29/11/2024

Chúa Nhật XII TN B – 2018: Gioan Tẩy Giả trong công trình cứu độ của Thiên Chúa

Thánh Gioan là hiện thân của mỗi người chúng ta bởi vì, ngay từ lúc còn trong lòng mẹ, Gioan đã được Thiên Chúa chọn lựa để trở thành tiên tri của Đấng Tối Cao, trở thành người loan báo Đức Giêsu Kitô cho thế giới.

 

Chúa Nhật XII TN B – 2018

Gioan Tẩy Giả trong công trình cứu độ của Thiên Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy Giáo Hội chỉ mừng sinh nhật của Đức Giêsu trong lễ Giáng Sinh, sinh nhật Đức Mẹ Maria và sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Sinh nhật Đức Maria là lễ kính, trong khi sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả là lễ trọng, tức là lễ bậc cao nhất. Điều đó như muốn gợi ý cho chúng ta suy niệm về thánh Gioan Tẩy Giả để nhận ra ngài chính là hiện thân của mỗi người chúng ta trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.

1. Thánh Gioan là hiện thân của mỗi người chúng ta

Thánh Gioan là hiện thân của mỗi người chúng ta bởi vì, ngay từ lúc còn trong lòng mẹ, Gioan đã được Thiên Chúa chọn lựa để trở thành tiên tri của Đấng Tối Cao, trở thành người loan báo Đức Giêsu Kitô cho thế giới. Việc tuyển chọn đó đã thể hiện qua việc thiên thần hiện ra với người cha là ông Zacaria trong đền thờ Giêrusalem để báo tin về việc trẻ được thụ thai và sinh ra, qua việc người mẹ là bà Elizabeth gặp Đức Maria và Gioan trong lòng bà được thánh hoá và được tràn đầy Thánh Thần (x. Is 49, 1-2).

Bài đọc I (x. Is 49,1-6) nói về người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Bài đọc này quy về Chúa Giêsu, Người là người tôi trung của Chúa, đã được Thiên Chúa đặt làm ánh sáng muôn dân để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng cõi đất. Nhưng bài đọc này cũng gợi ý về Gioan Tẩy Giả, khi nói đến “Đức Chúa đã gọi tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời Người đã nhắc đến tên tôi, Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén”. Quả thật, Thiên Chúa đã chọn Gioan Tẩy Giả ngay từ lúc còn trong lòng mẹ, đã ban Thánh Thần để miệng lưỡi của ngài trở thành một lưỡi gươm sắc bén loan báo Chúa Giêsu, chỉ cho dân Do Thái biết đấng Mêsia, Đấng được xức dầu, sẽ cứu độ họ như thế nào.

Bài đọc này cũng áp dụng cho từng người chúng ta bởi vì Thiên Chúa đã chọn ta không phải chỉ ngay trong lòng mẹ, mà từ muôn thuở Ngài đã yêu thương ta, rồi dựng nên ta, cứu độ ta và ban Thánh Thần để ta trở thành ngôn sứ như Gioan Tẩy Giả và loan báo Đức Giêsu cho thế giới hôm nay. Chúng ta cần nhận ra sứ mạng cao cả của mình. Cùng với sứ mệnh đó, chúng ta cũng nhận được rất nhiều ân huệ của Thánh Thần để giúp chúng ta hoàn thành sứ mệnh.

2. Thiên Chúa ban ơn

Bài Tin Mừng (x. Lc1,57-66.80) có một từ mà nhiều khi chúng ta quên ý nghĩa của nó, từ Gioan. Bà mẹ muốn đặt tên con là Gioan nhưng họ hàng bà đã phản đối, bởi vì không ai trong dòng họ Zacaria có tên đó. Đối với  người Do Thái, dòng họ phải mang những tên giống nhau vì chúng gắn bó với lịch sử của gia tộc. Họ phải làm hiệu cho người cha đang bị câm xem ông muốn đặt tên cho con mình là gì. Ông cũng viết trên bảng: Tên cháu là Gioan. Từ này nguyên gốc Do Thái là Yôhanan, có nghĩa là “Thiên Chúa ban ơn”.

Từ Gioan ấy cũng nói lên ý nghĩa cuộc đời của mỗi người chúng ta vì từng giây từng phút chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và ban cho những ân huệ để chúng ta làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

Tôi xin chia sẻ một sự kiện mà chúng tôi vừa mới trải nghiệm trong ngày hôm nay. Trong nhà thờ này cũng đang có mặt một vài anh chị em vừa mới tham dự cùng với chúng tôi. Sáng sớm hôm nay, chúng tôi đưa đoàn bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên, khoảng 180 người, xuống phòng khám Lam Sơn của các nữ tu dòng thánh Phaolô, ở huyện
Tân Thành, thị xã Bà Rịa, tỉnh Vũng Tàu để khám sức khoẻ, chữa bệnh, chữa răng, phát thuốc miễn phí cho hơn 1.000 bệnh nhân nghèo khó, mồ côi, khuyết tật.

