Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin
Bài giảng của Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội trong thánh lễ an táng Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, ngày 17.3.2018.
Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin
Bài giảng của Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội trong thánh lễ an táng Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, ngày 17.3.2018.
Chúng ta hãy để ra vài phút để suy niệm lại Lời Chúa vừa được ban phát cho chúng ta, với niềm tin Lời Chúa là Lời Hằng Sống, là Lời ban sự sống và Lời ban cho cộng đoàn đang hiện diện trong thánh lễ này, là Lời được ban cho từng người trong chúng ta. Chúng ta hãy suy niệm từ đoạn Phúc Âm vừa nghe. Chúa Giêsu đứng trước cái chết, đứng trước thập giá, đứng trước những khổ cực đang chờ đợi Ngài, lẽ dĩ nhiên Ngài phải cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha. Ngài phải cầu nguyện cho đoàn môn đệ yếu mềm mà Ngài còn để lại ở giữa thế gian với trăm ngàn thử thách. Và Ngài cầu nguyện cho tất cả những ai sẽ tin vào Ngài nhờ lời rao giảng của các tông đồ.
Nói một cách khác, trước giờ chết, Chúa Giêsu để tâm trí cho mỗi người trong chúng ta và thậm chí có thể nói Ngài quên đi thân phận, quên đi những đau khổ đã, đang và sắp diễn ra trong cuộc đời của Ngài để chỉ nghĩ đến chúng ta. Cho nên lời cầu nguyện mà anh chị em vừa nghe cũng được gọi là lời nguyện của vị Thượng Tế. Tức là Chúa Giêsu cầu nguyện không phải với tính cách là Con, mà Ngài cầu nguyện còn với tính cách là linh mục, Ngài cầu nguyện với tính cách là của lễ sắp được hy tế. Cho nên, lời cầu nguyện của Ngài có một giá trị rất đặc biệt. Và vì vậy mà chúng ta tin vào lời cầu nguyện của Ngài phải được thực hiện và có thể nói đang được thực hiện trong những giây phút chúng ta hiện diện ở đây.
Trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu cho thấy niềm tin mãnh liệt của Ngài. Lẽ ra, Ngài không thể tin được, vì những gì Chúa Cha hứa hẹn sao chưa thấy mà chỉ thấy đau khổ, chỉ thấy phản bội, chỉ thấy nước mắt và chỉ thấy cái chết. Thử hỏi làm sao Ngài có thể tin tưởng, có thể đứng vững được. Nhưng rõ ràng ở nơi đây, Ngài đã nói với chúng ta chẳng những ngài tin vào thế hệ Ngài đang đào tạo mà Ngài còn tin vào cả tương lai, Ngài còn tin vào lúc Ngài trở lại trong thế gian, Nước Chúa được đón nhận, Nước Chúa sẽ được lan toả. Ngài nói niềm tin đó rất rõ ràng, và Ngài nói niềm tin đó vì Ngài tin vào các môn đệ và thế hệ tương lai của các môn đệ. Ngài tin những người đó, dù có nhiều khuyết điểm, nhiều giới hạn, kể cả tội lỗi và sa ngã, Ngài vẫn tin như Ngài đã tin 12 vị tông đồ mà Ngài tha thiết cầu nguyện trước khi tuyển chọn. Mặc dù Ngài thấy tất
cả những phản bội và yếu đuối, Ngài vẫn tin và sai đi, sai đi cho đến tận cùng thế giới.
Vậy thì, Ngài dựa trên nền tảng nào để thể hiện niềm tin đó? Chắc chắn phải có nhiều nền tảng, nhưng ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ với anh chị em về một nền tảng là sự hợp nhất. Sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con, sự hợp nhất của Chúa Con và Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Chính sự hợp nhất đó là nền tảng, là sự xây dựng, là sự lan toả của Tin Mừng và của Nước Trời.
