Chủ Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô B 2018: Sự sống, tình yêu và giao ước trong tiệc Thánh Thể
Những lương thực hằng ngày dùng trong bữa ăn đều gợi lên ba ý nghĩa: sự sống, tình yêu và giao ước.Từ những ý nghĩa trong bữa ăn hằng ngày chúng ta dễ dàng cảm nhận được giá trị phi thường của Mình Máu Chúa Giêsu Kitô.
Chủ Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô B 2018
Sự sống, tình yêu và giao ước trong tiệc Thánh Thể
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Đức Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể, biến bánh và rượu trở thành Mình Máu thánh Người để trở thành lương thực nuôi sống chúng ta. Người mời gọi chúng ta hãy ăn, hãy uống để có sức sống của Thiên Chúa trong con người mình và từ đó chúng ta mới kiện toàn chính mình và biến đổi thế giới. Hôm nay chúng ta được mời gọi tìm lại ý nghĩa trong bữa ăn hằng ngày để từ đó sẽ hiểu hơn ý nghĩa của Mình Máu Chúa trong đời sống.
1. Bữa ăn hằng ngày
Người xưa gọi ăn uống là ẩm thực theo nghĩa chữ Hán của người Trung Hoa và tạo nên cả một nền văn hoá ẩm thực. Nhiều người coi ăn uống là công việc quá quen thuộc nên nhiều khi không để ý đến ý nghĩa của nó. Trong nền văn hoá Việt Nam, từ ăn được ghép với rất nhiều từ khác như “ăn học, ăn chơi, ăn tiêu, ăn uống, ăn ở cho đến ăn bám, ăn chia, ăn mặc, ăn nằm, ăn nói, ăn thề… Tất cả đều cần phải ăn, nếu không ăn ta không có sức để làm những việc đó.
Hơn nữa, vì không khám phá ra ý nghĩa cao đẹp của việc ăn nên nhiều người đã làm những chuyện xấu xa. Chúng ta thấy từ “ăn” được ghép với nhiều từ xấu như: “ăn bám, ăn bẩn, ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn, ăn cướp, ăn gian, ăn hiếp, ăn quỵt, ăn trộm, ăn vạ”, … trong khi chỉ có ít từ có ý nghĩa tốt như: “ăn chay, ăn khách, ăn mừng, ăn năn”.
Trong đời sống, ăn là hành động đưa lương thực vào hệ tiêu hoá để chuyển chúng thành dòng máu đỏ nuôi sống chính mình. Đây là một tiến trình phức tạp với nhiều công đoạn, từ việc nhai đồ ăn trong miệng để nước bọt chuyển hoá tinh bột thành đường cho đến việc dạ dày co bóp với những dịch vị tiêu hoá, hoà trộn với những men qua gan mật tiết ra, rồi chuyển xuống ruột non với hàng triệu lông mao hút chất bổ vào máu để đưa đến các tế bào là những đơn vị sống nhỏ nhất. Có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào thuộc 200 loại khác nhau, được tổ chức chính xác, giữ vị trí riêng của chúng trong một cấu trúc có trật tự là một con người đang sống với đầy đủ chức năng. Mỗi ngày có hàng triệu trong số các tế bào này được thay thế nên ta mới cần ăn uống hằng ngày (x. Bs Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y học, 2015, tr. 20,22,24).
2. Ba ý nghĩa của lương thực
Những lương thực hằng ngày dùng trong bữa ăn đều gợi lên ba ý nghĩa: sự sống, tình yêu và giao ước.
Ý nghĩa sự sống. Chúng ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn! Để tạo nên sự sống cho ta, bao nhiêu con người cũng như vạn vật phải mòn mỏi, vất vả , thậm chí phải đón nhận cả cái chết. Cha mẹ, anh chị ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt ở chợ đời để đem về cho ta bát cơm, khúc cá. Mồ hôi đổ ra lắm khi còn hơn cả bát canh trước mặt. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương và nhờ đó dân tộc ta mới có ruộng lúa, vườn rau.
Nếu nhìn sâu xa hơn ta sẽ thấy những ngọn rau cây giá, gà vịt tôm cá chết đi để ta được sống, trong khi chúng cũng yêu quý sự sống chẳng thua kém con người. Một cây xanh, dù bị chặt ngang thân, vẫn cố đâm ra những chồi non để sống. Một con giun, dù bị đứt đôi thân mình, vẫn cố lê thân về miền đất ẩm để tồn tại. Vì thế, sự sống hết sức quý giá khiến ta phải trân trọng bảo vệ và biết ơn muôn loài. Cha ông ta vẫn nhắc bảo về lòng biết ơn đó: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, dần, sàng“.
Ý nghĩa tình yêu. Động lực khiến muốn loài hy sinh cho ta sống chính là tình yêu. Tất cả đều yêu ta. Đó chẳng phải là thứ tình cảm yêu đương thắm thiết giữa nam nữ như người ta thường hiểu, mà là bản chất được Chúa Trời đặt vào lòng vạn vật khi tạo dựng muôn loài.
