Phỏng vấn độc quyền Đức TGM Giuse Linh : “Giáo Hội Việt Nam cần sự giúp đỡ của các Giáo Hội tâm giao”
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế, đã trả lời các câu hỏi của Églises d’Asie nhân dịp 32 vị Giám mục Việt Nam thăm Hội Thừa Sai Paris (MEP).
Phỏng vấn độc quyền Đức TGM Giuse Linh :
“Giáo Hội Việt Nam cần sự giúp đỡ của các Giáo Hội tâm giao”
Églises d’Asie thực hiện
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế, đã trả lời các câu hỏi của Églises d’Asie nhân dịp 32 vị Giám mục Việt Nam thăm Hội Thừa Sai Paris (MEP). Sau đó, các ngài sẽ đến Rôma để dự chuyến “Ad Limina” và yết kiến Đức Giáo Hoàng.
Églises d’Asie: Thưa Đức Tổng Giuse Linh, năm nay các ngài sẽ mừng kỷ niệm 30 năm ngày lễ phong thánh cho 117 vị tử đạo của Việt Nam do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chủ phong năm 1988. Các ngài sẽ mừng lễ này như thế nào?
TGM Giuse Nguyễn Chí Linh: Về việc mừng lễ này, chúng tôi sẽ đề nghị Dân Chúa ở Việt Nam học hỏi kỹ hơn nữa lịch sử và linh đạo của các vị tử đạo. Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc tụ tập đông người trong ba giáo tỉnh. Phía Bắc ở giáo tỉnh Hà Nội; miền Trung, ở giáo tỉnh Huế, nơi có đền thờ Đức Mẹ La Vang, địa điểm hành hương quan trọng nhất của Việt Nam; và cuối cùng là ở miền Nam, tại trung tâm Ba Giồng, thuộc giáo phận Mỹ Tho của giáo tỉnh Sài Gòn. Cả ba giáo tỉnh này, mỗi nơi có khoảng mười giáo phận, sẽ quy tụ mọi người Công giáo cho dịp lễ.
Hỏi : Khi nào mùa lễ kỷ niệm bắt đầu?
Đáp : Đỉnh điểm sẽ là ngày 24-11 [ngày hôm đó, Giáo Hội mừng lễ các Thánh tử đạo của Việt Nam, thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục, và các bạn tử đạo của Ngài, bị giết chết trong khoảng năm 1745 và 1862]. Các lễ kỷ niệm đã bắt đầu, và chúng tôi sẽ kéo dài suốt cả năm. Mười linh mục, trong số 117 vị tử đạo, là các linh mục của Hội Thừa Sai Paris (MEP). 11 vị khác là người Tây Ban Nha, số còn lại là người Việt Nam. Các vị được biết nhiều trong các lễ kính ở Việt Nam, nhưng chỉ có những người nghiên cứu sâu rộng tại các đại chủng viện biết các vị tốt hơn…
Hỏi : Đức Tổng đã theo học tại Học viện Công giáo Paris (ICP) và tuần này ngài sẽ được gọi là Thành viên Danh dự của Hội Thừa Sai Paris. Việc này gợi cho ngài điều gì?
Đáp : Thuở đầu, Hội Thừa sai Paris được thành lập để đi truyền giáo tại Việt Nam, theo đề nghị của Cha Alexandre de Rhodes, một linh mục Dòng Tên do Toà Thánh phái đi. Do đó, chúng tôi rất gần gũi với Hội Thừa sai Paris. Hầu hết các giáo phận tại Việt Nam đã được thành lập bởi các thành viên của Hội này… Kể từ đó, một phần tư trong số các nhà truyền giáo MEP đã được gửi đến Việt Nam [ghi chú: 1057 cha MEP – trong số 4309 cha – đã được gửi đến Việt Nam kể từ thuở đầu của Hội]. Chỉ từ năm 1975, khi đất nước rơi vào tay chế độ cộng sản, các nhà truyền giáo của Hội phải rời khỏi đất nước. Nhưng sự hợp tác vẫn tiếp tục. Hội tiếp tục cho các linh mục du học trú ngụ để học hành. Đến nay, khoảng 15 Đức Giám mục Việt Nam đã được đào tạo tại Paris.
Hỏi : Việc đào tạo này mang tính đặc trưng nào cho Giáo Hội Việt Nam?
Đáp: Điều gây ấn tượng cho tôi nhất chính là tính nghiêm khắc trí thức. Có một sự nghiêm khắc thật sự trong lập luận, theo cách suy nghĩ. Việc học hành được đánh dấu bởi tinh thần suy nghĩ kiểu Descartes của Pháp, rất luận lý và hợp lý.
Hỏi : Có vẻ như việc học tiếng Pháp có nguy cơ biến mất?
Đáp: Đối với tôi, tiếng Pháp là một ngôn ngữ học hành và nghiên cứu, nhưng đối với thế hệ trẻ thì tiếng Anh phổ biến hơn, bởi vì đó là ngôn ngữ của kinh doanh và quan hệ quốc tế với các nước trong khu vực, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…. Chỉ có những người học ở Pháp và thế hệ trước đã học tiếng Pháp mà thôi.