Cho nên, khi Ngài cầu nguyện cho các môn đệ được tham dự vào vinh
quang của Ngài, thì vinh quang đó là trông thấy được, chia sẻ được sự hợp nhất giữa Cha Con và chính sự hợp nhất của Cha Con sẽ làm cho họ hợp nhất với nhau. Khi họ hợp nhất với nhau, là dấu chỉ Ngài bởi Thiên Chúa Cha mà đến. Cho nên sự hợp nhất này không chỉ là một đặc ân, mà còn là một trách nhiệm vì chính dựa trên sự hợp nhất mà lời rao giảng của Giáo hội mới đáng tin cậy hay không. Ngài cầu nguyện cho các môn đệ được hợp nhất, không phải chữ hợp nhất theo cách thức của người đời nhưng là sự hợp nhất như Cha với Con, như Con với Cha, tuy hai mà một, và chính sự hợp nhất này nảy sinh sự hợp nhất của Giáo hội. Nhìn vào đó, người ta tin rằng Giáo Hội này quả thật bởi Thiên Chúa.
Chúng ta đi thêm một bước nữa, Giáo Hội đã đón nhận sự loan báo của Đức Kitô, đã sống loan báo này như thế nào? Cả lịch sử của Giáo Hội không gì khác hơn là luôn luôn thể hiện Tin Mừng, Lời rao giảng của Chúa. Giáo Hội cả hai ngàn năm với tất cả những giới hạn của con người – cảm ơn Chúa – vẫn luôn luôn trung thành, và nếu có những lúc cảm thấy xa đi ơn gọi, con đường của Chúa thì Giáo Hội biết cảnh tỉnh. Công đồngVaticanô II là một sự nhắc nhở, một sự dừng lại, một sự xét mình để rồi đứng lên canh tân trong đời sống của mình.
Ở đây, tôi xin được phép đọc một đoạn mà tôi coi như là chủ đề bài chia sẻ của tôi. Đó là một vài câu trong văn kiện đầu tay của Đức chân phước Giáo Hoàng PhaolôVI, rất thời danh, Ecclesiam suam (Giáo Hội của Chúa, công bố ngày 6.8.1964).
Xin nhớ văn kiện này được công bố trong bối cảnh, trong tinh thần của Công đồng Vaticanô II (1962-1965): “Vào giờ phút này của lịch sử thế giới, sự đối thoại là thái độ mà Hội Thánh cần có khi tiếp xúc với nhân loại. Tin Mừng không quá nuôi ảo tưởng về sự tốt lành của bản tính con người nhưng cũng không thúc thủ trước sự sa đoạ của bản tính con người, nhận thức có những tội lỗi nhưng không thất vọng. Đời sống Kitô giáo khác biệt với đời sống phàm tục. Hội Thánh khác biệt với nhân loại; tuy vậy Hội Thánh không chống đối nhân loại nhưng kết hợp với họ. Hội Thánh sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Hội Thánh có một sứ mạng phải thực hiện, một sứ điệp phải loan truyền: Hội Thánh có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, do sự uỷ thác của Chúa Kitô cho các thánh tông đồ. Đó là tiền đề dẫn đến Sự đối thoại. Hội Thánh cần đối thoại với thế giới’.
Đức Phaolô VI khẳng định rằng đối thoại sẽ là đường lối hoạt động của ngài, một hướng đi mà vị tiền nhiệm (Gioan XXIII) đã mở ra. Hội Thánh trở thành lời, sứ điệp, đối thoại. Đối thoại là một phương thế để đưa sứ điệp Kitô giáo vào tư tưởng của thời đại. Trước khi kêu gọi thế gian trở lại thì cần phải đến gần và lắng nghe thế gian.
Đức Tổng Phaolô của chúng ta đã được đào tạo, huấn luyện và lớn lên trong chính bầu không khí của Công đồng Vaticanô II. Sau khi chịu chức phó tế thì Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền đã gọi ngài về để chịu chức linh mục ở Đà Lạt. Lý do sâu xa thì tôi không biết, nhưng tôi biết từ lời Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền nói với tôi: “Thôi, bà cố của thầy Đọc đã già rồi, không thể đi Rome dự lễ nên tôi gọi thầy về chịu chức để bà cố và gia đình có thể tận mắt tham dự thánh lễ truyền chức. Có gì khác về sau sẽ tính”.
