Những ngày cuối tháng 4, dẫn chúng tôi đi quanh cánh đồng Lò Than rộng lớn, ông Phạm Văn Viên (48 tuổi, ngụ thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh) xót xa trước cảnh bờ bãi lênh láng nước thải đen kịt từ bãi rác Xuân Sơn gần đó chảy ra. Nước rỉ rác bốc mùi hôi thối nồng nặc cả cánh đồng. “Đã lâu rồi, người dân thôn Hiệu Lực không canh tác được cây gì ở cánh đồng Lò Than vốn phì nhiêu màu mỡ này”, ông Viên nói.
Ốc, cá chết cả
Theo ông Viên và một số người dân địa phương, nước rỉ rác ở bãi rác Xuân Sơn chảy ra cánh đồng Lò Than rồi chảy xuống hồ Suối Hai. Chúng tôi cùng ông Viên lội men theo dòng nước đen kịt chừng 15 phút thì đến bờ nước ven hồ Suối Hai giáp thôn Hiệu Lực. Mặt hồ sát bờ nước màu đen kịt, mùi hôi thối của nước, sinh vật chết bốc lên thối đến nhức đầu. Nước ngập đến đâu là cỏ ven bờ chết, nhuộm màu đen của nước thải. Ven bờ, hàng trăm con cá đủ loại từ rô phi, diếc đến ốc bươu vàng, thậm chí cá dọn bể sống dai trong môi trường nước bẩn cũng chết phơi bụng, ruồi nhặng bu đầy.
“Không con gì sống nổi trong thứ nước thải rỉ ra từ bãi rác Xuân Sơn chảy xuống đây. Các anh xem cá, ốc ở tận đây đều chết thì lúa, ngô ở cánh đồng Lò Than sao sống nổi mà canh tác”, ông Viên nói.
Nước thải đen kịt tại miệng cống xả thải của bãi rác Xuân Sơn
|
Dẫn chúng tôi ra chỗ những con đập được đắp tạm bằng đất dài loằng ngoằng để ngăn nước thải từ bãi rác Xuân Sơn chảy qua cánh đồng Lò Than xuống hồ Suối Hai, ông Chu Trọng Khanh, Phó giám đốc Xí nghiệp thủy sản và dịch vụ du lịch Suối Hai, cho biết: “Bốn con đập được đắp tạm để ngăn nước rỉ rác từ bãi rác Xuân Sơn chảy xuống hồ nhưng thường xuyên bị phá toang hoác, nước thải đen kịt lại chảy xuống đầu độc hồ. Cá, ốc, tôm, cua, các loài thủy sinh khác ở ven hồ gần thôn Hiệu Lực ngày một ít đi do nước mỗi ngày một ô nhiễm hơn. Thủ phạm đầu độc hồ Suối Hai không ai khác là bãi rác Xuân Sơn. Cứ đi ngược dòng nước rỉ xuống hồ sẽ thấy nước đen đậm đặc dần khi đến gần miệng cống xả của bãi rác này”, ông Khanh cho biết.
Chúng tôi cùng ông Viên và ông Khanh đến miệng cống xả của bãi rác Xuân Sơn, chứng kiến dòng nước thải đen kịt, hôi thối vẫn chảy ra cánh đồng Lò Than. “Bãi rác Xuân Sơn thường xả nước thải nhiều nhất vào ban đêm, khoảng từ 8 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Chúng tôi nhiều lần bắt quả tang, mời đại diện bãi rác Xuân Sơn, chính quyền địa phương lập biên bản nhưng đâu vẫn hoàn đấy, ô nhiễm vẫn ngày càng nghiêm trọng, hồ Suối Hai vẫn bị đầu độc mỗi ngày”, ông Viên bức xúc.
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, xác nhận hồ Suối Hai đang bị đầu độc từng ngày, môi trường quanh khu vực bãi rác đang bị ô nhiễm trầm trọng. UBND xã Tản Lĩnh đã kiến nghị UBND H.Ba Vì đề xuất TP để di dời người dân vùng ảnh hưởng bán kính 500 m. Còn về môi trường thì chưa thấy có biện pháp gì ngăn chặn tình trạng bức tử hồ Suối Hai.
