22/01/2025

Chúa Nhật V MC B 2018: Đích điểm con đường tình yêu

Điểm cơ bản của đời tín hữu không phải là bước theo Chúa Giêsu, nhưng là gặp được Người. Rất nhiều người bước theo mà không gặp được Chúa. Nếu không gặp, kể như đời sống đạo của ta chưa trọn vẹn, nếu không dám nói là vô nghĩa.

 

Chúa Nhật V MC B 2018

Đích điểm con đường tình yêu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu con đường tình yêu của Đức Giêsu gồm hai chiều và phải đi trên con đường đó bằng một tình yêu trọn vẹn giống như Đức Giêsu đối với Cha Trên Trời cũng như đối với anh chị em mình.

Tuần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đích điểm của con đường tình yêu này là gì và ta phải làm gì để đạt được đích điểm ấy.

1. Những người đi đường mà không đạt tới đích

Nhiều tín hữu chúng ta bước theo Đức Giêsu, đi trên con đường của Người, nhưng mỗi người có thể đi với thái độ khác nhau và tới được những đoạn đường khác nhau.

1.1. Những người lạc đường

Có những người đi theo Đức Giêsu nhưng lại không đi bằng tình yêu như Người, nên không đạt tới đích là ơn cứu độ. Họ bị lạc đường! Họ giống như người Do Thái trong Bài đọc I (x. Gr 31,31-34): họ tuân giữ rất kỹ những lề luật, là giao ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa, nhưng chỉ giữ theo hình thức bên ngoài, thiếu hẳn tâm tình kính yêu bên trong. Họ vẫn giữ các ngày lễ, dâng của lễ theo đúng luật Môsê, học hỏi Kinh Thánh, làm việc bác ái. Nhưng Đức Giêsu chê trách họ theo lời tiên tri Isaia: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng lại xa Ta” (x. Mt 15,8; Mc 7,6; Is 29,13). Vì thế, qua lời tiên tri Giêrêmia, Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới theo những lề luật của trái tim: “Ta sẽ khắc lề luật của Ta vào tâm khảm chúng, chúng sẽ vâng giữ lề luật của Ta, hiểu biết Ta. Lúc bấy giờ Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 33-34).

Nhiều người tín hữu Công giáo cũng có thể đang đi trên con đường của người Do Thái: giữ đạo theo hình thức lễ nghi bên ngoài mà lại tưởng mình đang theo con đường của Chúa Giêsu. Họ dự lễ, cầu nguyện, tham gia các hội đoàn và các phong trào như Lòng Thương Xót Chúa,  Đức Mẹ Mễ Du, Sứ Diệp Từ Trời…, làm việc bác ái rất tốt và được gọi là những tín hữu đạo đức. Nhưng họ không đi vào đúng con đường tình yêu của Đức Giêsu Kitô bởi chỉ giữ lề luật theo Lời Chúa ghi trên những cuốn sách vật chất, giống như trên những bia đá, mà không hiểu được nghĩa yêu thương. Vì thế, Chúa muốn ghi khắc lề luật yêu thương trong trái tim của họ, và Ngài đã sai Đức Giêsu là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa đến với họ. Chúa Giêsu mời gọi họ hãy đi theo Người: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,26).

1.2. Những người không đi trọn con đường

Tiếp theo là những người chỉ đi theo Chúa Giêsu trên những đoạn đường họ thích vì đáp ứng yêu cầu của họ, chứ không phải để cùng cứu độ với Chúa Giêsu.

Có người theo Chúa Giêsu đến đoạn đường ở tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-12). Họ giống những môn đệ theo Chúa Giêsu để được ăn, được nhậu, được hưởng lợi lộc hay ân sủng nào đó, được dân chúng quý mến vì phân phát những tấm bánh của Chúa Giêsu hay dẫn bệnh nhân đến với Người.  Họ thích thú vì được ca tụng, được vỗ tay, nhưng lại không chấp nhận những lời khó nghe, những tiếng xầm xì chê trách, những lần bị xua đuổi, chứ chưa nói đến hiểm nguy bị bắt bớ hay bị giết hại. “Nhiều môn đệ đã bỏ Chúa Giêsu” (Ga 6,66), nhưng vẫn mang danh là Kitô hữu! Họ không dám đi thêm một chút nữa!

Có người theo Chúa Giêsu đến núi Tabor để được biến hình, được cảm nghiệm hạnh phúc như Phêrô nói trong cơn mê sảng. Họ được biến hình vì theo Chúa Giêsu trong các chủng viện, dòng tu là được ăn học, được danh giá cho cả gia đình, được tôn trọng ngoài xã hội, được lợi lộc đủ thứ. Theo Chúa Giêsu trong các phong trào, hay tổ chức là họ trở thành những con người được kính nể. Nhưng họ chỉ dừng lại ở đó. Họ không dám xuống núi để bước đi đến đích điểm của con đường tình yêu là đồi Canvê với cái chết nhục nhã trên thập giá. Vì thế, khi gặp đau khổ, bệnh tật, thất bại, hay bị phản bội, giam cầm, bị tù tội,  bách hại… họ đi tìm con đường khác để an thân.

