Chúa Nhật X TN B – 2018: Chiến đấu với quỷ ma
Hiện nay, tại Việt Nam, rất nhiều người bị bùa ngải, bị ma ám, quỷ nhập. Một Đại đức ở phái Mật Tông đến gặp tôi và cho biết rằng: ở chùa của họ mỗi ngày chữa vài chục người, trong đó có nhiều người Công giáo. Chúng ta nghĩ sao về vấn đề này?
Chúa Nhật X TN B – 2018
Chiến đấu với quỷ ma
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh hôm nay nói đến chuyện ma quỷ, một số người tín hữu cho đó là chuyện mê tín, hoang đường. Bài sách Sáng Thế (x. St 3,9-15) nhắc đến việc Satan đội lốt con rắn cám dỗ con người ăn trái cấm làm cho con người mất sự hiệp thông với Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x.2Cr 4,13-5,1) nhắc nhở ta “hãy chú tâm đến những thực tại vô hình”, còn Đức Giêsu trong bài Tin Mừng (x. Mc 3,20-35) bị các kinh sư Do Thái cho rằng Người bị quỷ vương Beelzebul ám. Vì thế, chúng ta nên dành ít phút để tìm hiểu rõ hơn về chuyện ma quỷ trong thời đại hiện nay.
1. Ma quỷ trong đời sống con người
Nhiều tín hữu thời nay, trong đó có cả linh mục, tu sĩ, do ảnh hưởng của tâm thức duy khoa học, duy lý trí, không tin ma quỷ có mặt trong đời sống con người.
Ma quỷ là những thực thể được hầu hết các tôn giáo nhắc đến, riêng phái Mật Tông của Phật giáo còn nghiên cứu sâu xa với những lễ nghi và bùa phép trừ tà đuổi quỷ. Trong truyền thống Công giáo, Công đồng Vaticanô II (1965) trong các văn kiện chính thức như Hiến chế Lumen Gentium, số 16,17,35,48,55; Hiến chế Gaudium et Spes số 13,22,37; Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân Ad Gentes số 3,9 đã nhiều lần nhắc đến việc ma quỷ cám dỗ con người làm điều dữ, việc Chúa Giêsu được sai đến để cứu thoát con người khỏi quyền lực ma quỷ và đánh bại chúng, việc Giáo Hội lật đổ quyền lực của ma quỷ nhờ các hoạt động truyền giáo và nhắc nhở các tín hữu phải cố gắng đứng vững trước các cuộc tấn công của ma quỷ.
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, xuất bản năm 1992, cũng nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện thật sự của ma quỷ với những công việc ác đức của chúng trong hàng chục số khác nhau (x. GLHTCG, số 391-392,414,2891, 1237, 394-395, 398, 2851-2852).
Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, xuất bản năm 2004, số 130, nói đến con người, nhờ tinh thần mở ra đến vô biên, có thể tiếp xúc với Thiên Chúa, với các thiên thần, quỷ dữ, hồn ma và mọi loài hiện hữu. Như thế, Giáo Hội dạy chúng ta ma quỷ có thật.
Hiện nay, tại Việt Nam, rất nhiều người bị bùa ngải, bị ma ám, quỷ nhập. Một Đại đức ở phái Mật Tông đến gặp tôi và cho biết rằng: ở chùa của họ mỗi ngày chữa vài chục người, trong đó có nhiều người Công giáo. Chúng ta nghĩ sao về vấn đề này?
2. Ma quỷ là ai?
Theo ngôn ngữ Việt Nam, từ “ma” chỉ hồn người chết, là sự hiện hình của người chết và bị coi là mê tín. Quỷ là con vật tưởng tượng dưới âm phủ, hình thù dữ tợn, hiện lên quấy rối và làm hại con người (x. Viện ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013).
Theo truyền thống Công giáo, ma quỷ là danh từ chung, dịch từ tiếng Hipri Satan, nghĩa là “ kẻ tố cáo”, hoặc từ tiếng Hy Lạp trong Tân Ước diabolos, có nghĩa là “kẻ chống đối” chương trình của Thiên Chúa. Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2016, trong mục từ Ma quỷ, tr.559, đã định nghĩa “ma quỷ là một thiên thần sa ngã” là chưa chính xác.
Qua Kinh Thánh, chúng ta có thể phân biệt như sau: ngoài Chúa là tinh thần tuyệt đối, còn có các tinh thần tương đối khác. Đó là các thiên thần và tổng lãnh thiên thần. Họ không có thể xác, có quyền năng hơn con người, có lý trí và ý chí. Một số thiên thần đã từ chối Chúa nên trở thành quỷ dữ, đứng đầu nhóm này là Luxifer – người mang ánh sáng. Quỷ dữ luôn cám dỗ, làm hại con người nên Chúa ban thiên thần bản mệnh cho mỗi người để gìn giữ họ.
