24/01/2025

Cần trông thấy Chúa Kitô Phục Sinh từ bên trong

Chúng ta cần phải trông thấy Chúa Kitô Phục Sinh từ bên trong, lấy tay sờ vào các vết thương, dấu chỉ tình yêu của Ngài như Tông đồ Toma và nhận ra Ngài qua các vết thương như các môn đệ xưa kia. Bước vào trong các vết thương của Chúa là chiêm ngưỡng tình yêu vô bờ vọt ra từ trái tim Ngài, là sờ mó được tình yêu thương xót của Ngài, là Đấng luôn luôn tha thứ cho chúng ta.

 Cần trông thấy Chúa Kitô Phục Sinh từ bên trong

 

 

ĐTC Phanxicô chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót 8-4-2018 trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô – REUTERS

Chúng ta cần phải trông thấy Chúa Kitô Phục Sinh từ bên trong, lấy tay sờ vào các vết thương, dấu chỉ tình yêu của Ngài như Tông đồ Toma và nhận ra Ngài qua các vết thương như các môn đệ xưa kia. Bước vào trong các vết thương của Chúa là chiêm ngưỡng tình yêu vô bờ vọt ra từ trái tim Ngài, là sờ mó được tình yêu thương xót của Ngài, là Đấng luôn luôn tha thứ cho chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giảng Thánh lễ cử hành lúc 10 giờ 30 sáng Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô, với sự tham dự của hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu. Cùng đồng tế với ĐTC có 60 hồng y, tổng giám mục, giám mục và 550 linh mục, thừa sai Lòng Chúa Thương Xót.

Quảng diễn trình thuật Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ có sự hiện diện của Tôma, là người không chỉ muốn trông thấy Chúa, mà còn lấy tay sờ vào các vết thương cuộc khổ nạn của Ngài nữa, ĐTC ghi nhận động từ “trông thấy” được lặp lại nhiều lần. “Các môn đệ vui mừng trông thấy Chúa” (Ga 20,20); và họ nói với Toma: “Chúng tôi đã trông thấy Chúa.” (c. 25). Nhưng Phúc Âm không miêu tả họ trông thấy Chúa thế nào, cũng không miêu tả Đấng Phục Sinh, mà chỉ ghi nhận một đặc điểm: “Ngài tỏ cho các ông thấy tay và cạnh sườn.” (c. 20). Xem ra Phúc Âm muốn nói với chúng ta rằng các môn đệ đã nhận ra Chúa qua các vết thương của Ngài. Tôma cũng đã muốn trông thấy “dấu đanh trong các tay của Chúa” (c. 25) và ông tin sau khi đã trông thấy (c. 27).

Chúng ta phải cám ơn Tông đồ Tôma vì ông đã không chỉ bằng lòng nghe các người khác nói rằng Chúa Giêsu sống, và trông thấy Ngài bằng xương bằng thịt, mà ông đã muốn trông thấy bên trong, lấy tay sờ vào các vết thương là các dấu chỉ tình yêu của Chúa. Phúc Âm gọi ông là “Didimo” có nghĩa là song sinh. Và trong nghĩa này, Tôma thật sự là anh em song sinh của chúng ta. Vì đối với cả chúng ta nữa, biết rằng có Thiên Chúa thôi không đủ: một Thiên Chúa Phục Sinh nhưng xa xôi không làm tràn đầy cuộc sống chúng ta; một Thiên Chúa xa cách, cho dù có công bằng và thánh thiện tới đâu đi nữa cũng không lôi kéo chúng ta. Không, chúng ta cần “trông thấy Thiên Chúa”, tay sờ vào Đấng đã sống lại vì chúng ta.

Chúng ta có thể trông thấy Ngài qua các vết thương. Khi nhìn vào đó, các môn đệ đã hiểu rằng Chúa đã không yêu thương họ để giỡn chơi và Ngài tha thứ cho họ, mặc dù giữa họ dã có người chối bỏ Ngài, có người bỏ rơi Ngài. 

ĐTC định nghĩa việc bước vào trong các vết thương của Chúa:

Bước vào trong các vết thương của Chúa là chiêm ngưỡng tình yêu vô hạn vọt ra từ Trái Tim Ngài; là hiểu rằng con tim Ngài đập cho tôi, cho bạn, cho từng người trong chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể coi mình là Kitô hữu và nói về biết bao nhiêu giá trị của đức tin, nhưng như là các môn đệ, chúng ta cần trông thấy Chúa Giêsu bằng cách sờ mó tình yêu của Ngài. Chỉ như thế chúng ta mới đi vào con tim của đức tin, và như là môn đệ chúng ta tìm thấy một sự bình an và một niềm vui (cc. 19-20) mạnh mẽ hơn mọi ngờ vực.