Hỏi : Như vậy, các ngài là những người đối thoại đặc biệt cho Pháp!
Đáp: Tôi không biết chúng tôi đóng vai trò gì giữa Pháp và Việt Nam, nhưng tôi có ấn tượng rằng người Pháp rất vui khi tìm thấy nhiều người Việt Nam nói tiếng Pháp, đặc biệt là con cháu của các cựu binh sĩ Đông Đương trước đây. Tôi nghĩ rằng thật là tốt khi nhiều người Việt Nam tiếp tục nói tiếng Pháp. Điều này giúp thúc đẩy các quan hệ với các nước nói tiếng Pháp, và nó mang lại một sự cân bằng nhất định cho các mối quan hệ quốc tế …
Hỏi : Người ta có thể nói rằng chủ nghĩa vô thần đang tiến triển ở Việt Nam, đúng không?
Đáp: Tôi nghĩ người ta phải hiểu từ ngữ vô thần theo các nghĩa khác nhau. Thí dụ, chủ nghĩa vô thần thuần túy không hiện hữu ở Việt Nam. Người Việt Nam nói chung, thậm chí cả người không Công giáo, vẫn tin vào Thượng Đế. Đây không nhất thiết là một Thiên Chúa Kinh Thánh hay của Kitô giáo, nhưng là một đấng thuộc về một thế giới tâm linh, hay siêu nhiên. Rất ít người Việt Nam thực sự là người vô thần. Điều này cũng đúng trong giới trẻ.
Hỏi : Giáo Hội ở Việt Nam đã tiến triển như thế nào trong các năm gần đây?
Đáp: Về số lượng, Giáo Hội tại Việt Nam chưa phát triển hơn. Giáo Hội này đi theo sự tiến hoá về nhân khẩu học của đất nước, và tỷ lệ người Công giáo không tiến triển hơn trước. Nhưng ngày nay người Việt Nam có một hình ảnh tốt đẹp hơn về Giáo hội. Sau một thời gian dài sống chung, người Cộng Sản hiểu rõ hơn về Giáo hội Công giáo. Lúc đầu, trong thời chiến tranh và dưới ảnh hưởng của ý thức hệ Mác xít, họ đã xếp người Công giáo vào các nhóm chịu ảnh hưởng của thế lực nước ngoài. Nhưng ngày càng có các chứng tá của người Công giáo được tiếp nhận nhiều hơn. Tôi lạc quan cho việc này.
Hỏi : Với sự phát triển của các thành phố, việc mục vụ phải thay đổi chứ?
Đáp: Vâng, đó cũng là vấn đề ở mọi nơi. Nhiều thanh niên đến làm việc ở các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp. Điều này đặt ra các vấn đề lớn cho việc chăm sóc mục vụ. Rất khó quản lý vì đôi khi nó là quá tải cho các cha xứ… Ngoài ra, các người trẻ tuổi đang bận rộn với công việc làm của họ, và không có thời gian để đến nhà thờ để chia sẻ các khoảnh khắc cộng đoàn… Tuy nhiên, giới trẻ tuổi Việt Nam không quay lưng lại với Giáo Hội, nhưng họ buộc phải thích nghi với cuộc sống hiện đại.
Hỏi : Các dự án của các ngài cho Giáo hội ở Việt Nam là gì?
Đáp: Trong một thời gian dài, người Việt Nam đã bị cắt đứt khỏi thế giới. Chúng tôi có rất ít quan hệ với thế giới Công giáo. Trong tương lai, cần tạo ra các cơ hội khác nhau để cho phép điều này diễn ra. Hơn nữa, sau một thời gian dài xung đột ý thức hệ và chiến tranh, Giáo hội đã gần như bị huỷ hoại. Chúng tôi cần phải nắm lại những gì chúng tôi đã mất! Trong thời gian ấy, tất cả mọi thứ đã bị đóng cửa: các cơ sở đào tạo linh mục và tu sĩ, trường học Công giáo… Ngày nay, chính sách đã là cởi mở hơn một chút, nhưng chúng tôi cần tự do nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục. Bởi vì chúng tôi không có trường đại học, các phân khoa, trường phổ thông… Ngay cả nhân sự của Giáo hội được ít đào tạo. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang gửi nhiều linh mục đi du học.
Hỏi : Đức Tổng có lời nhắn cuối nào không?
Đáp: Sứ điệp truyền thống của tôi là luôn hiện thực mỗi ngày! Tôi xin quý vị hãy cầu nguyện cho chúng tôi, cho một Giáo Hội đã gặp nhiều khó khăn và cần sự giúp đỡ của Giáo Hội tâm giao. Chúng tôi mời tất cả những ai yêu mến Giáo Hội Việt Nam hãy đến gặp gỡ chúng tôi, để chia sẻ tình bạn, lòng hiếu khách của chúng tôi, cũng như nhu cầu của chúng tôi.
(Nguồn: Eglises d’Asie, ngày 28-2-2018) – Nguyễn Trọng Đa dịch