Hồn ma cũng được chia thành ba loại. Hồn lành là các thánh nhân hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Chúa. Một loại hồn lành khác là các linh hồn trong tình trạng luyện ngục cần ta cầu nguyện,dâng lễ, hy sinh để họ sớm được như các thánh. Loại thứ ba là hồn ác – hay tà ma – là những người chết trong tình trạng mất ân sủng, không có sự hiệp thông với Chúa. Họ có thể làm hại những ai xúc phạm đến họ. Thí dụ một em bé đi chăn trâu ngoài đồng, thấy một cái mả và tiểu lên đó, về nhà sốt li bì mà không thuốc gì chữa được. Nhưng người nhà chỉ cần mang mâm quả và cắm vài cây hương xin lỗi là hết. Hoặc trong những trang thờ bên vệ đường để tưởng nhớ người bị tai nạn, người ta đặt nải chuối hay vài quả quýt, có những người lấy ăn mà không bị gì hết, nhưng có những người ăn lại bị vật, vì đó có thể là hồn lành hay là hồn ác. Nếu ta đói lòng muốn ăn, ta nên nói vài câu thưa gửi để bảo rằng mình mượn và sẽ trả lại sau.
3. Sứ mạng xua trừ ma quỷ thuộc về ai?
Bài Tin Mừng có nhắc đến Beelzebul. Đó là tên của vị thần xứ Canaan mà các kinh sư và Pharisêu Do Thái cho là thủ lãnh các quỷ. Họ cho rằng Chúa Giêsu bị quỷ vương này ám nên Người dựa vào thế này để điều khiển các quỷ cấp dưới (x. Mc 3,22; Mt 10,25; 12,22). Đây là sự xúc phạm nặng nề đối với Chúa Giêsu, đi ngược lại với ơn soi sáng và ơn trừ tà của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Chúa Giêsu đã dạy cho họ bài học về quyền lực của Satan vẫn tác động trên con người và con người rất cần được giải thoát bằng chính quyền lực của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Nhiều linh mục rất ngại ngùng với việc xua trừ ma quỷ vì Giáo Luật ban hành năm 1893 ở điều 1172 đã quy định rất rõ: “Không ai có thể trừ tà hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản quyền địa phương. Đấng Bản quyền địa phương chỉ được ban phép trừ tà cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn”. Do yêu cầu cao như thế, nên nhiều giáo phận hiện nay vẫn chưa tìm ra được linh mục xứng đáng để ban phép trừ tà, hoặc nếu có chỉ định một linh mục thì linh mục đó cũng không dám trừ tà. Đó là vấn đề của Giáo hội Việt Nam.
Vì thế, nhiều giáo dân, khi cảm thấy mình bị ma quỷ tác động, đã tìm đến các sư, ni phái Mật tông hoặc phù thuỷ, thầy pháp của các tôn giáo khác. Chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu những người đó trừ được tà ma, thì những tín hữu được khỏi bệnh sẽ tin vào ai? Họ sẽ gặp nguy hiểm về đức tin. Trong khi đó, Chúa Giêsu đã yêu cầu tất cả các môn đệ của Người hãy đi rao giảng khắp nơi, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ với quyền năng Người ban (x. Mc 16,14-20).
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng ở số 49 rằng: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh… rằng tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng khiến chúng ta phải trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có ánh sáng của niềm an ủi, phát sinh từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời“.
Lời nhắn nhủ của ĐTC không phải chỉ dành riêng cho các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, mà cho mọi tín hữu. Ngài thôi thúc chúng ta, vì lòng thương xót của Chúa, hãy gắn bó với Chúa Giêsu và hãy thực hiện ơn trừ tà cho tất cả những anh chị em khốn khổ quanh mình.
Tôi xin chia sẻ với anh chị em một trường hợp cụ thể mà tôi đã xin phép gia đình họ công bố chuyện này. Bệnh nhân tên là Têrêxa Trần Đông Nghi, 29 tuổi, tốt nghiệp Đại học, ở ấp 3, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Vào năm 2014, cô bị đau đầu, nằm liệt một chỗ, không tự ăn uống và sinh hoạt. Khi lên cơn, bệnh nhân sùi bọt mép, gầm rú gào thét ban đêm, chửi rủa thô tục, tự xưng mình là Beelzebul. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Thánh Tâm, Hố Nai, Biên Hoà, Bệnh viện Hoàn Mỹ và Tâm Thần ở Tp. HCM. Các bác sĩ chẩn đoán đủ thứ bệnh, chữa trị đủ thứ thuốc, nhưng sức khoẻ càng ngày càng giảm. Gia đình cũng đưa cô đi cầu nguyện ở nhiều nơi, xin nhiều linh mục đến cầu nguyện tại nhà. Chúng tôi đã giúp cô 4 lần, bắt đầu từ ngày 04/3/2018 đến 27/5/2018 bằng cách xoa bóp toàn thân để khai thông các dây thần kinh và mạch máu, dù khi làm, cô chửi rủa và nhổ nước bọt vào chúng tôi. Chúng tôi cũng làm phép xức dầu trừ tà cho cô, xin giáo dân giáo xứ Thánh Giuse ở Bàn Cờ, quận 3 Tp.HCM cầu nguyện. Kết quả là sau lần chữa III ngày 29/4/2018, cô tự đi lại, tự ăn uống được. Hiện nay, cô còn một vài lần căng thẳng thần kinh, chưa chịu nổi tiếng động. Chúng tôi vẫn tiếp tục giúp cho cô.
Lời kết
Ma quỷ không xa lạ với chúng ta. Chúng ở ngay trong tâm trí ta khi ta chiều theo cơn cám dỗ của chúng và gây tác hại cho ta khi ta chiều theo những tham vọng và dục vọng. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ và mời gọi chúng ta giải cứu anh chị em mình.