23/01/2025

Bài Đào tạo số 03 cho Hội đồng Mục vụ Giáo xứ của Uỷ ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Chúng ta nên tìm hiểu “Công bằng là gì” để biết Chúa trả công cho ta như thế nào và ta cũng sẽ trả cho anh em như thế nào theo lẽ công bằng trong những hoạt động nơi trần thế.

Bài Đào tạo số 03 cho Hội đồng Mục vụ Giáo xứ
của Uỷ ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

 

Bài 3 

CÔNG BẰNG TRONG YÊU THƯƠNG

Anh chị em thân mến,

Tháng vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu đề tài “Cùng làm việc trong vườn nho của Chúa”. Đây chính là ý nghĩa của sự hiệp thông và tham gia tiềm ẩn trong mọi hoạt động của người tín hữu nơi trần thế.

Nhưng chúng ta sẽ sống ý nghĩa hiệp thông và tham gia đó như thế nào? Khi hành động cho Chúa, Ngài sẽ trả công gì cho ta? Thiên Chúa Tình Yêu hứa hẹn với ta qua lời của ông chủ nói với gia nhân rằng: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (Mt 20,4).

1. Hội Thánh hiệp thông

Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng: “Giáo Hội chưa thật sự được thiết lập, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có tầng lớp giáo dân đúng với danh nghĩa” (AG 18). Nhưng để có những tầng lớp giáo dân đúng danh nghĩa, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cần được đào tạo và đào tạo lại cho các tín hữu giáo dân trong giáo xứ của mình. Đó là việc chúng ta đang làm qua các bài học hỏi hàng tháng của Uỷ ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Thượng Hội Đồng đặc biệt triệu tập vào năm 1985, nhân kỷ niệm 20 năm sau Công Đồng Vatican II cũng xác định: “Giáo Hội học về hiệp thông là ý tưởng chính yếu và nền tảng của các văn kiện Công  Đồng.” Thật vậy, yếu tố hiệp thông chính là đặc điểm của Hội Thánh Chúa, một sự hiệp thông dựa trên Thánh Thần, lấy Chúa Ba Ngôi làm gương mẫu, tạo thành hình ảnh Chúa Kitô với các phần tử khác nhau trong một nhiệm thể (x. 1 Cr 12,12).

Người ta đã dùng nhiều hình ảnh để diễn tả sự hiệp thông này. Trước Công Đồng, người ta thường diễn tả trật tự Giáo Hội như một cây kim tự tháp với chóp đỉnh là Đức Giáo Hoàng cùng với phẩm trật và chân tháp là các giáo dân theo một trật tự trên dưới chặt chẽ. Sau Công Đồng, người ta diễn tả sự hiệp thông này bằng một vòng tròn đồng tâm vừa chặt chẽ hướng tâm là quy về Đức Giêsu, vừa có hấp lực hướng ngoại để quy tụ là rao giảng Tin Mừng. Trong đó hàng giáo phẩm, giáo sĩ thiên về lực lôi cuốn quy tụ về Đức Kitô, nhất là qua việc thánh hoá, ban phát các bí tích… còn Kitô hữu giáo dân lại là lực hướng ngoại để quy nhân loại và trần gian về Đức Kitô qua nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Cả hai lực lượng bổ sung cho nhau và làm nên nhiệm thể của Đức Giêsu Kitô.

Ta có thể tóm lược Hội Thánh hiệp thông này theo công thức sau đây:

Một cộng đoàn có mẫu số chung:

         Thủ lãnh là Đức Ki-tô (1 Cr 12:12)

         Sức sống: Chúa Thánh Thần

         Phẩm giá là con Thiên Chúa

         Nội bộ: yêu thương và thánh hiến như Đức Kitô yêu thương

         Đối ngoại: rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, quy tụ muôn loài về Đức Kitô

Biểu tượng bằng vòng tròn đồng tâm với những chức vụ khác nhau. Chính mẫu số chung này làm cho hai thành phần khác biệt trở nên liên kết, đa diện trở thành hợp nhất, và cùng chung vai sát cánh trong một sứ mạng chung. “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ban ơn hiểu biết để trình bày…, kẻ thì cũng được chính Thần Khí ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh…, kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ…; nhưng chính Thần Khí duy nhất làm ra tất cả những điều đó, và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1 Cr 12, 8-11).

Tuy nhiên, Giáo hội biết rằng những nỗ lực của nhân loại hướng đến sự hiệp thông và tham gia, mặc dầu có những khó khăn, trì trệ, mâu thuẫn đủ loại, do những giới hạn của con người, do tội lỗi và Thần Dữ, vẫn được giải đáp hoàn toàn nhờ sự can thiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người và thế giới (x. CL 7).

2.  Hội Thánh tham gia

Để có thể sống đời sống Kitô hữu đích thực, hơn nữa, để có thể đóng trn vai của mình, quý chức HĐMVGX cần xem trọng những đức tính liên quan tới đời sống xã hội cho hợp lẽ công bằng, như: liêm khiết, thành thực, nhân hậu, quả cảm. Hơn nữa, quý chức cần luyện tập để mình có được những đức tính đó trong nỗ lực mô phỏng gương sống tình yêu xót thương của Thầy Giêsu, biểu hiện đầy đủ và tuyệt vời nhất của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng xót thương.

