24/12/2024

Đức Thánh Cha tiếp Uỷ hội Công giáo Quốc tế về Di dân

VATICAN. ĐTC khích lệ Uỷ hội Công giáo Quốc tế về Di dân tiếp tục sứ mạng bênh đỡ những người di cư và tị nạn, giúp giải thoát những người bị biến thành nô lệ.

 Đức Thánh Cha tiếp Uỷ hội Công giáo Quốc tế về Di dân

 

 

 

VATICAN. ĐTC khích lệ Uỷ hội Công giáo Quốc tế về Di dân tiếp tục sứ mạng bênh đỡ những người di cư và tị nạn, giúp giải thoát những người bị biến thành nô lệ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua, 8-3, dành cho 130 thành viên Uỷ hội Công giáo Quốc tế về Di dân (International Catholic Migration) tham dự khoá họp toàn thể tại Roma trong những ngày này, dưới quyền chủ toạ của ĐHY Chủ tịch Njue, TGM Giáo phận Nairobi, Kenya.

Cơ quan này được thành lập năm 1951 và hiện có trụ sở ở Genève, Thuỵ Sĩ. Uỷ hội có sứ mạng bênh vực những người di cư, tị nạn, những người tản cư nội địa, nạn nhân của nạn buôn người, những người di cư, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc và quốc tịch. Thành viên của Uỷ hội là các đại diện của các HĐGM trên thế giới.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: “Tôi cầu mong Uỷ hội của anh chị em tiếp tục công tác linh hoạt các Giáo hội địa phương xả thân cứu giúp những người bị bó buộc phải rời bỏ quê hương và quá nhiều khi họ là những nạn nhân bị lường gạt, bạo hành và lạm dụng đủ loại. Nhờ kinh nghiệm khôn lường, thu thập được sau bao nhiêu năm làm việc, Uỷ hội có thể trợ giúp quý giá cho các HĐGM và các giáo dân đang tìm cách tổ chức hữu hiệu hơn để đáp ứng thách đố của thời đại này.”

ĐTC cũng ca ngợi sự tham gia của Uỷ hội Công giáo Quốc tế về Di dân vào tiến trình do cộng đồng quốc tế khởi xướng nhắm tiến tới một hiệp ước hoàn cầu về người tị nạn và một hiệp ước khác nhắm tới một sự di cư chắc chắn, có thứ tự và hợp pháp. 

ĐTC nói: “Công việc chưa kết thúc. Cùng nhau chúng ta phải khuyến khích các nước thoả thuận với nhau về những câu trả lời thích hợp và hữu hiệu nhất đối với những thách đố do các hiện tượng di cư đề ra. Chúng ta có thể thi hành điều đó dựa trên các nguyên tắc căn bản của đạo lý xã hội Công giáo. Chúng ta cũng phải làm sao để những hiệp định đó được thực thi đúng đắn, qua những quyết tâm cụ thể và được nhiều người chia sẻ.” (Rei 8-3-2018).

 
 
 

G. Trần Đức Anh OP