24/12/2024

Các Giám mục Nam Sudan kêu gọi hoà bình và hoà giải quốc gia

Trong các ngày từ 21 tới 23 tháng hai vừa qua, HĐGM Nam Sudan đã nhóm đại hội khoáng đại tại thủ đô Juba để thảo luận các vấn đề của Giáo Hội và của đất nước. Kết thúc đại hội các Giám mục Nam Sudan đã công bố sứ điệp gửi tín hữu và nhân dân toàn nước, trong đó các vị mời gọi hàng lãnh đạo có can đảm tinh thần và luân lý, chấm dứt chiến tranh, hoà giải với nhau và chung lo cho thiện ích của toàn dân nước.

 Các Giám mục Nam Sudan kêu gọi hoà bình và hoà giải quốc gia

 

 
Trong các ngày từ 21 tới 23 tháng hai vừa qua, HĐGM Nam Sudan đã nhóm đại hội khoáng đại tại thủ đô Juba để thảo luận các vấn đề của Giáo Hội và của đất nước. Kết thúc đại hội các Giám mục Nam Sudan đã công bố sứ điệp gửi tín hữu và nhân dân toàn nước, trong đó các vị mời gọi hàng lãnh đạo có can đảm tinh thần và luân lý, chấm dứt chiến tranh, hoà giải với nhau và chung lo cho thiện ích của toàn dân nước. Các vị cho biết đã không thoả mãn, vì nhận thấy giới lãnh đạo của chính quyền cũng như của phe đối lập đã không bỏ ra một bên các lợi lộc riêng tư để làm hoà và lo cho thiện ích của nhân dân Nam Sudan. 
 
Các vị cũng nhận thấy các binh sĩ chỉ nhìn thế giới qua lăng kính của bạo lực, chính họ cũng bị chấn thương tâm thần, lạc lõng mất hướng, cần được trợ giúp và chữa lành. Nhân dân Nam Sudan lại càng bị chấn thương tâm thần hơn vì hơn 4 năm nội chiến giữa các lực lượng vũ trang của Tổng thống Salva Kiir và của Phó Tổng thống Riek Machar, đã khiến cho hàng chục ngàn người chết, bao nhiêu ngàn người bị thương, và hơn 1 triệu người phải tản cư lánh nạn chiến tranh. Hậu quả là cảnh cướp phá, kinh tế suy sụp, vi phạm các quyền con người và tàn phá các cơ cấu hạ tầng, trẻ em và người trẻ thất học, các gia đình không được trợ giúp về y tế và an sinh. Trong khung cảnh thê thảm này của đất nước giới lãnh đạo cần làm một cuộc tĩnh tâm để được chữa lành các vết thương tâm lý, thay đổi con tim hầu có thể từ bỏ bạo lực, hoà giải với nhau và thăng tiến phát triển đất nước.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung sứ điệp này.

Mở đầu sứ điệp, các Giám mục Nam Sudan bầy tỏ lòng biết ơn đối với ĐTC Phanxicô vì các lời cầu nguyện và kêu gọi liên tục cho hoà bình tại Nam Sudan, Cộng hoà Dân chủ Congo và nhiều nơi khác trên thế giới đang có xung đột. 
 
Các Giám mục viết: Chúng tôi được khích lệ bởi sự chú ý cá nhân của ĐTC đối với quốc gia của chúng tôi và chúng tôi tái lập lại lời mời ngài viếng thăm chúng tôi, khi tới lúc.

Chúng tôi cũng cám ơn các tổ chức quốc tế và vùng miền vì sự dấn thân giúp hồi phục tiến trình hoà bình của chúng tôi, tuy chúng tôi phải ghi nhận rằng vài tổ chức này có các lợi lộc riêng của họ. Chúng tôi hy vọng rằng giai đoạn 3 của diễn đàn cấp cao tái hồi sinh sẽ chấm dứt bạo lực từ cả hai phía chính quyền và phe đối lập, cho tới nay đã không thể bỏ các lợi lộc riêng tư sang một bên và làm hoà với nhau cho thiện ích của dân nước. Chúng tôi khẩn nài họ với các lời của Thánh vinh 95 câu 4: “Đừng cứng lòng nữa!”

** Chúng tôi sợ rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi không biết tạo dựng hoà bình ra sao. Họ lầm lẫn. Họ là giới quân nhân chỉ biết nhìn thế giới qua lăng kính của bạo lực. Họ cần được giúp đỡ, không phải với các chi tiết kỹ thuật và chính trị, nhưng với sự can đảm tinh thần và luân lý, để làm hoà, để có cái nhìn về tương lai bao gồm hoà bình. Con tim của họ cần được đánh động. Họ cần được trợ giúp để phân định làm sao “biến guơm giáo thành lưỡi cuốc lưỡi cày” (Is 2,4).

