Chúa Nhật 5 PS B – 2018: Sinh những trái ngọt cho đời
Các bài Thánh Kinh giới thiệu cho chúng ta hình ảnh của Giáo Hội như là nhiệm thể Chúa Kitô, tượng trưng qua cây nho với những cành đầy trái nho vì được kết hợp mật thiết với Đấng Phục Sinh.
Chúa Nhật 5 PS B – 2018
Sinh những trái ngọt cho đời
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chúng ta bước vào Chúa Nhật V Phục Sinh. Các bài Thánh Kinh giới thiệu cho chúng ta hình ảnh của Giáo Hội như là nhiệm thể Chúa Kitô, tượng trưng qua cây nho với những cành đầy trái nho vì được kết hợp mật thiết với Đấng Phục Sinh. Vậy muốn sinh nhiều quả ngọt với những ân sủng của Thánh Thần, chúng ta phải làm gì? Đó là điều chúng ta cần tìm hiểu hôm nay.
1. Các loại cành nho
Trước hết, chúng ta tìm hiểu về những loại cành nho khác nhau tượng trưng cho tình trạng sống của người tín hữu.
Dù cùng được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, cùng được ban tặng những khả năng, thời giờ và ân sủng để trở thành những cành nho trong một cây nho duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, nhưng mỗi cành nho phát triển khác nhau, tuỳ vào việc chúng có gắn liền với thân nho để cùng chung một dòng nhựa sống hay không. Chúng ta có thể phân biệt 3 loại cành khác nhau.
1.1. Những cành nho khô héo: tượng trưng cho những người đã tự nguyện cắt đứt mối hiệp thông với Chúa Giêsu. Họ không còn đi vào con đường sự thật và sự sống của Chúa Giêsu nên không còn nhận được dòng nhựa sống kỳ diệu, phi thường của Người. Họ cắt đứt với Chúa vì những tham vọng và dục vọng phát triển trong con người họ mạnh đến nỗi chúng hút hết nhựa sống của Chúa Giêsu, khiến cho những lá trên cành bị khô héo, rơi rụng. Rồi chính cành cũng mất hết sự sống và khô héo, người ta sẽ chặt quăng vào lửa mà đốt đi. “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cánh nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6).
1.2. Cành với lá xanh tươi nhưng không sinh hoa trái: tượng trưng cho những tín hữu bằng lòng với đời sống đạo đức của mình: sáng lễ chiều kinh, tự mãn với những việc bác ái của mình, mà rất nhiều khi chỉ để làm an lương tâm vì những đồng tiền bất chính mình kiếm được. Họ cũng đi hành hương, ăn chay, cầu nguyện như rất nhiều người khác, nhưng họ làm tất cả những công việc ấy không phải vì yêu thương người khác, mà chỉ làm cho mình, nên họ không ở lại trong Chúa Giêsu. Ai ở lại với Chúa Giêsu là ở lại trong Lời của Người, mà ai ở lại trong Lời của Người là ở lại trong giới răn của Người: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em ”. Thánh Gioan, trong Bài Đọc II (x. 1Ga 3,18-24), nhắc nhở ta rằng: “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa, thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. Vì thế, tất cả sức sống, ân sủng, tài năng, thời giờ Chúa ban cho họ chỉ là những lá xanh tươi, khoe vẻ đẹp của họ chứ không mang lại những hoa trái ngọt ngào cho người khác.
1.3. Cành mang trái ngọt. Loại cành thứ ba mang trái ngọt tượng trưng cho những con người mà chúng ta được kêu gọi sống theo họ. Những trái ngọt ấy là hoa trái mà Thánh Thần ban cho chúng ta. Chúng chứng tỏ rằng chúng ta đang có chung một dòng nhựa sống với Chúa Giêsu. Chúng ta đang được thông truyền tình yêu, bình an, hy vọng và nguồn sống của chính Thiên Chúa, thể hiện qua những ân sủng của Thánh Thần. Có 7 ơn Chúa Thánh Thần, kèm theo những hiện sủng, đoàn sủng, đặc sủng. Hiện sủng là những ơn sủng giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ hiện tại mà chúng ta đang phải nắm giữ: như là giám đốc của công ty, thư ký của một tổ chức, là một học sinh, một người nội trợ… Đoàn sủng là những ơn huệ phục vụ cộng đồng: thí dụ cộng đồng chúng ta cần người phục vụ, chữa bệnh, học tập, nghiên cứu khoa học… thì Chúa Thánh Thần sẽ ban ân sủng cho một số người. Đặc sủng là ơn huệ đặc biệt cho một vài người, chẳng hạn như ơn nói tiên tri, ơn làm phép lạ chữa bệnh, ơn xua trừ ma quỷ… để làm sáng danh Chúa và mang lại điều tốt đẹp cho con người. Đó là những ơn huệ của Thánh Thần để chứng tỏ chúng ta đang giữ các điều răn yêu thương của Thiên Chúa và Chúa đang ở lại trong ta. Vì thế, thánh Gioan đã nhắc nhở: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí Ngài đã ban cho chúng ta” (1Ga 3,24).
