24/12/2024

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 11-6-2018

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa ngày 11-6-2018 với 25 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu đừng sa chước cám dỗ nói xấu, làm mất thanh danh tha nhân. Ngài cũng mời cầu nguyện cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ và Bắc Triều Tiên ở Singapore được thành công.

 Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 11-6-2018

 

 

 

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa ngày 11-6-2018 với 25 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu đừng sa chước cám dỗ nói xấu, làm mất thanh danh tha nhân. Ngài cũng mời cầu nguyện cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ và Bắc Triều Tiên ở Singapore được thành công.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, ngài đã diễn giải về bài Tin Mừng Chúa Nhật 10 Thường Niên năm B (Mc 3,20-35) thuật lại phản ứng của Chúa trước những lời cáo buộc của các luật sĩ cho rằng ngài nhờ tướng quỷ Beelzebul mà trừ quỷ. Cuối buổi đọc kinh, ngài cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tại Singapore.


Huấn dụ của ĐTC

“Tin Mừng chúa nhật hôm nay chỉ cho chúng ta thấy hai loại hiểu lầm ngài phải đương đầu: thứ nhất là của các luật sĩ và loại thứ hai là của chính những người thân của Ngài.

Hiểu lầm thứ nhất. Các luật sĩ là những người thông thạo Kinh Thánh được giao phó nhiệm vụ giải thích Kinh Thánh cho dân. Một số người trong họ được sai từ Jerusalem đến miền Galilea, nơi tiếng tăm của Chúa Giêsu bắt đầu lan rộng, để làm mất uy tín của Ngài trước mặt dân chúng: họ đến để thi hành nhiệm vụ nói xấu, làm mất uy tín người khác, tước bỏ quyền thế, đó là điều xấu. Và những người được sai đến để thi hành điều ấy. Các luật sĩ đã đưa ra lời cáo buộc rõ ràng và kinh khủng – họ chẳng do dự, và đi thẳng vào trọng tâm vấn đề và nói thế này: “Ông ấy bị quỷ Beelzebul ám và đã trừ quỷ chữa lành nhiều người bệnh và các luật sĩ ấy muốn làm cho người ta tin rằng Chúa trừ quỷ không phải với Thần Linh của Thiên Chúa, nhưng là do thần quỷ ma. Chúa Giêsu đã phản ứng lại bằng những lời mạnh mẽ và rõ ràng, Ngài không dung thứ điều ấy, vì các luật sĩ ấy. Có lẽ vô tình đang rơi vào tội nặng nhất, đó là phủ nhận và phạm thượng chống Tình Yêu của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong Chúa Giêsu. Đó là tội chống lại Chúa Thánh Linh, là tội duy nhất không được tha, vì nó đi từ sự khép kín tâm hồn đối với lòng thương xót của Thiên Chúa hoạt động trong Chúa Giêsu.

Nhưng giai thoại này cũng chứa đựng một lời cảnh giác cho tất cả chúng ta. Thực vậy, có thể xảy ra cho chúng ta là một sự ghen tương mạnh mẽ đối với sự tốt lành và những công việc thiện của một ngừơi và lòng ghen ấy có thể thúc đẩy ta cáo gian người ấy. Ở đây có một nọc độc chết người: sự gian ác qua đó người ta cố tình muốn huỷ diệt thanh danh người khác. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cám dỗ kinh khủng ấy! Và khi xét mình, chúng ta thấy cỏ dại này đang nảy mầm trong chúng ta, thì chúng ta hãy đi xưng thú ngay trong bí tích thống hối, trước khi nó phát triển và tạo nên những hậu quả tai ác, bất trị. Anh chị em hãy chú ý, vì thái độ ấy hủy hoại các gia đình, các tình bạn, các cộng đoàn và cả xã hội nữa.