Rất nhiều người trong họ bị chấn thương tâm thần cũng như nhiều người dân Nam Sudan. Sự chấn thương có thể làm con người tê liệt, khiến cho họ có cung cách hành xử không thích hợp, soi mòn luân lý và đạo đức của họ, và dẫn đưa họ tới chỗ tự thương xót mình và khước từ tha nhân. Họ cần được chữa lành khỏi tình trạng bị chấn thương ấy.

Họ sợ hãi hoà bình. Và họ đang triệt hạ dân chúng. Họ đã kêu gọi những người theo họ thuộc bất cứ bộ tộc nào hy sinh cho vài lợi lộc nào đó, nhưng lợi lộc gì đây? Các vị lãnh đạo sợ hãi trở về với nhân dân mà không cho người dân thấy gì cả, vì thế họ tiếp tục cuộc chiến vô nghĩa này, bởi vì họ không biết phải làm gì. Tiếp tục đánh nhau thì dễ hơn là liều lĩnh làm hoà. Họ không chỉ sợ hãi công lý quốc tế, mà cũng sợ hãi điều nhân dân sẽ làm cho họ nữa, nếu họ thất bại.

Nhưng họ đã thất bại rồi. Hơn bốn năm chiến tranh, hàng chục ngàn người chết, hàng triệu người phải di tản, cướp bóc, hãm hiếp, đói khổ, kinh tế sụp đổ, luật lệ gẫy gập, các cơ cấu hạ tầng của quốc gia bị tàn phá, trẻ em không được giáo dục, các gia đình không được săn sóc sức khoẻ… tất cả đều diễn tả sự thất bại. Phải cần có bao nhiêu người chết nữa, bao nhiêu thất bại nữa, trước khi họ chấp nhận rằng họ đã thất bại và đã không biết phải làm gì?

Chúng tôi đã tự hỏi, làm sao có thể giúp họ thắng vượt sự sợ hãi và lầm lẫn của họ? Làm thế nào để giúp họ hoà giải, không phải chỉ trên bình diện chính trị mà thôi, nhưng sâu xa hơn trong con tim của họ? Chúng tôi đã công bố nhiều tuyên ngôn, nhưng chúng đã không được lắng nghe. Chúng tôi lập lại một lần nữa: phải chấm dứt tức khắc việc giết chóc. Chúng ta phải buông khí giới xuống đất, để đôi tay được tự do và có thể ôm lấy nhau.

** Trong năm 2015, Hội đồng các Giáo hội Kitô Nam Sudan của chúng ta đã cống bố tuyên ngôn, viết: “Chúng tôi cống hiến việc thành lập Diễn đàn trung lập, nơi các vị lãnh đạo cuả chính quyền và của các đảng phái đối lập chính, cũng như các nhóm vũ trang và các nhóm chính trị, có thể gặp gỡ đối thoại trong khuôn khổ an ninh. Các Giám mục Công giáo chúng tôi dấn thân hoàn toàn ủng hộ tiến trình này, bao gồm cả một cuộc tĩnh tâm, được các vị lãnh đạo tôn giáo Nam Sudan và từ các nơi khác tới hướng dẫn – nó sẽ là cuộc tĩnh tâm chữa lành đem đến sự thay đổi cá nhân để chuẩn bị cho các tham dự viên đương đầu với nhiệm vụ tạo dựng hoà bình. “Phúc cho những ai tạo dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa!” (Mt 5,9). Chúng ta người dân Nam Sudan chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề của mình, nếu chúng ta có thể thay đổi con tim.

Chúng tôi mời gọi mọi người thiện chí hợp với chúng tôi hôm nay ăn chay cầu nguyện cho hoà bình và tiếp tục ăn chay cầu nguyện dựa trên nền tảng thường xuyên trong các tháng tới. Chúng tôi cũng đau buồn thừa nhận rằng có nhiều người dân Nam Sudan đang liên lỉ ăn chay, khi họ không có thực phẩm để ăn. Hoà bình sẽ đến, khi các con tim của các người lãnh đạo Nam Sudan thay đổi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hoán cải ấy. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em.”

