28/01/2025

Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước

Bao nilông, chai nhựa, thậm chí bàn ghế, gối cũ… cũng dồn xuống cống. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM đã phải “cầu cứu” các cơ quan ban ngành trước tình trạng xả rác bừa bãi tại 175 tuyến đường.

 

Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước

Bao nilông, chai nhựa, thậm chí bàn ghế, gối cũ… cũng dồn xuống cống. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM đã phải “cầu cứu” các cơ quan ban ngành trước tình trạng xả rác bừa bãi tại 175 tuyến đường.


Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước - Ảnh 1.

Một miệng cống trên đường D2, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bị biến thành bãi rác – Ảnh: MỸ DUYÊN

Trong số rác vớt lên từ miệng cống có cả bàn, ghế, gối cũ… Đến cả những ghế sofa cũng được người ta dồn xuống cống

Một nhân viên gom rác

Chứng kiến cảnh công nhân ngụp lặn dưới dòng nước đen ngòm vớt lên hàng trăm chai nhựa, mút xốp, bao nilông tại đoạn cống trên đường Võ Văn Tần (TP.HCM) ngày 20-6, không ít người giật mình tự hỏi: tại sao lượng rác khổng lồ này lại ở trong đoạn cống thoát nước ngầm dưới đất?

Miệng cống thành nơi chứa rác

Ngày 19-6, dọc hai bên lề đường D2, D3, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), rác thải sinh hoạt của người dân không chỉ để nhếch nhác ở lề đường mà còn đặt lên nhiều miệng cống. Có nơi rác che lấp, không thể nhìn thấy đâu là miệng cống!

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các tuyến đường Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) hay đường Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức)…

 

Đặc biệt, tại các đường Cây Trâm, Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) – nơi có nhiều hàng quán, chợ rau củ quả – rác chất thành đống trên lề đường, tại các miệng cống.

Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước - Ảnh 3.

Tình trạng xả rác trước miệng cống trên đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp – Ảnh: MỸ DUYÊN

Bà Nguyễn Thị Trinh, người dân ngụ trên đường Đinh Bộ Lĩnh, cho biết nhiều lần bà chứng kiến cảnh mưa lớn cuốn trôi rác để trên đường lấp bít các miệng cống gây ngập nước.

Lý giải chuyện này, ông Đoan – người làm kinh doanh, sinh sống trên tuyến đường D2 – cho rằng không phải ai cũng mang rác để trước cửa nhà bởi có hộ dân đã sắm thùng rác nhưng lại bị mất cắp.

Còn ông Nguyễn Anh Văn, người dân sống trên đường Cây Trâm, cho rằng thời điểm lấy rác không hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến người dân “mang rác ra đường”.

Ông Bùi Văn Trường, trưởng phòng quản lý vận hành thoát nước mưa Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP, cho biết hình ảnh chai nhựa, mút xốp được vớt lên tại đoạn cống trên đường Võ Văn Tần nói trên không phải là hiếm.

“Khu vực trên là nơi giao cắt của hệ thống cống có hố ga lớn bên dưới, vì vậy rác từ khắp nơi theo đường cống đổ dồn về đây. Sẽ là “thảm hoạ ngập nước” nếu công nhân không thu gom kịp thời” – ông Trường cho biết.

Ông Trường còn nêu dẫn chứng cho thấy kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đoạn thượng lưu hằng ngày “hứng” hơn chục tấn rác.

“Ngoài các quán nhậu dọc hai bờ kênh xả rác trực tiếp, còn một lượng lớn rác từ hệ thống cống ngầm nối từ nhiều tuyến đường đổ ra đây” – ông Trường nói.

Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước - Ảnh 4.

Rác lấp đầy miệng cống trên đường Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) – Ảnh: QUANG KHẢI

 

Địa phương kêu khó xử lý

Mỗi khi mưa lớn, ngành thoát nước phải huy động hàng trăm người đi vớt, dọn rác tại các miệng cống thu nước, nhưng không thể nào bố trí đủ lực lượng tại hàng chục ngàn miệng cống trên khắp các tuyến đường hiện nay.