Người dân phải đắp các con đập bằng đất tạm, ngăn nước thải từ bãi rác Xuân Sơn chảy xuống hồ Suối Hai
|
“Đá” trách nhiệm
Lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (ban duy tu) thừa nhận là đầu mối quản lý các đơn vị hoạt động tại bãi rác Xuân Sơn. Trong đó, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý chôn lấp rác thải hằng ngày chuyển đến bãi rác Xuân Sơn; phần xử lý nước rỉ rác trước khi đổ ra môi trường do Urenco và Công ty CP môi trường và công trình đô thị Sơn Tây (Công ty môi trường đô thị Sơn Tây) đảm nhận. Vị lãnh đạo này không trả lời các câu hỏi liên quan tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên và giới thiệu PV đến làm việc với Urenco và Công ty môi trường đô thị Sơn Tây.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Urenco, cho biết phần việc tại bãi rác Xuân Sơn đã giao cho chi nhánh Urenco 6 đảm nhận và giới thiệu chúng tôi đến Urenco 6 hỏi. Đến gõ cửa Urenco 6, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Urenco 6, cho biết đơn vị mới được phân công, tiếp quản công việc, “chân ướt chân ráo” nên chưa rõ nguyên nhân vì sao hồ Suối Hai bị ô nhiễm và đã ô nhiễm từ trước hay mới bị.
|
|
Hồ Suối Hai được xây dựng hoàn thành vào năm 1958 với mục tiêu thủy lợi, khống chế sông Tích, tích trữ nước tưới, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển du lịch vùng núi phía tây Hà Nội. Diện tích mặt nước ở mực nước lớn nhất sẽ rộng khoảng 1.200 ha. Thời điểm bình thường, hồ Suối Hai có diện tích mặt nước dao động từ 700 – 800 ha. Hồ Suối Hai thuộc địa bàn các xã Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Tản Lĩnh (H.Ba Vì); bãi rác Xuân Sơn nằm ở vùng thượng lưu của hồ, thuộc xã Tản Lĩnh.
|
|
|
Về xử lý nước rỉ rác, ông Hà cho biết có 2 trạm xử lý. Urenco vận hành trạm có công suất 300 m3/ngày đêm và Công ty môi trường đô thị Sơn Tây vận hành trạm xử lý công suất 700 m3/ngày đêm. Tất cả nước thải của 2 trạm này sau khi xử lý được đổ ra đoạn kênh mương dẫn ra cánh đồng Lò Than. “Đoạn đầu mương là điểm xả của 2 trạm xử lý nước thải của bãi rác Xuân Sơn. Sau khi xả ra đây, nước rỉ rác sẽ theo kênh chảy ra cánh đồng Lò Than. Trạm xử lý nước rỉ rác của chúng tôi công suất chỉ 300 m3/ngày đêm luôn tuân thủ đúng, nước phải đảm bảo tiêu chuẩn mới xả ra môi trường. Cái khó là đoạn kênh mương đổ thải ra cánh đồng Lò Than là đường xả chung của hai trạm do hai đơn vị vận hành khác nhau nên khó quản lý được bên nào làm đúng, bên nào làm không đúng”, ông Hà nói. Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Nghĩa, Giám đốc Công ty môi trường đô thị Sơn Tây, cũng cho biết trạm xử lý của công ty luôn tuân thủ đúng quy trình.
Trả lời câu hỏi vì sao phải xả thải vào ban đêm thì cả đại diện Urenco 6 và Công ty môi trường đô thị Sơn Tây đều cho biết, dù được xử lý nhưng khi đổ ra môi trường, nước rỉ rác vẫn không thể sạch như nước ngoài môi trường, để tránh phản cảm, người dân phản ứng với mùi hôi nên xả vào ban đêm. Về cảm quan, nước thải màu vàng nâu như cà phê tại miệng cống đổ ra cánh đồng Lò Than là không đạt chỉ tiêu về độ màu. Đây là đường mương xả thải chung của các trạm xử lý nước rỉ rác của hai đơn vị cùng đổ ra nên khó khẳng định được đơn vị nào làm ô nhiễm, đơn vị nào không.
Bộ TN-MT sẽ vào cuộc làm rõ
Trả lời Thanh Niên, TS Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết ông chưa nắm thông tin về bãi rác Xuân Sơn bức tử hồ Suối Hai. Tổng cục Môi trường sẽ khẩn trương rà soát lại, việc đầu tiên sẽ yêu cầu địa phương kiểm tra, báo cáo.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên thông tin: “Gần đây, bãi rác Xuân Sơn là một trong những điểm nóng về môi trường của huyện ngoại thành Hà Nội. Tôi yêu cầu Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ rà soát khẩn trương, xem xét toàn diện, nếu cần thiết phải đưa vào kế hoạch thanh tra trong thời gian tới. Kiểm tra phát hiện vấn đề đúng như người dân phản ánh phải có giải pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng gần trung tâm TP.Hà Nội”.
LÊ QUÂN