Và vì vậy, ngài trở về nước với đầu óc đầy ắp những tư tưởng canh tân, đổi mới của Vaticanô II và không phải chỉ tư tưởng mà còn cả hành động, những hành động nhiều khi rất mới mẻ. Cho nên khi ngài về nước, anh em chúng tôi cũng hơi giật mình, thấy tư tưởng của người anh em có nhiều điều khác biệt.
Có người thì cho rằng ngài cấp tiến. Nhưng ngày hôm nay, với tư cách là một người anh cùng chia sẻ với nhau 50 năm liên tục trong trách nhiệm, trong nhiệm vụ và trong tình thương, tôi xin chia sẻ những ý nghĩ, những ý nghĩ cuối cùng của tôi về Đức Tổng Phaolô. Khi nói đến Đức Tổng, một trong những điều nhấn mạnh, là tính cách giáo sư. Đêm trước khi tôi về Sài Gòn để dự lễ này, một cha đã gọi điện thoại cho tôi vì biết rằng tôi sẽ dự lễ an táng. Ngài nói: “Đức Tổng Phaolô là thầy của con, vị thầy mà con quý mến và nhớ ơn nhất trong cuộc đời”. Ngài là giáo sư ở Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội trong giai đoạn từ năm 1964 đến hết năm 1966. Đại Chủng viện Hà Nội quy tụ 8 giáo phận, vì thế có thể nói những tư tưởng, những gương sống của ngài đã thấm nhập vào nhiều anh em, là linh mục, là giáo dân tích cực ở giữa đời. Và như ban nãy trong tiểu sử đã nói, Ngài cùng là Giám đốc Đại Chủng viện Đà Lạt từ năm 1975-1996. Ngài chuyên dạy về siêu hình học, Kitô học, Chúa Ba Ngôi, cầu nguyện và ở nhiều nơi khác, ngài dạy về Chúa Thánh Thần. Nếu nói Bùi Văn Đọc với tính cách giáo sư thì ai cũng bày tỏ sự khâm phục và lòng biết ơn. Tôi không muốn nói nhiều về Bùi Văn Đọc với tính cách giáo sư, tôi để cho anh em và các chị nữ tu ở đây chia sẻ cho nhau.
Về Đức Tổng Phaolô với tính cách là nhà đào tạo, tôi cũng không nói nhiều, chỉ nói với anh chị em, nếu sau năm 1975 mà Đại Chủng viện Minh Hoà Đà Lạt không có một Bùi Văn Đọc thì chừng 3, 4 năm sẽ đóng cửa. Vì ngài đã cầm cự với một Đại Chủng viện rất mới mẻ trong suốt chừng ấy năm trời. Vì ngài là một con người đào tạo và ngài đã để lại một ảnh hưởng rất lớn. Sáng nay, khi mặc áo lễ, có một cha tới bắt tay tôi. Tôi nói với cha: “Cha nhớ là Đức Tổng đã đào tạo cha và đào tạo cha trong khung cảnh cha chịu chức năm 1977. Suốt 10 năm cha không ra khỏi chủng viện, cùng với 5 cha khác nữa. Sáu cha ở trong chủng viện suốt 10 năm làm gì, để sống và hợp tác với cha bề trên. Nhờ ngài là con người đào tạo, đã biến 6 cha trở nên 6 giáo sư và bây giờ, nhiều linh mục cũng gọi các cha là cha giáo của mình với lòng biết ơn”.