Vì chúng ta không nhận ra giá trị của tình yêu nên chúng ta không trân trọng vạn vật và mọi người quanh mình. Chúng ta đánh giá bát cơm, miếng cá theo những đồng bạc bỏ ra ở chợ đời, chứ không biết rằng có những nông dân đã cụt tay chân khi cày cấy trên ruộng đồng vì trái mìn còn sót lại trong chiến tranh, có ngư phủ vùi thân trên biển cả vì trận bão bất ngờ khi kéo về cho ta tôm cá. Người ta tìm ăn những đặc sản và quên rằng chúng chỉ đánh lừa vị giác con người, chứ tất cả đều biến đổi ngay khi đồ ăn qua cửa miệng để biến thành những chất đơn giản cho ruột dễ hấp thu. Có những người đi vào các tiệm buffet lấy thật nhiều đồ ăn theo lòng tham của mình vì “no bụng đói con mắt” rồi lại bỏ mứa. Họ không biết ý nghĩa của tình yêu hy sinh nên không biết ơn ai cả, và trở thành loại người “ăn cháo đái bát”.
Ý nghĩa giao ước. Lương thực luôn gợi ý về một giao ước thiêng liêng mà mỗi bên cam kết sẽ làm. Khi ăn là ta nợ bao nhiêu người khác: nợ máu xương, mồ hôi nước mắt, nợ trí tuệ và cả sự sống nên ta phải trả nợ bằng đời sống tích cực, tốt đẹp của mình để tình yêu hy sinh của họ không trở thành vô nghĩa.
Ta cũng mắc nợ với vũ trụ vạn vật về từng chục ngàn lít khí ta thở mỗi ngày cho dòng máu đen trở thành máu đỏ, về từng bát cơm, miếng thịt ta dùng mỗi bữa để chúng trở thành xương thịt của ta, nên ta phải yêu thương vạn vật như chính thân mình. Ta mắc nợ những bông hoa, cánh bướm đang toả hương khoe sắc cho ta cách quảng đại, mà không đòi một xu nhỏ, để trả nợ sự sống bằng cách dấn thân quảng đại hơn và hiến thân vô vị lợi cho sự sống muôn loài. Sống như thế mới thật sự là người con của Trời và anh em ruột thịt của muôn loài. Sống như thế mới hoàn thành giao ước.
3. Ý nghĩa của Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
Từ những ý nghĩa trong bữa ăn hằng ngày chúng ta dễ dàng cảm nhận được giá trị phi thường của Mình Máu Chúa Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu ban chính thân mình để trở thành lương thực hằng ngày cho ta, để ta đón nhận được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,54.58). Nhưng có nhiều người rước lễ hằng tuần, thậm chí hằng ngày, mà không phát huy được sự sống kỳ diệu trong Mình Máu Thánh Chúa. Nhiều người đi lễ mà không muốn rước lễ vì thấy mình ăn vào mà chẳng thay đổi được gì!
Thật ra, để chuyển hoá được Mình Máu Thánh Chúa thành sự sống kỳ diệu là cả một công trình phức tạp đòi chúng ta phải tích cực tham gia, chứ không phải vội vàng lên nhận bánh thánh rồi về ngồi yên thụ động cho đến hết thánh lễ như nhiều người đang làm. Chúng ta cần tìm hiểu, suy tư về ý nghĩa của sự sống, tình yêu và giao ước qua những giờ chầu Thánh Thể mà Giáo Hội khuyến khích, nhất là trong ngày hôm nay. Chúng ta hãy thay đổi cách chúng ta quen làm để dành thêm những giây phút chẩn bị kỹ lưỡng hơn trước khi rước lễ và dành thêm thời gian sau rước lễ để làm bốn việc: thờ lạy – tạ ơn – dâng mình – xin ơn như ta đã học trong các lớp giáo lý thời xưa. Đúng ra ta cần cả một đời để cảm tạ vì Chúa đã ban cho ta Mình Máu Thánh Người chứ không phải chỉ một vài phút mà thôi.
Các bài Thánh Kinh hôm nay nhấn mạnh đến ý nghĩa giao ước. Ông Môsê đã cùng với dân Do Thái ký kết một giao ước với Thiên Chúa. Ông lấy máu tượng trương cho sự sống để rảy lên bàn thờ và rảy trên dân chúng (x. Xh 24, 3-8). Chúa Giêsu khi dâng mình chịu chết cho chúng ta, biến thành Mình Máu nuôi sống chúng ta, Người cũng lập nên một giao ước mới (x. Dt 9,16). Giao ước này Người thực hiện chỉ một lần trên thập giá và được làm sống lại hằng ngày trong thánh lễ để nhắc nhở chúng ta về giao ước sự sống và tình yêu mà chúng ta ký kết với Người cũng như với muôn loài. “Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24).
Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 38, đã nhắc nhở rằng: “Luật để kiện toàn con người và xã hội chính là điều răn mới về tình yêu và tất cả những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa thì họ sẽ đi vào con đường tình yêu mở rộng ra cho tất cả mọi người. Tình yêu ấy không phải diễn tả trong hành động lớn lao nhưng thực hiện trong những việc rất bình thường của cuộc sống”. Chính khi đón nhận Mình Máu Chúa với tình yêu, ta sẽ thấy sự sống phi thường của Thiên Chúa chuyển thông vào con người yếu đuối để ta tiếp tục làm những phép lạ hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại như Chúa Giêsu đã làm xưa.
Lời kết
Chúng ta đừng quên rằng bánh và rượu chỉ có thể biến thành Mình và Máu Thánh Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần đã thúc đẩy và biến đổi lễ tế vẹn toàn của Chúa Giêsu (Dt 9,14) thành lương thực mang lại sự sống kỳ diệu cho ta. Vì thế, mỗi lần rước lễ, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần tác động trong ta, nối kết ta với Chúa Cha, Chúa Con và với muôn loài để phát huy những ân sủng lạ lùng mà Chúa Giêsu ban cho ta qua Thánh Thể.