28/01/2025

Nghi vấn sóc đỏ truyền bệnh hủi

Bệnh hủi nhiều khả năng bắt nguồn từ châu Âu chứ không phải châu Á, theo cuộc nghiên cứu quy mô nhất từ trước đến nay về căn bệnh hoành hành từ thời cổ đại này.

 

Nghi vấn sóc đỏ truyền bệnh hủi

Bệnh hủi nhiều khả năng bắt nguồn từ châu Âu chứ không phải châu Á, theo cuộc nghiên cứu quy mô nhất từ trước đến nay về căn bệnh hoành hành từ thời cổ đại này.


 
 
Giám định xương sọ một nạn nhân mắc bệnh hủi /// Ảnh: Đại học Tuebingen

Giám định xương sọ một nạn nhân mắc bệnh hủi   ẢNH: ĐẠI HỌC TUEBINGEN

 
Có thể nói bệnh hủi là một trong những căn bệnh lâu đời nhất từng được ghi nhận, đồng thời cũng là dạng bệnh tật bị con người hắt hủi nhất trong lịch sử nhân loại. Trong bộ phim về đề tài sử thi lừng danh Ben Hur (phiên bản năm 1959), ắt hẳn nhiều người còn nhớ tình tiết mẹ và em của nhân vật chính Judah Ben-Hur mắc bệnh hủi qua thời gian bị giam cầm trong ngục tối nằm sâu trong lòng đất. Họ đột ngột lành bệnh vào giây phút Chúa Giêsu tắt thở trên thập tự giá vào thế kỷ thứ nhất.


Tuy nhiên, trong nhiều thập niên qua, giới khoa học vẫn tiếp tục tranh cãi về nguồn gốc lẫn thời điểm xuất hiện có thể của căn bệnh. “Trong nhiều thế kỷ, luôn tồn tại một dấu chấm hỏi lơ lửng về địa điểm bắt nguồn bệnh hủi; với đa số giả thuyết cho rằng nó phải xuất phát từ Trung Quốc và vùng Viễn Đông”, theo tờ Guardian dẫn lời đồng tác giả cuộc nghiên cứu Helen Donoghue, đang công tác tại Đại học Cao đẳng London (Anh). “Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy tất cả các chủng vi khuẩn gây bệnh hủi thu được trên thực tế hiện diện vào thời Trung cổ ở châu Âu. Điều này cho thấy căn bệnh này nhiều khả năng bộc phát tại miền đông nam châu Âu hoặc Tây Á”, theo chuyên gia Donoghue.

 
Bệnh hủi thường xuyên xuất hiện ở châu Âu cho đến thế kỷ 16, và hiện vẫn bám trụ tại nhiều nước, chủ yếu tại khu vực xích đạo, với hơn 200.000 ca mới được công bố mỗi năm. Theo báo cáo trên chuyên san PLOS Pathogens, một nhóm chuyên gia quốc tế đã giám định 90 bộ xương bị tình trạng biến dạng đặc trưng của bệnh hủi, được tìm thấy ở châu Âu và có niên đại từ năm 400 đến 1.400. Từ những mẫu vật này, họ tái tạo được 10 chuỗi gien mới với mã di truyền hoàn chỉnh của Mycobacterium leprae từ thời Trung cổ, chủng vi khuẩn gây bệnh hủi. Trước đây, giới khoa học chỉ biết được 1 hoặc 2 chủng vi khuẩn có nguồn gốc châu Âu, và kết quả thu được cho thấy căn bệnh phải có ít nhất vài ngàn tuổi.
 
Nhóm chuyên gia cũng phát hiện chủng vi khuẩn gây bệnh hủi lâu đời nhất từng được ghi nhận, lấy từ hài cốt được khai quật tại làng Great Chesterford thuộc hạt Essex, có niên đại từ năm 415 – 545. Đáng ngạc nhiên là chủng vi khuẩn này được tìm thấy trong loài sóc đỏ ngày nay, cho thấy căn bệnh có thể bị phát tán đến Anh thông qua hoạt động mua bán da sóc thời đó. Một tác giả khác là Giáo sư Johannes Krause, Giám đốc Viện Max Planck về khoa học lịch sử loài người (Đức) cho biết nhóm của ông chuẩn bị nghiên cứu những hài cốt cổ hơn nữa để có thể ước tính chính xác thời điểm con người lần đầu tiên mắc bệnh hủi.
 
 
HẠO NHIÊN