ĐTC nói tiếp trong bài giảng: Sau khi đã trông thấy các vết thương của Chúa, Tôma đã kêu lên: “Lạy Chúa con và là Thiên Chúa của con.” (c. 28). Tôi muốn lưu ý tính từ Thánh Tôma lặp lại “của con”. Đó là một tính từ chiếm hữu và nếu chúng ta suy nghĩ xem ra nó không hợp, khi quy chiếu về Thiên Chúa: Làm sao Thiên Chúa lại có thể là “của tôi” được? Làm sao tôi lại có thể làm cho Đấng Toàn Năng là “của tôi”? Thật ra, khi nói là “của tôi”, chúng ta không phạm thánh, nhưng chúng ta tôn vinh lòng thương xót của Ngài, bởi vì chính Ngài đã muốn “trở thành của chúng ta”. Và như trong một câu chuyện tình, chúng ta nói: “Chúa đã làm người vì con, Chúa đã chết và sống lại cho con và khi đó Chúa không chỉ là Thiên Chúa; Chúa là Thiên Chúa của con, Chúa là sự sống của con. Nơi Chúa con đã tìm ra tình yêu mà con kiếm tìm, và còn hơn thế nữa. nhiều như con đã không bao giờ tưởng tượng được.”

Thiên Chúa không bị xúc phạm là “của chúng ta”, bởi vì tình yêu đòi hỏi sự tín thác, lòng thương xót đòi hỏi sự tin tưởng. Ngay ở đầu, Mười Điều Răn Thiên Chúa đã nói “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (Xh 20,2) và Ngài nhấn mạnh “Ta là Chúa Thiên Chúa của ngươi, Ta là một Thiên Chúa ghen tương” (c. 5). Đây là đề nghị của Thiên Chúa, người yêu ghen tương, tự giới thiệu như Thiên Chúa của bạn. Và từ con tim xúc động của Tôma vọt lên câu trả lời: “Lạy Chúa của con và Thiên Chúa của con.” Hôm nay qua các vết thương, trong mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta hiểu rằng lòng thương xót không phải là một đức tính của Ngài giữa các đức tính khác, mà là nhịp đập của chính con tim Ngài. Và như thế, giống như Tôma, chúng ta không sống như các môn đệ lưỡng lự, sùng kính nhưng lảo đảo; chúng ta hãy trở thành những người say mê Chúa!

Vậy làm thế nào để hưởng nếm tình yêu này, hôm nay làm thế nào để sờ tay vào lòng thương xót của Chúa Giêsu? Phúc Âm cũng gợi ý cho chúng ta, khi nhấn mạnh rằng vào chính chiều ngày Lễ Phục Sinh (x. c.19), nghĩa là vừa sống lại, điều thứ nhất Chúa Giêsu làm là trao ban Thánh Linh để tha tội. Để sống kinh nghiệm tình yêu cần đi qua đó: để cho mình được tha thứ. Nhưng đi xưng tội xem ra khó khăn. Trước Thiên Chúa, chúng ta bị cám dỗ làm như các môn đệ trong Phúc Âm: đóng kín cửa lại. Các vị đã làm thế vì sợ hãi và chúng ta cũng sợ hãi, xấu hổ mở lòng ra và nói lên các tội lỗi của mình. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu sự xấu hổ, không xem nó như một cửa khép kín, nhưng như bước đầu tiên của sự gặp gỡ. Khi chúng ta cảm thấy xấu hổ, chúng ta phải biết ơn: nó có nghĩa là chúng ta không chấp nhận sự dữ, và điều này tốt. Sự xấu hổ là một lời mời gọi thầm kín của linh hồn cần đến Chúa để chiến thắng sự dữ. Thảm cảnh đó là khi không còn biết xấu hổ gì nữa. Chúng ta đừng sợ cảm thấy xấu hổ! Và từ xấu hổ chúng ta bước sang sự tha thứ!

