25/12/2024

Học sinh lớp 9 làm dự án cho sâu ăn rác thải

Đó là nội dung độc đáo trong dự án “Xử lý rác thải dựa vào quá trình phân huỷ sinh học của một số loài sâu” của hai học sinh Trần Hoàng Mai và Thái Mỹ Huyền (lớp 9/1 Trường THCS Võ Văn Ký, TP Nha Trang, Khánh Hoà).

 

Học sinh lớp 9 làm dự án cho sâu ăn rác thải

Đó là nội dung độc đáo trong dự án “Xử lý rác thải dựa vào quá trình phân huỷ sinh học của một số loài sâu” của hai học sinh Trần Hoàng Mai và Thái Mỹ Huyền (lớp 9/1 Trường THCS Võ Văn Ký, TP Nha Trang, Khánh Hoà).


Học sinh lớp 9 làm dự án cho sâu ăn rác thải - Ảnh 1.

Mỹ Huyền và Hoàng Mai (từ trái sang) thành công với “Dự án xử lý rác thải dựa vào quá trình phân huỷ sinh học của một số loài sâu” – Ảnh: SONG MAI

 

Đây là một trong 12 dự án được chọn vào vòng 2 cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, năm học 2017-2018 khu vực phía Nam để dự thi quốc tế. 

Ý tưởng đến với Huyền và Mai trong một buổi ngoại khóa tham quan vườn rau sạch tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) do trường tổ chức. Khi nhìn thấy các loại sâu ăn lá, hai bạn đặt câu hỏi: “Ngoài ăn lá ra, sâu còn ăn được gì?”. 

Về nhà, qua nghiên cứu trên sách vở, Internet, hai bạn biết rằng việc mang những con sâu vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu đã được các nhà khoa học trên thế giới thực hiện. Ngoài việc ăn lá cây, sâu còn ăn được cả rác thải bằng nhựa polyethylene (PE). 

Sau giờ học tại trường, Huyền và Mai dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, từng bước kiểm chứng giả thuyết đặt ra bằng thực nghiệm.

 

Bước đầu tiên là thí nghiệm quan sát bốn loại sâu “ăn” PE một lần/tháng (bổ sung liên tục bốn loại sâu, mỗi loại khoảng 200 con từ các tỉnh ở miền Nam) để xác định chính xác hai trong bốn loài sâu phổ biến tại Việt Nam có thể ăn PE là sâu rồng (ấu trùng của bọ cánh cứng) và sâu sáp (ấu trùng của bướm sáp). 

Sau đó, xác định tốc độ ăn của sâu rồng và sâu sáp, dùng camera quan sát trong thời gian 15 ngày để biết được sâu nào ăn PE nhiều hơn và nhanh hơn. Kết quả khả quan khi sau tám ngày, 15 con sâu sáp ăn hết 0,21g rác, sâu rồng ăn 0,17g rác.

Cùng với đó, thí nghiệm được thực hiện với sự hỗ trợ thiết bị máy móc của Trường ĐH Nha Trang và có kết quả được trường xác nhận sâu đã ăn polyethylene, đã tiêu hoá polyethylene và phân thải ra hoàn toàn không có hại đến môi trường.

Qua thí nghiệm cũng nhận thấy thời gian nuôi cấy ngắn, chưa đủ để vi khuẩn tấn công các túi nilông. Nếu trong ruột sâu, các mảnh nilông đã được nhai, cắt nhỏ, dễ dàng cho vi khuẩn phân huỷ tiếp theo. Hoặc trong điều kiện môi trường ruột sâu, vi khuẩn có thể được hỗ trợ thêm các dịch tiêu hoá khác khiến vi khuẩn sống tốt hơn, khả năng phân huỷ mạnh hơn.

Thầy Phạm Vũ Thanh An – giáo viên môn hóa học, trực tiếp hướng dẫn cho Huyền và Mai – cho biết dự án có thể mở ra một hướng mới để giải quyết vấn đề “ô nhiễm trắng” của môi trường, và rất tốt nếu được đưa vào sử dụng rộng rãi để giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay với chi phí rẻ và hiệu quả về mặt thời gian.

“Dự án còn giúp nâng cao ý thức phân loại rác thải nhựa sử dụng hằng ngày, thay đổi hành vi cá nhân (hạn chế sử dụng túi nilông) để tránh ô nhiễm môi trường. Cơ sở vật chất, điều kiện của trường còn nhiều hạn chế nhưng vẫn cố gắng hết sức để đặt học sinh vào môi trường khoa học, tạo điều kiện tốt để các em phát huy được tối đa năng lực của mình” – thầy An nói.