25/01/2025

Cô gái Việt khuyết tật vượt qua nghịch cảnh trên đất Mỹ

Từ một cô gái lúc nào cũng cảm thấy tự ti về khiếm khuyết trên cơ thể, Dao Nguyen đã nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống của mình ngay trên đất Mỹ.

 

Cô gái Việt khuyết tật vượt qua nghịch cảnh trên đất Mỹ

Từ một cô gái lúc nào cũng cảm thấy tự ti về khiếm khuyết trên cơ thể, Dao Nguyen đã nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống của mình ngay trên đất Mỹ.



 

Một bác sĩ hướng dẫn Nguyen điều khiển tay    	 /// Ảnh Chụp màn hình The Spokesman-Review

Một bác sĩ hướng dẫn Nguyen điều khiển tay ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE SPOKESMAN-REVIEW

 
Mỗi lần quay trở lại thành phố Spokane thuộc bang Washington (Mỹ), Dao Nguyen tự tin và nói tiếng Anh lưu loát hơn. Cô không còn cố giấu cánh tay trái giả với móng kim loại hoặc vết sẹo ở miệng nữa và cũng mỉm cười thường xuyên hơn. Cô gái sinh năm 1983 hiện sống hạnh phúc với chồng và hai con tại vùng Murphys thuộc bang California (Mỹ), theo tờ The Spokesman-Review.
 
Bi kịch thuở ấu thơ
Thời Nguyen còn là trẻ sơ sinh mới 28 ngày tuổi ở vùng nông thôn tỉnh Bình Định, mẹ cho cô nằm gần nồi than để sưởi ấm. Tuy nhiên, Nguyen lúc đó đã lăn ra khỏi võng và rơi xuống nồi than. Ngọn lửa lấy đi bàn tay trái của cô và gây bỏng nhiều phần ở cánh tay khiến cô không thể duỗi thẳng tay được nữa. Tai nạn này cũng khiến Nguyen không thể mở miệng lớn trong suốt thời gian dài.
 
Đến năm 2004, khi Nguyen 21 tuổi, thông qua báo đài cô biết có một đoàn bác sĩ Mỹ thuộc Tổ chức từ thiện Rotaplast International đến khám chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân bỏng, hở vòm miệng tại tỉnh mình. Trong số đó có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Frank Walchak đến từ Spokane và vợ ông, bà Carolyn, lúc đó là y tá phòng phẫu thuật.
 
Nhớ lại lần đầu gặp Nguyen, bác sĩ Frank Walchak kể: “Nguyen tiến đến và tôi thấy rõ sự cầu khẩn trên khuôn mặt cô bé”. Bác sĩ Walchak và một bác sĩ khác đã tiến hành phẫu thuật cho Nguyen tại VN, nhưng họ biết cô cần được điều trị nhiều hơn nữa. Cảm động trước vẻ hiền lành và rụt rè của Nguyen, vợ chồng bác sĩ Walchak quyết tâm giúp đỡ cô. Sau nhiều tháng hỗ trợ Nguyen xin thị thực đến Mỹ, họ đã đưa được cô đến Spokane để tham gia liệu trình điều trị vào năm 2006.
 
Bước ngoặt cuộc đời
Do chưa từng rời ngôi làng nơi mình sinh ra và lớn lên nên lần đầu đặt chân đến xứ sở cờ hoa, Nguyen không khỏi bỡ ngỡ trước mọi thứ, từ thức ăn đến giao thông. Bà Walchak kể Nguyen luôn bám lấy tay bà khi đi bất cứ đâu. Cô đã ở cùng gia đình Walchak trong suốt 9 tháng tiếp theo, trải qua nhiều ca phẫu thuật, gắn tay giả, học lái xe và cố gắng hoàn thiện khả năng tiếng Anh của mình.
 
Nguyen đã quay trở lại Spokane nhiều lần sau đó và nhận vợ chồng bác sĩ Walchak là cha mẹ nuôi dù không làm thủ tục giấy tờ. Họ cũng xem cô là người con gái thứ ba của mình. Phát biểu trên tờ The Spokesman-Review, bà Walchak cho biết bà thật sự ngạc nhiên trước tính kiên trì, bền bỉ và quyết tâm nắm bắt cơ hội đổi đời của Nguyen. Bà Walchak tự hào nói: “Nguyen rất thông minh, và đó là lý do con bé đến được đây”.
 
Sau khi hoàn tất quá trình điều trị, Nguyen trở về nước. Theo tờ The Union Democrat, các bác sĩ Mỹ đã khích lệ Nguyen tiếp tục theo đuổi việc học tại VN, khuyên cô chuyển ra thành phố sống và tìm kiếm công việc. Nguyen nghe theo và đã xin được một chân kế toán tại một công ty du lịch ở TP.HCM. Tiền lương nhận được cô đều trích một phần gửi về cha mẹ già ở quê.
 
Nên duyên với bác sĩ Mỹ
Chuyện Nguyen được cứu chữa, lập gia đình và qua Mỹ định cư như là một phép màu bù đắp cho những mất mát của cô. Theo tờ The Spokesman-Review, năm 2010, Nguyen kết hôn với nha sĩ nhi khoa Michael French – người từng sang VN công tác cùng bác sĩ Walchak. Bác sĩ French kể lại, ông cảm thấy mến Nguyen khi cô luôn phụ giúp các bác sĩ trong đoàn khám chữa bệnh cho mọi người, lúc thì làm phiên dịch, khi thì chăm sóc các em nhỏ. Kể từ sau lần đầu tiên đến VN vào năm 2005, bác sĩ French tham gia đoàn bác sĩ Mỹ trở lại đây hằng năm. Quen biết Nguyen trong thời gian lâu, ông dần cảm phục trước nghị lực của cô và đem lòng yêu từ lúc nào. Bác sĩ French thừa nhận Nguyen là người có tấm lòng nhân ái, sức chịu đựng phi thường và tinh thần cầu tiến cao.
 
Qua Mỹ định cư, Nguyen bắt đầu tham gia khóa học về luật kinh doanh tại Đại học cộng đồng Columbia vào năm 2012, theo tờ The Union Democrat. Giáo sư Laura Krieg thừa nhận ngành luật thật sự là thử thách lớn đối với người học, ngay cả đối với người bản xứ. “Vậy mà Nguyen học giỏi trong lớp của tôi và làm được nhiều điều phi thường”, Giáo sư Krieg cho biết.
 
Hiện cô đang làm kế toán tại phòng khám nha khoa của chồng ở vùng Sonora gần nhà. Nguyen cùng chồng vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động thiện nguyện y tế tại VN và các nước thông qua tổ chức phi lợi nhuận do họ thành lập gọi là Pacific Smiles. Suốt 8 năm qua, vợ chồng Nguyen thường tổ chức chương trình “Đem lại nụ cười cho trẻ” tại phòng nha Safari Smiles, nơi họ cùng khoảng 30 tình nguyện viên khám chữa răng miễn phí cho trẻ em. Trung bình khoảng 100 trẻ em đến tham dự sự kiện này mỗi năm.
 
Thông qua câu chuyện của mình, Nguyen hy vọng gửi thông điệp đến những bạn trẻ khuyết tật cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống rằng: “Hãy tự tin và cứ là chính mình, rồi những thay đổi sẽ đến”. Cô cũng chia sẻ thêm trên tờ The Spokesman-Review: “Nếu tôi không rơi vào nồi than, tôi sẽ không trở thành tôi ngày hôm nay”.
 
HUỲNH THIÊM