23/12/2024

TGP. Sài Gòn – TP.HCM: Linh cữu Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc trở về Việt Nam, Thánh lễ phát tang, canh thức cầu nguyện và lễ viếng

Linh cữu của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc – bất ngờ qua đời vì đột quỵ trong chuyến hành hương ad limina tại Roma vừa qua vào lúc 22g45 đêm 6-3-2018, giờ Rôma (tức 4g15 ngày 7-3-2018, giờ Việt Nam) – đã về đến Toà Tổng Giám mục Saigon –TP.HCM lúc 20g00 tối thứ Năm 15-3-2018. Đông đảo linh mục tu sĩ và giáo dân đã đến Toà giám mục từ sớm, chờ đón vị mục tử của mình trở về để chịu tang ngài.

 


Tổng Giáo phận Sài Gòn – TP.HCM:

Linh cữu Đức TGM. Phaolô Bùi Văn Đọc trở về Việt Nam,

Thánh lễ phát tang, canh thức cầu nguyện và lễ viếng

 

 

 

WHĐ (16.03.2018) – Linh cữu của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc – bất ngờ qua đời vì đột quỵ trong chuyến hành hương ad limina tại Roma vừa qua vào lúc 22g45 đêm 6-3-2018, giờ Rôma (tức 4g15 ngày 7-3-2018, giờ Việt Nam) – đã về đến Toà Tổng Giám mục Saigon –TP.HCM lúc 20g00 tối thứ Năm 15-3-2018. Đông đảo linh mục tu sĩ và giáo dân đã đến Toà giám mục từ sớm, chờ đón vị mục tử của mình trở về để chịu tang ngài.

Thánh lễ phát tang cử hành lúc 20g30 do Đức cha Giám quản giáo phận Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế và Đức cha Phụ tá Luy Nguyễn Anh Tuấn giảng lễ. Mở đầu bài chia sẻ, Đức cha Luy nêu lên hình ảnh một vận động viên chạy đường dài, vất vả, nhiều lúc đuối sức muốn quỵ ngã tưởng như phải bỏ cuộc, cuối cùng cũng thu hết sức tàn lực kiệt để về đích. Đức Giêsu cũng mang thân phận con người, cũng chạy đường trường như thế và có lúc như muốn buông xuôi: xin Cha cất chén đắng cho con; nhưng sau cùng Người đã thắng được ý mình và thi hành trọn vẹn ý Chúa Cha, đón nhận vác lấy thập giá và chịu đóng đinh. Vì thế Thiên Chúa đã suy tôn Người, cho Người được vinh quang siêu vời. Những người môn đệ của Chúa Giêsu cũng không hơn Thầy, Thầy đi đâu thì môn đệ cũng theo đó. Phaolô thành Tarsô là môn đệ của Chúa Giêsu nên số phận cũng không khác Thầy: chịu biết bao nỗi gian lao nhọc nhằn…và cuối cùng bị chém đầu ở bên ngoài thành Rôma. Từ hình ảnh của Phaolô thành Tarsô, Đức cha Luy dẫn đến một Phaolô khác: Phaolô thành Đà Lạt, chính là Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc. Cuộc viếng thăm mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô trở thành cuộc vượt qua cuối cùng của Đức Tổng Phaolô. Đức cha Luy kể lại những ngày cuối cùng của Đức Tổng Phaolô ở Rôma như một vận động viên kiên trì, can trường bước đi, dù chỉ còn chút sức tàn nhưng vẫn cố gắng thi hành bổn phận cho đến cùng. Sở dĩ Đức Tổng làm được như vậy là nhờ đời sống cầu nguyện và lòng yêu mến Đức Mẹ, cũng vì thế mà ngài luôn có được niềm vui – chính là câu châm ngôn giám mục ngài đã chọn: Chúa là nguồn vui của con.

Sau thánh lễ phát tang, các tu sĩ, các hội đoàn và giáo dân canh thức cầu nguyện đến 5 giờ sáng hôm sau.

***

Đúng 5 giờ sáng thứ Sáu 16-03, linh cữu của Đức Tổng giám mục Phaolô đã được rước ra Nhà thờ chính toà Đức Bà Sài Gòn và đến 6 giờ, cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân cùng với quý cha trong giáo phận dâng lễ cầu nguyện cho Đức Tổng giám mục Phaolô tại chính nơi đã là ngai toà giám mục của ngài.

