Người Việt nhận giải môi trường Goldman: Cần nâng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường
Lần đầu tiên một người Việt Nam được trao giải thưởng của Quỹ môi trường Goldman (Mỹ), giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường năm 2018. Người nhận vinh dự đó là bà Ngụy Thị Khanh.
Người Việt nhận giải môi trường Goldman: Cần nâng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường
Lần đầu tiên một người Việt Nam được trao giải thưởng của Quỹ môi trường Goldman (Mỹ), giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường năm 2018. Người nhận vinh dự đó là bà Nguỵ Thị Khanh.
Bà Nguỵ Thị Khanh (bìa trái) trong nhóm 7 “anh hùng môi trường” nhận giải thưởng Goldman 2018 – Ảnh: GreenID
Bà Nguỵ Thị Khanh hiện là giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh Việt Nam (GreenID). Ngoài bà Khanh, sáu nhà hoạt động môi trường khác được vinh danh đến từ Colombia, Pháp, Nam Phi, Philippines và Mỹ.
Lễ trao giải đã diễn ra ngày 23-4 tại San Francisco, Mỹ. Một buổi lễ vinh danh khác sẽ diễn ra tại Trung tâm thương mại quốc tế ở Washington DC vào hôm nay (25-4, giờ Mỹ).
Ngay sau khi nhận giải, bà Nguỵ Thị Khanh đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn.
* Chúc mừng bà là người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng môi trường Goldman. Có mặt ở Mỹ nhận giải thưởng này, bà có thể chia sẻ cảm tưởng của mình với bạn đọc Tuổi Trẻ?
– Bà Nguỵ Thị Khanh: Được nhận giải thưởng Goldman về môi trường là một vinh dự rất lớn với một người phụ nữ như tôi. Tôi vô cùng tự hào vì đây là giải thưởng đầu tiên dành cho Việt Nam. Đó là sự ghi nhận quan trọng của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam. Đứng trước bục phát biểu với hơn 3.000 người tới tham dự lễ trao giải, tôi cảm nhận được tình yêu của họ dành cho môi trường, cho công việc chúng tôi đang làm, tôi rất xúc động và run run khi mỗi lần nói đến Việt Nam hay Tổ quốc tuyệt đẹp của mình.
* Trong quá trình nghiên cứu về sự liên hệ của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và việc sản xuất điện than, GreenID có gặp những thách thức gì không và bà đã vượt qua như thế nào?
– Chúng tôi bắt đầu công việc này từ năm 2013, đây là một lĩnh vực được cho là “nhạy cảm”, “bí mật quốc gia” trong con mắt của nhiều người. Vì thế nên tiếp cận thông tin, dữ liệu là một thách thức rất lớn. Và việc nói về những tác động, hệ luỵ của nhiệt điện than gặp phải phản ứng gay gắt của các chuyên gia trong ngành.
Cá nhân tôi, các đồng nghiệp và chuyên gia GreenID đã sử dụng cách tiếp cận tổng hợp kết hợp cả nghiên cứu dựa vào bằng chứng, xây dựng quan hệ hợp tác tích cực với các bên liên quan, tham gia các cuộc thảo luận, toạ đàm, đối thoại chính sách và trực tiếp tổ chức sự kiện truyền thông về kết quả nghiên cứu và gửi các đề xuất kiến nghị tới các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Tôi lựa chọn con đường cung cấp thông tin khoa học, khách quan, phản ánh tiếng nói của nhiều bên, nhất là những nhóm yếu thế trong đó có môi trường tới các nhà hoạch định chính sách.
* Tổ chức của bà đã thành công một phần trong việc giảm các nhà máy điện than, vậy kế hoạch năng lượng mà GreenID sẽ đề xuất với Chính phủ Việt Nam là gì, đặc biệt là ở mảng năng lượng tái tạo?
– Chúng tôi đề xuất kịch bản phát triển nguồn điện bền vững tới năm 2030 cho Việt Nam đảm bảo cung cấp đầy đủ điện cho phát triển đất nước, trong đó Việt Nam không cần phải xây mới các nhà máy nhiệt điện than từ sau năm 2020, tức là giảm khoảng 29.500 MW nhiệt điện than so với kịch bản cơ sở của Quy hoạch điện 7 điều chỉnh hiện nay. Thay vào đó là các giải pháp trung hạn về sử dụng khí, đặc biệt ưu tiên sử dụng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo. Tính một cách khiêm tốn và cẩn trọng nhất thì năng lượng tái tạo gió và mặt trời có thể đóng góp khoảng 26.000 MW vào năm 2030.
* Về các nhà máy nhiệt điện than đang tồn tại và gây ô nhiễm Hà Nội và một số nơi khác, bà và tổ chức của mình có kiến nghị gì để giảm thiểu thiệt hại và góp phần làm trong sạch bầu không khí?
