24/12/2024

ĐBSCL nên là “Tuabin xanh”

ĐBSCL không chỉ được xác định là “vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu” mà còn là một trong các “trung tâm năng lượng quốc gia”.

 

ĐBSCL nên là “Tuabin xanh”

ĐBSCL không chỉ được xác định là “vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu” mà còn là một trong các “trung tâm năng lượng quốc gia”.


ĐBSCL đang trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước, với tổng công suất phát điện vào năm 2030 lên đến 18.224 MW, gấp 7,6 lần nhà máy thuỷ điện Sơn La có công suất lớn nhất Đông Nam Á (2.400 MW). Nhưng điều đáng lo ngại theo quy hoạch là phần lớn nguồn phát điện ở ĐBSCL phụ thuộc vào nhiệt điện than.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh năm 2016, vùng này có 6 trung tâm nhiệt điện, gồm 14 nhà máy nhiệt điện than. Trong đó, có 8 nhà máy trong quy hoạch, 2 nhà máy đang vận hành là Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 và có 4 nhà máy đang xây dựng.

 

ĐBSCL nên là “Tuabin xanh” - Ảnh 1.

Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Ba mối lo từ nhiệt điện than

Việc hình thành trung tâm điện lực ĐBSCL phụ thuộc vào nhiệt điện than đang đặt ra 3 mối lo lớn, cần giải quyết. Đó là ô nhiễm nguồn nước, không khí và tác động của tro xỉ.

 

Theo các chuyên gia, nhà máy nhiệt điện than là những cỗ máy tiêu tốn nước khổng lồ. Tổng lượng nước làm mát cần cho 14 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL khoảng 70 triệu m²/ngày đêm. Nhiệt độ của lượng nước này khi ra môi trường cao hơn nhiệt độ nước đầu vào khoảng 8ºC, vào mùa hè nước thải ra có thể lên đến gần 40ºC. Các nhà máy nhiệt điện than được đặt gần biển và sông để tiện cho vận chuyển than và lấy nước làm mát. Nước nóng thải ra từ các nhà máy nhiệt điện sẽ phá hủy hệ sinh thái dưới nước, ảnh hưởng rất lớn đến đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản của vùng này. Tình hình ở ĐBSCL càng nghiêm trọng hơn nếu chịu tác động của nhiệt điện cùng với biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của thủy điện thượng nguồn.

 


ĐBSCL nên là “Tuabin xanh” - Ảnh 2.

 

Cùng với ô nhiễm nguồn nước là ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than. Nhiệt đốt than ngoài phát tán khí CO2 còn phát tán ra các khí độc hại khác như bụi mịn (PM2.5), khí SO2, NOx và một số chất độc hại khác. Các loại bụi mịn (PM2.5), SOx, NOx gây ra nhiều bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, bệnh tim và các bệnh hô hấp khác như hen xuyễn… Hiện nay hầu hết các nhà máy chỉ lọc được bụi mịn, khí SO2, NOx, còn các loại khí độc hại khác vẫn chưa làm được. Tuy nhiên mặc dù có bộ lọc nhưng vẫn còn một lượng lớn các chất này bay ra không khí và phát tán ra xung quanh đến hàng trăm km. Theo Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, riêng PM2.5 đã gây ra khoảng 3 triệu cái chết yểu trên toàn thế giới.

Không chỉ tác động đến nguồn nước và ô nhiễm không khí, các nhà máy nhiệt điện than còn thải ra một lượng lớn tro xỉ. Trong khi, cho đến nay, việc xử lý và sử dụng lượng tro xỉ đó như thế nào đang là bài toán của ngành xây dựng, vấn đề kinh tế và môi trường.

Theo các chuyên gia, mỗi năm lượng than cần dùng cho 14 nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL ước tính khoảng 64 triệu tấn, trong đó duy nhất Duyên Hải 1 sử dụng than nội địa, những nhà máy còn lại dự kiến sử dụng than nhập. Ước tính thải ra khoảng 6 triệu tấn tro xỉ. Nếu đắp cao 5m, nhu cầu sử dụng đất để chôn lấp tro xỉ là 85ha/năm. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra các quyết định về xử lý tro xỉ nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy chuẩn đối với tro xỉ được sử dụng làm nguyên vật liệu xây dựng. Vì vậy việc sử dụng tro xỉ vẫn còn tự phát với số lượng hạn chế, phần lớn là chôn lấp, nên đây là một vấn đề nhức nhối cho công tác quản lý tro xỉ trong tương lai ở ĐBSCL.

Triển vọng “tuabin xanh” từ năng lượng tái tạo

ĐBSCL được đánh giá là vùng có tiềm năng rất lớn cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng cho tổ chức Phát triển Đức (GIZ) đầu năm 2018, nếu xét chi phí đầu tư một dự án điện mặt trời ở mức 7,5 cent/KWh với chi phí sử dụng vốn ở mức 7,8% thì tổng tiềm năng kinh tế của điện mặt trời tại khu vực ĐBSCL lên tới 136.275 MW, điện lượng ước tính lên tới 216,5 tỉ kWh hàng năm. Con số này gấp đôi so với tổng toàn bộ 14 nhà máy nhiệt điện than mà điện lượng hàng năm ước tính chỉ khoảng 108 tỉ kWh. Đó là chưa kể đến nguồn điện từ gió, từ sinh khối… khá dồi dào ở vùng này.

 

ĐBSCL nên là “Tuabin xanh” - Ảnh 3.

 

Trái ngược với nhiệt điện, phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo hầu như không gây ra các tác động đến môi trường, xã hội. Ngoài ra, với những lợi thế của mình, phát triển năng lượng tái tạo cũng là cơ hội cho ĐBSCL thúc đẩy những đồng lợi ích về kinh tế – xã hội, giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, là động lực thúc đẩy chuỗi giá trị địa phương và đồng thời là giải pháp phù hợp nhằm hoàn thành các mục tiêu quốc gia về điện khí hoá nông thôn.

Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo không thể cùng lúc tạo ra sự đột phá như việc đổ tiền vào xây dựng một nhà máy nhiệt điện than có thể phát ra hàng ngàn MW. Đó là một quá trình nhận thức và chuyển dịch năng lượng từ nâu sang xanh.

Để ĐBSCL là một “tuabin xanh” cần nghiên cứu lại nhu cầu điện của ĐBSCL và phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản phát triển năng lượng khác nhau theo mô hình phát triển bền vững để xem xét tính cấp thiết của việc phát triển 14 nhà máy nhiệt điện than như trong Quy hoạch Điện VII và xem xét phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo để thay thế nhiệt điện than và bảo đảm an toàn môi trường. Bên cạnh đó, cần các cơ chế chính sách, tài chính để thúc đẩy doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia phát triển và ứng dụng NLTT để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu nhiệt điện than để giảm thiểu tác động tới môi trường, bảo đảm phát triển bền vững các ngành truyền thống và thế mạnh của ĐBSCL đặc biệt là thuỷ sản.

 

TRẦN HIỆP THUỶ – NGỤY T. KHANH