thứ ba, khi về, cô duỗi được tay chân, tự đi được, ăn uống, chải đầu, tắm rửa không cần người khác giúp. Sáng ngày 27 tháng 6, chữa lần thứ tư, chân đã duỗi thẳng được, tay còn hơi co một chút, cô đi vào siêu thị mua dép, mua quà, nói chuyện vui vẻ và gia đình quyết định ngày 28/6 về lại miền Bắc. Chúng tôi liên lạc với gia đình và cho đến nay, 14/7/2018, sức khoẻ  cô ổn định, đi dự lễ mỗi ngày.

Lời kết

Qua việc giúp chữa cho cô, chúng tôi cảm nghiệm được rằng ơn Chúa Thánh Thần tác động kỳ diệu trong người bệnh, khi chúng ta cùng cầu nguyện và làm việc chung với nhau vì Đức Giêsu muốn chúng ta tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Người trong thế giới hôm nay.