Thánh lễ An táng Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc
Sáng thứ Bảy 17/03, Thánh lễ an táng cử hành tại Trung tâm mục vụ với sự tham dự của đông đảo tu sĩ nam nữ và giáo dân trong và ngoài giáo phận. Đặc biệt, còn có sự hiện diện của quý vị đại diện chính quyền và đại diện ngoại giao đoàn.
Thánh lễ An táng Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc
Sáng thứ Bảy 17/03, Thánh lễ an táng cử hành tại Trung tâm mục vụ với sự tham dự của đông đảo tu sĩ nam nữ và giáo dân trong và ngoài giáo phận. Đặc biệt, còn có sự hiện diện của quý vị đại diện chính quyền và đại diện ngoại giao đoàn.
Đúng 8g00, đoàn đồng tế gồm quý Đức cha trong Hội đồng Giám mục và một số quý cha tiến ra lễ đài trong lời nguyện xin tha thiết của Thánh vịnh 118: “Cửa công chính hãy mở cho tôi vào, cho tôi vào tạ ơn Chúa…”
Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN, thay lời cho quý Đức cha chính thức nói lời chia buồn với gia đình Tổng Giáo phận Sài Gòn – TP.HCM và tất cả quý Đức cha cùng niệm hương truớc linh cữu của Đức Tổng Giám mục Phaolô.
Sau đó, Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc, niên trưởng Hội đồng Linh mục giáo phận, đọc tiểu sử của Đức Tổng Giám mục Phaolô; và Cha Phêrô Kiều Công Tùng, Chưởng ấn Toà Giám mục, đọc các thư chia buồn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, của Đức Hồng y Parolin, của Bộ Truyền giáo.
Ngay sau đó, Thánh lễ do Đức cha Chủ tịch HĐGMVN chủ tế bắt đầu với bài hát ca nhập lễ, tuyên xưng niềm hy vọng hằng sống: “Tôi tin rằng Đấng cứu chuộc tôi hằng sống và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại. Và trong thân thể này tôi sẽ được chiêm ngưỡng Đấng cứu chuộc tôi”.
Sau bài Phúc âm (Gioan 17, 20-26), Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chia sẻ Lời Chúa với cộng đoàn phụng vụ.
Suy niệm đoạn Tin Mừng này ghi lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Đức hồng y Phêrô nói đến bối cảnh của lời cầu nguyện: trước khi đi vào cuộc khổ nạn, trước khi đón nhận thập giá và cái chết, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha, cầu nguyện cho các môn đệ của Người và cho tất cả những ai sẽ tin vào Người nhờ lời rao giảng của các tông đồ. Nói cách khác: trước giờ chết Chúa Giêsu quên đi chính mình để chỉ nghĩ đến mỗi người chúng ta; vì thế lời nguyện của Chúa Giêsu cũng được gọi là lời nguyện của Vị thượng tế. Người cầu nguyện không chỉ với tính cách là con, mà còn với tính cách linh mục, như của lễ sắp hiến tế, nên lời cầu nguyện ấy có một giá trị rất đặc biệt. Vì thế chúng ta tin rằng lời cầu nguyện ấy phải được thực hiện. Và có thể nói, đang thực hiện trong giây phút này.
Trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu tỏ cho thấy niềm tin mãnh liệt của Người. Chẳng những tin vào thế hệ Người đang đào tạo, mà còn tin vào tương lai, vả cả đến khi Người trở lại nữa. Tin rằng Nước Chúa sẽ được đón nhận và lan toả.
Chúa Giêsu tin vào các thế hệ tương lai, dù biết họ có nhiều khuyết điểm, giới hạn, kể cả tội lỗi và sa ngã, như Người đã tin vào các tông đồ và sai đi đến tận cùng thế giới.
Nền tảng của niềm tin ấy là “sự hiệp nhất”. Sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con làm cho các môn đệ hiệp nhất với nhau, và đó là dấu chỉ Người bởi Thiên Chúa Cha mà đến. Bởi thế, hiệp nhất không chỉ là ân ban mà còn là trách nhiệm, vì dựa trên sự hiệp nhất ấy mà lời rao giảng của Giáo hội trở nên đáng tin cậy.
Tiếp theo, Giáo hội đã đón nhận và sống sự loan báo của Chúa Kitô như thế nào? –Giáo hội với tất cả những giới hạn của mình, luôn thể hiện Tin Mừng, lời rao giảng của Chúa và vẫn luôn trung thành với sứ vụ ấy từ 2000 năm nay. Nếu có những lúc rời xa ơn gọi, rời xa con đường của Chúa thì Giáo hội biết cảnh tỉnh. Và Vatican II chính là lời nhắc nhở Giáo hội dừng lại để xét mình và canh tân.