Phải nói rằng, chúng tôi không có gì ngoài lòng yêu mến muốn phục vụ những người nghèo khổ. Tất cả cùng quy tụ với nhau, trong đó chỉ có khoảng 10% là Công giáo, còn lại là anh chị em Phật giáo, Tin Lành, hoặc không có đạo, thậm chí cả đảng viên Cộng Sản đã về hưu. Hôm nay có 40 bác sĩ, 11 dược sĩ, 14 bác sĩ và y sĩ Đông y, 21 điều đưỡng thuộc các bệnh viện ở thành phố HCM, chưa kể bác sĩ và 30 điều dưỡng của Phòng khám Lam Sơn. Vậy chúng tôi lấy đâu ra tiền cho những chi phí ăn uống, xe cộ, thuốc men, thiết bị?

Mỗi lần đi như vậy tốn khoảng trên 200 triệu. Chúng tôi phó mặc cho Chúa an bài. Các bác sĩ đóng góp công sức của mình, nhiều anh chị em cho đồ ăn, nước uống, thuốc men, cho mượn xe chuyên chở…Chúng tôi mang theo máy móc như một bệnh viện, khám đầy đủ tất cả các khâu: mắt, tai, mũi, họng, 3 máy siêu âm, 4 máy đo điện tim, cả một kho thuốc thật lớn, 30 nha sĩ với 8 ghế nha và các dụng cụ chữa răng, quà cho người nghèo, đồ chơi cho trẻ em. Làm xong mọi việc nhiều người chúng tôi mới cảm nhận được tình yêu và ơn lành của Chúa đổ xuống trên mọi người như từ Gioan hàm ý.

3. Tất cả để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô

Quả thật, cuộc đời của Gioan là một lời chứng cho Đức Giêsu. Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Mêsia cho người Do Thái. Ông đã làm chứng cho Chúa Giêsu bằng một đời sống khắc khổ: ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú để kêu gọi dân chúng sám hối trong một xã hội đang chạy theo tiền bạc, danh vọng, thời trang. Ông làm phép rửa cho họ để biểu lộ lòng sám hối. Ông cũng làm phép rửa cho Chúa Giêsu và chứng thực Người là Con Chiên Thiên Chúa sẽ gánh lấy mọi tội trần gian (x. Ga 1, 29) và là Đấng sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần (x. 3,1-25). Cuối cùng, ông làm chứng bằng chính cái chết của mình, vì những lời ông phản đối cuộc hôn nhân loạn luân của vua Hêrôđê đã khiến ông bị bỏ tù và bị chém đầu (x. Mt, 14, 1-12).

Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi để làm chứng cho Chúa Giêsu. Làm chứng về tinh thần nghèo khó trong một xã hội ham chuộng vật chất, xa hoa. Làm chứng về sự thật, về tình yêu, về lòng chung thuỷ trong thời đại người ta thường lừa dối nhau, từ việc mua bán vật chất đến những trao đổi về tinh thần như các thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong quan hệ vợ chồng, bè bạn, trong cả những hành động tôn kính thần linh của các tôn giáo.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta, có thể nói, là một hành trình giống như của Gioan Tẩy Giả. Chúng ta tin vào quyền năng của Chúa luôn luôn nâng đỡ chúng ta, ngay cả khi chúng ta gặp thất bại, rủi ro, phản bội, bách hại… Chúng ta tìn vào tình yêu và ân huệ của Thiên Chúa vì Ngài sẽ an bài và tác động từ những hành động tích cực của chúng ta, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, để thể hiện tình yêu cứu độ của Ngài cũng như của Chúa Giêsu. Xã hội duy vật vô thần hôm nay rất cần những hành động rõ rệt, cụ thể, nên nếu chúng ta chỉ dùng lời nói rao giảng ngoài môi miệng thì khó có thể lôi kéo người khác tin vào Chúa Giêsu. Chúng ta cần phải có những hành động cụ thể, và thánh Gioan đã làm chứng cho chúng ta về những hành động cụ thể đó trong đời sống của ngài.

Lời kết

Vì thế, chúng tôi muốn dâng tất cả những cố gắng trong ngày này để cầu chúc cho anh chị em, nhất là cho những ai mang thánh hiệu Gioan Tẩy Giả, được tràn đầy ân phúc như ngài. Chúng ta luôn luôn nhớ rằng mỗi người chúng ta đang được Chúa yêu thương và ban nhiều ơn thiêng như tên Gioan để làm chứng cho Chúa Giêsu trong xã hội hiện nay.