‘Công việc không phù hợp đam mê, khó sống chết với nghề’
Đó là chia sẻ của nữ giáo sư Barbara Liskov về vai trò và hành trình vươn lên trong nghiên cứu khoa học, sự nghiệp của nữ giới.
‘Công việc không phù hợp đam mê, khó sống chết với nghề’
Đó là chia sẻ của nữ giáo sư Barbara Liskov về vai trò và hành trình vươn lên trong nghiên cứu khoa học, sự nghiệp của nữ giới.
Là một trong những nữ tiến sĩ đầu tiên (ngành khoa học máy tính) của Hoa Kỳ, được tạp chí uy tín Discover bình chọn nằm trong top 50 phụ nữ quan trọng nhất trong giới khoa học, nữ giáo sư Barbara Liskov trao đổi cùng Tuổi Trẻ về vai trò, ý nghĩa của nữ giới và hành trình vươn lên trong nghiên cứu, khoa học, để thành công trong cả sự nghiệp và hạnh phúc gia đình.
Giáo sư Barbara Liskov chia sẻ tại Diễn đàn khoa học quốc tế Heidelberg – Ảnh: CÔNG NHẬT
* Bà nghĩ gì về vai trò của nữ giới trong lĩnh vực nghiên cứu, khoa học?
– Rất khó có câu trả lời về điều này, bởi ở mỗi xã hội, nền văn hóa lại có những thước đo riêng về vai trò, vị trí xã hội của phụ nữ.
Tuy nhiên tôi biết chắc một điều rằng, nếu nơi nào phủ nhận, không tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực thì rõ ràng nơi đó đã mất đi phân nửa nguồn lực quý, bởi tôi tin phụ nữ không thua kém đàn ông ở bất kỳ lĩnh vực nào.
Thời của tôi dù có rất ít phụ nữ đi theo con đường khoa học, tôi may mắn không bị ngăn cản. Có thể nói nền tảng cho những thành công sau này dựa phần nhiều vào những ủng hộ của người thân trong gia đình.
* Là một trong những nữ tiến sĩ đầu tiên của Hoa Kỳ, ở lĩnh vực rất “khô” là khoa học máy tính, bà có bao giờ thấy quá vất vả, cô độc? Bí quyết thành công của bà?
– Tôi chưa bao giờ nặng lòng với những điều đó, bởi đây là lĩnh vực tôi rất hứng thú. Theo tôi, điều quan trọng nhất để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào là chúng ta phải tìm được công việc phù hợp với đam mê, phù hợp với năng lực của mình. Không có hai điểm này, chúng ta khó “sống chết” với nghề.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng bản thân đã có một cuộc sống trọn vẹn trong đời thường lẫn trong công việc. Một “chiến thuật” được đúc kết từ kinh nghiệm sống của tôi là chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu biết cân bằng hai điều trên, còn nếu chỉ dồn sức làm việc mà quên mất những cái đẹp trong đời thường, trong các mối quan hệ… thì chưa chắc công việc sẽ tốt đẹp.
* Bà có từng gặp nhiều thất bại trong sự nghiệp?
– Tôi lại có suy nghĩ rất thoáng về điều này. Tôi chỉ nghĩ rằng con đường này chưa phù hợp thì sẽ có con đường tiếp cận khác phù hợp, tiềm năng hơn.
Điều quan trọng hơn là chúng ta biết rõ bản thân đang đi đâu và luôn để đầu óc rộng mở dù kết quả thu về như thế nào.
* Bà có lời khuyên gì cho những bạn nữ muốn theo đuổi con đường khoa học, nghiên cứu?
– Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng hãy theo một nghề mà bạn giỏi và đam mê. Tôi biết trong xã hội các bạn, giới nữ vẫn còn chịu nhiều thử thách, khó khăn hơn chúng tôi, nhưng tôi tin các bạn sẽ vượt qua được các điều này nếu có hai yếu tố trên trong người. Hãy mạnh mẽ lên.
* Là một trong những nhà khoa học hàng đầu, bà thấy vui mừng hay lo lắng khi công nghệ đang phát triển quá nhanh?
– Cả hai. Dĩ nhiên công nghệ giúp thế giới thành nơi tốt hơn nhưng cũng đem lại nhiều vấn đề, chẳng hạn như việc sẽ có nhiều người thất nghiệp hơn trong tương lai gần với sự xuất hiện của robot.
Tôi mong người lớn chúng ta cần dành thời gian cho trẻ nhiều hơn nữa, đừng để thế giới mạng trở thành nơi thú vị hơn đời thực trong suy nghĩ của các em, nếu thế thì sẽ đáng buồn lắm.
* Con trai bà từng theo học ngôi trường danh tiếng Harvard, nếu cậu ấy muốn trở thành ca sĩ, công nhân hoặc dừng việc học…?
– Tôi thật sự không biết mình sẽ ứng xử như thế nào, chỉ biết hai điều: Tôi luôn tôn trọng con đường mà con tôi tin là đúng và phù hợp.
Ngoài ra, con trẻ thường sẽ chọn hướng đi gần gũi với môi trường sống, giáo dục mà chúng được thụ hưởng. Tôi tin nếu cha mẹ là những người ham học hỏi, nghiên cứu… thì những điều đó sẽ thấm sâu vào đứa con.
* Đã 77 tuổi nhưng bà vẫn say mê làm việc, làm cách nào bà duy trì được điều này?
– Tôi vẫn liên tục làm việc và nghiên cứu. Tuổi của tôi tuy lớn nhưng tôi nghĩ khi chúng ta quá yêu thích điều gì đó mà phải “kết thúc” với nó sớm thì cuộc sống sẽ bớt hạnh phúc, thiếu ý nghĩa. Tôi coi công việc là một tình yêu lớn của mình nên tôi chưa muốn… chia tay. Không chỉ riêng tôi mà ngoài kia cũng có rất nhiều người lớn tuổi vẫn chăm chỉ làm việc.
* Tôi đọc được rằng bên cạnh sở thích đọc sách, nghiên cứu…, bà cũng thích ngắm và nghe chim hót líu lo?
– (Cười lớn) Đúng là vậy. Trong vườn nhà chúng tôi thường có vài chú chim, và tôi thường ngắm chúng mỗi khi dùng buổi sáng. Tôi thích sống chứ không thích tồn tại, và có những niềm vui, hạnh phúc… đến từ những điều rất bình dị và gần gũi nhất, chẳng hạn như được ngắm chim, ngửi hương hoa. Hạnh phúc đâu phải được đong đếm bằng vật chất?
Người phụ nữ quyền lực trong giới khoa học
Giáo sư Barbara Liskov sinh năm 1939 tại California, Hoa Kỳ. Bà từng nhận bằng cử nhân tại ĐH Berkeley và tiến sĩ khoa học máy tính tại ĐH Stanford, Mỹ.
Một điểm đáng lưu ý là thời điểm đó rất ít nữ giới được nhận vào các chương trình học trên tại các ngôi trường danh tiếng (bà từng bị ĐH Princeton từ chối nhận đơn).
Bà từng làm việc tại ĐH Harvard và hiện là giáo sư tại Học viện MIT (Hoa Kỳ), diễn giả các sự kiện khoa học quốc tế, hướng dẫn nhiều công trình nghiên cứu… dù tuổi tác đã cao. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng danh giá “Nobel khoa học máy tính” Turing năm 2008.