Đó là những người đi đường không đạt đến đích. Bây giờ chúng ta tìm hiểu muốn đạt đến đích ta cần phải đi như thế nào?

2. Chúng ta đi trên con đường đó như thế nào?

2.1. Đường tình tuyệt vời

Chúa Giêsu giới thiệu mình chính là con đường dẫn đến sự thật giải phóng và sự sống thần hoá muôn loài. Ngài vừa là con đường ta đi, vừa là người chỉ đường cho ta theo và cũng là đích điểm ta phải đạt đến vì một khi kết hợp trọn vẹn với Người trong tình yêu, ta sẽ hoà nhập thành một với Người, trở thành con đường tình yêu của Người. Người đã đi hết con đường tình yêu bằng sự vâng phục Chúa Cha hoàn toàn dù phải chết trên thập giá, vì “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Bài đọc II (x. Dt 5,7-9) diễn tả cho ta tình yêu cứu độ đó: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đạt tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người”.

2. 2. Gặp được Chúa Giêsu

Mỗi đoạn đường, chúng ta đều có thể gặp được Đức Giêsu, vì Chúa Giêsu luôn luôn hiện diện trong cuộc đời của ta, như Người đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Bất cứ lúc nào ta yêu thương trọn vẹn, ta đều gặp được Người. Bài Tin Mừng kể lại việc những người Hy Lạp đến gặp ông Philipphê và ông Andrê để xin can thiệp cho họ gặp được Đức Giêsu (Ga 12,20-22).

Hơn nữa, bất cứ ai gặp được Chúa Giêsu trong mỗi giai đoạn của đường đời, đều nhận được những ân phúc: người tật bệnh được chữa lành, người đau yếu được mạnh khoẻ, người tội lỗi được tha thứ, thậm chí cả người chết cũng được sống lại (x. Mt 9,22; Mc 4,40; 10,52; 11,22; Lc 7,50; 17,19; 18,42…).

Nhiều tín hữu chưa hiểu được điều này: điểm cơ bản của đời tín hữu không phải là bước theo Chúa Giêsu, nhưng là gặp được Người. Rất nhiều người bước theo mà không gặp được Chúa. Nếu không gặp, kể như đời sống đạo của ta chưa trọn vẹn, nếu không dám nói là vô nghĩa. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nhiều lần nhắc nhở ta rằng: đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa một con người cụ thể là chúng ta với Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu (x. GLHTCG, số 150-151). Câu hỏi đặt ra cho ta hôm nay: ta đã thật sự gặp được Chúa Giêsu chưa?

2.3. Gặp Chúa Giêsu ở đồi Canvê

Tuy nhiên cuộc gặp gỡ quan trọng nhất, hiệu quả nhất, dẫn đến sự biến đổi trọn vẹn lại diễn ra ở đồi Canvê. Ta phải thú nhận rằng rất ít người dám có mặt ở đó, ngoại trừ Mẹ Maria, cô gái điếm Madalena, một vài phụ nữ và Gioan, người môn đệ Chúa yêu! Phêrô và hầu hết tông đồ đã trốn chạy. Ta có dám ở lại đó với Chúa Giêsu không?

Chính Chúa Giêsu đã xao xuyến, đã sợ hãi đến độ mồ hôi máu nhỏ xuống đất vì nghĩ đến cái chết, khi mình bị dương cao trên thập giá để cứu độ muôn loài, Người đã nói: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27).

Chúng ta cũng sẽ trải qua những kinh nghiệm đau thương đó khi phải đối mặt với cái chết, với sự nhục nhã tột cùng, với sự cô đơn vì bị phản bội như Chúa Giêsu. Những đau khổ đó giúp ta học bài học vâng phục ý Chúa và diễn tả tình yêu đến cùng như Đức Giêsu. Tuy nhiên chính khi cùng chết với Người như thế, Người sẽ đưa chúng ta vào cuộc kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Tiếng vọng từ trời của Chúa Cha: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” gửi đến chúng ta xác nhận điều đó.

Lời kết

Lúc ấy, chúng ta mới thấy rằng theo Đức Giêsu đến cùng không phải là để đau khổ, chết chóc, thua thiệt, bất hạnh, nhưng để cảm nghiệm được hạnh phúc kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi, được chia sẻ sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa và trở thành ơn cứu độ cụ thể cho mọi loài.