Các Đức cha đã sống những ngày cuối cùng với ngài, đủ để thấy ngài là con người cầu nguyện. Vì ngài đã dạy môn cầu nguyện ở Đại Chủng viện Hà Nội và các cha cũng nhớ những bài cầu nguyện của ngài. Chúng tôi – các giám mục – thấy ngài cầu nguyện bên mộ Đấng Đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận như thế nào và thấy rằng ngài đã ở lại trong nhà nguyện Đức Mẹ cầu Thang thầm lặng cúi đầu để cầu nguyện ra sao. Chúng tôi đã thấy ngài nhắc đi nhắc lại trước khi cử hành thánh lễ ở nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại thành: “Áo lễ của tôi đâu, áo lễ của tôi đâu”. Nhắc lại câu chuyện đến bây giờ anh em mới biết nhiều: Khi chúng tôi còn đang mải mê chiêm ngưỡng, vui vẻ chụp hình ở nhà thờ Thánh Tôma Tông Đồ – nhà thờ hiệu toà mà Toà Thánh trao cho tôi – thì ngài vào toà giải tội để xưng tội. Và sau khi yết kiến Đức Giáo Hoàng, trên đường, ngài đi lạc. Ngài nói với cha đi cùng, hãy mở quà của Đức Giáo Hoàng, là một cỗ tràng hạt. Ngài cầm lấy và bảo: “Tôi sẽ dùng cỗ tràng hạt này suốt đời”. Anh em cho tôi biết, cỗ tràng hạt đó đang nằm trong tay ngài ở trong quan tài.
Tôi không nói nhiều về ngài, một người cầu nguyện. Tôi chỉ nhắc anh chị em, nơi con người của ngài có một sự xuyên suốt, ít nhất đối với tôi, là từ khi chịu chức linh mục năm 1970 cho đến khi ngài được Chúa gọi về. Sự xuyên suốt đã ảnh hưởng tới tư tưởng, tới cuộc sống, tới cách ăn nói của ngài và ngay cả khẩu hiệu mà ngài chọn Chúa là nguồn vui của con, đó là đối thoại cứu độ. Khi ngài trở về nước, ngài hay nói điều này với chúng tôi, nói trong bối cảnh 1970-1975 thì chúng tôi khó chấp nhận. Nhưng ngài vẫn khẳng định và ngài đã sống đối thoại cứu độ cho đến giây phút chót. Người ta sẽ nói rằng ngài cấp tiến, thơ ngây…, đủ hết các tính từ. Nhưng tôi, tôi nói với tất cả lương tâm: Đó là con người sống với lý tưởng của mình, sống sự xác tín của mình. Vì nếu không có đối thoại và đối thoại cứu độ thì không có Thiên Chúa, không có ơn cứu độ. Xét cho cùng, đối thoại chính là nếp sống giữa Chúa Cha và Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Đối thoại chính là mầu nhiệm Nhập Thể làm người, đến với con người, chấp nhận thân phận con người. Cho nên khi Đức Tổng Phaolô đem ý tưởng mà ngài đón nhận từ Công đồng Vaticanô II, ý tưởng mà ngài trích từ văn kiện Ecclesiam suam thì ngài đã cảm nghiệm được đó là chân lý. Lúc bấy giờ, trong văn kiện tiếng Latinh không dùng chữ dialogus mà dùng chữ colloquium – nói với nhau, tức là có nói, có lắng nghe, có trao đổi, làm cho sáng tỏ, đi đến đồng tình. Bằng thái độ đó và không có thái độ loại trừ, kết án thì mới có thể chia sẻ Tin Mừng và nói về Giáo Hội. Giáo Hội phải sống tinh thần đối thoại thì tha nhân mới có lý do để tin vào Giáo Hội.
Nếu Đức Tổng Phaolô muốn nói với chúng ta đang hiện diện nơi đây một lời mà khi nằm xuống, ngài chưa nói được thì xin phép Đức Tổng Phaolô, với tư cách là một người anh, tôi tin tưởng rằng lời cha nói sẽ là lời này, trích từ Thư của thánh Phaolô (2Tm 4,7): “Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”.