25/12/2024

Quá ít thông tin để cảnh báo sớm giúp giảm hạn – mặn

Nạn hạn hán kéo theo nước mặn xâm nhập sâu gây thiệt hại cho đời sống người dân ĐBSCL sẽ được giảm thiểu nếu chúng ta có được thông tin cảnh báo sớm và có kế hoạch ứng phó hợp lý.

 

Quá ít thông tin để cảnh báo sớm giúp giảm hạn – mặn

Nạn hạn hán kéo theo nước mặn xâm nhập sâu gây thiệt hại cho đời sống người dân ĐBSCL sẽ được giảm thiểu nếu chúng ta có được thông tin cảnh báo sớm và có kế hoạch ứng phó hợp lý.


 

 

Quá ít thông tin để cảnh báo sớm giúp giảm hạn - mặn - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm càng xanh xen lẫn trồng lúa ở H.Thoại Sơn (An Giang) cho hiệu quả cao hơn là độc canh cây lúa – Ảnh: C.QUỐC

 

Đó là chia sẻ của các nhà khoa học, nhà quản lý, người dân… tại buổi toạ đàm “Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tôn Đông Á và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 17-4.

Cảnh báo sớm xâm nhập mặn

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập, cho rằng tư duy sản xuất chạy theo sản lượng đã dẫn đến hệ quả vắt kiệt sức đất, sông ngòi phải oằn mình chịu tác động từ các hoạt động sản xuất của con người. 

“Sông ngòi bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước ngầm sụt giảm, sụt lún đất đang diễn ra gấp 10 lần nước biển dâng… thật sự là mối nguy của vùng ĐBSCL” – ông Thiện nhấn mạnh.

 

Theo ông Thiện, hằng năm vùng ĐBSCL làm ra 25 triệu tấn lúa thì cũng đã thải ra môi trường hàng triệu tấn phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Đất đai, sông ngòi trở thành “túi chứa” các loại hoá chất. Điều này gây ra các tác động xấu đến đời sống, sản xuất của người dân, không thể tránh khỏi.

Chính vì vậy, ông Thiện cho rằng điều mà các tỉnh ĐBSCL cần thay đổi là không nên chạy theo sản lượng mà phải làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp dẫn đến tăng giá bán. Chuyển từ tư duy nông nghiệp thuần tuý sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp. 

Theo ông Thiện, những vấn đề bức thiết nhất của vùng đã được đề cập tại nghị quyết 120 của Chính phủ về ĐBSCL. Theo tinh thần đó, sản xuất nông nghiệp là phải tuân theo tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Một nét rất mới nữa mà nghị quyết 120 đề cập là xem nước mặn cũng là nguồn tài nguyên…

Đối với vấn đề xâm nhập mặn vào mùa khô mà các tỉnh ĐBSCL phải gánh chịu từ nhiều năm nay, ông Thiện cho biết có thể cảnh báo sớm được từ tình hình lũ của các tỉnh lưu vực sông Mekong và lượng mưa ở vùng bán đảo Cà Mau.

Tại sao không giảm bớt diện tích lúa không hiệu quả, tích nước nuôi trồng thủy sản thu nhập gấp 3 lần trồng lúa? Mô hình lúa – tôm tăng thu nhập 20 – 30% so với lúa, so với tôm. Phải tiến đến lúa hữu cơ, tôm sinh thái để vừa tăng giá trị sản phẩm vừa tác động tích cực đến môi trường.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa

Biến nguy cơ thành thời cơ

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho rằng việc cảnh báo mặn xâm nhập có thể biết được từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, hiện có quá ít thông tin để có những ứng phó phù hợp. 

Ông Nghĩa còn cho rằng ngành nông nghiệp phải chi phí rất nhiều cho thuỷ lợi, nhưng các tỉnh ven biển ĐBSCL quy hoạch thủy lợi nội đồng rất kém.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, các nhà quản lý nông nghiệp tại các tỉnh ven biển ĐBSCL chia sẻ nhiều giải pháp ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu – nước biển dâng. Các biện pháp chuyển đổi sản xuất phù hợp với tình hình mới cũng đã được các địa phương triển khai. 

Trong đó, mô hình lúa – tôm, rừng – tôm, mô hình chuyển trồng lúa sang trồng màu và các cây trồng, vật nuôi khác phù hợp với môi trường, gắn với thị trường đã chứng minh được hiệu quả.

Tuy nhiên, TS Nghĩa nêu thực tế là tuy mô hình lúa – tôm đạt hiệu quả nhất tại các tỉnh ven biển, nhưng người dân muốn chuyển đổi sản xuất vừa không có kinh phí, vừa thiếu thông tin.

Bạc Liêu là tỉnh sớm chuyển đổi sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Dương Thành Trung, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ khi xin chủ trương cho chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa – nuôi tôm, Thủ tướng đã khen “Bạc Liêu biết biến nguy cơ thành thời cơ”. 

Tuy nhiên, hiện nay năng suất tôm ở vùng chuyển đổi còn thấp nên nông dân rất cần các nhà chuyên môn sâu sát hơn, tư vấn trách nhiệm hơn cho bà con…

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Võ Công Thành (ĐH Cần Thơ) báo tin vui là “đề bài” giống lúa chịu mặn mà lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đưa ra trường đã thực hiện thành công.