28/01/2025

Madeleine DelBrêl: Đấng đáng kinh, nhà thần bí

Madeleine Delbrêl, sinh năm 1904 trong một gia đình Công giáo nhưng không thực hành đạo; đến năm 15 tuổi thì “gần như vô thần”, và vào năm 17 tuổi sau khi tổng hợp về những luận chứng của chủ thuyết vô thần cô tuyên bố “Chúa đã chết… “.

 Madeleine DelBrêl: Đấng đáng kinh, nhà thần bí

 

 
Madeleine Delbrêl, sinh năm 1904 trong một gia đình Công giáo nhưng không thực hành đạo; đến năm 15 tuổi thì “gần như vô thần”, và vào năm 17 tuổi sau khi tổng hợp về những luận chứng của chủ thuyết vô thần cô tuyên bố “Chúa đã chết… “. Nhưng 3 năm sau đó khi vừa tròn 20 tuổi, cô đã bị Chúa quật ngã qua một thị kiến như Thánh Phaolô xưa trên đường đến Damas. Từ đây bắt đầu cuộc hành trình chuyển đổi, một cuộc chạy đua hướng về Thiên Chúa.

Trong cô có sự trỗi dậy mãnh liệt, ước muốn được giải phóng khỏi những ràng buộc của tội lỗi. Với sự nhiệt tình tương tự như khi cô theo đuổi chủ nghĩa vô thần, cô lao về phía trước với đầy đam mê, không mệt mỏi khám phá Thiên Chúa, Người mà cô cho rằng đã đánh mất trong 20 năm qua. Cô “lao vào” cầu nguyện, nuôi dưỡng ước muốn khám phá sâu sắc hơn sứ điệp Tin Mừng, trở thành một nhà hướng đạo hữu hiệu và, cùng với tình yêu thiên nhiên, khám phá lại niềm đam mê cuộc sống đơn giản và tình tương thân tương ái đối với những người không có khả năng tự vệ.

Tốt nghiệp với tư cách là một nhân viên xã hội, năm 1933 cô chuyển tới Ivry-sur-Seine, ngoại ô Paris, nơi được gọi là “thành phố 300 nhà máy”, với môi trường sống đầy căng thẳng vì những cuộc đấu tranh của người lao động, các xung đột xã hội và ý thức hệ. Chính trong hoàn cảnh thực tế này, Madeleine cùng với những người bạn khám phá ra tất cả những mâu thuẫn của hoàn cảnh sống. Họ hoạt động tích cực việc tông đồ trền đường phố, nơi nhà máy và cả trong các quán bar.

Chiều kích chiêm niệm và việc bảo vệ nhân phẩm của người nghèo cùng khốn, là những ngọn hải đăng xác định sự tồn tại của các hoạt động xã hội của Madeleine và những người bạn. Họ nhanh chóng trở thành những mẫu gương cho nhiều người noi theo, cả những người không cùng niềm tin vì biết rằng nếu họ không cùng chia sẻ đức tin của họ (ít nhất khi bắt đầu), họ nhận ra tình yêu đối với người thân cận vượt qua mọi sự khác biệt.

Đối với Madeleine trong bầu khí thù địch với Kitô giáo, đường phố, quán bar, văn phòng hoặc nhà máy có thể và phải được biến đổi thành những nơi Chúa có thể và phải được công bố. Với “linh đạo đường phố”, Madeleine và các bạn đồng hành của cô tuyên bố rằng “con đường”, tức là mảnh đất mà Thiên Chúa gửi cho họ trong thời gian, “là nơi thánh”, cũng như tu viện cho người thánh hiến. Đó là ơn gọi cho “tất cả mọi người”, ở một “nơi bình thường”, thực hiện “công việc bình thường”, cùng với “những người bình thường” và tuy nhiên “chìm sâu trong Thiên Chúa” để “lao vào thế giới”. Dưới ánh sáng của Tin Mừng qua việc suy niệm mỗi ngày, sự phân biệt giữa hệ tư tưởng Mác và những con người cụ thể trở nên rõ ràng: họ, những người cộng sản xứng đáng được chú ý và yêu mến bất kể sức mạnh chính trị. Đấu tranh cùng cộng sản để ủng hộ người nghèo và công lý, cô khám phá ra thực tế khắc nghiệt mà nhiều gia đình công nhân sinh sống, nhưng cũng là sự hào phóng của rất nhiều chiến binh cộng sản, với họ cô cộng tác.

Câu hỏi đạt ra về mối quan hệ giữa người Công giáo và cộng sản không phải là lý thuyết hoặc chỉ để thảo luận, nhưng giải quyết bằng một nguyên tắc đơn giản: “Chúa không không bao giờ nói: Các con sẽ yêu người thân cận của mình như chính mình, ngoại trừ những người Cộng sản”, vậy chỉ có để chấp nhận hiển nhiên: Cộng sản thực tế là “người thân cận”. Và, như vậy, họ cũng làm cho cô khám phá ra rằng “công lý mà không có sự dịu dàng của tình người thì giống như một cái bánh mì cũ, không có lòng mến đích thực Thiên Chúa nếu không có tình huynh đệ, và không có đức bác ái huynh đệ nếu không có lòng tốt”.

Trong suốt 30 năm Madeleine sống và làm việc trong im lặng mà không mất đi mối quan hệ mật thiết với các thẩm quyền Giáo Hội mà cô luôn luôn trung thành và vâng phục. Cô là một người  ủng hộ sự tham gia rộng lớn hơn của giáo dân trong Giáo hội. Cô đã chết đột ngột tại bàn làm việc vào ngày 13 tháng 10 năm 1964, cùng ngày đó, lần đầu tiên một người giáo dân đã có tiếng nói trong Công đồng Vatican II.

Năm 1990, HĐGM Pháp đã tiến hành mở án phong chân phước cho cô và vào năm 2004 Đức Gioan Phaolô II đã đặt cô như là một mẫu gương với niềm hy vọng rằng “mẫu gương sáng chói của cô có thể giúp tất cả các tín hữu đoàn kết với các mục tử của họ, đi sâu vào cuộc sống chung và trong các nền văn hoá khác nhau để làm cho sức mạnh của tinh thần Phúc Âm được thấm nhập và tăng trưởng”.

Madeleine Delbrêl được cho là một trong những nhà thần bí vĩ đại nhất của thế kỷ XX. ĐTC Phanxicô đã cho phép ban hành sắc lệnh công nhận các đức tính anh hùng và tuyên bố là bậc đáng kính. (Avvenire 29/01/2018)

 
 

Ngọc Yến