Đại diện Sở Tài nguyên – môi trường TP cho biết theo nghị định số 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải rác trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị… bị phạt tiền 5-7 triệu đồng.

UBND quận huyện, phường xã có chức năng kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, việc xử lý tại các quận huyện còn ít, chủ yếu tập trung tại các quận trung tâm nên chưa đủ răn đe.

Ông Nguyễn Trí Phúc – phụ trách môi trường P.25, Q.Bình Thạnh – cho biết lực lượng chức năng của phường đã vận động tuyên truyền cũng như kiểm tra, xử phạt tình trạng xả rác không đúng nơi quy định.

Nhưng theo ông Phúc, việc xử phạt còn gặp khó khăn do khó bắt quả tang hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Còn khi thấy rác trước miệng cống thì người dân không thừa nhận rác đó của họ nên không có cơ sở xử lý.

 

Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước - Ảnh 5.

Ảnh hàng trăm chai nhựa được công nhân thoát nước vớt lên tại đoạn cống đường Võ Văn Tần được chia sẻ trên mạng xã hội – Ảnh: HUY ĐỨC

 

Một lãnh đạo UBND P.Linh Trung (Thủ Đức) cho hay đã phạt 7-8 trường hợp người dân xả rác ra đường với mức phạt 3-5 triệu đồng/trường hợp. Tuy nhiên theo vị này, để việc xử lý đạt hiệu quả thì cần có camera ghi hình làm bằng chứng xử lý tại một số tuyến đường trọng điểm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường TP, cho rằng để duy trì đường phố sạch đẹp, giảm ngập thì cần sự chung tay giúp sức của toàn xã hội, từ chính quyền các cấp đến người dân, từ trẻ nhỏ đến người già và cả người bán hàng rong.

Cụ thể đối với điểm kinh doanh, buôn bán cố định, theo bà Mỹ, cần bố trí thùng rác tại các khu vực kinh doanh, quét dọn và thu gom rác sạch sẽ; bố trí điểm lưu giữ rác hợp lý và chuyển giao trực tiếp cho đơn vị thu gom theo thời gian đã thoả thuận.

Đối với các hộ có lượng rác phát sinh nhiều, cần thương thảo với đơn vị lấy rác để tăng tần suất lấy rác, đảm bảo rác được thu gom kịp thời, tránh lưu giữ quá lâu.

Ngay cả những người buôn bán di động cũng cần bố trí điểm chứa rác trên phương tiện và nhắc nhở khách hàng không xả xác trên đường phố, vỉa hè.

Để kiểm tra, xử lý nạn xả rác bừa bãi có hiệu quả, Sở Tài nguyên – môi trường cho rằng các quận huyện, phường xã phải thiết lập cơ chế báo tin bằng đường dây nóng để tiếp nhận phản ảnh và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đồng thời lắp đặt hệ thống camera giám sát và chuẩn hoá đội ngũ thu gom rác dân lập.

Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước - Ảnh 6.

Nhiều người vẫn có thói quen xem miệng cống là nơi tập kết rác – điều này khiến tình trạng ngập nước nặng nề hơn khi có mưa lớn. Ảnh chụp trên đường D2, Q.Bình Thạnh – Ảnh: MỸ DUYÊN

Lực lượng lấy rác dân lập có nhiều hạn chế

Theo Sở Tài nguyên – môi trường TP, phần lớn việc thu gom rác hiện nay vẫn giao cho lực lượng lấy rác dân lập đảm trách.

Trong khi đó, lực lượng này hoạt động theo tính chất tự phát, cá nhân, hạn chế trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước, đôi khi không hợp tác với chính quyền địa phương về thời gian thu gom rác, mức thu phí…

Bên cạnh đó, sự phân chia địa bàn thu gom rác không đồng đều, tình trạng thu gom “da beo”, không đúng thời gian quy định, bỏ thu gom trong ngày khiến rác tồn đọng, ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị.

Theo nghị quyết của HĐND TP, đến năm 2020 hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

 

Q.KHẢI – M.DUYÊN – N.HIẾN