Tới đây, Đức hồng y Phêrô đã trích dẫn và nhấn mạnh tư tưởng của Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Ecclesiam Suam; đó là Thông điệp đầu tay của ngài, công bố ngày 6/8/1964, trong bối cảnh của Công đồng Vatican II: “Vào giờ phút này của lịch sử thế giới, sự đối thoại là thái độ mà Hội Thánh cần có khi tiếp xúc với nhân loại… Tin Mừng không quá nuôi ảo tưởng về sự tốt lành của bản tính con người, nhưng cũng không thúc thủ trước sự sa đoạ của bản tính con người… Nhận thức có tội lỗi nhưng không thất vọng … Đời sống Kitô giáo khác biệt với đời sống phàm tục. Hội thánh khác biệt với nhân loại, tuy vậy Hội thánh không chống đối nhân loại nhưng kết hợp với họ. Hội thánh sống trong thế giới nhưng không thuộc về thế gian. Hội thánh có một sứ mạng phải thực hiện, một sứ điệp phải loan truyền. Hội thánh có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, do sự uỷ thác của Chúa Kitô cho các thánh tông đồ. Đó là tiền đề dẫn đến sự đối thoại. Hội thánh cần đối thoại với thế giới. Hội thánh trở thành Lời, trở thành sứ điệp, trở thành đối thoại.” Đức Phaolô VI khẳng định rằng đối thoại là đường lối hoạt động của ngài, một hướng đi mà vị tiền nhiệm – thánh Gioan XXIII – đã mở ra: “Đối thoại là một phương thế để đưa sứ điệp Kitô giáo vào tư tưởng của thời đại. Trước khi kêu gọi thế gian trở lại thì cần phải đến gần và lắng nghe thế gian”.
Đức Tổng giám mục Phaolô được đào tạo ở Rôma, trong chính bầu khí của Vaticanô II nên chịu ảnh hưởng của tư tưởng Vaticanô. Trở về Việt Nam ngài áp dụng tư tưởng ấy trong sứ vụ của mình là giảng dạy, rồi làm Giám đốc Chủng viện. Đức Tổng Phaolô gọi đó là “Đối thoại cứu độ”.
Khi đón nhận ý tưởng của Công đồng, ý tưởng trích ra từ Thông điệp Ecclesiam Suam, Đức Tổng giám mục Phaolô đã cảm nghiệm được rằng đó là chân lý và đã sống niềm xác tín đó cho đến giây phút cuối.
Người ta có thể gán cho Đức TGM Phaolô nhiều tính từ (thơ ngây, cấp tiến, đỏ…) nhưng theo lương tâm, Đức hồng y Phêrô bảo rằng đó là một con người sống lý tưởng của mình, xác tín của mình vì nếu không có đối thoại và đối thoại cứu độ thì không có Thiên Chúa, không có ơn cứu độ. Vì xét cho cùng, đối thoại là nếp sống giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, đối thoại là mầu nhiệm nhập thể làm người, Thiên Chúa đến với con người, chấp nhận thân phận con người.
Theo từ ngữ đối thoại – colloquium: “loqui” là nói, “co” là cùng; là nói với nhau, có nói, có nghe, có trao đổi để làm sáng tỏ vấn đề. Không được có thái độ loại trừ, kết án, thì mới có thể chia sẻ Tin Mừng, nói về vẻ đẹp của Tin Mừng; Giáo hội phải sống thái độ đối thoại thì người ta mới có thể tin vào Giáo hội.
Cuối cùng, nếu có thể thay lời của Đức Tổng giám mục Phaolô nói với mọi người chỉ một câu, thì theo Đức hồng y Phêrô, ngài sẽ lấy câu nói của Thánh tông đồ Phêrô: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7).
Sau lời nguyện hiệp lễ, trước linh cữu của Đức Tổng Phaolô, cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân thay mặt cộng đoàn Dân Chúa nói lời từ biệt vị cha chung của giáo phận.
Tiếp theo, Đức cha Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng, trưởng ban tổ chức tang lễ, bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô, cám ơn giới chức chính quyền và ngoại giao, cám ơn các thành phần Dân Chúa trong và ngoài giáo phận, cùng quý khách và nhiều người đã hiệp thông, giúp đỡ bằng nhiều cách trong tang lễ của Đức Tổng Giám mục Phaolô.
Sau khi Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt, cử hành nghi thức phó dâng và từ biệt, linh cữu được di chuyển vào Nhà nguyện Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn để Đức Tổng Giám mục Phaolô an nghỉ bên cạnh phần mộ của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Nghi thức tại phần mộ do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, chủ sự. ■