28/11/2024

Chúa nhật XIV TN B: Sứ mạng ngôn sứ

Thái độ phản ứng của những người đồng hương trước Đức Giêsu được mô tả với hai thái cực đối lập: một mặt, họ ngạc nhiên về những lời lẽ khôn ngoan phát ra từ miệng Đức Giêsu, và thán phục những công việc Người làm; mặt khác, họ bị hành hạ bởi những nghi nan, ngờ vực về Đức Giêsu.

 

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – B

(Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6)

SỨ MẠNG NGÔN SỨ

“Bởi đâu ông ta được như thế?” (Mc 6,2)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Ed 2,2-5)

Êdêkiel bị lưu đày sang Babylon vào năm 597 tCN cùng với vị vua cuối cùng vương triều Đavít, Giôgiakhin, và nhiều người trong dân Israel. Bốn năm sau biến cố này, Êdêkiel được Chúa kêu gọi và sai đến với con cái Israel. Và trình thuật kêu gọi Êdêkiel hôm nay được xem như là một đoạn tiêu biểu mô tả về ơn gọi và sứ mạng ngôn sứ.

Dù Êdêkiel xuất thân từ dòng dõi tư tế cao quý trong Israel, nhưng Chúa gọi ông bằng một tên mới là ‘ben-´ädäm’ (con của con người), mà theo truyền thống Do Thái, có nghĩa đơn giản là ‘người’, để nhắc nhở ông về bản tính mỏng dòn và ắt tử trong thân phận bụi đất của một vị ngôn sứ.

Êdêkiel được Chúa kêu gọi không phải để thi hành một sứ mạng xa xăm, hay thực thi những phép mầu kỳ diệu, nhưng là một sứ mạng thiết thực và cụ thể, đó là mang Lời Chúa đến cho con người.

Thật ngạc nhiên khi đối tượng của sứ mạng mà Thiên Chúa muốn nơi Êdêkiel không phải là một con người, một dân tộc ngoan hiền, nhưng là một dân tội lỗi luôn nổi loạn chống lại Đức Chúa.

Và dù cho sứ mạng này có thành công hay không, hay liệu con cái Israel có nghe lời của Đức Chúa, thì Thiên Chúa vẫn thể hiện như một người Cha, luôn ân cần tìm cách hiện diện và ở giữa dân Người, vì Người không bao giờ quên lời minh ước.

2. Bài đọc II (2Cr 12,7-10)

Đoạn thư hôm nay được trích từ phần tự biện hộ của thánh Phaolô trước những lời tố cáo từ một số người ở cộng đoàn Côrintô. Trong phần này, thánh nhân đã liệt kê những gian nan khốn khó phải chịu vì Tin mừng (2Cr 11,22-29) và những kinh nghiệm ngoại thường, những giây phút thân mật với Thiên Chúa mà ngài trải qua.

Đáng ra ngài có thể đã tự hào về những kinh nghiệm tuyệt vời này trước những kẻ chống ngài; thế nhưng ở đây thánh nhân lại bày tỏ sự tự hào ở một khía cạnh đối lập, đó là những yếu đuối, nghịch cảnh, túng thiếu của mình, bởi lẽ Thiên Chúa thường dùng những công cụ thấp hèn để qua đó thể hiện những can thiệp mang tính cứu độ.

Ở đây thánh nhân mô tả thân xác mình “như đã bị một cái dầm đâm vào” (c.7). Điều này có thể ám chỉ đến cơn đau về thể lý, nhưng cũng không loại trừ việc ám chỉ đến cơn đau tinh thần mà những kẻ chống ngài gây ra.

Thánh nhân đã khẩn khoản nài xin Thiên Chúa cho ngài thoát khỏi nỗi khốn khổ này (c.8). Tuy vậy, Thiên Chúa đã không cất khỏi nơi ngài, nhưng lại ban cho ngài sức mạnh khi khẳng định rằng “ơn Ta đủ cho con” (c.9).

Qua đó ta thấy Thiên Chúa thường không cất các ngôn sứ của mình khỏi những yếu đuối hay nghịch cảnh, nhưng Người muốn qua những điều này quyền uy của Người tỏ hiện.

3. Bài Tin Mừng (Mc 6,1-6)

Sau khi rao giảng một thời gian tại Caphácnaum, viếng thăm một số làng mạc tại Galilêa để rao giảng Tin mừng và chữa lành nhiều bệnh tật, Đức Giêsu hôm nay trở về quê hương của mình tại Nadarét.

Thái độ phản ứng của những người đồng hương trước Đức Giêsu được mô tả với hai thái cực đối lập: một mặt, họ ngạc nhiên về những lời lẽ khôn ngoan phát ra từ miệng Đức Giêsu, và thán phục những công việc Người làm; mặt khác, họ bị hành hạ bởi những nghi nan, ngờ vực về Đức Giêsu.

