Bất hợp lý khoán rác y tế tính tiền
Từ tháng 6, hàng ngàn phòng khám, cơ sở y tế tư nhân tại TP.HCM khi đổ rác phải cân ký để tính tiền phát sinh. Đặc biệt, rác được khoán là 10 kg/tháng/cơ sở, vượt tính thêm nhưng ít hơn thì không nói đến.
Bất hợp lý khoán rác y tế tính tiền
Nhiều BV để rác thải y tế bừa bộn, thậm chí là rác thải nguy hại bỏ lẫn trong rác thải tái chế ẢNH: DUY TÍNH
|
Nhiều phòng khám tư tại TP.HCM phản ánh đến Báo Thanh Niên, họ nhận được thông báo của Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), các công ty dịch vụ công ích các quận huyện kèm hợp đồng thu gom rác mới để ký cho thời gian từ tháng 6 – 12.2018. Hợp đồng mới ghi rõ, khối lượng rác y tế được khoán là 10 kg/tháng/cơ sở. Nếu vượt khoán, phần rác vượt sẽ được nghiệm thu thanh toán bổ sung hàng quý sau.
Rác thải y tế được tập kết tại một số cơ sở y tế ẢNH: DUY TÍNH |
|
Thực tế, rất nhiều phòng khám tư khám bệnh ngoài giờ có lượng rác thải chỉ vài ba ký mỗi tháng, bằng 1/3 – 1/5 mức rác khoán nhưng vẫn phải đóng số tiền cho cả 10 kg. Chỉ riêng Q.10, có trên 500 cơ sở y tế tư. Khoán thế này, chỉ riêng các cơ sở y tế tư của quận đóng gần 1,8 tỉ tiền rác thải y tế từ nay đến cuối năm, chưa tính khoản vượt ngoài mức khoán. TP.HCM hiện có hơn 6.100 cơ sở y tế tư nhân, nếu đóng theo mức khoán, tổng số tiền rác thải y tế cho lượng cơ sở y tế tư nhân này đóng lên trên 3 tỉ đồng/tháng.
Xã hội hoá dịch vụ công cần minh bạch
Theo Quyết định 6279 của UBND TP.HCM về kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, y tế nguy hại trên địa bàn TP.HCM ban hành ngày 1.12.2017, với tốc độ tăng trưởng công nghiệp khoảng 12 – 14% năm, khối lượng chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại phát sinh khoảng 1.500 – 2.000 tấn/ngày.
Dự báo đến năm 2020 có khoảng 700 tấn/ngày phát sinh trên địa bàn thành phố và đến năm 2025 phát sinh khoảng 1.000 tấn/ngày. Riêng dự báo khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố đến năm 2020 khoảng 30 tấn/ngày và đến năm 2025 phát sinh khoảng 50 tấn/ngày. Cũng theo quyết định này, việc xử lý chất thải y tế nguy hại được giao do Citenco thực hiện bằng công nghệ đốt tiêu hủy tại nhà máy 7 tấn/ngày hoạt động tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà (Q.Bình Tân) và nhà máy xử lý 21 tấn/ngày tại công trường Đông Thạnh (H.Hóc Môn), tro phát sinh sau khi đốt được chôn lấp an toàn, đảm bảo về môi trường. Kế hoạch xã hội hóa công tác này sẽ được thực hiện cụ thể, từ ngày 1.6, các cơ sở y tế tư nhân thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ. Riêng các cơ sở y tế công sẽ thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ từ ngày 1.6.2020 trở đi.
Tham khảo tại một số thành phố khác như Huế, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt… việc thu gom rác y tế tại các phòng khám tư dường như không có sự phân biệt rõ ràng. Tại các thành phố này, rác thải y tế từ các phòng khám tư cũng chỉ được “cột thành bịch, bỏ trước cổng nhà hoặc mang đến điểm tập kết rác chờ xe rác đến lấy vào mỗi buổi tối” như mọi loại rác sinh hoạt bình thường khác. Nhân viên thu gom rác thải của một đơn vị công ích tại Buôn Ma Thuột cho biết, vì không phân biệt rác, các phòng mạch vẫn bỏ lẫn kim tiêm, bông băng với rác thải sinh hoạt hằng ngày và “quăng” vào xe của họ mỗi khi xe thu gom đến. Tiền rác các hộ gia đình, cơ sở y tư nhân đóng vài chục ngàn mỗi tháng như nhau.
Với chuyên gia Phan Văn Hiện đây là điều hoàn toàn không nên ủng hộ và “cần phải thay đổi để nâng cao nhận thức cho người dân” trong phân loại rác. Việc siết phân loại và quản lý chặt chẽ việc xử lý rác thải y tế là điều cần ủng hộ. Cách làm được gợi ý là nên phân nhóm phòng khám tư nhân theo quy mô để thu tiền rác. Chẳng hạn, các phòng mạch tư khám ngoài giờ sẽ đóng mức tối thiểu do lượng rác thải ít. Các phòng khám gia đình khám nguyên ngày phải đóng cao hơn phòng khám ngoài giờ. Phòng khám đa khoa, bệnh viện tư tùy mức độ để áp mức đóng thế nào…
Theo đó, việc phân loại sẽ có những bước tính toán về lượng rác dễ hơn. Với việc “cân rác tính tiền”, theo một lãnh đạo ngành y tại TP.HCM là cách xã hội hoá các dịch vụ công mà TP khuyến khích làm lâu nay nhưng cách làm mỗi lĩnh vực nếu chưa đúng cần tính toán xem xét lại. “Quan trọng là tránh nạn độc quyền, thiên vị, thiếu công bằng giữa người sử dụng dịch vụ và đơn vị được giao làm dịch vụ”, vị này nhấn mạnh.
TS Phùng Chí Sỹ, Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cho rằng hoạt động xã hội hóa các dịch vụ công như thu gom và xử lý rác thải nói chung là tất yếu. Bởi ngân sách nhà nước không thể chi trả hết cho toàn bộ nguồn thải ra ngày càng gia tăng. Hơn nữa, điều này cũng cần thiết và công bằng cho mọi cá nhân và doanh nghiệp trong sinh hoạt, kinh doanh. Đơn vị nào thải nhiều rác thải thì phải trả tiền nhiều, còn thải ít thì trả tiền ít. Quan trọng nhất là phải tính được đơn giá công khai, rõ ràng dựa trên chi phí đầu tư hạ tầng thiết bị công nghệ và chi phí vận hành thường xuyên. Khi đó việc tính tiền sẽ dựa trên số lượng thải ra hằng tháng. Đây cũng chính là mục tiêu xã hội hoá việc thu gom và xử lý chất thải rác nguy hại nhằm hạn chế lượng xả ra môi trường. Chứ không thể khoán số lượng đánh đồng giữa mọi đơn vị để tính tiền không khéo lại phản tác dụng.
M.Phương – Ng.Nga
|
NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG