22/01/2025

Tĩnh tâm cuối tuần: Để chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần

Các bạn thân mến, chúng tôi xin gửi tặng các bạn tài liệu này để giúp các bạn thực hiện cuộc tĩnh tâm chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần. Cầu chúc các bạn luôn an lành và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Luôn cầu cho nhau. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

Tĩnh tâm cuối tuần

Để chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần 

Sống theo ơn

Chúa Thánh Thần 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Vài lời hướng dẫn

Bạn có thể dành mỗi ngày khoảng 20 phút, tìm một khoảng không gian yên tĩnh, trong gia đình hay ở bất cứ nơi nào, để thực hiện cuộc tĩnh tâm này.

Cuộc tĩnh tâm này bạn sẽ thực hiện với Mẹ Maria, với các Tông đồ như trong Nhà Tiệc Ly xưa để chuẩn bị đón Chúa Thánh Thần. Đây là cuộc tĩnh tâm quan trọng, có thể thay đổi cả cuộc đời bạn để bạn vui hơn, khoẻ hơn, tốt đẹp hơn, kỳ diệu hơn vì Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới mọi sự.

Tập suy niệm ngắn gọn này chỉ đưa vài điểm giúp bạn có chất liệu để nói chuyện với Chúa. Bạn có thể đọc chậm từng đoạn văn nhỏ rồi dâng lên Chúa những tâm tình ngợi khen, ca tụng, tôn vinh, cảm tạ, xin lỗi, xin ơn…

Bạn cũng có thể tự đặt câu hỏi cho mình: Tình trạng của tôi hiện nay thế nào? Tôi nên làm gì để thay đổi hay cải thiện đời sống? Tôi đang nhận những ân huệ nào của Chúa Thánh Thần? Tôi cần phải phát huy ân huệ đó như thế nào?…

Bạn có thể ghi những tâm tình hay quyết tâm vào trong cuốn sổ bạn mang theo. Ngoài giờ suy niệm chính thức, bạn có thể dùng những giờ tự do để tiếp tục cầu nguyện theo tập hướng dẫn này, bạn có thể Chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá, Đường Ánh Sáng…

Trong tĩnh tâm cuối tuần này, bạn được hướng dẫn để đo khí thở của bạn xem mỗi lần bạn thở được bao nhiêu, có đủ khí cho bộ não của bạn hay không. Bạn cũng được hướng dẫn để đo huyết áp và nhịp tim vì chúng liên hệ mật thiết với khí thở và rất quan trọng cho sức khoẻ của bạn. Trong đời sống siêu nhiên, bạn cũng được mời gọi, và nhắc lại nhiều lần trong tập suy niệm này, để xét lại tình yêu trong trái tim bạn và phát huy những ân sủng của Thánh Thần.

Cầu chúc bạn luôn được bình an, hạnh phúc trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.


Bài 1

Ân huệ tột đỉnh của lòng Chúa xót thương:
Đổi mới con người thụ tạo thành Thiên Chúa

Lời mở

Khi thiết lập lễ kính lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật II mùa Phục Sinh, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II như muốn mời gọi ta nhận ra tột đỉnh lòng Chúa thương xót qua cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ trong ngày Người sống lại (x. Ga 20,19-31). Nhưng rất nhiều người tín hữu chúng ta dường như chưa hiểu được điều ấy nên cũng chưa phát huy được lòng thương xót trong đời sống thường ngày. Vì thế, chúng ta sẽ tìm hiểu ân huệ đột đỉnh lòng Chúa thương xót là gì và làm sao để thể hiện điều đó.

1. Ân huệ tột đỉnh lòng Chúa xót thương

Trong ngày Chúa Giêsu sống lại, Người hiện ra 6 lần: lần đầu tiên với Mẹ Maria, theo lời dạy của các thánh giáo phụ; tiếp đến với Maria Magdala ở gần mộ an táng Người; với các phụ nữ; rồi với thánh Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmaus, và chiều tối với các môn đệ ở nhà Tiệc Ly tại Giêrusalem. Lần hiện ra với các môn đệ là quan trọng nhất vì nó diễn tả lòng yêu thương tột đỉnh của Thiên Chúa đối với loài người, đồng thời cũng giúp ta hiểu được bản chất cuộc sống lại của Đức Giêsu và của chúng ta.

Trước hết, cuộc sống lại của Chúa Giêsu không phải giống như cuộc sống lại của con gái ông Giairô (x. Mc 5,22-43), con trai bà goá thành Naim (x. Lc 7,11-17), Lazarô (x. Ga 11,1-41), cậu bé Euticô (x. Cv 20,9-12), bà Tabitha (x. Cv 9,36-41). Đó chỉ là những cuộc hồi sinh của những người “trở về từ cõi chết”: họ tiếp tục sống trong cuộc đời tự nhiên, trong một không gian, thời gian với các điều kiện vật chất bình thường, rồi sau đó lại chết như mọi người.

Cuộc sống lại của Chúa Giêsu cũng không phải là cuộc “tái sinh” từ một kiếp nào đó đã qua để sống một kiếp mới nơi trần thế, trong một thời gian, không gian khác lạ so với kiếp trước, như nhiều người theo Phật giáo vẫn tin tưởng (x. Vicki Mackenzic, Tái sinh ở Phương Tây, NXB Phương Đông, 2010; Brian L.Weiss, Tiền kiếp và luân hồi có thật không?, NXB Tôn giáo, 2006). Kho tàng cổ tích Việt Nam còn kể những chuyện tái sinh mang đậm lý thuyết luân hồi của Phật giáo, từng ăn sâu trong tâm thức người Việt như Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, nhất là truyện Thủ Huờn với câu ca dao nổi tiếng: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”.

Chúa Giêsu sống lại là Người muốn giới thiệu cho ta một sự hiện hữu mới, để sống theo một cách thức mới, không phải trong không gian 3 chiều hay 4 chiều của con người, mà là trong chiều kích của Thiên Chúa. Người cho ta thông phần vào sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, không còn lệ thuộc vào vật chất, thời gian và không gian tự nhiên nữa. Vì thế, ta thấy dù cửa nhà các môn đệ đóng kín, Chúa Giêsu vẫn hiện đến, đứng giữa các ông, vật chất không ngăn cản được Người. Dù Tôma nói với các tông đồ đủ điều bất mãn tưởng như Chúa Giêsu không có mặt, nhưng Chúa Giêsu nghe được tất cả, không bỏ sót điều nào và Người mời gọi Tôma thực hiện từng điều ông yêu cầu. Như thế, không gian và thời gian không ngăn cản nổi Người.

Sự hiện hữu mới mẻ này khởi đầu từ một cuộc sáng tạo mới. Khi Thiên Chúa dựng nên con người và vũ trụ, Thần Khí bay là là trên mặt nước, Chúa dùng Lời của Ngài phán bảo “Hãy có ánh sáng và muôn loài muôn vật”. Tức thì tất cả thụ tạo được hình thành (x. St 1-2). Riêng con người, Chúa thổi hơi vào khối bùn đất bất động, làm thành con người sống động (x. St 2,7).

Nhưng lần sáng tạo mới này từ cuộc phục sinh của Chúa Giêsu lạ lùng hơn nhiều: Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa “trao ban Thần Khí” (Ga 19,30) cho toàn thể vũ trụ để nâng mọi loài sa ngã lên (x. Ga 12,32) khi Người gục đầu chết trên thập giá. Còn trong ngày đầu tiên sống lại, Chúa Phục Sinh đã thổi hơi trên các môn đệ, là những con người sống động, để làm cho họ trở thành Thiên Chúa siêu việt giống như Người. Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20,22-23). Quyền tha tội là quyền chỉ thuộc Thiên Chúa, nhưng nay đã được ban cho con người, để ta thấy con người được Chúa yêu thương, tôn trọng như thế nào.

Đây là tột đỉnh của lòng Chúa thương xót, vì sau khi đã ban Con Một yêu dấu cho ta để giao hoà ta với Ngài, thì Chúa Cha và Chúa Con lại ban Thánh Thần để ta nên một với Thiên Chúa. Tuy nhiên, rất nhiều người chưa ý thức được ân huệ tột đỉnh này. Họ giống như một người được ban tặng một viên kim cương hết sức quý giá, nhưng không biết giá trị của ngọc quý, nên ném nó vào góc tủ. Vì thế họ không thể hiện được ân sủng tột đỉnh này trong đời sống của mình.

2. Làm sao thể hiện được ân huệ Phục Sinh tột đỉnh này?

Muốn thể hiện ân huệ tột đỉnh là trở nên giống Thiên Chúa, ta cần phải thở hít được dồi dào Thần Khí Thiên Chúa để biến dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu. Đây là công việc thánh hoá, thần hoá của Chúa Thánh Thần vì biến đổi ta thành thần thánh như Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nhiều tín hữu hiện nay khác với tín hữu thời Giáo Hội sơ khai như ta thấy mô tả trong Bài đọc I (x. Cv 4,32-35): “Tất cả đều một lòng một ý, nhờ quyền năng mạnh mẽ Chúa ban, họ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại, vì Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng”. Các tín hữu thời nay chưa biết thở Thần Khí Thiên Chúa. Vì thế, họ không thể làm chứng cho Chúa Kitô, không làm được những phép lạ của Thánh Thần, không biết thương yêu nhau và phát huy sự thật trong mọi khoa học và lĩnh vực của đời sống. Trong khi thánh Gioan nhắc nhở ta trong Bài đọc II (1 Ga 5,1-6) rằng: “Chính Thần Khí là chứng nhân và Thần Khí là sự thật”.

Tất cả chỉ vì tín hữu chúng ta không biết tầm quan trọng của Thần Khí trong đời sống, giống như chúng ta chưa quan tâm đến khí thở cho thể xác của mình. Thử hỏi có anh chị em nào quan tâm đến mỗi lần mình thở được bao nhiêu lít khí? Người ta tưởng lầm rằng khí tự nhiên lọt vào buồng phổi. Trong hơn 20 năm chữa bệnh, tôi đã đo khí thở cho khoảng 20 ngàn người và có tới 95% người Việt thở không đủ khí. Mỗi lần thở trung bình người lớn cần khoảng 2000ml khí nhưng nhiều người chỉ thở được 1.000-1.500ml là cùng. Mỗi người cần khoảng hơn 10.000 lít không khí tối thiểu trong một ngày.

Chúng ta biết rằng khí oxy hết sức cần thiết trong đời sống. Thường chúng ta có khoảng 60-70-80 vòng quay máu trong 1 phút. Máu đen từ tim, chuyển sang phổi. Trong thời gian 1/20 giây máu đen đón nhận khí oxy từ các phế nang, biến thành máu đỏ, rồi trở về tim. Tim bơm máu đỏ đến từng tế bào trong khắp cơ thể để đưa khí oxy và chất bổ dưỡng nuôi từng tế bào. Sau đó máu biến thành đen vì có khí Carbonic quay về tim, kết thúc một vòng quay của máu. Đặc biệt, một phần máu đỏ đưa lên não để nuôi khoảng 16 tỉ tế bào thần kinh. Nhờ đó não mới phát ra các lệnh cho mọi cơ quan hoạt động. Nhưng nếu thiếu oxy ở não, chỉ trong vòng 1 giây, đầu óc ta choáng váng, có thể ngã té và bất tỉnh.

Nhiều người thường chỉ lo ăn, quên uống và không quan tâm đến thở. Một ngày không ăn gì là người ta thấy đói cồn cào. Nhưng thực ra con người có thể nhịn ăn tối đa khoảng 30 ngày, nhịn uống tối đa 3 đến 4 ngày vì nước uống cần hơn thức ăn và nhịn thở tối đa khoảng 4 phút. Nhịn được 4 phút là nhờ phổi luôn có khoảng 1,5 lít khí dự trữ để nếu ta có bị ngạt thở, não vẫn còn sống thêm được vài phút. Nếu chúng ta thở mạnh, có nhiều khí trong máu và não, chúng ta sẽ rất khoẻ mạnh, thông minh, tươi đẹp.

Thần Khí trong linh hồn con người và trong thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô cũng hoạt động giống như vậy. Nhiều người tín hữu đi dự lễ, rước Mình Máu Thánh Chúa hằng ngày, nhất là linh mục, tu sĩ, nhưng lại quên thở Thần Khí hoặc thở rất yếu kém. Khí dơ của tinh thần, là tà khí, vẫn còn đầy trong tâm trí, nên không phát huy được 7 ơn Chúa Thánh Thần cũng như các hiện sủng, đoàn sủng, đặc sủng của Ngài.

Chúng ta đáng lẽ phải khoẻ mạnh hơn, xinh đẹp hơn, thông minh hơn, thánh thiện hơn để làm chứng nhân cho sự phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng Thần Khí Chúa Giêsu thổi trên chúng ta đã bị ngăn cản bởi tà khí trong buồng phổi thiêng liêng của mỗi người. Đáng lẽ chúng ta có thể phát huy những ân huệ của Thánh Thần để làm các dấu lạ như chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, khám phá sự thật về con người và vạn vật trong các khoa học, ơn ngôn ngữ, ơn tiên tri, ơn phục vụ để chứng minh mình thật sự là con cái Thiên Chúa như các tông đồ và môn đệ xưa kia.

Lời kết

Vì thế, hôm nay chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì ân sủng tột đỉnh của lòng Chúa xót  thương ta và tìm cách thở mạnh mẽ hơn Thần Khí của Chúa Phục Sinh để có thể chia sẻ tình thương đó cho mọi người.

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn có biết ân sủng cao quý tột đỉnh Chúa ban cho bạn là gì?

2. Bạn có ý thức mình có thể sống tốt đẹp và hành động hiệu quả hơn rất nhiều so với đời sống của bạn hiện nay không?

Bài 2

Chúa Giêsu đổi mới vũ trụ vạn vật

Lời mở

Chúng ta đã suy niệm về ân sủng tột đỉnh của lòng Chúa Thương Xót là nâng con người chúng ta lên thành con cái Thiên Chúa, trở thành Thiên Chúa giống như Ngài. Lần này, tuần III PS năm B, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc đổi mới toàn thể vũ trụ trong cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, mà mỗi người chúng ta đang được tham dự vào qua những đồ ăn, thức uống, vật chất ta dùng trong đời sống hằng ngày. Vậy Chúa Giêsu đã đổi mới như thế nào và làm thế nào để ta thể hiện cuộc đổi mới đó?

1. Chúa Giêsu đổi mới tất cả

Khi dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa thấy tất cả mọi sự Ngài làm ra đều rất tốt đẹp (x. St 1, 4.10.12.18.21.25.31), vì Ngài chia sẻ cho vạn vật chân thiện mỹ, tình yêu và tất cả những ân sủng của mình. Vì thế, vũ trụ vạn vật cũng như con người đều thật sự tươi trẻ, tốt đẹp, vĩnh hằng. Thế nhưng, con người đã phạm tội, cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa, với nguồn chân thiện mỹ, với sự sống và tình yêu nên con người không còn sống mãi, trẻ đẹp mãi, tốt lành mãi và yêu thương quảng đại nữa. Con người đâm ra thù hận nhau, trở nên xấu xí, già nua, chết chóc. Vũ trụ, vì liên đới mật thiết với con người, cũng là bụi đất như con người, và làm nên thân xác con người, nên nó cũng bị kéo vào sự hư nát với con người. “Muôn loài thọ tạo cùng rên siết, quằn quại như sắp sinh nở”, mong được cứu độ (x. Rm 8,20-23).

Chúa Giêsu xuất hiện. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã dựng nên tất cả, vì tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người, nên Người không chỉ muốn cứu độ con người, mà còn muốn cứu độ toàn thể vũ trụ như ý Chúa Cha mong ước. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Thế gian là thế giới, là vũ trụ. Vì thế khi Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người xuất hiện, Người yêu thương vũ trụ, nên vũ trụ nghe lời Người: gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều. Khi Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá, trời đất đã tối sầm lại (x. Mt 27,45). Khi Chúa Giêsu gục đầu tắt thở “Người trao ban Thần Khí” để tạo thành một vũ trụ mới, cả trái đất rung động, nhiều mồ mả mở toang, nhiều vị thánh nhân đã sống lại hiện ra  (x. Mt 27,51-54; 28,2) để bày tỏ cho chúng ta thấy vũ trụ cùng thông cảm với cuộc thương khó của Chúa Giêsu và cùng vui mừng khi Người hoàn tất chương trình cứu độ.

Nhờ cuộc sống lại của Chúa Giêsu, vũ trụ không còn bị giam cầm trong cảnh hư nát vì tội lỗi của người anh cả là con người nữa, mà nó đã được giải thoát cùng với con người để tạo nên một trời mới, một đất mới (x. 2Pr 3,13; Kh 21,1) với những con người mới (x. Ep 2,15; 4,24; Cl 3,10). Đây là niềm vui tuyệt vời cho chúng ta cũng như cho vũ trụ.

Vì thế, Bài đọc II (x. Ga 2,1-5) đã xác định: “Chính Chúa Giêsu là của lễ đền tội không phải chỉ cho con người mà còn đền tội cho cả thế gian”. Cả thế giới và vũ trụ này mong đợi Người đến để “phục hồi vạn vật” (Cv 3,21), như trong Bài đọc I (x. Cv 3,13-21), bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô cho dân thành Giêrusalem.

Trong bài Tin Mừng (x. Lc 24,35-48), Chúa Giêsu minh chứng sự đổi mới của vạn vật khi Người đưa tay chân cho các môn đệ xem trong lần hiện ra vào buổi chiều ngày Chúa sống lại. Người nói: “Cứ rờ mà xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây”. Người muốn cho họ hiểu được rằng thể xác được cấu tạo bởi vật chất trước đây bị đóng đinh, nay đã sống lại, sự chết không còn tác động vào thân xác đó được nữa. Để minh chứng sự giải thoát của vũ trụ, Người ăn trước mặt các ông miếng bánh và mẫu cá nướng rồi đưa phần còn lại cho họ để minh chứng rằng khi vật chất được thân thể phục sinh của Người tiếp nhận, chúng đã được giải thoát khỏi cảnh hư nát để tồn tại mãi mãi. Chúng không còn nặng nề, bị giới hạn bởi không gian hay thời gian nữa nên dù cửa nhà của các môn đệ đóng kín, Người vẫn hiện đến, đứng giữa họ. Như thế là vũ trụ đã được hoàn toàn đổi mới. Nhưng con người chúng ta có cảm nhận được sự đổi mới không và làm sao thể hiện được sự đổi mới này?

2. Chúng ta sống tinh thần đổi mới này như thế nào?

Nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ, thường lặp lại câu hát trong bài Bạc trắng Tình đời của nhạc sĩ Minh Khang: “Thà là bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu. Thà là bỏ đi hết, ta chẳng nợ gì nhau” và thực hiện như một nguyên tắc sống. Mới nghe qua chúng ta thấy hay hay vì người ta muốn xoá đi một quá khứ đen tối để bắt đầu một tương lai tốt đẹp, giống như xoá đi một bàn cờ để chơi lại ván mới. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, chúng ta không thể cứ làm mãi những điều ác đức, cứ gây khổ đau, bất hạnh, bất công cho người khác rồi lại nhủ thầm: “mình sẽ bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu”. Thái độ này có thể chỉ là nguỵ biện của những kẻ lừa lọc, giả dối. Thật ra bất cứ một hành động gian dối, ác đức, bất công nào đối với người khác hay đối với vạn vật, chúng ta đều phải trả lẽ trước mặt Chúa, và phải đền bù cho con người.

Thiên Chúa nhìn thấu lòng người và thấy tất cả vạn vật. Ngài không bỏ đi cái gì hết vì Ngài dựng nên tất cả trong sự tốt lành, thánh thiện và đầy yêu thương của Ngài. Với cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thay đổi tất cả những gì xấu xí, cũ kỹ, bất toàn, vô thường của vũ trụ này thành tốt đẹp, mới mẻ, hoàn hảo, vĩnh hằng như một cuộc tạo dựng mới. Vật chất và từng con người chúng ta với thân xác mỏng giòn đã được hoàn toàn biến đổi nên ta không thể giữ mãi thái độ bi quan, yếm thế như được mô tả trong bài Cát Bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi…vết mực nào xoá bỏ không hay…”. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn một cách tích cực và lạc quan, vì những vật chất đã được Người biến đổi, thân xác của chúng ta, cũng giống như thân xác của Chúa Giêsu, sẽ biến đổi sau cái chết và mang sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa.

Trong đời sống hằng ngày có thể chúng ta coi thường những đồng bạc ta kiếm được, những bát cơm  ta ăn, những đĩa rau ta dùng, những vật chất trong môi trường ta sống. Nhưng không có cái gì mà Chúa bỏ đi hết. Chúa đã biến đổi tất cả để chúng tồn tại mãi mãi nếu chúng ta đưa được tình yêu của Thiên Chúa vào trong những vạn vật ấy. Thánh Gioan kết thúc Bài đọc II hôm nay: “Hễ ai giữ lời Chúa Giêsu dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự trở nên hoàn hảo” (1Ga 2,5). Chúa Giêsu dạy ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta.

Tình của con người đâu có bạc trắng như nhạc sĩ Minh Khang than thở đâu! Nó bạc trắng là do chúng ta, do những tội lỗi, dục vọng và tham vọng của chúng ta làm hư hoại. Thiên Chúa mời gọi  ta đưa tình yêu của Ngài vào để vạn vật tồn tại mãi mãi; đó là tình yêu trong sáng, tốt đẹp, quảng đại của Đức Giêsu. Vì thế khi tôi ăn bát cơm bình thường, nhưng ăn vì tình yêu Thiên Chúa và để có sức phục vụ con người, thì bát cơm ấy tồn tại mãi mãi! Bài học, bài làm của các em học sinh hôm nay có vẻ như sẽ qua đi, nhưng thật ra chúng tồn tại mãi mãi vì chúng đã chuyển thành những kiến thức để làm sáng danh Chúa và phục vụ con người nếu các em đó học hành vì tình yêu.

Lời kết

Chỉ có một tình yêu như thế chúng ta mới thấy rằng cuộc sống của mình và của gia đình nhân loại sẽ tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và bình an vì chúng ta không bỏ đi bất cứ một cái gì và cũng chẳng cần làm lại từ đầu. Tình yêu chân thành sẽ làm cho tất cả tồn tại mãi mãi. “Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24,48).

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn có cảm nhận được tình yêu của vạn vật đang hy sinh cho bạn không? Bạn đáp lại tình yêu đó như thế nào?

2. Bạn làm gì để bảo vệ môi trường sống cho xanh, sạch, đẹp và những vật Chúa giao cho bạn một cách cẩn thận?

 

 

Bài 3

Thánh Thần Tình yêu nối kết con người

vạn vật

 

Lời mở

Chúa Thánh Thần là Thần Khí Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con lại với nhau và nới kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Vì thế, vào tuần cuối cùng suy niệm về Chúa sống lại, Giáo Hội muốn đưa ta đến ân huệ cao cả nhất, tốt đẹp nhất của Đấng Phục Sinh, đó là việc chúng ta được tham dự vào tình yêu Thiên Chúa. Đức Giêsu nói với ta qua bài Tin Mừng (x. Ga 15,9-17): “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy“. Chúng ta cùng tìm hiểu tình yêu ở đây là gì và  phải yêu thương nhau như thế nào?

1. Tình yêu trong ngôn ngữ con người

Tình yêu với biểu tượng trái tim xuất hiện ở khắp nơi, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Người ta  tô vẽ nó lên quần áo, hàng hoá, thực phẩm, xe cộ, tường nhà, rồi gửi nó trong mỗi tin nhắn điện thoại để thúc đẩy con người yêu thương nhau. Người ta vòng hai bàn tay thành hình trái tim để gửi đến những fan của mình từ sân khấu, sân cỏ, sàn đấu. Chủ đề tình yêu được các văn sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ diễn tả đầy rẫy trong các tác phẩm, nếu bỏ đi tình yêu thì cuộc sống văn hoá của con người sẽ vô cùng nghèo nàn và cằn cỗi. Tuy nhiên, nếu có ai hỏi ta tình yêu là gì thì có lẽ ta cũng không biết giải nghĩa thế nào cho thoả đáng.

1.1. Những người không giải nghĩa được tình yêu

Rất nhiều người hiện nay không giải nghĩa được tình yêu. Nhà thơ Xuân Diệu, từng là Bộ Trưởng Bộ Văn hoá của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã nói rằng: “Làm sao giải nghĩa được tình yêu, – Có nghĩa gì đâu một buổi chiều, – Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, – Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu“. Ông cho rằng tình yêu nó mờ ảo, mông lung, bàng bạc trong muôn vật quanh ta nên không thể giải nghĩa được.

Nhiều người theo ý thức hệ Cộng sản duy vật không tin có tình yêu và cho rằng tình yêu là sản phẩm của những người theo chủ nghĩa duy tâm, chỉ tin vào tinh thần, chứ làm gì có trong thực tế. Bằng chứng là người ta đã làm cả ngàn thí nghiệm với các máy móc khoa học tiên tiến nhất nhưng vẫn không thấy dấu vết tình yêu ở trong con người hay ở bất cứ nơi nào. Tình yêu mà mọi người đang nói đến chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, mê tín.

Điều này được xác định qua bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, gồm 4 cuốn, do Hội đồng Quốc gia Việt Nam Chỉ đạo biên soạn. Đây là bộ từ điển lớn nhất Việt Nam hiện nay, với hơn 4000 trang sách, khổ lớn 19×27 cm, mà không có mục từ Tình yêu, chỉ có mục từ Tình bạn, Tình cảm, Tình dục. Cuốn từ điển này do hàng trăm vị tiến sĩ hàng đầu của Việt Nam biên soạn trong hơn 10 năm và xuất bản năm 2005. Điều này chứng tỏ rằng rất nhiều người Việt Nam không tin có tình yêu (x. Từ điển Bách khoa Việt Nam, cuốn 4, NXB Từ điển BKVN, Hà Nội, 2005, tr. 421-422). Điều nghịch lý là trong khi không tin có tình yêu thì nhiều người trong số họ vẫn đang hô hào “yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu cha mẹ, vợ con…!”.

1.2. Những cố gắng giải nghĩa tình yêu

Nhưng cũng có nhiều người khác đang cố gắng giải nghĩa tình yêu. Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công giáo nổi tiếng, đã gửi cho ông Bộ trưởng Xuân Diệu những lời sau đây qua bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,- Để nghe dưới đáy nước hồ reo,- Để nghe tơ liễu run trong gió -Và để nghe Trời giải nghĩa tiếng yêu“. Phải! Chỉ có Trời mới giải nghĩa được tình yêu cho con người vì Trời là tình yêu, nhưng nếu con người không tin Trời thì không thể nào giải nghĩa được tình yêu trong trái tim mình. Có lẽ vì thế mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong rất nhiều những bản tình ca về tình yêu, đã phải chua xót thốt lên: Tình yêu như trái phá, Con tim mù loà Tình yêu mà không hiểu đúng nghĩa thì nó sẽ phá nát trái tim con người. Chả trách trong xã hội Việt Nam hiện nay, ngày nào báo chí cũng đưa tin về những vụ tham nhũng, cướp của, giết người, phá thai, ly dị… Tất cả chỉ vì người ta không giải nghĩa được tình yêu thật sự là gì, nên trái tim mù loà của họ bị phá nát và xã hội họ đang sống cũng tan hoang!

Thật ra, “tình yêu là một mầu nhiệm” mà con người không thể giải nghĩa, nhưng lại có thể cảm nhận được, bởi vì Trời hay Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào trong muôn loài muôn vật,  đúng như lời thánh Gioan quả quyết trong Bài đọc II (x. 1Ga 4,7-10) hôm nay: “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”. Đối với con người có lý trí, tình yêu là một loại tình cảm sâu sắc và mãnh liệt, làm cho con người gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người hay với vật mình yêu, như ta vẫn nói: tình yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu cuộc sống. Nghĩa thứ hai của tình yêu mới là tình cảm yêu đương giữa nam nữ (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr. 1284).

2. Thiên Chúa là Tình yêu

Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và hơn nữa tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, khi thánh Gioan quả quyết “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). “Thiên Chúa yêu thế gian ” (Ga 3,16), Ngài muốn chia sẻ tình cảm thắm thiết của mình cho muôn loài muôn vật, nên đã đưa bản chất Thiên Chúa vào trong mọi loài để chúng phản ánh tình yêu của Ngài và yêu thương nhau như Ngài.

2.1. Tình yêu Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài

Tuỳ theo bản chất của bậc sống mà mỗi loài diễn tả tình yêu của Thiên Chúa một cách khác nhau. Từ những nguyên tử, phân tử vật chất mà chúng ta tưởng như chúng vô hồn, nhưng thật sự chúng yêu thương nhau: những phân tử mang điện tích âm nối kết với những chất mang điện tích dương để tạo nên chất mới giống như những đứa con của chúng. Thí dụ: Hydro + Oxy tạo ra nước. Ở những thực vật, ta thấy những hoa cái, nhị đực tìm đến nhau để sinh hoa kết trái. Ở loài động vật cao cấp hơn: con đực gắn bó với con cái theo bản năng để sinh con nối tiếp loài giống của chúng.

Cao cả hơn là những loài có tinh thần, như các thiên thần và con người, bởi vì họ được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa nên họ có tự do để yêu thương cũng như để từ chối tình yêu Thiên Chúa. Thật sự một số trong họ đã chối từ. Khi cắt đứt với Thiên Chúa là họ làm tổn thương bản chất của chính mình, và khi cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa họ làm  mất luôn nguồn sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô tận, và nguồn chân thiện mỹ vô biên mà Thiên Chúa đặt vào trong bản chất của họ. Họ trở nên gian ác, sai lầm, xấu xí, bất hạnh và phải chết.

Nhưng vì bản chất là tình yêu, nên Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương. Ngài không muốn cho muôn loài bị phá huỷ bởi tội lỗi của con người nên Ngài đã ban Con Một của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người để cứu độ chúng ta (x. Ga 3,16). Thánh Gioan trong bài thư hôm nay cũng nói rằng: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu mến chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Vì thế, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chính là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa. Người đến để dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế nào và chúng ta phải yêu thương nhau như thế nào.

2.2. Phải yêu thương nhau như thế nào?

Muốn yêu thương thật sự, ta phải giải được hai nghĩa trong tình yêu của Giêsu: đó là hy sinh và nâng cao. Ta thường nói đến hy sinh nhưng không giải được nghĩa nâng cao.

Hy sinh: yêu cho đến cùng, đến chết và chết trên thập giá như Chúa Giêsu. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Người ta có thể hy sinh, tặng cho nhau vật chất, nhưng chết thay cho nhau thì thật là hoạ hiếm. Vì thế chúng ta bái phục tình yêu của những anh hùng đã hy sinh mạng sống cho tổ quốc. Thật ra, trong bữa ăn hằng ngày, nhiều tôm cá, rau cỏ đã hy sinh sự sống cho ta, chúng bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu, còn ta lại coi thường tình yêu của chúng!

Nâng cao đối tượng mình yêu: tình yêu không được làm cho đối tượng mình yêu bị hạ thấp, sỉ nhục, thiệt thòi, mất mát, nhưng phải nâng nó lên ngang hàng với mình và còn nâng lên bằng Thiên Chúa như Đức Giêsu, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu chia sẻ cho chúng ta những gì Chúa Cha ban cho Người để ta trở thành Thiên Chúa như Người: “Anh em là bạn hữu của Thầy vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. Nhiều người đã huỷ hoại nhau khi đồng hoá tình yêu là tình dục, khi biến người yêu thành những vật họ sở hữu.

Lời kết

Chỉ khi biết yêu nhau như Đức Giêsu, chúng ta mới nói cho những con người đang sống trong xã hội này biết đến tình yêu Thiên Chúa, bởi vì ta giải được ý nghĩa hy sinh và nâng cao trong tình yêu của Đấng Phục Sinh.

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn nhận ra tình yêu Thiên Chúa đặt trong vạn vật như thế nào?

2. Bạn hãy tìm ra những hành động nào đang xúc phạm đến tình yêu đối với những người thân trong gia đình hay cộng đồng?

3. Bạn có những hành động hy sinh nào cho những con người ấy? Bạn có những hành động nâng cao nào?

 

 

 

Bài 4

Thần Khí hợp nhất của Đức Kitô

 

Lời mở

Các bài Thánh Kinh trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (năm A) như mời gọi chúng ta suy niệm về làn khí thần thiêng đã quy tụ mọi dân tộc thuộc các ngôn ngữ khác nhau thành Dân duy nhất của Thiên Chúa (x. Cv 2,1-11), quy tụ mọi bộ phận khác nhau thành thân thể duy nhất của Đức Kitô (x. 1Cr 12,4-7.12-13), quy tụ mọi môn đệ thành một gia đình Thiên Chúa (x. Ga 20,19-23). Chúa Thánh Thần là Thần Khí hợp nhất. Vậy Ngài quy tụ như thế nào và chúng ta phải làm gì để sống trong sự hợp nhất ấy?

1. Tình trạng phân hoá và chia rẽ

Thiên Chúa Tạo Hoá dựng nên muôn loài muôn vật và cho mỗi loài có những đặc tính riêng để diễn tả sự tốt lành, đẹp đẽ, vô cùng phong phú của Ngài. Tất cả giống như một khu vườn có trăm hoa đua nở với vẻ đẹp, màu sắc, hương thơm khác nhau.

Đặc biệt Ngài dựng nên con người theo hình ảnh và giống như Ngài, ban cho họ tinh thần tự do để họ làm thành một gia đình nhân loại duy nhất với những con người khác nhau về màu da, tiếng nói, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo và những điều kiện sống. “Câu chuyện Tháp Babel (x. St 11,1-9) cho thấy con người không thích nghi với sự đa dạng này”. “Con người chúng ta nên chấp nhận một số khác biệt nhất định vì sự đa dạng này được xem là sự phong phú” chứ không phải dẫn đến tình trạng phân hoá, đối kháng và xung đột (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Mater et Magistra, số 157; Docat, số 235).

Tuy nhiên, khi con người cắt đứt mối dây hiệp thông với Thiên Chúa, không còn yêu mến và tin cậy Chúa để chiều theo những tham vọng và dục vọng của mình, thì con người đã tạo nên sự chia rẽ trong chính tâm hồn mình và lan rộng ra ngoài cộng đồng xã hội. Tình trạng phân hoá và chia rẽ xảy ra khắp nơi trên thế giới, ăn sâu vào từng cộng đồng, từng gia đình gây nên những hậu quả tai hại và nghiêm trọng.

Những cuộc chiến tranh xảy ra liên miên trong suốt dòng lịch sử nhân loại do những xung đột về giai cấp, về ý thức hệ, về tôn giáo, về quyền lợi kinh tế đã làm cho con người đau khổ, chết chóc dù kẻ thắng người thua đều biết rằng mình chẳng mang được những của chiếm đoạt vào cõi vĩnh hằng. Chính cộng đồng Kitô hữu cũng bị phân hoá và chia rẽ thành những Giáo hội Công giáo, Chính Thống, Tin Lành, Anh giáo. Trong chính nội bộ Công giáo cũng thấy sự chia rẽ trong các giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, tổ chức…

2. Thiên Chúa quy tụ và hợp nhất

Như thế, gia đình nhân loại cũng như Giáo Hội và cộng đồng môn đệ Chúa Giêsu đang rất cần Chúa Thánh Thần để quy tụ và hợp nhất “Vì Thiên Chúa sai Thần Khí của Con Ngài đến, Thần Khí là Chúa và là Đấng ban sự sống, là khởi điểm quy tụ và là nguyên lý hợp nhất của toàn thể Giáo Hội cũng như tất cả và từng người tín hữu” (CĐ.Vat II, Hiến chế Lumen Gentium, số 13).

Bài sách Công vụ hôm nay đã diễn tả việc Thiên Chúa quy tụ muôn dân tộc với những tiếng nói khác nhau, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trên các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, khi Ngài hiện xuống và đốt lên ngọn lửa tình yêu trong lòng họ.

Như thế là nhân loại đã vượt qua sự phân hoá và chia rẽ do những khác biệt từ câu chuyện Tháp Babel để quy tụ thành một Giáo Hội của Chúa Kitô. “Giáo Hội quy tụ trong Chúa Thánh Thần tất cả mọi người của mọi quốc gia, chủng tộc hay văn hoá. Giáo Hội trở thành dấu chỉ của tình huynh đệ, nhân tố tạo điều kiện và củng cố cho cuộc đối thoại chân thành” (CĐ.Vat II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 92).

Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ thực hiện được công trình quy tụ và hợp nhất này nếu mỗi Kitô hữu chúng ta gặp được Đức Giêsu Phục Sinh và đón nhận được làn khí kỳ diệu của Người thổi trên chúng ta. Chỉ Thần Khí ấy mới có thể biến đổi dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu như khí oxy ta hít vào buồng phổi để chuyển hoá dòng máu đen tự nhiên của mình. Vậy chúng ta phải thở hít Thần Khí hợp nhất ấy như thế nào?

3. Thần Khí trong nhiệm thể Chúa Kitô

Trong bài đọc II, thánh Phaolô gợi ý cho chúng ta về Thần Khí hoạt động trong nhiệm thể Đức Kitô cũng giống như các bộ phận hoạt động nơi thân thể con người. Mỗi bộ phận hoạt động khác nhau nhưng phải cùng chung lo cho sự phát triển của toàn thân. Nếu một bộ phận nào đó không hoạt động hay hoạt động yếu kém dẫn đến bệnh tật, người ta phải tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách chữa trị.

Cơ thể chúng ta bao gồm hàng tỉ tế bào. Mỗi tế bào là một đơn vị phức tạp với những hoạt động rắc rối ngay chính bên trong nó. Các tế bào là các khối kết cấu của mô, của cơ quan và cuối cùng của các hệ cơ quan trong một cơ thể hợp nhất, có tác động qua lại với nhau, cho phép chúng ta hoạt động và tồn tại. Cơ thể chúng ta có 11 hệ cơ quan chính: ngoài da, lông, tóc, móng, ta có hệ xương, hệ cơ, hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hoá, hệ tiết niệu, hệ sinh sản, hệ nội tiết, hệ bạch huyết và miễn dịch. Tất cả các hệ này liên kết chặt chẽ với nhau dù mỗi hệ có những chức năng riêng (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học 2015, tr.10,37).

Trong kinh nghiệm chữa bệnh, chúng tôi thấy nhiều bệnh nhân đau tim, đau dạ dày nhưng không phải là quả tim hay dạ dày của họ có vấn đề, mà đơn giản chỉ là do các đĩa phân cách ở cột sống, gọi là đĩa đệm, đã bị đẩy ra khỏi vị trí rồi ép lên các sợi dây thần kinh dẫn ra từ tuỷ sống. Triệu chứng này gọi là thoát vị đĩa đệm. Chỉ cần xoa bóp rồi đẩy đĩa đệm vào đúng vị trí là bệnh nhân sẽ khỏi đau tim, đau dạ dày, tê buốt tay chân… trong khi nhiều bác sĩ lại cho thuốc tim, thuốc giảm đau hay y sĩ châm cứu. Những cách chữa đó sẽ không hiệu quả nếu không giải quyết nguyên nhân gây bệnh và đưa đĩa đệm vào đúng vị trí để không còn chèn dây thần kinh. Thí dụ đó gợi ý cho chúng tôi về sự hợp nhất trong cơ thể vì hệ thần kinh, hệ tuần hoàn hoặc hệ bạch huyết liên kết với hệ xương cơ.

Chúa Thánh Thần trong nhiệm thể Đức Kitô đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sự hợp nhất của toàn thân thể nhiệm mầu cũng như của gia đình nhân loại vì Ngài là Thần Khí sự thật cũng là Thần Khí tình yêu. Mỗi con người cũng như mỗi môn đệ phải thở hít được Thần Khí sự thật này để biết nhận ra và tôn trọng những khác biệt của nhau đều là biểu lộ sự phong phú của Thiên Chúa với muôn vàn ân sủng khác nhau được Chúa Thánh Thần ban cho. Họ không được để cho những tham vọng, dục vọng của mình loại trừ những sự khác biệt của anh chị em để chỉ nhận những gì của mình là đúng, là tốt, là có giá trị. Chính Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho tâm trí chúng ta để biết mở rộng đón nhận những sự thật mới mẻ về Thiên Chúa, về tha nhân, về vạn vật, về chính mình nếu chúng ta chuyên cần học hỏi và cầu nguyện.

Thứ đến, mỗi người chúng ta còn phải thở hít Thần Khí tình yêu để biết yêu những khác biệt nơi anh chị em mình vì hiểu rằng những khác biệt đó sẽ làm cho đời sống chính mình, đời sống của xã hội và Giáo Hội thêm hạnh phúc và tươi đẹp hơn. Chính tình yêu trong sáng và quảng đại do Chúa Thánh Thần ban sẽ lôi kéo mọi người và từng môn đệ Chúa Giêsu hoà nhập thành một trong nhau để làm thành một thân thể nhiệm mầu, khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa như thời các tông đồ xưa khi Chúa Thánh Thần hiện xuống lần đầu.

Lời kết

Vì thế, mỗi môn đệ Chúa Giêsu thời nay phải là người thở hít được Thần Khí sự thật và tình yêu để tạo nên sự hợp nhất cho Giáo Hội và xã hội hôm nay.

 

Câu hỏi gợi ý

1. Trong đời sống thường ngày, bạn có phải là người dễ tiếp xúc và có mối tương quan thân thiện với người khác không?

2. Bạn nghĩ mình phải làm gì để biểu lộ Thần Khí hợp nhất trong cộng đoàn của mình?

 

 

Bài 5

Con đường Tình Yêu và Thần Khí Sự Thật

 

Lời mở

Chúng ta đã cùng nhau suy niệm về Đức Giêsu là “con đường sự thật và sự sống”, đi theo con đường này chúng ta sẽ tìm được chỗ tốt nhất trong nhà Cha trên trời. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu con đường Giêsu ấy sẽ dẫn chúng ta đến đích điểm nào cũng như chúng ta sẽ làm thế nào để đạt được đích điểm ấy.

1. Đích điểm của con đường Giêsu

Con đường Giêsu dẫn chúng ta đến cùng đích là Thiên Chúa tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16), và Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người nên Đức Giêsu cũng chính là tình yêu nhập thể. Như vậy ta có thể xác định rằng: tình yêu nhập thể chính là con đường dẫn đến sự thật và sự sống.

Gọi là tình yêu nhập thể vì đây không phải là một tình yêu mông lung, trừu tượng, theo nghĩa tinh thần nhưng là một tình yêu của một chủ thể yêu rõ ràng, có những đối tượng yêu rõ rệt và những hoàn cảnh, điều kiện yêu cụ thể: “Hãy yêu mến nhau như Thầy yêu mến các con” (Ga 15,12.17). Khi đi trên con đường ấy, hay nói đúng hơn, khi yêu như thế, ta sẽ gặp được Thiên Chúa, sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc, sẽ đạt được những gì chúng ta mơ ước vì Thiên Chúa là nguồn của sự sống vĩnh hằng, của hạnh phúc vô biên, của quyền năng vô tận, của chân thiện mỹ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói cho chúng ta hiểu rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21). Tất cả niềm mơ ước của con người là yêu mến và được yêu thương. Khi yêu mến Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương, Ngài sẽ chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng, tuyệt đối của Ngài, chúng ta mới cảm nghiệm được hạnh phúc vô biên và ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta.

Chương đầu tiên của cuốn Docat (Nên làm gì) bàn về Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu giúp chúng ta hiểu rằng khởi điểm của con đường Giêsu là tình yêu và đích điểm của nó cũng là tình yêu (x. câu số 1,9,14,15,16). Thiên Chúa vì yêu thương đã dựng nên toàn thể vũ trụ này, dựng nên chúng ta. Ngài đặt chúng ta vào thế giới này để chúng ta sống và khi chúng ta đi theo con đường tình yêu, con đường sự thật và sự sống, chúng ta sẽ trở về với Ngài để hưởng hạnh phúc viên mãn, vĩnh hằng.

2. Phải làm gì để đạt được Thiên Chúa Tình yêu

Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng trả lời cho chúng ta biết phải làm thế nào để chúng ta có thể đạt được đích điểm là Thiên Chúa tình yêu qua bài Tin Mừng hôm nay, đó là tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhất là điều răn yêu thương của Chúa Giêsu. “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thấy và ở lại trong tình yêu của Người” (Ga 14,10).

Chúng ta nói rất nhiều về tình yêu, về một tình yêu rộng lớn là “bác ái” (caritas). Tình yêu không phải chỉ là tình cảm yêu mến mãnh liệt làm cho ta gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với nhau (x. Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013) theo những nhịp đập tự nhiên của trái tim con người, cũng không phải chỉ có những giá trị cho đi hay nhận lại trong cuộc sống của con người. Nhưng tình yêu là chính Thiên Chúa, bắt nguồn từ Thiên Chúa nên mang tính vĩnh hằng (số 6) và là “cơ sở để trở thành Kitô hữu” (số 1) như ĐTC Bênêđictô XVI đã viết thông điệp đầu tiên và quan trọng nhất của ngài “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus est Caritas, 2005).

Tuy nhiên, để người ta không hiểu lầm khi nói đến Thiên Chúa là tình yêu, ĐTC đã phải viết tiếp thông điệp thứ 3, “Tình yêu trong sự thật – Caritas in Veritate” (2009) để nhắc nhở ta hãy để cho Thần Khí Sự Thật hướng dẫn chúng ta yêu thương. Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại cho chúng ta về Thánh Thần Tình Yêu và cũng là Thần Khí Sự Thật rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,16-17).

Khi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, Người chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu của Người thì chúng ta cần phải thở được Thần Khí Sự Thật để Chúa Thánh Thần biến dòng máu đen tội lỗi của chúng ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta phải luôn luôn nhớ đến Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta để xin Ngài dạy cho chúng ta về sự thật, vì chỉ có sự thật mới đưa chúng ta đi đúng con đường giải phóng (x. Ga 8,32) của Thiên Chúa.

Đó là sự thật về Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, đã ban mọi sự cho ta, đã ban Con Một của Ngài để chúng ta hết lòng yêu mến Ngài. Đó là sự thật về con người, về tha nhân: tha nhân là những con người yếu đuối tầm thường nhưng lại là những người con của Cha Trên Trời nên chúng ta phải yêu thương họ và dám chết vì họ như Đức Giêsu Kitô. Sự thật về vạn vật là những đứa em nhỏ để chúng ta tôn trọng, tìm hiểu chúng qua những khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Khám phá ra sự thật đó chúng ta mới làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Nhất là chúng ta khám phá sự thật của xã hội mà chúng ta đang sống, khám phá sự thật của Giáo Hội mà chúng ta đang thuộc về để chúng ta có thể làm cho xã hội ấy mỗi ngày một phát triển bền vững và toàn diện, cũng như làm cho Giáo Hội mỗi ngày một thánh thiện hơn. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới dạy cho chúng ta biết tất cả sự thật để chúng ta đi theo con đường tình yêu và đạt được tình yêu Thiên Chúa.

3. Thần Khí Sự Thật

Trong bài đọc I (x. Cv 8,14-17), thánh Phêrô và thánh Gioan đã đến xứ Samaria, những người ở Samaria đã nhận được phép rửa của Chúa Giêsu nhưng họ chưa nhận được Chúa Thánh Thần. Khi các ngài đặt tay trên họ, cầu khẩn Chúa Thánh Thần đến với họ thì họ mới nhận được Thần Khí Sự Thật và cuộc sống của họ mới thật sự biến đổi, tràn đầy tình yêu bởi vì Thánh Thần là tình yêu nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau cũng như  nối kết họ với Thiên Chúa.

Chúng ta cũng vậy, có thể chúng ta đã lãnh nhận phép rửa, đã chịu bí tích Thêm Sức, nhưng chúng ta chưa hít thở được Thần Khí Sự Thật nên sự sống phi thường của Chúa Giêsu chưa phát huy ở trong ta, dòng máu tinh tuyền của Người vẫn bị những tham vọng và dục vọng của ta làm đen bẩn. Cuộc đời của chúng ta vẫn bị bao phủ bởi bầu khí ô nhiễm, bụi bặm của tội lỗi khiến ta không nhìn rõ được Chúa, nhìn rõ con người, và vạn vật. Nếu không có Thánh Thần Sự Thật hướng dẫn chúng ta có thể đi lạc vào trong sự  dối, lừa gạt lẫn nhau. Hậu quả là người khác cũng không nhìn ra Chúa ở trong ta, trong Giáo Hội, trong những bí tích mà chúng ta đón nhận, trong những sự vật mà chúng ta sử dụng.

Xã hội hôm nay đầy những hàng giả, hàng nhái, những lời quảng cáo “có cánh” dối gạt khách hàng, những lời tuyên bố sáo rỗng của những kẻ cầm quyền, những tin tức giả tạo lừa bịp người đọc, những sách vở, phim ảnh, tranh tượng sao chép lại của người khác nhưng lại đề tên mình là tác giả, những luận văn thạc sĩ hay tiến sĩ sao phỏng lại của người khác nhưng lại không đề nguồn trích dẫn… Khuynh hướng dối trá này cũng len lỏi vào cả trong các cơ cấu của Giáo Hội Việt Nam từ những việc cóp bài thi của một số tu sĩ, chủng sinh cho đến những công trình lớn lao khác của Giáo Hội. Người ta không tìm thấy Chúa Thánh Thần là “Thần Khí Sự Thật ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta”.

Lời kết

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mở lòng ra đón nhận Thần Khí Sự Thật để giúp ta nghĩ đúng, nói thật và làm thật nếu chúng ta muốn đi trên Con đường Tình yêu là Chúa Giêsu. Khi biết sống thật như thế chúng ta mới có thể làm chứng cách hiệu quả cho Chúa Giêsu Phục Sinh. 

 

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn thường có thái độ nào đối với những lời nói giả dối, tin tức giả, hàng giả,…? 

2. Bạn biểu lộ sự thật là chính Chúa Kitô bằng những hành động cụ thể nào?

 

Bài 6

Khí thở trong đời người tín hữu

 

Lời mở

Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống để mời gọi chúng ta ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống, bởi vì Ngài chính là hồng ân Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khi Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Thiên Chúa Ngôi Ba ấy là Thần Khí, là “làn gió mạnh mẽ ùa vào đầy nhà nơi các môn đệ đang tụ họp”, như bài đọc I (x. Cv 2,1-11) mô tả, để biến đổi chúng ta thành con người mới. Khi chúng ta thở hít được Thần Khí thiêng liêng ấy, chúng ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu để trở thành những chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong bài đọc II (x. 2Cr 12,3-7.12.13) nhắc nhở chúng ta rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”.

Trong đời sống thường ngày của mỗi người cũng như của Giáo Hội, chúng ta chưa quan tâm đến hơi thở và chưa phát huy được sự sống kỳ diệu vì chưa ý thức được tầm quan trọng của khí thở. Hôm nay chúng ta được mời gọi để học lại bài học về khí thở tự nhiên và siêu nhiên.

1. Tầm quan trọng của khí tự nhiên

Nhìn vào thân thể, chúng ta biết trái tim nằm ở vị trí trung tâm để bơm máu đỏ đến toàn thân cho từng tế bào có dưỡng khí sống rồi lại chuyển dòng máu đen về tim. Dòng máu ấy được bơm lên đầu để bộ thần kinh trung ương phát lệnh cho các bộ phận hoạt động cũng như giúp cho trí óc ta có thể suy nghĩ, cảm nhận và diễn tả qua các giác quan.

1.1.Buồng phổi và hoạt động hô hấp.

Dòng máu từ tim đó chỉ có thể đỏ mãi trong suốt cuộc đời nhờ có buồng phổi để chuyển khí oxy từ khí trời vào tế bào và đem khí carbonic của tế bào ra ngoài khí trời. Đó là hoạt động hô hấp. Nhờ có khí oxy, tế bào sẽ chuyển hoá hay đốt các chất nuôi dưỡng mà máu đưa tới thành năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài. (x. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, Tập I, NXB Y Học. 2011, tr. 196). Nếu không có khí oxy từ buồng phổi đưa vào, dòng máu chỉ dùng được một lần, biến thành máu đen đầy khí carbonic và không còn ích lợi cho cơ thể nữa. Muốn thật sự hữu ích, dòng máu ấy phải quay trở buồng phổi.

Chúa đã dựng nên con người cách kỳ diệu: trái tim như một cái bơm, mỗi phút bơm máu đi khắp thân thể khoảng 60, 70 hay 80 lần tuỳ từng người. Khi máu đen về tim được bơm sang phổi, trong vòng ¼ giây, máu tràn ra các phế nang của phổi để đón nhận thật nhanh dưỡng khí là oxy và biến thành máu đỏ. Mỗi người có khoảng 300 triệu phế nang và diện tích của các phế nang đo được khoảng 70-90m2. Ban ngày, người lớn chúng ta thở 16 lần trong 1 phút, khi ngủ chúng ta chỉ thở khoảng 12 lần/ phút.

1.2. Khí tự nhiên và sức khoẻ con người

Rất nhiều người nói với tôi rằng: họ nhức đầu, ngủ không được, học không nhớ, nhiều bộ phận như gan, ruột, dạ dày.. hoạt động không tốt… Các bác sĩ khám bệnh, cho nhiều thuốc uống, nhưng bệnh không hết. Trong hơn 20 năm qua, tôi đã tiếp khoảng hơn 10 ngàn bệnh nhân, phân nửa số bệnh nhân ấy đều do thở không đủ… Tôi lấy máy đo và nói họ hít vào, thở ra cho tôi xem. Trung bình mỗi người cần một lượng khí cho một lần thở là 2.000-2500ml (x. G. Polgar và V. Promadhat, the American Review of Respiratory Diseases, số 3, bộ 120, th.9/1979), nhưng hầu hết nhiều người chỉ thở được 1.000ml, cao lắm là 1.500ml. trong khi dung tích buồng phổi của chúng ta là 3.500ml, chưa kể 1.500 ml khí dự trữ. Chúng ta có thể tập thở tốt hơn qua các phương pháp thở của thể dục, Yoga, Khí Công, Thiền Tông, Dưỡng Sinh…

Khi máu đen đổ về tim cần nhiều oxy để biến thành máu đỏ, nhưng do họ thở không đủ nên thán khí còn giữ lại trong máu tiếp tục đưa lên đầu làm cho đầu choáng, mắt hoa, học hành không tốt, đêm ngủ không an giấc vì nếu chìm vào giấc ngủ họ có nguy cơ bị chết ngạt bởi vì khi ngủ nhịp thở hạ xuống. Do thở không ổn, nếu chúng ta ngủ sâu dễ bị chết ngạt. Vì thế cơ chế phản vệ làm cho chúng ta cứ ngủ chập chờn, mơ hoảng để khi thiếu khí quá sẽ làm cho não bừng tỉnh đánh thức chúng ta dậy hít khí vào.

Não của chúng ta có 16 tỷ nơron thần kinh, cần tối thiểu 2.000 lít khí/ngày trong 10.000 lít tối thiểu của cơ thể. Chính bộ não ấy phát ra những lệnh cho tất cả các cơ quan hoạt động. Nếu chúng ta tăng cường dung tích khí thở mỗi lần lên 1.500ml hoặc 2.000ml, 2.500ml, bộ não chúng ta sẽ phát ra lệnh gấp đôi cho các bộ phận hoạt động; chúng ta sẽ học hành, làm việc hiệu quả và thông minh hơn nhiều. Thân thể chúng ta sẽ khoẻ mạnh, xinh đẹp nhờ các bộ phận hoạt động hài hoà.

Tóm lại, nhờ khí tự nhiên được hít thở điều hoà qua hệ hô hấp, con người chúng ta phát triển từng giây từng phút. Chỉ cần 4 phút không có dưỡng khí là bộ não chúng ta sẽ chết, trong khi chúng ta có thể nhịn ăn được 30 ngày, nhịn uống được 3,4 ngày. Nói như thế để từ nay chúng ta chú ý đến việc thở hít khí tự nhiên hơn và tập thở để tăng cường chất lượng sống.

2. Tầm quan trọng của khí siêu nhiên

Từ việc thở khí tự nhiên hết sức cần thiết cho cơ thể hoạt động, chúng ta sẽ hiểu ra tầm quan trọng của khí siêu nhiên và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống tín hữu cũng như trong Nhiệm Thể kỳ diệu của Chúa Giêsu Kitô là Giáo Hội.

2.1. Những vấn đề bắt nguồn từ Thần Khí

Trong đời sống đạo đức cá nhân, rất nhiều người tự hỏi: Vì sao tôi không cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu, dù tôi đã được rửa tội nhân danh Người? Tại sao tôi không phát huy những ân huệ của Chúa Thánh Thần dù tôi đã chịu phép Thêm Sức? Tại sao tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, suy nhược, không muốn làm điều tốt đẹp cho mình cũng như cho người? Tại sao tôi cảm thấy mình cứ bị cuốn hút vào những tham vọng, dục vọng mà không thể thoát ra?

Trong đời sống của cộng đồng Giáo Hội, chúng ta cũng gặp những câu hỏi tương tự: tại sao Giáo Hội với hơn 1,2 tỷ tín hữu Công giáo mà vẫn chưa thu hút được người khác tin theo Đức Kitô, trái lại tỷ lệ người Công Giáo còn giảm sút hơn? Tại sao việc loan báo Tin Mừng lại không có kết quả? Tại sao người tín hữu Công giáo lại không làm được các phép lạ để củng cố cho những lời rao giảng Tin Mừng như Chúa Giêsu thúc đẩy (x. Mc 16, 15-20)?

Người tín hữu Công giáo chúng ta đã chú ý rất nhiều đến trái tim với tình yêu và lòng bác ái, đến bí tích Thánh Thể với Mình và Máu Chúa Kitô. Nhiều tín hữu đã từng cảm thấy sốt sắng trong các việc đạo đức nhưng rồi dần dần cảm thấy suy nhược, nguội lạnh, mất hết sức sống và lòng hăng hái thuở ban đầu. Giáo Hội cứ cầu mong một mùa Hiện Xuống mới nhưng mãi mà chưa thấy đến. Tất cả vấn đề bắt nguồn từ đâu?

2.2. Đường hướng giải đáp cho các vấn đề

Chúng tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là Thần Khí và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống cá nhân cũng như tập thể. Chúng ta thấy người tín hữu chưa ý thức được tầm quan trọng của Thần Khí, chưa thở hít Thần Khí, chưa biết kết hợp với Chúa Thánh Thần để Ngài thánh hoá, dạy dỗ, biến đổi con người tội lỗi thành con người mới như Chúa Giêsu Phục Sinh. Dòng máu đen tội lỗi của chúng ta trong cuộc sống trần thế là lẽ thường tình.  Nó phải đen vì chúng ta đang sống và hoạt động bằng con người cụ thể với những tham vọng và dục vọng. Nhưng dòng máu ấy sẽ tiếp tục đỏ lại không ngừng, giúp họ vượt qua tội lỗi, tham vọng, dục vọng, khi người tín hữu thở được Thần Khí của Đức Kitô,

Chúng ta loan báo Tin Mừng chưa hiệu quả vì chúng ta chỉ nói bằng hơi thở tự nhiên nên tiếng nói của ta chưa vang vọng trong lòng người, không tác động trên người khác, không kèm theo những phép lạ để làm chứng cho Tin Mừng. Còn khi chúng ta thở được Thần Khí của Chúa, lời tự nhiên của chúng ta trở thành lời cứu độ của Chúa Giêsu, lời Tin Mừng kèm theo những phép lạ. Lúc bấy giờ chúng ta mới thu phục được lòng người, mới mang lại những kết quả kỳ diệu trong việc loan báo Tin Mừng như các tông đồ trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống khi xưa.

Chúa Thánh Thần là Thần Khí Sự Thật. Nếu biết thở hít Thần Khí của Người, tâm trí chúng ta sẽ đón nhận được sự thật mà Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta, chúng ta sẽ hiểu biết con người, vạn vật để chia sẻ cho người khác.

Chúa Thánh Thần là Thần Khí ban Sự Sống. Ngài giúp ta cảm nghiệm được sự sống vĩnh hằng, phi thường mà Thiên Chúa ban cho từng người con của Ngài ngay trong trần thế này như các tông đồ mà chúng ta thấy trong bàii đọc I.

2.3. Bài tập thở thường ngày

Hôm nay chúng ta được mời gọi kiểm tra lại hơi thở của mình để xem mình đã thở đủ khí tự nhiên cho thân thể khoẻ mạnh,  thông minh, đẹp đẽ và đã bắt đầu thở Thần Khí cho tràn đầy sự thật giải thoát, cho toát ra vẻ đẹp kỳ diệu và tràn đầy sự sống phi thường của Chúa chưa?

Tôi đã nhiều lần nói về việc thở tự nhiên với 4 thì và cách thở Thần Khí với anh chị em. Mỗi lần chúng ta nhớ đến Chúa Thánh Thần và cầu xin Ngài là mỗi lần chúng ta thở Thần Khí. Một ngày chúng ta dành chừng 5 phút, ngồi ở bàn làm việc hay nằm trên giường trước khi ngủ, chúng ta nói thầm với Chúa Giêsu khi chúng ta hít khí vào: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho con”. Thần khí là sức mạnh, niềm vui, tình yêu, bình an, ân sủng của Người được đưa vào trong ta để biến đổi ta. Rồi khi chúng ta thở ra bằng miệng từ từ, thân xác ta thở ra thán khí thì tinh thần cũng thở ra những uế khí, tà khí ra khỏi con người mình. Đó là: buồn phiền, chán nản, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, ghen tương… Đang khi đẩy chúng ra khỏi tâm trí, chúng ta cũng nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin xua đuổi tà khí ra khỏi lòng con”.

 

 

Lời kết

Mỗi lần thở như vậy chúng ta thấy mình được thanh tẩy, được tràn đầy Thánh Thần và chắc chắn chúng ta sẽ thấy đời sống mình đổi mới toàn diện vì Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng ta.

 

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn có lưu tâm đến hơi thở tự nhiên của mình và làm gì để tăng cường hơi thở đó?

2. Bạn nhận ra mình đang có loại ân sủng nào của Chúa Thánh Thần? Và bạn làm gì để phát huy ân sủng ấy?

 

Bài 7

Thở được Thần Khí của Chúa Kitô

Lời mở

Tài liệu Làm việc của THĐGM 2012 nhắc nhở chúng ta rằng: “Qua việc tuôn đổ thần Khí của Chúa Phục Sinh, đời sống chúng ta có thể là một phương tiện hiệu quả để loan truyền TM khắp thế giới” (số 162).

Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống để mời gọi chúng ta ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày, bởi vì Ngài chính là hồng ân Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khi Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Thiên Chúa Ngôi Ba ấy là Thần Khí, là “làn gió mạnh mẽ ùa vào đầy nhà nơi các môn đệ đang tụ họp” (x. Cv 2,1-11) để biến đổi tất cả thành con người mới. Khi thở hít được Thần Khí ấy, ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu để trở thành chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (x. 2Cr 12,3-7.12.13).

Trong đời sống thường ngày của mỗi người cũng như của Giáo Hội, chúng ta ít quan tâm đến khí thở và chưa phát huy được sự sống kỳ diệu cả về lĩnh vực tự nhiên lẫn siêu nhiên vì chưa ý thức được tầm quan trọng của khí thở. Hôm nay chúng ta được mời gọi học lại bài học về khí thở trong đời sống.

1. Tầm quan trọng của khí tự nhiên

Nhìn vào thân thể, chúng ta biết trái tim nằm ở vị trí trung tâm để bơm máu đỏ đến toàn thân cho từng tế bào có oxy để hoạt động rồi lại chuyển dòng máu đen về tim. Dòng máu ấy cũng được bơm lên đầu để bộ thần kinh trung ương phát lệnh cho các bộ phận khác hoạt động cũng như giúp cho trí óc ta có thể suy nghĩ, cảm nhận và diễn tả qua các giác quan.

1.1. Buồng phổi và hoạt động hô hấp

Dòng máu từ tim đó chỉ có thể đỏ mãi trong suốt cuộc đời nhờ có buồng phổi để chuyển khí oxy từ khí trời vào tế bào và đem khí carbonic của tế bào ra ngoài khí trời. Đó là hoạt động hô hấp. Nhờ có khí oxy, tế bào sẽ chuyển hoá hay đốt các chất nuôi dưỡng mà máu đưa tới thành năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài. (x. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, Tập I, NXB Y Học, 2011, tr.196). Nếu không có khí oxy từ buồng phổi đưa vào, dòng máu chỉ dùng được một lần, biến thành máu đen đầy khí carbonic và không còn ích lợi cho cơ thể nữa. Muốn thật sự hữu ích, dòng máu ấy phải quay trở về buồng phổi để đỏ trở lại nhờ khí oxy.

Chúa đã dựng nên con người cách kỳ diệu: trái tim như một cái bơm, mỗi phút bơm máu đi khắp thân thể khoảng 60, 70 hay 80 lần tuỳ từng người. Khi máu đen về tim được bơm sang phổi, trong vòng ¼ giây, máu tràn ra các phế nang của phổi để đón nhận thật nhanh dưỡng khí là oxy và biến thành máu đỏ. Mỗi người có khoảng 300 triệu phế nang và diện tích của các phế nang đo được khoảng 70-90m2. Ban ngày, người lớn chúng ta thở 16 lần trong 1 phút, khi ngủ chúng ta chỉ thở khoảng 12 lần/phút.

1.2. Khí tự nhiên và sức khoẻ con người

Rất nhiều người nói rằng: họ nhức đầu, ngủ không được, học không nhớ, nhiều bộ phận như gan, ruột, dạ dày. hoạt động không tốt… Các bác sĩ khám bệnh, cho nhiều thuốc uống, nhưng bệnh không hết. Trong hơn 20 năm qua, tôi đã tiếp khoảng hơn 10 ngàn bệnh nhân, phân nửa số bệnh nhân ấy đều do thở không đủ khí… Tôi lấy máy đo và nói họ hít vào, thở ra cho tôi xem. Cố gắng hết sức đa số họ chỉ thở được khoảng 500ml–1.000ml/lần thở, trong khi dung tích buồng phổi của chúng ta là 3.500ml, chưa kể 1.500ml khí dự trữ, đề phòng trường hợp ngạt thở khi bị hít phải khí độc, ngộp nước…

Khi máu đen đổ về tim cần nhiều oxy để biến thành máu đỏ, do thở không đủ nên thán khí còn giữ lại trong máu tiếp tục đưa lên não làm cho đầu óc choáng váng, tay chân rũ liệt, lúc nào cũng chỉ muốn nghỉ ngơi, trí nhớ sút giảm, đêm ngủ không an giấc vì nếu chìm vào giấc ngủ sâu họ có nguy cơ bị chết ngạt. Vì thế, cơ chế phản vệ làm cho người ta cứ ngủ chập chờn, mơ hoảng để khi thiếu khí quá não sẽ bừng tỉnh, đánh thức ta dậy để hít khí vào.

Não con người có khoảng 16 tỷ nơron thần kinh, cần tối thiểu 2.000 lít khí/ngày trong 10.000 lít tối thiểu của cơ thể. Chính bộ não ấy phát ra những lệnh cho tất cả các bộ phận hoạt động. Nếu chúng ta tăng cường dung tích khí thở mỗi lần lên 1.500ml hoặc 2.000ml, 2.500ml, bộ não chúng ta sẽ hoạt động mạnh mẽ. Nhờ đó, chúng ta sẽ học hành, làm việc hiệu quả và thông minh hơn nhiều. Thân thể chúng ta sẽ khoẻ mạnh, xinh đẹp nhờ các bộ phận hoạt động hài hoà.

Tóm lại, nhờ hít thở điều hoà khí tự nhiên qua hệ hô hấp, con người chúng ta phát triển từng giây từng phút. Chỉ cần 4 phút không có dưỡng khí là bộ não chúng ta sẽ chết, trong khi chúng ta có thể nhịn ăn được 30 ngày, nhịn uống được 3,4 ngày. Nói như thế để từ nay chúng ta chú ý đến việc thở hít khí tự nhiên hơn và tập thở để tăng cường chất lượng sống.

2. Tầm quan trọng của khí siêu nhiên

Từ việc thở khí tự nhiên hết sức cần thiết cho cơ thể hoạt động, chúng ta sẽ hiểu ra tầm quan trọng của khí siêu nhiên và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống tín hữu cũng như trong Nhiệm Thể kỳ diệu của Chúa Giêsu Kitô là Giáo Hội.

2.1. Phân biệt các loại khí thiêng

Trước hết, chúng ta cần phân biệt có nhiều loại khí siêu nhiên. Thần Khí mà Chúa Giêsu Phục Sinh thổi vào các môn đệ không phải chỉ là luồng “sinh khí” mà Thiên Chúa thổi vào con người (x. St 2,7) cho họ trở thành con người giống hình ảnh Ngài (x. St 1,26-27), nhưng là Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng bay lượn trên mặt nước khi Chúa dựng nên muôn loài bằng Lời phán từ miệng Ngài (x. St 1,2-26). Đức Giêsu, trong tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, thực hiện cuộc sáng tạo mới, khi thổi hơi trên các môn đệ, để biến họ thành những con người mới, trở nên chính Thiên Chúa như Người. Thánh Thần là một ngôi vị sống động, là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng Bảo Trợ (x. Ga 15,26; 16,7.13) được Chúa Cha và Chúa Giêsu ban cho để chúng ta có cùng một sự sống Thiên Chúa nếu thở hít chung một Thần Khí với Chúa Giêsu.

Thần Khí này vì thế khác hẳn với tà khí, hay uế khí mà con người thải ra do tham vọng và dục vọng tác động trong cuộc sống ở trần thế (x. Mt 15,18-20) tương tự như khí carbonic được thải ra trong quá trình hô hấp của con người. Thánh Thần cũng khác hẳn tà thần hay thần ô uế mà tinh thần con người có thể bị chúng khống chế hay xâm nhập nơi những người bị ma ám, quỷ nhập (x. Mt 12,43-45).

2.2. Những vấn đề bắt nguồn từ Thần Khí

Quả thật, nhiều tín hữu hầu như chẳng quan tâm đến việc tập thở Thần Khí, dù họ biết rõ rằng con người họ gồm 2 phần: thể xác và tinh thần. Nếu thể xác cần ăn uống, thở khí tự nhiên, thì tinh thần cũng cần ăn uống và thở khí siêu nhiên như thế. Họ biết mình cần rước Mình Máu Thánh Chúa, đọc Lời Chúa như của ăn uống siêu nhiên, nhưng lại không biết thở và tập thở Thần Khí. Vì thế, đời sống họ chưa phát huy những năng lực kỳ diệu của Chúa Thánh Thần qua những ân huệ Ngài ban, như được diễn tả trong sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 2,1-11) cũng như chưa mang lại những kết quả lạ lùng trong việc loan báo Tin Mừng cứu độ (x. Cv 2, 43; 5,12-16…). Thánh Phaolô muốn nhắc nhở chúng ta về những ân huệ mà Thánh Thần ban cho tín hữu để hoạt động trong Hội Thánh và phục vụ cộng đồng (x. Cr 12,3-7.12-13).

Trong đời sống đạo đức cá nhân, rất nhiều người tự hỏi: Vì sao tôi không cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu, dù tôi đã được rửa tội nhân danh Người? Tại sao tôi không phát huy những ân huệ của Chúa Thánh Thần dù tôi đã chịu phép Thêm Sức? Tại sao tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, suy nhược, không muốn làm điều tốt đẹp cho mình cũng như cho người? Tại sao tôi cảm thấy mình cứ bị cuốn hút vào những tham vọng, dục vọng mà không thể thoát ra?

Trong đời sống của cộng đồng Giáo Hội, chúng ta cũng gặp những câu hỏi tương tự: tại sao Giáo Hội với hơn 1,2 tỷ tín hữu Công giáo mà vẫn chưa thu hút được nhiều người khác tin theo Đức Kitô, trái lại tỷ lệ người Công Giáo còn giảm sút hơn? Tại sao việc loan báo Tin Mừng lại không có kết quả? Tại sao người tín hữu Công giáo lại không làm được các phép lạ để củng cố cho những lời rao giảng Tin Mừng như Chúa Giêsu thúc đẩy (x. Mc 16,15-20)?

Nhiều tín hữu rất thụ động trong việc thở khí siêu nhiên. Thần Khí mà họ lãnh nhận từ lúc chịu bí tích Rửa Tội còn lưu lại rất ít trong họ nên chỉ giúp họ sống thoi thóp, chứ chưa thể nói là bình thường, nên họ chưa phát huy được những ân sủng kỳ diệu của Thần Khí trong chính con người mình. Nếu biết thở hít nhiều Thần Khí, nghĩa là để cho Thánh Thần hướng dẫn đời sống (x. Gl 5,22-25), họ sẽ biết sử dụng 7 ơn Thánh Thần như khôn ngoan, minh mẫn, lo liệu, sức mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa trong cuộc sống cũng như những ơn làm phép lạ, nói tiên tri, chữa bệnh, trừ tà, phục vụ, thông thạo khoa học và ngôn ngữ… để phục vụ cộng đồng và làm chứng cho Chúa Giêsu trong việc loan báo Tin Mừng.

Chúng ta đều hiểu mình là con người yếu đuối, tội lỗi, luôn bị những tham vọng và dục vọng chi phối trong đời sống trần gian, dòng máu siêu nhiên luôn đen bẩn là lẽ tự nhiên của kiếp người. Chính nhờ Thần Khí và chỉ nhờ Thần Khí của Chúa Giêsu, dòng máu đen bẩn ấy mới đỏ tươi lại, đem sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa đến cho cá nhân ta cũng như cho từng tế bào của Nhiệm Thể. Vì thế, Đức Giêsu muốn ban Thánh Thần để Ngài ở với chúng ta luôn mãi và dạy dỗ chúng ta mọi điều (x. Ga 14,26; 16,7.13-14). Chúng ta rất cần tập thở Thần Khí như các tông đồ xưa để trở thành Tin Mừng sống động của Chúa Giêsu cho muôn loài trong thời đại hôm nay.

Người tín hữu Công giáo chúng ta đã chú ý rất nhiều đến trái tim với tình yêu và lòng bác ái, đến bí tích Thánh Thể với Mình và Máu Chúa Kitô. Nhiều tín hữu đã từng cảm thấy sốt sắng trong các việc đạo đức nhưng rồi dần dần cảm thấy suy nhược, nguội lạnh, mất hết sức sống và lòng hăng hái thuở ban đầu. Giáo Hội vẫn cầu mong một mùa Hiện Xuống mới nhưng mãi chưa thấy đến. Tất cả vấn đề bắt nguồn từ đâu?

2.3. Đường hướng giải đáp cho các vấn đề

Chúng tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là Thần Khí và vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày của cá nhân cũng như tập thể. Chúng ta thấy người tín hữu chưa ý thức được tầm quan trọng của Thần Khí, chưa thở hít Thần Khí, chưa biết kết hợp với Chúa Thánh Thần để Ngài thánh hoá, dạy dỗ, biến đổi con người tội lỗi thành con người mới như Chúa Giêsu Phục Sinh.

Nhìn vào đời sống tự nhiên, chúng ta thấy ngay mối liên kết mật thiết giữa máu và khí: dòng máu của chúng ta là kết tinh từ đồ ăn, thức uống cùng với những chất dịch trong bộ phận tiêu hoá để đưa vào từng tế bào, từng hộ phận những chất cần thiết cho sự sống: từ chất đường glucid cho những bắp thịt vận động, chất béo lipid tạo nên năng lượng dự trữ, chất đạm protid giúp cho não hoạt động, đến các vitamin, muối khoáng… Nhưng dòng máu ấy sẽ không phát huy tác dụng chuyển lưu sự sống cho con người nếu không có khí.

Nếu đối chiếu với đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng sẽ thấy như vậy: dòng máu tinh tuyền của Chúa Giêsu chuyển thông cho chúng ta sức sống kỳ diệu của Thiên Chúa với những ân phúc như tình yêu, sự thật, hạnh phúc, niềm vui là những thứ rất cần cho cuộc sống trần thế của chúng ta, nhưng vì chúng ta chưa thở được Thần Khí của Chúa Giêsu nên chúng ta không phát huy được sự sống thần linh ấy trong cuộc đời của mình.

Hơn nữa, chúng ta loan báo Tin Mừng chưa hiệu quả vì chúng ta chỉ nói bằng hơi thở tự nhiên nên tiếng nói của ta chưa vang vọng trong lòng người, không tác động trên người khác, không kèm theo những dấu lạ để làm chứng cho Tin Mừng. Khi chúng ta thở được Thần Khí của Chúa, lời tự nhiên của chúng ta trở thành lời cứu độ của Chúa Giêsu, lời Tin Mừng kèm theo những quyền năng tác động trên vạn vật, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, thứ tha tội lỗi để biểu lộ ơn cứu độ toàn diện của Thiên Chúa. Lúc bấy giờ chúng ta mới thu phục được lòng người, mới mang lại những kết quả kỳ diệu trong việc loan báo Tin Mừng như các tông đồ trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống khi xưa.

3. Bài tập thở thường ngày

Hôm nay chúng ta được mời gọi kiểm tra lại hơi thở xem mình có thở đủ khí tự nhiên cho thân thể khoẻ mạnh, thông minh, đẹp đẽ và thở nhiều khí siêu nhiên cho tinh thần tràn đầy sự thật, toát ra vẻ đẹp kỳ diệu và tràn đầy sự sống phi thường của Chúa?

3.1. Tập thở khí tự nhiên

Ta cũng nên nhớ rằng: khí cũng như nước đều đi từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp. Muốn đem khí vào phổi thì áp suất khí quyển phải lớn hơn áp suất phế nang và muốn đưa khí ra khỏi phổi thì phải có tình trạng ngược lại. Bình thường áp suất của không khí là cố định, muốn tạo ra sự thay đổi của áp suất phế nang khi hít vào hay thở ra, các cơ hô hấp như cơ hoành, cơ liên sườn, cơ lệch, cơ ức đòn chũm, cơ cánh mũi, cơ má, cơ lưỡi… phải co vào hay giãn ra, lồng ngực phải thu hẹp hay giãn nở.

Do đó, có 2 loại thở: hít thở bình thường, thụ động, khi khí trời ùa vào phế nang cách tự nhiên, không cần sự cố gắng của người thở và cách hít thở nhân tạo khi người thở biết vận động các cơ và lồng ngực để làm tăng thể tích thông khí phế nang và như thế cũng là để tăng nồng độ oxy và carbonic trong máu. Nhiều cách thở đã được con người sáng tạo để đạt được kết quả này như thở theo phương pháp Hartha Yoga, Thiền Tông, Zen, Khí Công, Dưỡng Sinh…

Sau đây là vài cách thở thông dụng để làm tăng khí trong buồng phổi.

 

Cách 1: Thở 2 thì

thì I: hít vào – thì II: thở ra

 Giãn lồng ngực theo chiều ngang:

– Hai bàn tay nắm lại.

– Vừa hít vào vừa giang hai tay ra hai bên hết cỡ để giãn ngực ra.

– Vừa thở ra vừa kéo hai tay về giữa để ép ngực lại.

Giãn theo chiều dọc:

+ Bước 1 chân phải lên trước, hít vào, hai tay giơ cao trên đầu, ngửa người ra phía sau.

+ Từ từ cúi người xuống thở ra, cho đến khi hai bàn tay chạm vào đầu gối. Chân  rút về ngang với chân kia.

+ Tiếp theo, bước chân trái lên hít vào, hai tay giơ cao trên đầu, ngửa người ra phía sau.

+ Từ từ cúi người xuống thở ra, cho đến khi hai bàn tay chạm vào đầu gối. Chân  rút về ngang với chân kia.

Những tư thế này tưởng đơn giản, nhưng chính nhờ thế mà làm tăng khối lượng khí trong lồng ngực, giúp chúng ta thở khoẻ hơn, giúp các huyệt đạo trước ngực được khai thông.

Cách 2: Thở 4 thì

+ thì I: hít sâu vào nhưng không cần đến mức tối đa

+ thì II: giữ hơi trong vòng một vài giây thay vì thở ra ngay

+ thì III: thở ra thoải mái, tự nhiên không cần tới mức tối đa

+ thì IV: nghỉ thoải mái, thư giãn hoàn toàn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã nói đến phương pháp thở 4 thì này trong cuốn sách Phương pháp Dưỡng sinh (x. NXB Văn hoá và Thông tin Cửu Long, 1985, tr.67 tt). Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý là chúng ta không cần tập thở đến mức tối đa. Ta có thể tập từ từ và thời gian giữ hơi hay nghỉ có thể đếm thầm số giây 1-2-3-4, vài tuần sau có thể tăng lên 1-2-3-4-5-6. Chỉ cần gia tăng được lượng hơi hít vào là đủ.

3.2. Tập thở siêu nhiên

Cách đây gần 3000 năm, các triết gia vẫn quan niệm khí là cái gì vô hình, hết sức cao cả. Triết học Tây Phương nói đến cấu trúc tạo thành nên vũ trụ trong đó có khí. Triết học Đông Phương cũng quan niệm rằng khí là cái gì lạ lùng bao quanh trời đất này, con người nào thở được thần khí thì tinh thần mạnh mẽ, hào hùng vì thế người ta thường nói đến hào khí, dũng khí của các bậc thánh hiền, của chính nhân quân tử hay khí thiêng của non sông, đất nước. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã nhắc đến khí siêu nhiên này: Khí hạo nhiên chí đại chí cương,                 So chính khí đã đầy trong trời đất.

Tiến sĩ Barbara Ann Brennan, chuyên về năng lượng nguyên tử, làm việc ở Trung tâm Goddard thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cũng tìm ra cách thở để làm tăng khí siêu nhiên trong con người và trình bày trong tác phẩm Hands of Light (Bàn tay Ánh sáng). Khi nghiên cứu năng lượng của con người, bà khám phá ra rằng khi con người hít thở được thần khí thì phát huy một năng lượng kỳ diệu và có thể tác động lên người khác. Mỗi người có 7 luân xa chính, khi chúng ta thở thần khí, những luân xa này sẽ chuyển động hút khí siêu nhiên ở ngoài đưa vào trong con người. L‎ý thuyết của bà được một số người thu nhận và tập luyện.

   

Chúng tôi không phải là nhà chuyên môn nên không dám lạm bàn hay giới thiệu một phương pháp thở nào. Chúng tôi chỉ gợi ý một cách thở đơn giản đã từng tập luyện để giúp các bạn quan tâm tăng cường nội lực của mình bằng cách thở thần khí sau đây. Chúng ta có thể dành mỗi ngày chừng 5, 10 phút tập thở thần khí khi ngồi ở nơi làm việc hoặc nằm thư giãn trên giường trước khi ngủ trưa hay ngủ tối.

Ta hít vào từ từ bằng mũi. Đang khi hít vào bằng mũi: thể xác ta hít dưỡng khí vào, tinh thần ta hít thần khí vào. Ta hãy tưởng tượng một luồng khí mãnh liệt của Chúa đi vào trong con người của mình, đi từ đỉnh đầu, chạy dọc theo xương sống và lan toả khắp người. Đó là thần khí Đức Kitô ban cho chúng ta, thần khí của tình yêu, sức mạnh, bình an, ân sủng. Đưa  thần khí ấy vào người là ta được tràn đầy niềm vui, bình an, ân sủng. Các luân xa của chúng ta lúc  đó giống như các bông hoa nở ra đón nhận tất cả những điều kỳ diệu ấy. Chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thần Khí của Chúa cho con

Rồi khi thở ra từ từ bằng miệng: thể xác ta thở thán khí, tinh thần đẩy tà khí, uế khí ra ngoài. Đó là những khí dơ của tinh thần: buồn phiền, chán nản, giận hờn, thất vọng, ghen tương, sợ hãi…và  tất cả những gì tiêu cực trong con người ta. Vừa thở ra ta vừa nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin xua đuổi tà khí ra khỏi người con”. Mỗi lần thở như thế là ta cũng thanh tẩy tinh thần mình để bỏ đi những gì xấu xa trong lòng ta. Khi thở như vậy, dù chỉ vài phút, chúng ta theo dõi được luồng khí thở ổn định, tự nhiên cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, quên hết mệt nhọc và sảng khoái trong người.

 

Lời kết

Sau khi khám phá ra tầm quan trọng của khí thở tự nhiên cũng như siêu nhiên trong đời sống chúng ta mới hiểu được vai trò vô cùng cần thiết của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày của ta. Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta luôn biết thở thật nhiều Thần Khí của Người để chúng ta sống xứng đáng là con cái thảo hiếu của Cha Trên Trời và phát huy được sự sống kỳ diệu như chứng nhân của Tin Mừng trong thời đại ngày nay.

 

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn đo khí thở, huyết áp, nhịp tim của mình và giúp cho người khác như thế nào?

2. Bạn dùng phương pháp thở nào để tăng dung tích khí trong buồng phổi của bạn?

3. Bạn dùng phương pháp thở Thần Khí nào để tăng cường ân sủng của Thánh Thần?

Bài 8

Tương quan mật thiết giữa

Mình Máu Chúa Kitô và Thần Khí

Lời mở

Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội luôn long trọng mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa để mời gọi chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu như lương thực thiêng liêng, thở hít Thần Khí của Người để cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu phi thường của Ba Ngôi Thiên Chúa chuyển thông cho ta. Vì thế, chúng ta suy niệm đôi chút về  mối tương quan mật thiết giữa Mình Máu Chúa và Thần Khí.

1. Trong đời sống tự nhiên

Chúng ta đều biết rằng sự sống tự nhiên của con người rất quan trọng nhờ lương thực mà chúng ta đưa vào trong cơ thể. Những lương thực ấy dù là cá, thịt hay rau đều biến thành dòng máu với đủ các chất bổ dưỡng như glucid (chất đường cho các cơ bắp), lipid (chất mỡ để đốt thành năng lượng và dự trữ), protid (chất đạm cho thần kinh), các vitamin và muối khoáng. Oxy được đưa vào máu qua 300 triệu phế nang ở buồng phổi biến thành dòng máu đỏ để chuyển đến từng tế bào trong thân thể chúng ta. Nhờ Oxy, những chất bổ dưỡng trong máu được đốt cháy, được chuyển hoá thành năng lượng mang lại cho ta sức sống. Trong quá trình chuyển hoá, các tế bào thải khí Carbonic ra, khí Carbonic chuyển qua dòng máu đen về tim (x. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, Tập I, NXB Y Học, 2011, tr.189 tt).

Như thế, hệ thống hô hấp phải nhờ hệ thống tuần hoàn để thoả mãn nhu cầu nhận Oxy và thải khí Carbonic cho từng tế bào. Còn hệ thống tuần hoàn phải nhờ những chất đặc biệt trong máu để chuyên chở đủ lượng Oxy và khí Carbonic cần thiết. Lượng Oxy hoà tan trong huyết tương chỉ chiếm khoảng 2-3%. Sở dĩ máu chuyển được Oxy là vì các hồng cầu trong máu có chứa một chất gọi là hemoglobin (máu có hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu, huyết tương). Hemoglobin chuyển hoá tới 97% lượng Oxy trong máu cho tế bào vì nó làm tăng khả năng chuyên chở Oxy lên đến 70 lần và khí Carbonic lên đến 17 lần so với khí chỉ ở dạng hoà tan trong huyết tương. Vì thế khi thiếu hemoglobin, sự chuyên chở khí Oxy và khí Carbonic sẽ không đáp ứng được nhu cầu của các bộ phận trong cơ thể (x. Sđd, tr.209 tt).

Hemoglobin kết hợp với chất sắt tạo nên sắc đỏ trong máu nên gọi là hồng cầu. Phân tử Oxy của Hemoglobin gắn bó rất lỏng lẻo với nguyên tử sắt để có thể gắn và nhả Oxy ra thật nhanh cho các tế bào. Mỗi phân tử Hemoglobin gắn được 4 phân tử Oxy. Điều này cũng nhắc nhở ta phải ăn các lương thực để có đủ chất sắt cần thiết cho cơ thể, nhất là đối với các phụ nữ và các bà mẹ mang thai (x. Sđd, tr.218 tt).

Nói lên quá trình chuyển hoá khí Oxy và Carbonic trong máu để chúng ta thấy mối tương quan mật thiết giữa lương thực, máu và khí. Điều này sẽ giúp chúng ta suy niệm về mối tương quan giữa Mình Máu Thánh Chúa với Thần Khí trong sự sống toàn diện của con người.

2. Trong đời sống siêu nhiên

Chúng ta được mời gọi suy niệm từ lương thực hằng ngày là bánh, cá trong phép lạ Chúa Giêsu đã làm dẫn đến lương thực thiêng liêng là Mình Máu Thánh Chúa. Trong phép lạ hoá bánh ra nhiều, chúng ta thấy Chúa Giêsu làm các cử chỉ sẽ được diễn lại trong bữa tiệc Người lập bí tích Thánh thể: “Người cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9,16). Thánh Phaolô cũng nhắc lại những cử chỉ này của Chúa Giêsu để nhắn bảo chúng ta mệnh lệnh của Chúa: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x. 1Cr 11, 23-26). Xin đừng hiểu hành động “làm” này như việc dâng thánh lễ hay truyền phép Mình Máu Thánh Chúa chỉ dành riêng cho linh mục, nhưng là lệnh truyền cho tất cả các tín hữu phải tạo nên chất liệu sống cả về thể xác lẫn tinh thần cho con người.

Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta, những môn đệ của Người, khi thiết tha với lương thực của sự sống tự nhiên thì đừng quên lương thực của sự sống siêu nhiên là Mình Máu Thánh Chúa. Hơn nữa, không phải chúng ta chỉ lo cho mình có đầy đủ lương thực để sống mà còn phải lo cho những anh chị em khác có sự sống toàn diện như ta, bởi vì Người căn dặn chúng ta hôm nay: “Chính các con hãy lo cho họ ăn” (Lc 9,13). Nhất là qua bí tích Thánh Tẩy, mỗi tín hữu đã trở thành tư tế theo phẩm hàm Melchisedek, thành hiện thân sống động của Chúa Giêsu Kitô cho mọi người.

Nhưng làm sao chúng ta có thể lo được! Trong đất nước Việt Nam hiện nay có khoảng 90 triệu người, trong đó có hơn 18 triệu người đói khổ vì thiếu lương thực tự nhiên, và nhiều người trong số 83 triệu người ngoài Kitô giáo đang đói về mặt tinh thần. Nếu nhìn rộng ra thế giới: gần 1 tỷ người đói và đang chết đói trong gia đình nhân loại, gần 5 tỷ người chưa biết Chúa Giêsu. Chúng ta phải lo cho họ cả lương thực tự nhiên lẫn siêu nhiên. Vậy chúng ta phải làm gì?

Các môn đệ đã lên tiếng: “Chúng con chỉ vỏn vẹn có 5 chiếc bánh và 2 con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”. Nhưng tiền đâu mà mua! Ngoài việc ý thức được tình trạng bất lực của con người, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy tin vào quyền năng vô biên của Người, gắn bó với Người để biến đổi, để chia sẻ lương thực tự nhiên mà chúng ta nhận được, chia sẻ cả lương thực siêu nhiên là Mình và Máu Thánh Chúa cho người khác.

Người tín hữu giáo dân Việt Nam rất tôn kính Mình Máu Thánh Chúa, 80% tín hữu giữ lễ Chúa Nhật và rước lễ trong những dịp lễ trọng, khoảng 15-20% đi lễ thường ngày. Nhưng chúng ta thấy rằng dù đi lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa thường xuyên nhưng chúng ta lại chưa phát huy được sự sống kỳ diệu phi thường của Thiên Chúa trong con người của mình. Cuộc sống của người tín hữu chưa toát ra được niềm vui, bình an, hạnh phúc, ơn cứu độ cho mình cũng như cho người khác. Phép lạ trong đời sống người tín hữu là những gì hoạ hiếm chứ không phải là những chuyện thường ngày mà chúng ta phải thực hiện để mang lại ơn cứu độ cho những người nghèo khổ, tật bệnh, bị ma quỷ kiềm chế có mặt ở khắp nơi trên đất nước.

Tình trạng bất tương xứng giữa thức ăn vô cùng cao quý, bổ dưỡng và sức sống bạc nhược hiện nay phải đặt ra cho những người có trách nhiệm trong Giáo hội Việt Nam cũng như cho từng tín hữu nhiệm vụ phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp để thoát khỏi tình trạng đó.

Có lẽ có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng mà chúng ta cùng gợi ý hôm nay đó là chúng ta chưa biết kết hợp giữa Mình Máu Thánh Chúa với Thần Khí. Chúng ta đã quên thở hay thở quá yếu Thần Khí trong khi vẫn siêng năng rước Mình Máu Thánh Chúa. Chúng ta giống như người đưa lương thực vào trong mình để chuyển hoá thành máu, nhưng những chất bổ dưỡng ấy vì không có đủ khí nên chỉ sau một vòng tuần hoàn là trở thành vô dụng và bị thải ra ngoài qua bộ phận bài tiết. Vì không có Thần Khí, nên Mình Máu Chúa cũng không chuyển hoá đư ợc sức sống kỳ diệu, hạnh phúc vô biên, quyền năng vô tận và ơn cứu độ toàn diện vĩnh hằng cho chúng ta cũng như cho người khác.

Có lẽ chúng ta phải nhìn lại thái độ của chúng ta đối với Thần Khí, chúng ta cần phải gắn bó nhiều hơn với Chúa Thánh Thần và tập thở từng giây phút Thần Khí mà Chúa Giêsu thổi trên chúng ta khi Người hiện ra với chúng ta và nói rằng: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Hơn nữa, một chi tiết ta cần quan tâm trong khi chuyển hoá Oxy cho các tế bào, đó là chất sắt trong hồng cầu. Chất sắt như gợi ý cho chúng ta một thứ mà đời sống đạo đức chúng ta đang thiếu, đó là lòng son sắt, thuỷ chung của chúng ta đối với Đức Giêsu cũng như đối với nhau. Chúng ta có gắn bó với Người một cách mật thiết không? Chúng ta có yêu Người và anh chị em mình một cách mãnh liệt bằng một lòng son sắt, thuỷ chung để chuyển hoá Thần Khí tình yêu, Thần Khí sự thật vào trong Mình Máu Chúa Kitô không?

Lời kết

Hôm nay, chúng ta tôn thờ Mình Máu Thánh Chúa, hợp cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, để cầu nguyện cho Giáo Hội và cho toàn thế giới, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta luôn được tràn đầy Thần Khí của Người. Chúng ta sẽ tập thở hít Thần Khí của Người mỗi ngày, yêu quý Bí tích Thánh Thể, biết rước lễ thiêng liêng thường xuyên trong cuộc sống để chuyển hoá được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa Ba Ngôi cho mình cũng như cho người khác.

Câu hỏi gợi ý

1. Mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa, bạn kết hợp với Chúa Thánh Thần như thế nào để chuyển dòng máu đen tội lỗi của mình thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Kitô?

2. Trước những công việc hay biến cố đặt biệt trong đời sống, bạn thường cầu nguyện với Chúa Thánh Thần như thế nào?

 

DO DUNG LƯỢNG KHÍ THỞ

1. Vệ sinh đầu ống thở bằng bông tẩm cồn 900.

2. Ngậm ống thở và hít vào từ từ bằng miệng với 1 hơi dài tối đa.

3. Vừa hít vào vừa quan sát bông trong ống đo đẩy lên tới vạch nào.

4. Ngắt hơi ở điểm nào thì đó là mức đo khí thở tại điểm đó (xem số dung lượng ghi trên ống đo).

5. So sánh với Bảng Dung lượng Dự đoán Khí thở để xem mình thở có đủ không.

6. Vệ sinh đầu ống thở bằng bông tẩm cồn 900 để người khác sử dụng.

BẢNG DUNG LƯỢNG DỰ ĐOÁN KHÍ THỞ

Bảng dành cho nữ

          Chiều cao

 

Tuổi

1,47

1,52

1,57

1,62

1,67

1,72

1,77

1,82

1,87

20

1900

2100

2300

2500

2700

2900

3100

3300

3500

25

1850

2050

2250

2450

2650

2850

3050

3250

3450

30

1800

2000

2200

2400

2600

2800

3000

3200

3400

35

1750

1950

2150

2350

2550

2750

2950

3150

3350

40

1700

1900

2100

2300

2500

2700

2900

3100

3300

45

1650

1850

2050

2250

2450

2650

2850

3050

3250

50

1600

1800

2000

2200

2400

2600

2800

3000

3200

55

1550

1750

1950

2150

2350

2550

2750

2950

3150

60

1500

1700

1900

2100

2300

2500

2700

2900

3100

65

1450

1650

1850

2050

2250

2450

2650

2850

3050

70

1400

1600

1800

2000

2200

2400

2600

2800

3000

75

1350

1550

1750

1950

2150

2350

2550

2750

2950

80

1300

1500

1700

1900

2100

2300

2500

2700

2900

 

Bảng dành cho nam

          Chiều cao

 

Tuổi

1,47

1,52

1,57

1,62

1,67

1,72

1,77

1,82

1,87

1,92

1,97

20

2000

2200

2400

2600

2800

3000

3200

3400

3600

3800

4000

25

1950

2150

2350

2550

2750

2950

3150

3350

3550

3750

3950

30

1900

2100

2300

2500

2700

2900

3100

3300

3500

3700

3900

35

1800

2000

2200

2400

2600

2800

3000

3200

3400

3600

3800

40

1750

1950

2150

2350

2550

2750

2950

3150

3350

3550

3750

45

1700

1900

2100

2300

2500

2700

2900

3100

3300

3500

3700

50

1650

1850

2050

2250

2450

2650

2850

3050

3250

3450

3650

55

1550

1750

7950

2150

2350

2550

2750

2950

3150

3350

3550

60

1500

1700

1900

2100

2300

2500

2700

2900

3100

3300

3500

65

1400

1600

1800

2000

2200

2400

2600

2800

3000

3200

3400

70

1350

1550

1750

1950

2150

2350

2550

2750

2950

3150

3350

75

1300

1500

1700

1900

2100

2300

2500

2700

2900

3100

3300

80

1250

1450

1650

1850

2050

2250

2450

2650

2850

3050

3250