Trái lại, có một cửa đóng kín trước ơn tha thứ của Chúa, đó là cửa của sự chịu trận. Các môn đệ đã sống kinh nghiệm ấy, kinh nghiệm rằng vào Lễ Phục Sinh, họ nhận thấy mọi sự trở lại như trước kia: họ vẫn còn ở đó, tại Giêrusalem, nhưng mất tin tưởng; “chương Giêsu” xem ra kết thúc, và sau bao thời gian sống với Ngài đã không có gì thay đổi. Cả chúng ta nữa cũng có thể nghĩ: “Tôi là Kitô hữu từ biết bao lâu nay mà chẳng có gì thay đổi cả, tôi luôn luôn phạm các tội như cũ.” Khi đó, mất tin tưởng là chúng ta khước từ lòng thương xót. Nhưng Chúa kêu gọi chúng ta: “Con không tin rằng lòng thương xót của Cha lớn lao hơn sự khốn nạn của con hay sao? Con lại tái phạm tội ư? Hãy lại xin sự thương xót, và chúng ta hãy xem ai sẽ thắng thế!” Thế rồi, ai hiểu biết bí tích tha tội thì cũng biết điều này: không đúng là mọi sự lại như trước. 

ĐTC giải thích:

Vào mỗi lần được tha thứ chúng ta được củng cố, khích lệ, bởi vì chúng ta cảm thấy được yêu thương một lần nữa, được ôm một lần nữa. Và khi được yêu thương, chúng ta cảm thấy đớn đau hơn trước. Đó là một sự đau đớn sinh lợi, từ từ tách chúng ra khỏi tội lỗi. Khi đó chúng ta khám phá ra rằng sức mạnh của sự sống là lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và tiến tới, từ sự tha thứ này sang sự tha thứ khác.

Sau sự xấu hổ và chịu trận có một cửa khác đóng kín, đôi khi bằng thép: đó là tội lỗi của chúng ta. Khi tôi phạm một tội lớn, nếu trong tất cả sự lương thiện tôi không muốn tha thứ cho chính mình, tại sao Thiên Chúa lại sẽ phải làm điều đó với tôi? Tuy nhiên, cửa này chỉ khoá từ một phía, là phía chúng ta; đối với Thiên Chúa, nó không bao giờ lại không có thể bước qua được. Như Phúc Âm dạy, Chúa thích vào “chính khi các cửa đóng kín”, khi mọi ngõ xem ra bị chặn lại. Ở đó Thiên Chúa làm những việc kỳ diệu. Ngài không bao giờ quyết định xa cách chúng ta, chính chúng ta để Ngài ở bên ngoài. Nhưng khi chúng ta xưng tội thì xảy ra điều chưa từng nghe: chúng ta khám phá ra rằng chính tội lỗi đã giữ chúng ta vốn xa cách Chúa ấy lại trở thành nơi gặp gỡ Ngài. Nơi đó Thiên Chúa bị thương tích vì tình yêu đến gặp các vết thương của chúng ta. Bởi vì Ngài là lòng thương xót và làm các điều kỳ diệu trong các bần cùng của chúng ta. Như Thánh Tôma hôm nay, chúng ta hãy xin ơn nhận biết Thiên Chúa của chúng ta: tìm ra trong sự tha thứ của Ngài niềm vui của chúng ta, tìm ra trong lòng thương xót của Ngài niềm hy vọng của chúng ta.

Hàng trăm linh mục đã giúp ĐTC phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. Trước khi hát Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC đã kêu gọi các giới hữu trách tìm ra các con đường khác để đem lại hoà bình và an ninh cho dân nước Siria đang là nạn nhân của chiến tranh chết chóc và tàn phá. Ngài cám ơn sự hiện diện của mọi người, đặc biệt là các linh mục thừa sai của Lòng Thương Xót và việc phục vụ của các vị.

ĐTC cũng gửi lời chào và chúc mừng các anh em thuộc các Giáo hội Đông phương cử hành Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật này. Ngài xin Chúa ban tràn đầy ánh sáng và hoà bình cho họ, đặc biệt là củng cố các cộng đoàn đang phải sống trong các hoàn cảnh khó khăn. ĐTC đặc biệt chào các anh chị em du mục người Rom và Sinti, hiện diện nhân Ngày Quốc tế của họ. Ngài cầu chúc hoà bình và tình huynh đệ đến với họ, là các dân tộc cổ xưa, và mong rằng ngày này tạo thuận tiện cho nền văn hoá gặp gỡ với ý muốn hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Đó là con đường dẫn đến việc hội nhập toàn vẹn. Ngài xin họ cầu nguyện cho ngài và cùng nhau cầu nguyện cho các anh chị em tị nạn Siri.

Thánh lễ đã kết thúc với Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

 
 

Linh Tiến Khải