– Để bảo vệ sức khoẻ của người dân ở thủ đô và các khu vực xung quanh các nhà máy nhiệt điện, chúng tôi kiến nghị cần thiết phải rà soát đánh giá thực tế thực thi các giải pháp kỹ thuật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính tuân thủ của các nhà máy. Song song với đó, Việt Nam cần nâng cấp các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và nhất là giới hạn cho phép phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than chí ít theo tiêu chuẩn của các nước đang cung cấp công nghệ cho Việt Nam trong lĩnh vực này như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời các dữ liệu quan trắc định kỳ của các nhà máy cần phải công khai để chính quyền và người dân địa phương nắm được để theo dõi, giám sát.
Giải thưởng Goldman được thành lập năm 1989, hằng năm vinh danh các anh hùng môi trường thế giới vì những thành tựu quan trọng về bảo vệ môi trường. Danh sách các cá nhân được trao giải được công bố vào tháng 4 hằng năm trùng vào dịp kỷ niệm Ngày Trái đất. Tiêu chí trao giải theo thứ tự ưu tiên gồm: những thành tựu mới đem lại sự cải thiện cho môi trường và truyền cảm hứng cho người khác; những sáng kiến tại cộng đồng…
Bà Nguỵ Thị Khanh phát biểu nhận giải thưởng Goldman ngày 23-4 – Ảnh: GreenID
Học ngoại giao, làm môi trường
Bà Nguỵ Thị Khanh, 42 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông thôn tại Bắc Am, Bắc Giang. Lớn lên gần một nhà máy nhiệt điện than, bà có cảm nhận của người trong cuộc về tình trạng ô nhiễm và bụi do hoạt động của nhà máy này gây ra và đã chứng kiến nhiều người trong vùng mắc bệnh ung thư. Bà học lịch sử, tiếng Pháp và từng dự định theo ngành ngoại giao. Tuy nhiên, đam mê lĩnh vực môi trường, bà chuyển sang làm về bảo tồn tài nguyên nước và phát triển cộng đồng. Năm 2011, bà Khanh thành lập GreenID nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, quản lý tốt hơn tài nguyên nước, không khí và phát triển xanh. Bà đồng thời là thành viên sáng lập Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, một mạng lưới gồm 11 tổ chức Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường và xã hội cùng hợp tác về các vấn đề năng lượng trong khu vực.
* TS Vũ Ngọc Long (chủ tịch hội đồng khoa học, Viện Sinh thái học miền Nam):
Niềm tự hào
Tôi được biết và làm việc với bà Nguỵ Thị Khanh hơn 12 năm qua, khi bà còn là điều phối viên của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam. Sau này theo đuổi chủ đề năng lượng sạch và phát triển bền vững ở Việt Nam, bà Khanh đã sáng lập trung tâm GreenID. Những hoạt động của bà Khanh và GreenID là một sự cố gắng không ngừng, một hướng đi rất đúng cho các nhà khoa học, cũng như cho việc giải quyết những thảm họa môi trường hiện nay.
Việc bà Khanh là một trong bảy “anh hùng môi trường” nhận được giải thưởng Goldman năm 2018 là một niềm tự hào cho GreenID cũng như cá nhân bà Khanh. Đây cũng là một sự khuyến khích thúc đẩy cho cộng đồng những người yêu thiên nhiên và môi trường Việt Nam đang ngày đêm đấu tranh bảo vệ môi trường thiên nhiên Việt Nam. Phần thưởng này cũng cho thấy GreenID đã đi theo một con đường tuy còn rất mới nhưng rất đúng hướng cho phát triển bền vững của ngành công nghiệp năng lượng.
* PGS.TS Lê Văn Khoa (trưởng bộ môn quản lý môi trường, khoa môi trường và tài nguyên, ĐH Bách khoa TP.HCM):
Lời nhắc nhở
Cá nhân tôi, một người làm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, rất vui khi biết tin này. Giải thưởng này trao cho bà Khanh là sự khẳng định tính đúng đắn hướng đến mục tiêu phát triển các dự án năng lượng bền vững tại Việt Nam (giảm sử dụng các nhà máy điện than). Ngoài việc tôn vinh công lao của cá nhân bà Khanh, việc trao giải này góp phần khích lệ rất lớn cho những cá nhân và cộng đồng ở Việt Nam đang quan tâm và hoạt động cho một môi trường sống không bị ô nhiễm, vì sức khoẻ cộng đồng hiện nay và thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, giải thưởng còn như một lời nhắc nhở cho các nhà quản lý trong việc quy hoạch phát triển năng lượng vì sự phát triển bền vững của quốc gia.