Gian nan thuyết phục khách hàng ngừng dùng ống hút nhựa
Một buổi chiều, trong quán cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Đà Nẵng) có hai bạn trẻ tuổi 17 nhiệt tình và nhẫn nại giới thiệu những chiếc ống hút đặc biệt đến chủ quán và các nhân viên.
Gian nan thuyết phục khách hàng ngừng dùng ống hút nhựa
Một buổi chiều, trong quán cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Đà Nẵng) có hai bạn trẻ tuổi 17 nhiệt tình và nhẫn nại giới thiệu những chiếc ống hút đặc biệt đến chủ quán và các nhân viên.
Đó là Nguyễn Thuỳ Khánh Như và Huỳnh Trần Bảo Minh (17 tuổi) là học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, hai thành viên của nhóm Green Hero.
Thời gian qua, tại Đà Nẵng nhóm này đã tổ chức hàng loạt chiến dịch thay đổi nhận thức, tuyên truyền và kêu gọi giảm rác thải nhựa ở Đà Nẵng, tạo sự lan toả lớn trong cộng đồng, đặc biệt các bạn trẻ.
Lỗ vốn!
Trên tay của Khánh Như và Bảo Minh là những chiếc ống hút làm bằng tre được lấy ra từ các túi giấy. Trong vai trò nhân viên tiếp thị, hai bạn trẻ bắt đầu trình bày về những lợi ích của ống hút trevà thuyết phục quán chuyển từ sử dụng ống hút nhựa sang ống hút tre thay thế.
Cùng với việc quán cà phê này cam kết sử dụng ống hút tre một tháng đầu, nhóm sẽ trợ giá 50% cho quán. Theo đó mỗi ống hút nhóm lấy vào giá 5.000 đồng và bán cho các quán bằng nửa giá. Trong thời gian này, nhóm phân chia các thành viên đến gặp trực tiếp khách hàng để khảo sát và lấy ý kiến về việc sử dụng ống hút tre.
Nếu hơn 80% khách hàng đồng ý sử dụng, quán sẽ chuyển sang dùng ống hút tre hoàn toàn với mức trợ giá 100%, tức nhóm cung ứng miễn phí hoàn toàn số lượng ống hút tre quán đó cần.
Việc giao dịch lỗ vốn tưởng chừng rất có lợi cho các quán cà phê, các cửa hàng thức uống nhưng thuyết phục họ đồng ý thì không mấy dễ dàng. Khánh Như cho biết các bạn đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu từ tính cách chủ quán, độ tuổi, giới tính khách hàng và phong cách của các quán trước khi tiếp cận, giới thiệu sản phẩm.
Trong khi một số quán còn e ngại, nhiều chủ quán đã ủng hộ chiến dịch chống ống hút nhựa thông qua việc làm của nhóm. Anh Nguyễn Thế Hiển, chủ một quán cà phê trên đường Phan Châu Trinh, chia sẻ: “Qua nỗ lực của các bạn trẻ, mình nhận thấy việc từ bỏ sử dụng ống hút nhựa là vô cùng cần thiết. Sử dụng ống hút tre, ống hút inox, hay silicon vừa đảm bảo sức khỏe cho người dùng nếu vệ sinh đúng cách, vừa tái sử dụng nhiều lần và dễ dàng phân hủy”.
Hiện tại quán của anh đã khuyến khích khách hàng sử dụng ống hút tre và ống hút inox, tiến tới không sử dụng ống hút nếu không thực sự cần thiết.
Không chỉ là trào lưu
Nhóm Green Hero do Nguyễn Lưu Ngọc Hân (18 tuổi) thành lập với mong muốn thực hiện những chiến dịch kêu gọi giảm nhựa, bảo vệ môi trường.
Hân cho biết vốn có niềm yêu môi trường, tình cờ bạn xem được một clip về hai bạn trẻ Indonesia đã thu thập 10.000 chữ ký để gửi lên chính phủ đề xuất lệnh cấm sử dụng túi nilông ở Bali. Và chiến dịch đã thành công sau đó, tạo hiệu ứng lan tỏa ra một số nước khu vực Đông Nam Á.
Hân được truyền cảm hứng và bắt tay vào thực hiện một điều tốt đẹp cho môi trường nơi mình đang sống. Và Green Hero ra đời từ đó. Thông qua mạng xã hội, Hân kêu gọi được đông đảo các bạn học sinh, sinh viên tham gia với hơn chục thành viên cốt cán và hàng chục bạn trẻ đồng hành cùng các chiến dịch.
Hân chia sẻ hiện ở một số thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội đã hình thành trào lưu sử dụng ống hút tre. Song trào lưu thì sẽ kết thúc và các thành viên của nhóm mong muốn biến trào lưu này thành nhận thức của cộng đồng chứ không chỉ là một trào lưu nhất thời.
Bán sản phẩm tái chế, gây quỹ tình nguyện bảo vệ môi trường
Cùng với chiến dịch “chống ống hút nhựa”, nhóm đã tổ chức hàng loạt chương trình chia sẻ về tác hại của hạt vi nhựa trong một số sản phẩm kem đánh răng, sữa rửa mặt; trại hè “Siêu nhân xanh lá” giáo dục trẻ em bảo vệ môi trường; triển lãm “Quái vật nhựa”…
Bên cạnh đó, nhóm còn thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt cà phê chia sẻ về niềm yêu môi trường và lối sống giảm nhựa đến cộng đồng các bạn trẻ.
Green Hero cũng đã lên ý tưởng bán các sản phẩm như đồ chơi bằng nhựa tái chế, hoa giấy, bình hoa tái chế, các sản phẩm làm bằng tre, sổ tay… để gây quỹ thực hiện các chiến dịch tuyên truyền.