Cô giáo làm nhang vừa đốt vừa đuổi muỗi an toàn
Loại nhang đặc biệt này được cô Ngô Song Đào (Trường THCS Phước Hiệp, Bến Tre) làm từ lá quao. Đề tài đã đoạt giải quốc gia về khởi nghiệp nông nghiệp năm 2017.
Cô giáo làm nhang vừa đốt vừa đuổi muỗi an toàn
Loại nhang đặc biệt này được cô Ngô Song Đào (Trường THCS Phước Hiệp, Bến Tre) làm từ lá quao. Đề tài đã đoạt giải quốc gia về khởi nghiệp nông nghiệp năm 2017.
Cô Ngô Song Đào (giáo viên sinh học Trường THCS Phước Hiệp, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đã làm nhang sinh học từ lá quao. Đề tài của cô đoạt giải quốc gia về khởi nghiệp nông nghiệp năm 2017.
Cô Đào kể mình hình thành ý tưởng sản xuất nhang sinh học từ những lần đi lễ hội, đến đền thờ thường thấy dòng chữ: “Mỗi người chỉ đốt một cây nhang”.
“Tôi hiểu khói nhang có hại cho sức khỏe, nên nảy sinh ý tưởng tìm nguyên liệu làm nhang khi thắp lên khói thơm lan tỏa không hại cho sức khỏe người sử dụng, mà còn xua đuổi được côn trùng.
Nhang này sẽ bảo vệ những học sinh thức đêm học bài, nhà sư hằng đêm đốt nhang cúng Phật không bị muỗi đốt, giảm số ca bệnh sốt xuất huyết hằng năm” – cô Đào chia sẻ.
Từ nhỏ, cô Đào biết người dân quê mình mỗi khi đi xúc, tát mương hay làm đất thường dùng lá cây quao vò nát rồi bôi lên da mình.
“Con bù mắt sợ không dám bám bu vào đốt gây ngứa. Nhiều gia đình dùng lá quao un khói xua muỗi. Người nuôi gà dùng lá quao lót ổ cho gà đẻ hay ấp trứng sẽ tránh được mạt gà sinh sôi… Như vậy lá quao có thể xua đuổi côn trùng gây hại, dùng làm nguyên liệu sản xuất nhang sẽ tốt hơn” – cô Đào kể.
Nhưng lá quao không có tinh dầu, khó cháy. Cô nghiên cứu tìm ra hai nguyên liệu thuốc bắc vừa có tinh dầu vừa có hương thơm thành nguyên liệu cho cây nhang sinh học.
Và cô đã sản xuất nhang sinh học vào năm 2015, nhang khi đốt lên có mùi hương dễ chịu, đặc biệt không có muỗi suốt thời gian khói nhang lan tỏa. Có thể coi đây là nhang hai trong một, vừa thắp hương bàn thờ vừa xua muỗi.
Năm 2016 – 2017, Bến Tre phát động phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp, cô xây dựng dự án và đăng ký dự thi “Khởi nghiệp nông nghiệp”. Cô nói đi thi là để học cách kinh doanh, được làm và được hội đồng thẩm định xem có đưa ra thị trường được hay không.
Tại cuộc thi bán kết tổ chức ở Đồng Tháp, nhang sinh học của cô Ngô Song Đào được ban giám khảo nhận xét: “Mùi hương rất thích” và cho là ý tưởng tốt, đừng bỏ nó. Vượt qua vòng thi bán kết, nhang sinh học của cô giáo miền quê này đoạt giải chung kết cấp quốc gia tổ chức tại TP.HCM vào tháng 12-2017.
Trước khi đưa nhang vào thị trường, cô đem mẫu nhang xét nghiệm ở Trung tâm Dịch vụ phân tích xét nghiệm TP.HCM (Sở KH&CN TP.HCM). Hiện nhang sinh học của cô Đào có nhiều đại lý ở thị trấn Mỏ Cày Nam, TP Bến Tre, khu du lịch Cồn Phụng (Bến Tre), phường 6, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp…
Bà Võ Thị Phụng – chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phước Hiệp – cho biết hội đã phát động các chị gia đình có đất trồng cây quao nơi ven mương vườn, sông rạch bán cho cơ sở sản xuất nhang của cô Đào tạo thêm thu nhập.