Cô giáo khuyết tật gieo chữ cho trẻ nghèo
Cô giáo Rmah H’Blao, 30 tuổi, ở làng Chao Pông, xã Ia Phang, H.Chư Pưh (Gia Lai) hơn 7 năm nay tự mở lớp dạy thêm miễn phí cho học sinh bản địa của các làng.
Cô giáo khuyết tật gieo chữ cho trẻ nghèo
Cô giáo Rmah H’Blao, 30 tuổi, ở làng Chao Pông, xã Ia Phang, H.Chư Pưh (Gia Lai) hơn 7 năm nay tự mở lớp dạy thêm miễn phí cho học sinh bản địa của các làng.
Có cô H’Blao, những học sinh bản địa ham học hơn ẢNH: TRẦN HIẾU
Mượn tiền xây phòng học tình thương
Người làng Chao Pông vẫn còn rất vất vả với cuộc mưu sinh. Chuyện đến trường của con em trong làng chỉ là thứ yếu. Gia đình ông Ksor Dek, bố của H’Blao, so với những nhà khác thì khá hơn nhưng cũng trần lưng trên nương rẫy suốt ngày.
Chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, nhưng H’Blao phải nghỉ ngang vì sức khoẻ yếu do bị tật ở chân. Hơn 7 năm trước, cô xin gia đình xây một phòng học để dạy miễn phí cho con em trong các làng ở xã Ia Phang. Yêu cầu của con gái được bố mẹ đáp ứng chỉ bằng một câu nói của ông Ksor Dek: “Con nghĩ kỹ chưa để bố mẹ còn đi mượn tiền?”. H’Blao gật đầu.
Vậy là một phòng học đủ chỗ cho chừng 30 học sinh (HS) được dựng lên trong vườn của nhà ông Dek. Gần phân nửa trong hơn 40 triệu đồng để xây là tiền đi mượn.
Ông Dek chở con đến từng nhà trong buổi đầu vận động HS đến với lớp học tình thương. Già làng, thôn trưởng và người làng cũng cùng một tay. Lớp học đông dần, nay mỗi buổi đến vài chục em.
Cô H’Blao kể: “Em dạy các em mỗi ngày hai buổi, hai ngày cuối tuần thì nghỉ. Những ngày đầu đi lại nhiều, nói nhiều, phải xem lại cả sách vở để dạy cho các em nên thấm mệt. Tối đến chân đau lắm. Nhưng chỉ cần các em thích đến lớp, học khá hơn là em vui rồi”.
Từ đây, nhiều học sinh vào được đại học
Lớp học tình thương của H’Blao đến nay có 65 HS thường xuyên. Nhiều em đến lớp ban đầu còn ngại, cô giáo gọi lên bảng làm bài cứ… đứng cười. H’Blao kể: “Lúc đầu em đứng giảng cho các em cũng run chứ. Giờ thì quen rồi. Cứ mỗi cua học 3 tiếng, các em được ôn những kiến thức cơ bản. Em nào còn yếu thì phụ đạo thêm. Chủ yếu là khuyến khích các em ham học hơn, mạnh dạn hơn. Nhiều HS của em đã học lên cấp THPT, đại học, cao đẳng. Lâu lâu lại ghé thăm cô giáo”.
HS đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Lúc chúng tôi đến thăm lớp, H’Blao đang cho HS luyện bài tập đọc lớp 2. Rmah H’Jin, học lớp 2 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, xã Ia Phang, cười nói: “Em thích học với cô H’Blao! Nhiều bạn khác cũng thế”.
Ksor Thạch, mới học lớp 2 nhưng có đến ba đứa em. Lúc đầu đến lớp còn đọc chậm. Giờ thì có thể đọc trơn tru cả bài tập đọc. Hay em Nay H’Tim học lớp 3, trong gia đình có 6 anh chị em…
Cứ đến giờ, HS ở các làng Bố, Ia Pliêng, Chao Pông lại ới nhau đến với lớp học tình thương của cô H’Blao.
Ông Kpah Jihveng, thôn trưởng Plei Chao Pông, nói: “Phải biết học cái chữ chứ. Học nhiều nữa để cái tay biết làm việc giỏi, cái đầu nghĩ việc hay mà thoát nghèo. Mình đi đến nhà nào cũng động viên bố mẹ cho con đến trường. Học không hiểu thì đến học thêm lớp học của cô H’Blao. Miễn phí mà!”.
“Thương các em thì giúp thôi!”
H’Blao tâm sự: “Đây là công việc yêu thích của em”. H’Blao kể rằng có nhiều em bẵng đi vài hôm không đến lớp. Cô giáo đến tận nhà hỏi mới hay em lên rẫy ở với bố mẹ vì không có ai trông em cho bố mẹ đi làm. Vậy là nghỉ học! Thế là cô phải động viên cả bố mẹ lẫn HS, rồi mua kẹo dỗ dành mới đưa các em trở lại lớp.
H’Blao chia sẻ: “Em suốt ngày dạy cho mấy đứa nhỏ. Thương các em thì giúp thôi! Em mong các em ham học, học lên cao nữa để kiếm nghề. Có chữ đã mới mong biết làm ăn, đổi đời được”.
Cô Trương Thị Điểm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Trường có 372 HS thì có đến 105 HS người bản địa, chủ yếu là dân tộc Jrai. Ngay làng Chao Pông cũng có điểm trường để giúp HS rút ngắn quãng đường đến lớp. Việc cô H’Blao mở lớp học tình thương cho các em trong làng là quá tốt, giúp các em tiếp thu bài nhanh. Các cô trong trường cũng hay đến lớp học này để cùng với H’Blao phụ đạo thêm cho HS. Có lớp học này, HS cũng tiếp thu bài tốt hơn, ham học hơn…”.
TRẦN HIẾU