Chia sẻ trong Thánh lễ, cha Giuse Bùi Công Trác, giám đốc Đại chủng viện, làm nổi bật câu châm ngôn giám mục của Đức Tổng giám mục Phaolô: Chúa là nguồn vui của con. Có rất nhiều niềm vui trong cuộc đời của Đức Tổng Phaolô: niềm vui được chào đời, niềm vui khi bắt đầu bước chân vào Chủng viện, niềm vui được gửi đi học ở Roma, niềm vui lãnh nhận sứ vụ tông đồ… “Chúa là nguồn vui của con” còn là lời nhắc nhớ mỗi người chúng ta về Lời Chúa vừa được nghe. Hành trình của Chúa Kitô như hạt lúa được gieo vào cánh đồng nhân loại này, Ngài là hạt giống bị chôn vùi trên đồi Canvê để làm cho cả hoàn vũ được hồi sinh nhờ sự phục sinh của Ngài. Đó cũng là hành trình của Đức Tổng Phaolô qua nhiều chức vụ, làm trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho Giáo hội. Giờ đây sứ vụ đã mãn, hành trình đã đến cuối đường, Đức Tổng trở về với Thiên Chúa là Cha đầy lòng xót thương để được tái sinh vào cõi trường sinh. Cuộc đời và cái chết của Đức Tổng Phaolô nhắc cho chúng ta về cuộc sống mong manh, nay còn mai mất, về việc phải chuẩn bị từng ngày trong đời bằng cách sám hối và tin vào Tin Mừng, về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết lấy Chúa làm nguồn vui mà đi hết hành trình trần thế để mai sau cũng được hưởng niềm vui Nước Trời, như lời Thánh vịnh: Trước Thánh nhan ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi.

Sau thánh lễ là các giờ viếng và cầu nguyện của toàn giáo phận (theo liên hạt); xen giữa các giờ viếng này có các phái đoàn chính quyền, ngoại giao, tôn giáo bạn, các đoàn từ các giáo phận trong giáo tỉnh đến kính viếng.

***

Đến 20g00, linh cữu của Đức Tổng giám mục Phaolô được di quan vào Trung tâm mục vụ và 21g15 Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Tổng Phaolô bắt đầu. Đức cha Giám quản giáo phận Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế, đồng tế với ngài còn có 10 Đức cha của các giáo phận và 240 linh mục. Hiệp dâng thánh lễ có khoảng 10 ngàn người, gồm rất đông tu sĩ nam nữ và giáo dân đã tham gia đoàn rước linh cữu Đức Tổng giám mục Phaolô từ Nhà thờ chính toà.

Trong bài giảng lễ, cha Phaolô Vũ Chí Hỷ –nghĩa tử của Đức Tổng giám mục Phaolô– mời cộng đoàn cảm nhận bầu khí của một đêm tĩnh lặng, tràn ngập sầu thương vì Đức Tổng Phaolô ra đi đột ngột. Tuy nhiên, đó không phải là cái chết của ai đó trên bình diện tự nhiên, ở đâu đó… mà là của một người cha của Tổng giáo phận thân yêu, một người rất thân thiết.

Đêm nay còn là một đêm thật lạ. Trong khung cảnh phụng vụ chúng ta cảm thấy toát lên từ cõi tê tái muộn phiền một bầu khí thật linh thánh, một sự bình an trầm lắng ấm áp… Tất cả dường như tập trung vào cây nến Phục sinh, tựa như ánh sáng ngàn thu xua tan mọi quyền lực sự chết, để bừng lên niềm tin yêu hy vọng hoà theo lời của Đức Giêsu vừa được công bố: “Chính Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta thì dù có chết cũng được sống, và ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”.

Niềm tin ấy giúp chúng ta nhìn mọi thực tại một cách khác biệt. Niềm tin ấy giúp chúng ta vượt lên mọi lẽ thường tình tự nhiên của sự chết để tâm trí đắm chìm vào sự bình an linh thánh đêm nay và để cho linh cữu Đức Tổng Phaolô ở đây dù chết mà vẫn còn có thể quy tụ chúng ta từ muôn nơi, muôn tình huống sống vào sự hiệp thông của cộng đoàn Giáo hội, để không còn ai xa lạ với Chúa và với nhau. Niềm tin ấy còn là nhịp cầu nối liền sự chết và sự sống: chết – tin – và sống. Như thế chết không còn là chết mất, chết hết mà thực sự là cánh cửa mở ra cho một chân trời ý nghĩa cao sâu hơn, kết nối hai bến bờ thế giới, đưa chúng ta vào một cuộc chết đi như thân phận hạt lúa miến chịu biến tan để trổ sinh hoa trái dồi dào hơn cho cuộc sống mới ở nơi Thiên Chúa.

Trong những ngày qua, có nhiều người bảo rằng cái chết của Đức Tổng Phaolô là một cái chết rất đẹp, vẻ đẹp hoạ hiếm vì chưa từng có một giám mục Việt Nam nào qua đời trong cuộc hành hương ad limina, ngay thủ đô của Giáo hội hoàn vũ. Đó phải chăng cũng là một vẻ đẹp lành thánh, một hồng ân cao quý, một diễm phúc mà Thiên Chúa tặng ban cho những ai tin tưởng và yêu mến Người… Còn kết thúc nào đẹp hơn, ý nghĩa hơn cho cuộc đời trần thế, cho cuộc hành trình đức tin của một người sống đời dâng hiến, khi tất cả đều quy chiếu vào một điều tốt nhất, và chỉ một điều cần thiết thôi là được tiếp đón Chúa và kết hiệp với Người trong Thánh Thể…

Sau Thánh lễ, nhiều giáo dân và các hội đoàn, các giới còn ở lại bên linh cữu Đức Tổng Phaolô để canh thức cầu nguyện suốt đêm cho đến trước Thánh lễ an táng vào lúc 8g sáng hôm sau, thứ Bảy 17/3.   

 

WHĐ