29/12/2024

Tranh cãi ‘siêu đê’: Rủi ro ai chịu?

Trên thế giới đã có nhiều nước xây dựng tuyến đê biển. Tuy nhiên những rủi ro, thiệt hại từ các siêu đê này không chỉ khó lường mà còn rất nghiêm trọng.

 

Tranh cãi ‘siêu đê’: Rủi ro ai chịu?

Trên thế giới đã có nhiều nước xây dựng tuyến đê biển. Tuy nhiên những rủi ro, thiệt hại từ các siêu đê này không chỉ khó lường mà còn rất nghiêm trọng.
 
 
 
 

Đê kè ven biển Gành Hào (Bạc Liêu) bị sóng tấn công /// Ảnh: Trần Thanh Phong

Đê kè ven biển Gành Hào (Bạc Liêu) bị sóng tấn công  ẢNH: TRẦN THANH PHONG

 
 
Hà Lan nổi tiếng với những công trình đê biển vĩ đại nhất thế giới. Tuy nhiên, tháng 1.1953, vùng tây nam Hà Lan hứng chịu một cơn siêu bão từ biển Bắc. Bão và nước biển vượt qua hệ thống đê đã cũ ở phía tây nam nước này khiến hơn 200.000 vật nuôi bị cuốn trôi, 1.835 người chết, 72.000 người phải sơ tán, hàng nghìn người mất nhà cửa và không còn kế sinh nhai do 150.000 ha đất nông nghiệp bị phá huỷ.
 
Hay như cách đây 12 năm, dù suy yếu khi đổ bộ bang Louisiana (Mỹ), Katrina vẫn phá hủy hàng loạt hệ thống đê đập ngăn lũ tại New Orleans và khu vực ngoại ô thành phố, khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, trở thành cơn bão nguy hiểm thứ ba trong lịch sử nước Mỹ và là cơn bão nguy hiểm nhất trong hơn 80 năm.
 
Có thể thấy, dù công trình có kiên cố, đảm bảo an toàn trong hàng trăm năm thì đến khi rủi ro xảy ra, hậu quả vô cùng thảm khốc.
 
Trông người lại ngẫm đến ta, TS Lê Xuân Thuyên, Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM, đặt một loạt các vấn đề liên quan đến những tính toán rủi ro của dự án xây tuyến đê Vũng Tàu – Gò Công.
 
TS Lê Xuân Thuyên cho rằng cần xem xét thật kỹ lưỡng tới các trường hợp cực đoan, khi mà trong tương lai, khả năng xảy ra các cơn bão nhiệt đới và cận nhiệt đới trong điều kiện nóng lên toàn cầu sẽ tăng cả về tần suất và cường độ. Điều này có nghĩa, sóng và nước dâng theo bão sẽ cao hơn tác động vào công trình (trong khi cho đến nay rừng ngập mặn sẽ giúp giảm bớt phần nào), mưa cực lớn gây lũ quét (có thể là trường hợp mà chúng ta chưa ghi nhận được)… Tác động tổng hợp của đồng loạt các hình thái cực đoan trong tương lai (nước biển dâng , cùng thủy triều và bão) sẽ tạo nên vấn đề quy mô rất lớn, gấp nhiều lần so với những gì chúng ta ghi nhận được ngày hôm nay và yêu cầu thoát nước khẩn cấp rất cao – vậy các cửa thoát sẽ như thế nào để bảo đảm? Để tăng độ an toàn cho phòng ngừa và ứng phó của cả hệ thống thì phải tăng quy mô, vốn đầu tư, kỹ thuật – vậy đã tính đúng, tính đủ chưa? Các thiệt hại xảy ra do những tác động tiêu cực đến chậm (tới hệ sinh thái) và do sự cố công trình (vỡ đê, kẹt cống) gây ngập bất ngờ trong khi cả khu vực bảo vệ của dự án có sự chuẩn bị dự phòng cứu hộ không? Tiền bảo hiểm, thiệt hại sẽ từ đâu để hoàn trả, theo cơ chế nào? Cần có quy trình đánh giá sự xuống cấp/tuổi thọ công trình và điều kiện duy tu… vì những yếu tố này sẽ liên quan tới chu kỳ khai thác và hiệu quả sử dụng, quy mô càng lớn thì tính rủi ro sẽ càng cao, ngay cả do một lỗi nhỏ.
 
“Lâu nay, thỉnh thoảng ta nghe tin vỡ bờ bao ở Q.Thủ Đức, Q.12… khổ nhất mấy hộ nghèo trồng mai kiểng khóc ngất vì bị ngập, mai kiểng chết, tết sẽ không có tiền. Nay làm cái đê biển kia, khi nó nứt vỡ thì không chỉ người nghèo mà tất cả nhà giàu, cả dân tộc cũng phải “khóc ròng”, ông Thuyên cảnh báo.
 
 
HÀ MAI