Dĩ nhiên, tùy theo bậc sống, tùy theo sinh hoạt nghề nghiệp, mỗi vị quý chức nên phát triển những đức tính và tài năng của mình sao cho có sự thích ứng tốt nhất trong phục vụ (x. AA, số 4). Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô được Chúa Cha sai đến, là nguồn mạch và căn nguyên toàn bộ hoạt động tông đồ của Giáo hội, nên kết quả của việc tông đồ giáo dân tuỳ thuộc vào sự kết hợp sống động của giáo dân với Chúa Kitô qua việc tuân giữ lời Người, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Ga 15,5; Mt 22,28).

Giáo hội chắc hẳn sẽ rất vui mừng và tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ, để ngày càng có nhiều giáo dân tham gia vào các hoạt động tông đồ như thế đem lại những hiệu quả tốt đẹp hơn. Với tinh thần đồng trách nhiệm là cùng làm việc vườn nho, quý chức HĐMVGX trong tinh thần phục vụ cần luôn luôn “…ý thức rằng tất cả các tín hữu đều có vị trí riêng phù hợp với ơn gọi của mình trong vườn nho duy nhất, trong các hoạt động thuộc gia đình của Chúa, cùng có chung một mục đích để đạt đến, và có phẩm giá đặc biệt xứng đáng để luôn được đối xử bình đẳng trước nhan Thiên Chúa  (x. Ta, A Training Program…, 95)

Giáo hội cũng dạy rằng nỗ lực hướng các hoạt động tông đồ đến sự hiệp thông và tham gia là rất cần thiết. Quả thế, Sắc lệnh hoạt động tông đồ giáo dân đã lên tiếng với các vị chủ chăn của Giáo hội, xin các ngài hãy sẵn sàng đón nhận và biết ơn những giáo dân tham gia vào các hoạt động tông đồ. Thậm chí, các ngài còn phải lo liệu sao cho những giáo dân này có thật đầy đủ những điều kiện của một đời sống xứng đáng ( trợ cấp cho cả gia đình). Hơn nữa, những giáo dân này phải được huấn luyện đầy đủ, cùng với những trợ giúp và khích lệ về mặt thiêng liêng (x. AA, số 22).

3. Công bằng trong yêu thương

Trước hết, chúng ta nên tìm hiểu “Công bằng là gì” để biết Chúa trả công cho ta như thế nào và ta cũng sẽ trả cho anh em như thế nào theo lẽ công bằng trong những hoạt động nơi trần thế.

“Công bằng là ước muốn liên lỉ trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người lân cận” (x. Docat số 108; Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 201, Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1807, 2411). Chúng ta mắc nợ Chúa về toàn bộ đời sống và sự hiện hữu của mình vì Chúa dựng nên chúng ta từ hư vô và tất cả những gì chúng ta đang có đều là của Chúa. Hơn nữa vì yêu thương, Chúa đã ban cho ta Người Con Một của Ngài để cứu độ ta và làm cho ta được chia sẻ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa. Con người không thể nào trả hết món nợ cho Chúa và chỉ có tình yêu trong sáng và quảng đại như Chúa Giêsu mới có thể đền đáp phần nào món nợ này.

Chúng ta cũng mắc nợ con người và vạn vật về tình yêu, về sự sống, về biết bao nhiêu giá trị tích cực mà nhân loại và vũ trụ đang mang lại cho ta. Chúng ta nợ mồ hôi, nước mắt, máu xương, trí tuệ của bao người lao động miệt mài trên mọi lĩnh vực. Chúng ta nợ ân tình, sự sống, vẻ đẹp của muôn loài trong những bữa ăn hằng ngày, trong từng lít khí thở. Do đó, dù người ta có phân biệt nhiều hình thức công bằng như công bằng phân phối (Docat, tr. 206); công bằng giao hoán (Docat, tr. 107); công bằng xã hội (Docat, tr 30, 40, 54-55, 65, 68, 101, 106, 109, 169, 179, 189, 204, 210); công bằng thương mại (Docat, tr. 252); công bằng pháp lý (Docat tr. 109); công bằng kinh tế (Docat, tr. 157-183), thì ta cũng không bao giờ trả đủ món nợ mắc với vạn vật và con người. Vì thế, chỉ có công bằng thôi thì chưa đủ (x. Docat, số 111).

Tình yêu cao hơn công bằng vì tình yêu thì “nhẫn nhục, hiền hậu” (1Cr 13,4). Lòng thương xót phải được thêm vào công bằng, thì xã hội mới thật sự nhân đạo. Tuy nhiên lòng thương xót không thể thay thế cho công bằng vì đây là một đòi hỏi luân lý cơ bản. Người ta chỉ có thể kêu gọi lòng thương xót;  nhưng bị buộc phải thực thi công bằng”. (Docat, số 111; HTXHCG, số 206-207; GLHTCG, số 1822-1829,1844).

Tất cả mọi giá trị đều có cội nguồn từ Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8) nên đã ban những giá trị ấy cho muôn loài. “Vì thế, tình yêu thương dành cho tha nhân là điểm tham chiếu trung tâm cho tất cả hoạt động xã hội. Nếu tôi thật sự yêu thương tha nhân, tôi sẽ chân thật, sẽ chấp nhận tự do của người khác, và sẽ hành động vì công lý. Tình yêu vượt quá công lý vì tôi không chỉ trao cho người khác phần người ấy xứng đáng được theo lẽ công bằng, mà còn hết lòng mong ước làm điều tốt đẹp cho người ấy” (Docat, số 110).

Lời kết

 Cầu chúc anh chị em tràn đầy niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh, Đấng đã trả cho Chúa Cha hết nợ nần của chúng ta theo lẽ công bằng để từ nay chúng ta chỉ còn sống cho tình yêu Thiên Chúa.