Tin Mừng hôm nay cũng nói vơi chúng ta về một sự hiểu lầm thứ hai đối với Chúa Giêsu, một hiểu lầm rất khác biệt: đó là sự hiểu lầm của những người thân Chúa Giêsu. Họ lo lắng vì đời sống mới lưu động của ngài đối với họ là một sự điên rồ (x. c. 21). Thực vậy, Chúa tỏ ra sẵn sàng đối với dân chúng, nhất là với các bệnh nhân và người tội lỗi, đến độ không có giờ ăn uống nữa. Chúa Giêsu là như thế: dân chúng trước, phục vụ dân chúng, giúp đỡ họ, giảng dạy họ, chữa lành cho dân. Ngài chẳng có giờ để ăn uống. Vì thế những người thân của Ngài quyết định đến đưa Ngài về Nazareth. Họ đến nơi Chúa Giêsu đang giảng và sai người gọi Ngài. Người ta báo: “Này, Mẹ thầy, các anh chị em Thầy đang đứng ngoài kia tìm Thầy.” (c. 32). Ngài đáp: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” và nhìn những người đang ngồi quanh để lắng nghe, Ngài nói tiếp: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi! Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em và là mẹ tôi.” (cc. 33-34). Chúa Giêsu đã thiết lập một gia đình mới, không còn dựa trên những liên hệ tự nhiên nữa, nhưng trên niềm tin vào Ngài, trên tình yêu của Ngài đón nhận và liên kết chúng ta với nhau, trong Chúa Thánh Linh. Tất cả những ai đón nhận Lời Chúa Giêsu đều là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Đón nhận Lời Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, làm cho chúng ta thành gia đình của Chúa Giêsu. Nói xấu người khác, huỷ hoại thanh danh người khác, làm cho chúng ta thành gia đình của ma quỷ.”

Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải là thiếu kính trọng đối với Mẹ và các thân nhân của Ngài. Trái lại, đối với Mẹ Maria đó là một sự nhìn nhận lớn hơn, vì chính Mẹ là môn đệ tuyệt hảo đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Xin Đức Trinh Nữ giúp đỡ chúng ta luôn sống hiệp thông với Chúa Giêsu, nhìn nhận công trình của Chúa Thánh Linh hoạt động trong Người, để tái sinh thế giới vào một đời sống mới.

Kêu gọi và chào thăm

Sau khi ban Phép lành, ĐTC mời gọi các tín hữu hiệp với ngài cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh từ ngày 11-6 này tại Singapore giữa Tổng thống Donald Trump của Mỹ và Chủ tịch Kim Chánh Ân của Bắc Triều Tiên. Ngài nói:

“Tôi muốn tái gửi đến nhân dân Hàn Quốc yêu quý một tư tưởng đặc biệt trong tình thân hữu và trong kinh nguyện. Ước gì các cuộc đàm phán trong những ngày tới đây tại Singapore có thể góp phần vào việc phát triển một hành trình tích cực, bảo đảm một tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và cho toàn thế giới. Chúng ta hãy cầu cho ý nguyện này. Cùng nhau chúng ta cầu xin Mẹ Maria, Nữ Vương Triều Tiên, xin Mẹ đồng hành với các cuộc đàm phán này.”

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước chiều Chúa Nhật 10-6 tại thành phố Agen miền nam Pháp:

“Hôm nay tại thành phố Agen của Pháp, nữ tu Maria Đức Mẹ Vô Nhiễm, tục danh là Adelaide de Batz de Trenquelléon được phong chân phước. Chị sống giữa thế kỷ 18 và 19, và đã thành lập Dòng Nữ Tử Đức Maria Vô Nhiễm, quen gọi là Dòng Nữ Marianiste. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì nữ tử của Chúa đã hiến cuộc đời cho Chúa và phụng sự anh chị em. Chúng ta hãy vỗ tay mừng vị chân phước mới.”

ĐTC cũng chào thăm tất cả các tín hữu Roma và những ngừơi hành hương, các nhóm giáo xứ, các gia đình, hội đoàn. Ngài đặc biệt chào các tín hữu đến từ Tây Ban Nha: từ thành Murcia, Pamplona và Logrono. Từ Italia có các tín hữu đến từ Napoli, các bạn trẻ từ Mestrino.

 

 

G. Trần Đức Anh OP