Trên đây là nội dung sứ điệp các Giám mục Nam Sudan gửi tín hữu và nhân dân toàn nước sau phiên họp khoáng đại nhóm tại thủ đô Juba hồi cuối tháng 2 năm nay.

Đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô dành ngày 23 tháng 2 để cầu nguyện cho Nam Sudan, Cộng hoà Dân chủ Congo và các quốc gia đang có chiến tranh, cộng đoàn Công giáo Tombura-Yambo trong suốt Mùa Chay và đặc biệt trong ngày này đã ăn chay cầu nguyện theo ý chỉ của ĐTC. 
 
Giảng trong Thánh lễ Chúa Nhật ngày 18 tháng 2, ĐC Barani Eduardo Hiiboro Kussala, GM Tombura –Yambio Chủ  tịch HĐGM Bắc và Nam Sudan, nói: “Chúng ta khiêm tốn biết ơn ĐTC Phanxicô quý yêu đã mời gọi chúng ta hiệp nhất ăn chạy cầu nguyện cho hoà bình tại Nam Sudan và Cộng hoà Dân chủ Congo cũng như mọi quốc gia đang gặp khó khăn. Nhân danh các tín hữu Công giáo và toàn dân Sudan và Nam Sudan tôi muốn bày tỏ lời cám ơn chân thành và sự trân quý của chúng tôi đối với ĐTC vì tình yêu thương và sự chú ý liên tục của ngài đối với chúng tôi. Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột của chúng tôi, ĐTC Phanxicô đã liên tục cống hiến các lời cầu nguyện và ủng hộ của ngài cho sự ổn định và nền hoà bình tại Nam Sudan, bao gồm cả Sudan nữa.

** ĐC Kussala nói tiếp trong bài giảng Thánh lễ: Mùa Chay là thời điểm mời gọi tất cả chúng ta là Kitô hữu suy tư sâu xa về cuộc sống của mình, không phải chỉ liên quan tới lòng thống hối và hoà giải. Đất nước chúng ta cần sự hiệp nhất dẫn đưa chúng ta tới việc chữa lành qua sự sám hối đích thật. Hiệp nhất không có nghĩa là một xã hội tự do khỏi các xung đột, mà đúng hơn là một xã hội, trong đó tất cả mọi người có thể hưởng sự tự do và sống kinh nghiệm tình yêu  và lòng cảm thương. Mùa Chay cũng là thời điểm xét mình và duyệt lại đức tin của chúng ta là con cái của Thiên  Chúa. Trong khi dừng lại trên các bổn phận thường ngày của mình trong Mùa Chay này, chúng ta hãy suy niệm về cuộc sống của Chúa Kitô, các giá trị của nó, lòng thương ngưòi của Ngài và ý muốn kháng cự lại các cám dỗ của thế gian, để lấy hứng làm việc thiện và ảnh hưởng trên các người khác và là các sứ giả hoà bình của Lời Chúa.

Trong các thời gian đen tối như thời gian này, các câu trả lời không dễ, nhưng chúng ta có thể củng cố khích lệ nhau, vì biết rằng cả sự tuyệt vọng kinh khủng nhất cũng có thể được soi chiếu bởi một ánh sáng hy vọng. Việc tha thứ đòi hỏi phải thực thi, sự liêm chính, tâm trí cởi mở và ý muốn làm thử. Nó không phải là điều dễ dàng.

Có lẽ bạn đã thử tha thứ cho ai đó và đã không thành công. Có lẽ bạn đã tha thứ và người đó không tỏ ra hối hận, hay thay đổi cung cách sống, hoặc đã không chấp nhận các xúc phạm của họ và bạn không tha thứ cho họ nữa. Phương thế duy nhất để sống kinh nghiệm sự chữa lành và hoà bình là tha thứ. Cho tới khi nào chúng ta không tha thứ, thì chúng ta đóng kín trong nỗi đớn đau của mình và bị đóng kín khỏi khả thể sống kinh nghiệm sự chữa lành và tự do, bị loại trừ khỏi khả thể sống trong an bình. Lễ Phục Sinh của chúng ta phải là hoà bình thực sự trong con tim, hoà bình với các người lân cận và các quốc gia của chúng ta. Vì thế trong khi chúng ta chuẩn bị mình đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Kitô tiến tới gần Ngài hơn nữa trong Mùa Chay này để được tràn đầy niềm Vui Phục Sinh và được phép xây dựng Nước Chân Lý, Công Bằng và Hoà Bình của Ngài, chúng ta hãy nhớ các lời khôn ngoan của sách Huấn Ca: Hãy giơ tay cho người nghèo, để phúc lành của con được toàn vẹn (Hc 7,32).