Những người Do Thái được tôi luyện trong đức tin cha ông họ; họ tin vào Thiên Chúa, Đấng đã ký kết giao ước với dân Người và dành để mọi phúc lành của Người cho dòng dõi và con cái Abraham, nghĩa là những kẻ chỉ thuộc về ‘nhà Israel’.

Với những người Nadarét, Đức Giêsu là một ẩn số không lời đáp. Cũng như họ, Người lớn lên trong một gia đình với nền tảng đạo giáo vững chắc, thuộc dân được tuyển chọn, mà Kinh Thánh với 119 lần gọi là ‘Nhà Israel’. Giờ đây, có vẻ như người này không cảm thấy thoải mái trong ngôi nhà chật hẹp của mình, và cánh cửa ơn cứu độ ‘Nhà Israel’ giờ đây đã được mở cho tất cả mọi người.

Với những lời nói và việc làm của mình, Đức Giêsu đã phá vỡ thế quân bình ổn định của ngôi nhà cũ kỹ, và mời gọi mọi người bước vào một ngôi nhà mới, một gia đình mới, được xây nên bởi các môn đệ và bất cứ ai tin theo Người.

Vấn đề tạo ra sự nghi ngờ nơi những người đồng hương được thể hiện qua hàng loạt câu hỏi, không phải phát xuất từ nội dung của những lời giảng dạy của Đức Giêsu hay những việc tốt đẹp Người làm, nhưng chính là nguồn gốc của chúng: từ Thiên Chúa hay từ ma quỷ? Và họ đi đến một thái độ an toàn: tốt hơn hết là không nên tin vào con người này; và họ chọn cách ở lại trong ngôi nhà cũ kỹ của họ.

Và như thế khó có thể không xảy ra sự tách rời giữa Đức Giêsu với gia đình, bạn bè và những người đồng hương. Đây là số phận chung của các ngôn sứ, khi chẳng có ai trong số họ được kính trọng nơi quê hương mình (c.4).

Thái độ của những người dân thành Nadarét có thể được lặp lại hôm nay. Đức Giêsu xuất hiện ở giữa những người mà họ tự tin biết chắc chắn về Chúa Giêsu; Người mời gọi họ và đưa ra những đề xuất mới. Cũng như cách Abraham được Chúa mời gọi năm xưa, hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi con người rời bỏ quê hương, xứ sở và mọi thứ dính bén; tuy nhiên, đáp lại lời mời gọi này, trước tiên là thái độ không hiểu, và sau đó là chối từ.

Thái độ cứng lòng tin có thể tạo nên những hệ quả bi kịch như được trình bày ở cuối đoạn, đó là tự đẩy xa ơn cứu độ của Thiên Chúa ra khỏi nơi mình. Dấu chỉ của sự hiện diện Nước Thiên Chúa trong thế giới này sẽ khó được tỏ hiện nơi đâu thiếu vắng niềm tin và thiện chí.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Ngươi cứ nói với chúng những lời của Ta, dù chúng nghe hay không, vì chúng là quân phản loạn”. Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Êdêkiel mang Lời Chúa đến với dân Người trong cảnh lưu đày của tội lỗi. Vậy trong những lúc ‘lưu đày’ của đời mình, tôi có biết lắng nghe và đón nhận ‘lời ngôn sứ’ của Chúa? Hay những lúc ‘lưu đày’của những người anh chị em tôi, tôi có sẵn sàng là những ‘lời ngôn sứ’ ủi an và nâng đỡ cho mọi người?

2. “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.’”  Từ kinh nghiệm của thánh Phaolô, tôi có bao giờ cảm thấy “vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi” hay “tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô”?

3. “Và họ vấp ngã vì Người”. Đây là thái độ của những người đồng hương Đức Giêsu. Còn tôi, đâu là thái độ của tôi mỗi khi Đức Giêsu đến và đi ngang qua đời mình?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đã sai Con Một của Người đến thế gian, để những ai tin vào danh Đức Giêsu Kitô thì được cứu độ. Cộng đoàn chúng ta cùng cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:

1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo tin mừng cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn và mọi thành phần Hội Thánh luôn trung thành tuyên xưng một đức tin duy nhất, và diễn tả niềm tin ấy bằng một đời sống chứng tá.

2. Thế giới hôm nay còn nhiều người chối bỏ và xúc phạm Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi lòng mở trí cho họ vượt qua những thành kiến nghi ngại, và ban cho họ quả tim mới cùng một tinh thần mới, để họ nhận biết và đặt trọn niềm tin tưởng vào Người.

3. Thiếu vắng niềm tin là một cản trở đối với ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết siêng năng học hỏi đào sâu giáo lý đức tin, thường xuyên đón nhận các Bí tích, hầu luôn đứng vững trước những thử thách trong cuộc sống.

4. Chúa đã phán cùng Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn ý thức sự bất toàn và giới hạn của bản thân, hầu tích cực cộng tác với ơn Chúa trong việc sống đạo và thực thi công bình bác ái.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa luôn yêu thương và muốn mọi người được cứu độ. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban tặng Thánh Thần, giúp chúng con biết nhiệt thành lắng nghe và thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.