24/01/2025

Chúa Nhật III MC B 2018: Tôn giáo mới

Các bài Kinh Thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta một tôn giáo mới được Đức Giêsu thiết lập qua việc Người xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem.

 

Chúa Nhật III MC B 2018

Tôn giáo mới

(Bài giảng ở nhà thờ giáo xứ Chợ Đũi và Bàn Cờ)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta một tôn giáo mới được Đức Giêsu thiết lập qua việc Người xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ Giêrusalem và nói với những người Do Thái rằng: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Vậy tôn giáo là gì và tôn giáo mới của Đức Giêsu dạy ta tôn thờ Chúa như thế nào?

1. Tôn giáo trong dòng lịch sử con người

1.1. Tôn giáo là gì? Tôn giáo là một hệ thống gồm những quan niệm về lòng tin của con người vào thần linh và những hình thức lễ nghi thể hiện lòng sùng bái thần linh ấy. Trước khi có tôn giáo, con người đã tin vào các thần linh mà ta gọi là tín ngưỡng. Tín ngưỡng phát xuất từ việc con người ý thức được thân phận của mình trước sức mạnh siêu nhiên. Con người biết suy tư (Homo sapiens) xuất hiện cách đây khoảng 40 ngàn năm. Khi nhận ra mình yếu đuối so với sức mạnh thiên nhiên, bị tật bệnh và phải chết thì con người biết suy tư đó muốn được mạnh mẽ hơn, muốn sống mãi, có quyền năng vô địch như thần linh và tin rằng thần linh có thể ban cho mình quyền lực đó. Khi con người diễn tả lòng tin ấy bằng những lễ nghi, hình thức tế tự thì tôn giáo đã thành hình.

1.2. Tôn giáo trải qua nhiều giai đoạn trong lịch sử con người:

Giai đoạn đầu tiên gọi là bái vật. Con người bái thờ vật chất nào mạnh hơn mình. Con người thấy con hổ mạnh mẽ thì thờ thần hổ; thấy sấm sét kinh khủng thì thờ thần thiên lôi; thấy mặt trời thiêu cháy tất cả thì thờ thần mặt trời như các dân tộc ở Nam Mỹ, Nhật Bản.

Giai đoạn thần thoại. Khi thắng được sức mạnh thiên nhiên, con người không tôn thờ vật chất nữa. Con người sáng tạo ra những vị thần tưởng tượng chi phối những lĩnh vực của đời sống mà ta tìm thấy trong các thần thoại của người Hy Lạp, Rôma, như thần Zeus, Jupiter là những vị thần tối cao, thần Mars về chiến tranh, thần Minerva về văn chương, thần Venus và Diana về sắc đẹp…

Giai đoạn khai sáng tôn giáo. Tinh thần con người phát triển trọn vẹn để tìm được nguồn của mọi hiện hữu là Thần Linh hay Thiên Chúa và tìm ra những phương cách để tìm về nguồn cội đó. Tôn giáo lúc này mới thật sự có ý nghĩa đích thực. Thần linh hay Thiên Chúa đã soi sáng cho một số người, được gọi là vị sáng lập ra tôn giáo, hiểu mình là ai và dẫn người ta đi theo những con đường để đạt tới đời sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô biên, quyền năng vô tận. Từ đó xuất hiện những tôn giáo như Bà La Môn giáo của Ấn Độ, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Hồi giáo, và đặc biệt là Do Thái giáo.

Giai đoạn lạm dụng tôn giáo. Tuy nhiên, tôn giáo đã trải qua những thời kỳ đen tối vì bị lạm dụng. Người ta lạm dụng những hình thức tế tự vì nghĩ rằng cứ đọc đủ số kinh này là được cứu độ, dâng đúng lễ vật nọ là nhận được ân huệ của thần linh; thậm chí người ta giết cả con mình để tế thần. Người ta biến tôn giáo thành chỗ buôn bán ân huệ thần linh. Ngay cả Do Thái giáo cũng rơi vào hình thức lạm dụng như vậy. Người ta còn lợi dụng tôn giáo để giết hại nhau. Biết bao cuộc chiến tranh tôn giáo đã xảy ra trong suốt dòng lịch sử nhân loại.

Giai đoạn xoá bỏ tôn giáo. Đến thời đại hôm nay, một số người nghĩ rằng: với ý chí mạnh mẽ và tinh thần sáng suốt, con người có thể tự mình tìm ra con đường đạt tới quyền năng phi thường và sự sống lâu dài. Người ta tin rằng khoa học một ngày nào đó khám phá ra những gen có thể làm cho con người trở nên bất tử, sẽ chiến thắng bệnh tật và làm cho con người trở thành thần linh.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (PRC) của Hoa Kỳ, số người tin theo tôn giáo vẫn chiếm khoảng 84% trong số hơn 7 tỷ người trên trái đất và Kitô giáo vẫn là tôn giáo có số đông người tin theo nhất: 2,4 tỷ người, so với Hồi giáo là 1,5 tỷ và Ấn Độ giáo là 900 triệu người, và khoảng 1,1 tỷ người không có tôn giáo rõ ràng (xem Wikipedia, ngày 8/3/2018, mục Các tôn giáo lớn trên thế giới).

2. Tôn giáo đích thực

2.1. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay : đâu là tôn giáo đích thực?

Thiên Chúa đã soi sáng, mạc khải cho dân tộc Do Thái và loài người biết tôn giáo đích thực là gì qua việc Chúa hiện ra với Abraham, và sau này với Môsê qua những gì được Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại. Vì thế, Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và nhiều tôn giáo khác rất trân trọng bản văn Cựu Ước.