Giáo phận Tombura – Yambio của ĐC Kussala có hơn 1 triệu tín hữu Công giáo. Thuyết trình trong Đại hội Hoà bình hồi cuối tháng 11 năm ngoái, ĐC Kussala khằng định: Nam Sudan là vùng đất được chúc phúc vì có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Thiên Chúa và thiên nhiên đã ban cho chúng ta đủ để khiến cho chúng ta tất cả giàu có và thịnh vượng. Nhưng chính chiến tranh xung khắc đã đẩy đưa chúng ta vào tình hình thê thảm như hiện nay. Vì có nhiều bất ổn trong thế giới ngày nay, có nố lực rèn luyện căn tính nhất là bộ tộc tạo ra ý thức bất an ngăn chặn sự thay đồi, cần phải tập trung vào giới trẻ, cung cấp cho họ một nền giáo dục và đào tạo nghề nghiêp có phẩm chất cao hơn để họ giúp xây dựng tương lai quốc gia.

**  Mới đây trong chuyến viếng thăm 100 đại chủng sinh đại chủng viện của HĐGM Sudan, ĐC Michael Didi AdgumMangoria, TGM Khartum, cho biết chiến tranh đã khiến cho mọi người dân, kể cả các chủng sinh và các giáo sư, bị chấn thương tinh thần. Năm nay tình hình khả quan hơn, và ngài đã khích lệ các ứng sinh linh mục tiếp tục tiến bước và tận dụng các phương tiện và tài năng Chúa ban để chuẩn bị cho sứ mệnh tương lai, trong đó có đời cầu nguyện sâu xa.

Cha Beatus Mauki, Giám đốc Trường Trung học Loyola của Dòng Tên tại Wau ở Nam Sudan, cho biết cuộc nội chiến bùng nổ hồi năm 2013 và kéo dài cho tới nay đã khiến cho ít nhất 50.000 người chết, hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa ruộng vuờn tản cư lánh nạn chiến tranh, và 40% trên tổng số 12 triệu dân Nam Sudan thiếu lương thực trầm trọng. Chiến tranh đã tàn phá đất nước. Các cuộc giao tranh làn tràn khắp mọi tỉnh thành. Sinh hoạt của trường bị chậm lại. Được thành lập năm 1982, Trường Trung học Loyola đã bị đóng cửa trong thời gian dài vì chiến tranh giữa Bắc và Nam Sudan. Hiện trường có 580 học sinh nam nữ, 35 giáo sư và 6 tu sĩ Dòng Tên. 60%  các em đến từ các trại tỵ nạn và nhiều em mồ côi. Tại đây các em tiếp tục được giáo dục học hành, không bù cho 19.000 trẻ em vị thành niên nam nữ khác không được học hành, nhưng bị xung vào quân ngũ để chiến đấu bên cạnh các lực lượng vũ trang, trở thành nạn nhân của bạo lực, bị hãm hiếp, khai thác bóc lột và bị tẩy não. Tổ chức UNICEF đã cho biết  Ngày 17 tháng 3 vừa qua đã có 207 em, gồm 112 nam và 95 nữ, được trả tự do tại Bakiwiri cách Yambio một giờ lái xe. Các em đã chiến đấu trong Phong trào Giải phóng Quốc gia Nam Sudan và Lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan. Hồi năm 2016, phong trào giải phóng quốc gia đã ký thoả hiệp hoà bình với chính quyền và hiện đang hội nhập vào lực lượng quân đội quốc gia.

Trong các ngày tới sẽ có thêm 1.000 em khác nữa. Vụ trả tự do đầu tiên là hồi đầu tháng 2 năm nay tại thành phố Yambio với 300 em được trả về gia đình hay các trung tâm trợ giúp do UNICEF điều hành. Trong lễ nghi tiếp đón các em ông Mahimbo Mdoe, đại diện UNICEF, tuyên bố sẽ không bao giờ còn có trẻ em nào phải cầm súng chiến đấu nữa. Đối với mỗi em được trả tự do hôm nay bắt đầu một cuộc sống mới, và UNICEF hãnh diện được trợ giúp các em làm lại cuộc đời. Các em buông khí giới và mặc quần áo dân sự, tiếp đến được khám sức khoẻ và săn sóc thuốc men cũng như được trợ giúp để vượt thắng chấn thương tâm lý, được học nghề và học chữ tuỳ theo lứa tuổi của các em.

 
 

Linh Tiến Khải