27/12/2024

Công bố văn kiện Toà Thánh về Thể thao

VATICAN. Hôm 1-6-2018, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã công bố văn kiện mới về thể thao với tựa đề “Cố gắng hết mình. Viễn tượng Kitô về thể thao và con người”. Văn kiện gồm 5 chương dài tổng cộng 50 trang, được công bố trong cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Toà Thánh do ĐHY Bộ trưởng Kevin Farrell chủ toạ.

 Công bố văn kiện Toà Thánh về Thể thao

 

 

 

VATICAN. Hôm 1-6-2018, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã công bố văn kiện mới về thể thao với tựa đề “Cố gắng hết mình. Viễn tượng Kitô về thể thao và con người”.

Văn kiện gồm 5 chương dài tổng cộng 50 trang, được công bố trong cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Toà Thánh do ĐHY Bộ trưởng Kevin Farrell chủ toạ, với sự cộng tác của Bà Antonella Stelitano, nghiên cứu gia, thành viên Hội Italia về Lịch sử Thể thao, LM Patrick Kelly, Dòng Tên, giáo sư thần học tại Đại học Seattle, Hoa Kỳ, và Ông Santiago Pérez de Camino, trưởng Văn phòng “Giáo hội và Thể Thao” thuộc Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống.

5 chương của Văn kiện lần lượt đề cập đến lý do và mục đích của văn kiện (I), hiện tượng thể thao (II), một ngành thể thao vì con người (III), những thách đố dưới ánh sáng Tin Mừng (IV) và sau cùng là vai trò chủ yếu của Giáo Hội (V).

Trong số những điểm được văn kiện đề cập tới, có các giá trị đa diện của thể thao, nhưng đồng thời cũng có hiện tượng thể thao bị lạm dụng chống lại phẩm giá và các quyền con người. Chương 4 bàn đến các vấn đề này như thái độ tìm chiến thắng với bất kỳ giá nào, những nguy hiểm cho sức khoẻ, và thể tháo gia bị biến thành những món hàng thương mại, những lạm dụng thể lý, tính dục và cảm xúc đối với các trẻ vị thành niên, và cả những thái độ phản thể thao do những kẻ ủng hộ một đội thể thao của mình.

Giáo Hội được đặc biệt đương đầu với 4 thách đố, để tránh cho thể thao bị ô nhiễm, ví dụ sự hạ giá thân thể, đưa tới sự “tự động hoá các vận động viên”, và người ta thường thấy điều này trong bao nhiêu trường hợp chuyên biệt quá sớm, làm tổn hại sức khoẻ. Tiếp đến là hiện tượng doping, dùng những chất kích thích trái phép để đạt hiệu năng thể thao, hạ giá thể tháo gia và gian lận. Thứ ba là hiện tượng biến thể thao thành những trình diễn thái quá, trong đó có tệ nạn tham ô hư hỏng lẻn vào, tệ nạn tham nhũng thuộc loại kinh tế. Thứ tư là thái độ của những người ủng hộ và khán giả, nhiều khi để cho đam mê làm hư hỏng vẻ đẹp của thể thao.

Đầu Văn kiện có đăng Sứ điệp của ĐTC gửi ĐHY Kevin Farell Bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, qua đó ngài bày tỏ vui mừng về việc công bố văn kiện này, để làm nổi vật vai trò của Giáo Hội trong thế giới thể thao và cho thấy thể thao có thể trở thành một dụng cụ gặp gỡ, huấn luyện, sứ vụ và thánh hoá như thế nào.

Về điểm này, ĐTC nhấn mạnh: “Giáo hội được kêu gọi trở thành dấu chỉ của Chúa Giêsu Kitô trong thế giới, kể cả qua thể thao được thực thi tại các hội trường xứ đạo, các trường học và hội đoàn… Mỗi cơ hội như thế đều là tốt để mang sứ điệp của Chúa Kitô cho tha nhân, “dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Điều quan trọng là mang đến, thông truyền niềm vui do thể thao, và thể thao không là gì khác hơn là khám phá những tiềm năng của con người, những tiềm năng ấy mời gọi chúng ta biểu lộ vẻ đẹp của thiên nhiên và của chính con người, vốn được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thể thao có thể mở đường tiến về Chúa Kitô tại những nơi hoặc trong những môi trường không thể trực tiếp loan báo Ngài vì nhiều lý do.” (Rei 1-6-2018)

 
 

G. Trần Đức Anh, OP