Tôn giáo thật chỉ cho con người biết mình phải tôn thờ Đấng thật sự là nguồn của mọi hiện hữu, đồng thời cũng dạy những phương thể để tìm về được với nguồn sống đó. Đấng đó được gọi bằng tên gì cũng được: Ông Trời, Đấng Tối Cao, Đức Cao Đài, Thiên Chúa, Đức Thánh Allah… Đấng đó tuyệt đối không phải là những ngẫu tượng. Vì thế, Đấng đó dạy ta qua bài Đọc I (Xh 20, 1-17): “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.”

Mười Điều Răn hay Thập Giới được Thiên Chúa ban cho chính là phương thế, là con đường dẫn con người đạt tới Thiên Chúa, là “con đường sống đặc biệt và an toàn nhất  để được tự do khỏi bị nô lệ tội lỗi, cũng là một cách diễn đạt đặc biệt của luật tự nhiên” (x. Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 22).  Mười điều răn “dạy cho chúng ta biết thế nào là làm người thật sự. Chúng chỉ cho chúng ta thấy những nghĩa vụ thiết yếu, và do đó, một cách gián tiếp, chúng cho chúng ta thấy những quyền căn bản nằm trong bản tính con người” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 24,25).

Mười Điều Răn được tìm thấy trong hầu hết các luật căn bản của các tôn giáo khác. Ngũ giới của Phật giáo chẳng hạn: 1. Tránh sát sinh 2. Tránh trộm cắp 3. Tránh tà dâm 4. Tránh nói dối 5. Tránh say sưa. Sống theo Mười Điều Răn là người ta có thể gặp gỡ được Thiên Chúa và được Thiên Chúa ban cho sức mạnh, quyền năng. Rất nhiều đạo sĩ, thiền sư đi theo tinh thần Mười Điều Răn đã tìm được quyền năng để làm chủ thiên nhiên, chiến thắng ma quỷ và giúp cho con người đi vào con đường chân thiện mỹ.

2.2. Tôn giáo mới

Hành động tượng trưng của Chúa Giêsu xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ như muốn nhắc nhở thời kỳ lạm dụng tôn giáo. Thời kỳ đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Người ta sử dụng tôn giáo để mê hoặc quần chúng, bóc lột những con người nghèo khổ. Karl Marx (1818-1883) hay F. Engel (1820-1895), sau 19 thế kỷ, mới phê phán tôn giáo giống như một loại thuốc phiện ru ngủ quần chúng, trong khi Đức Giêsu đã hành động mãnh liệt để giới thiệu một tôn giáo mới mẻ và hiệu quả.

Trong Bài đọc II (x. 1Cr 1,22-25), thánh Phaolô nhắc nhở đến thái độ con người muốn xoá bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống giống như người Do Thái đòi hỏi phép lạ và người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan của trí óc, của khoa học mà không nhận ra Đức Giêsu Kitô mới thật sự là nguồn của tôn giáo mới, “là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Tôn giáo mới này không câu nệ vào những hình thức lễ nghi, vào nơi chốn tế tự nào. Tôn giáo ấy là con đường giúp chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng nhân từ vô cùng và gặp gỡ anh chị em mình như những người con trong đại gia đình, để khi gắn bó với Thiên Chúa, ta trở thành những người con kỳ diệu phi thường và khi gắn bó với nhau như anh chị em một nhà, ta mang lại bình an và hạnh phúc cho nhau.

Đền thờ Giêrusalem sẽ bị phá huỷ đi vì nó tượng trưng cho các tôn giáo cũ  để ta gặp gỡ trong một đền thờ mới là chính thân thể Đức Giêsu. Thân thể ấy đã chết và đã sống lại để quy tụ ta trong thân thể mầu nhiệm của Người. Người nói cho người phụ nữ Samaria rằng: “những kẻ thờ phượng Chúa Cha đích thực phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật” (x. Ga 4,23-24). Thần Khí đó là Thánh Thần Tình yêu nối kết mỗi người với Thiên Chúa và với nhau; còn sự thật là chính Đức Giêsu Kitô với những lệnh truyền để ta thể hiện tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Tình yêu ấy không còn chỉ là Mười Điều Răn với những chi tiết tỉ mỉ mà người Do Thái đã lạm dụng, nhưng được tóm gọn vào một điều duy nhất: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, và được Đức Giêsu khai triển theo hướng tích cực là Tám Mối Phúc Thật (x. Docat, số 12-14).

Tôn giáo mới đó mời gọi ta trở về với tình yêu được Thiên Chúa thực hiện nơi Con Ngài là Đức Giêsu Kitô. Trong sứ điệp Mùa Chay, ĐTC Phanxicô nhắc nhở rằng khi sự ác lan tràn thì tình yêu nguội lạnh. Ngài nhắc chúng ta cần phải trở về con đường tình yêu được Đức Giêsu giới thiệu qua cái chết và sống lại của Người: “Tình yêu cũng trở nên nguội lạnh trong các cộng đoàn của chúng ta. Trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, tôi đã tìm cách mô tả những dấu chỉ rõ ràng nói lên sự thiếu tình yêu như thế. Chúng là thái độ ích kỷ, lười biếng, bi quan vô bổ, những cám dỗ muốn cô lập mình và dấn thân trong những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn liên tục, đó là những não trạng trần tục chỉ bận tâm tới những gì bề ngoài và như thế làm giảm bớt nhiệt huyết truyền giáo” (x. Sứ diệp Mùa Chay 2018, số 2; Niềm vui Tin Mừng, số 76-109).

Lời kết

ĐTC mời gọi chúng ta tìm về với Đức Giêsu Kitô là nguồn sống của chúng ta. Người chính là Đấng khai sáng tôn giáo mới, và chỉ có nơi Đức Giêsu chúng ta mới tìm được con đường giải thoát.