Chúng ta thử xét xem mình đang thuộc vào cành nào trong các loại cành này.
2. Muốn trở thành cành sinh trái ngọt, chúng ta phải làm gì?
Đức Giêsu nói rất rõ ràng trong bài Tin Mừng “Anh em hãy ở lại trong Thầy… Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,4-5) . Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người là nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống, của tình yêu, của hạnh phúc. Khi gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta có tất cả dòng nhựa sống để có thể sinh ra những hoa trái tốt đẹp cho đời.
2.1. Việc cắt tỉa của Chúa Cha. Tuy nhiên, Chúa Cha là người trồng nho, Ngài sẽ “cắt tỉa những cành sinh trái để cho chúng sinh nhiều hoa trái hơn”. Ngài không muốn dòng nhựa sống quý giá của Chúa Giêsu bị phung phí cho những tàu lá chỉ khoe màu xanh tươi mà không sinh trái. Sự cắt tỉa của Chúa Cha có thể gây đau đớn cho chúng ta, nhưng nếu chúng ta đón nhận, nó sẽ đem lại những thuận lợi cho ơn cứu độ.
Thí dụ: gia đình có một đứa con, cha mẹ dồn tất cả sự chú ý vào nó, chiều chuộng nó, đưa đi học trường quốc tế, sắm sửa đủ thứ và dồn tất cả niềm vui và hy vọng vào đứa trẻ. Đột ngột đứa con bị bệnh, bị tai nạn… Đó là sự cắt tỉa của Chúa Cha để nhắc nhở ta về niềm hy vọng đích thực, về việc phải quan tâm đến nhiều người khác đáng thương hơn, việc thay đổi cách đối xử với con cái…
2.2. Những trái nho chua. Nhiều khi cành nho sinh trái, nhưng đó lại là những trái nho chua, chỉ để làm giấm hoặc làm rượu, chứ không sinh ra những trái ngọt bổ dưỡng cho người. Xét về mặt kinh tế, tự nhiên, dấm hay rượu cũng ích lợi cho đời, nhưng xét về mặt siêu nhiên, những trái nho dại nằm ngoài dự phóng của Chúa (x. Is 5,2), gây tổn hại cho đời sống con người giống như người ta dùng nhiều giấm và rượu cũng gây hại cho sức khoẻ.
Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Có nhiều hoa trái của chúng ta không tồn tại, không mang giá trị vĩnh hằng, dù chúng có thể được con người ca tụng, ngợi khen. Chúng ta dồn sức lực để làm một số công việc tưởng chừng mang ích lợi lớn lao cho mình hay cho đời, nhưng thực ra chúng không có giá trị trước mắt Thiên Chúa nếu chúng không được làm vì tình yêu và để diễn tả tình yêu đối với Chúa hay đối với con người. Chỉ có tình yêu thật sự mới tồn tại mãi mãi vì Thiên Chúa là tình yêu.
2.3. Những trái ngọt lành. Trái của chúng ta phải ngọt nghĩa là phải làm vinh danh Chúa và mang lại ích lợi cho con người chứ không phải để làm vinh danh một tổ chức nào, để khoe khả năng của một cá nhân nào. Thí dụ: có người tốn nhiều sức lực, tiền của để thu tích những con tem, tiền cổ, đồ cổ… trong khi những con người sống quanh họ đang chết vì đói khát, bệnh tật. Họ vui khi thỉnh thoảng nhìn ngắm chúng. Nếu dồn sức lực, tiền của, tài năng để nghiên cứu khoa học, phục vụ bác ái, giúp những người bệnh tật, khốn khổ, nghèo đói quanh mình, họ sẽ mang nhiều ích lợi cho người khác. Vì thế, thánh Gioan nói với ta: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18).
Những hoa thơm trái ngọt đó đều phá sinh từ những ân huệ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, ở lại trong tình yêu thương của Người, thực hiện giới răn yêu thương, chúng ta sẽ thấy tất cả những hành động của chúng ta, dù là nhỏ bé đến đâu, cũng đều có thể mang lại niềm vui, bình an, hạnh phúc, ơn cứu độ cho tất cả những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày. Càng gắn kết với Chúa Giêsu, con người chúng ta càng toả ra hạnh phúc, niềm vui, bình an và những người sống gần chúng ta càng cảm nghiệm được những hoa trái của Thánh Thần.
Lời kết
Đó là điều chúng ta đang được mời gọi hướng tới như Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Điều làm cho Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.