23/01/2025

Chúa Nhật VI TN – B – 2018: Nền nhân văn toàn diện và liên đới

Các bài Kinh Thánh giúp chúng ta định hướng mọi hoạt động của Giáo Hội và của từng người chúng ta nơi trần thế là nhằm xây dựng một nền nhân văn toàn diện và liên đới, được Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

 

Chúa Nhật VI TN – B – 2018

Nền nhân văn toàn diện và liên đới

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Kinh Thánh tuần này giúp chúng ta định hướng mọi hoạt động của Giáo Hội và của từng người chúng ta nơi trần thế là nhằm xây dựng một nền nhân văn toàn diện và liên đới. Nền nhân văn ấy đã được Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta qua bài Tin Mừng (x. Mc 1, 40-45) hôm nay qua việc Người đụng chạm đến người phong cùi và chữa lành cho người ấy.

1. Nền văn hoá loại trừ và bất bình đẳng

1.1.Trước hết, chúng ta gợi ý đôi nét về nền văn hoá loại trừ và bất bình đẳng. Nền văn hoá này đã được Giáo Hội nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong học thuyết xã hội Công giáo công bố từ năm 2004 và trong cuốn Docat năm 2016 để nhắc nhở người tín hữu phải loại bỏ nó ra khỏi đời sống của mình (x. Docat, “loại trừ” ở các trang 12, 35, 48, 101, 155, 161, 273, 298 và “bất bình đẳng” ở các trang 11-12, 19-20, 27, 35, 37, 44, 66­-68, 72, 106, 110, 146-148, 153, 165, 167-169, 175-176, 194, 199, 211, 214-215, 218-219, 223, 260-262, 265, 272-273, 392.

Nền văn hoá ấy được diễn tả qua Bài đọc I (x. Lv 13,1-2.44-46). Xã hội Do Thái thời xưa muốn bảo vệ dân tộc mình lành mạnh, tốt đẹp nên người ta loại trừ những con người bệnh hoạn, yếu kém, tội lỗi ra khỏi cộng đồng. Bài đọc I nhắc nhở: ai có những triệu chứng của bệnh phong cùi thì người ấy cần phải ở ngoài trại, không được ở chung với cộng đồng, bị coi là “ô uế” và vị tư tế xác nhận rằng người này không có khả năng để hoà nhập cuộc sống, không có khả năng tham dự những nghi lễ của cộng đồng. Nhất là ngày xưa người ta chưa biết bệnh cùi là do vi trùng Hansen, mà chỉ nghĩ đó là bệnh bị Thiên Chúa phạt do tội lỗi nặng nề của con người. Bệnh nhân không chỉ yếu kém về thể xác mà còn nói lên tình trạng bẩn thỉu, xấu xa về tinh thần. Đó là một nền văn hoá bất bình đẳng và loại trừ.

Tại sao lại có nền văn hoá ấy?

Bởi vì người ta tập trung vào Thiên Chúa là Đấng cao cả, thanh sạch, tốt lành vô cùng nên chỉ những ai tốt lành, khoẻ mạnh, đạo đức mới xứng đáng đến gần Ngài. Chỉ dân tộc nào có những con người như thế mới là dân riêng của Ngài.

1.2. Có lẽ nền văn hoá ấy cũng đang tồn tại trong xã hội chúng ta ngày nay và ngay cả trong nội bộ Giáo Hội khi chúng ta loại trừ những con người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi, yếu kém ra khỏi cộng đồng.

Tục ngữ Việt Nam thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nên chúng ta vẫn khuyên nhủ con cái đừng giao thiệp với những người xấu vì dễ bắt chước các tật xấu, thói hư của họ. Trong bữa tiệc, những người giàu thường ngồi chung với nhau thành một nhóm, ít khi hoà hợp với những người nghèo. Những người có địa vị cao trong xã hội như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, thường ngồi chung với nhau, còn những người làm những nghề hèn kém phải ngồi gần nhau, trừ phi họ là những người thân hay có họ hàng với những người khác. Nền văn hoá loại trừ ấy đã thấm nhiễm vào trong cuộc sống của chúng ta.

Trưa thứ bảy hôm qua, ngày 10/2/2018, tôi nhận được cú điện thoại của một phụ nữ. Chị kể: “Cha ơi, con vừa bỏ ra khỏi nhà xứ. Cha Sở mời những người làm việc giúp nhà thờ ăn Tất niên. Con dẫn 2 đứa con vào ăn. Mọi người đã ngồi vào bàn. Các cha ngồi chung ăn uống rất vui vẻ với những người khác. Ba mẹ con con đến ngồi riêng một bàn. Chờ hơn 15 phút nhưng không ai đến tiếp xúc, không rót cho một chút nước, không dọn cho món ăn nào. Cuối cùng, chúng con phải đứng lên ra về mà chẳng ai quan tâm. Con chưa bao giờ cảm thấy nhục nhã như vậy. Con có phải đến xin ăn đâu, con được cha sở mời mà. Mỗi tuần con cũng nghỉ việc để dành 1 ngày quét dọn nhà thờ như những người khác. Con không hiểu tại sao họ lại đối xử với con như vậy!”. Chị không hiểu nhưng tôi hiểu và không dám nói ra: chị làm nghề massage nên họ đã ngại ngùng với chị. Đó là một hình thức loại trừ!

2. Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới

Đức Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta xây dựng một nền văn hoá mới, nền nhân bản toàn diện và liên đới mà Giáo Hội, kể từ Công đồng Vaticanô II, luôn giới thiệu và định hướng cho mọi hoạt động của Giáo Hội trong xã hội (x. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và hoà bình, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, số 6, 7, 19, 82, 98, 322, 327, 449, 497).

2.1. Tại sao gọi là văn hoá nhân bản hay nhân văn?

Nhân là người, bản là gốc, nền văn hoá lấy con người làm gốc, lấy nguyên tắc nhân vị làm nền tảng (x. Docat, tr. 12, 91-113, 243-245, 290), coi phẩm giá con người là nguyên tắc hành động và là tiêu chuẩn để lượng giá hành động (x. Docat, tr.13, 29, 34-35, 38-39, 54, 65, 68, 71, 74-76, 82, 85, 89, 92-93, 99, 104, 106, 109, 159, 166, 169, 179, 187,191-192, 197-198, 205, 239, 243-244, 259, 292). Bao nhiêu thế kỷ qua, con người đã lấy thần linh, lấy Thiên Chúa làm gốc, quy tất cả cho Thiên Chúa, dồn mọi vinh dự cho Thần linh, nên con người đánh mất chính mình, tự khinh miệt chính mình, không khám phá ra giá trị cao quý của mình.

Chúa Giêsu hôm nay đặt tay trên người phong cùi để chữa lành cho anh ta như giới thiệu cho chúng ta một nền nhân bản mới. Người phong cùi mà người Do Thái coi là tội lỗi, bệnh hoạn, dơ bẩn phải đẩy xa khỏi cộng đoàn, ai đụng chạm đến họ thì bị coi là ô uế… Nhưng Chúa Giêsu lại đặt tay trên người phong cùi chữa lành cho họ. Người không xa tránh con người nhưng gần gũi, tiếp cận con người, muốn đưa con người trở về với cộng đồng nên nhắc bảo anh đi trình diện với tư tế. Người muốn cho chúng ta hiểu được rằng bây giờ con người mới là trọng tâm của mọi hoạt động mà Thiên Chúa muốn thực hiện. Thiên Chúa đã trở thành con người để nâng con người trở thành Thiên Chúa, nên bây giờ mọi hoạt động của Giáo Hội phải lấy con người làm gốc, phải tập trung vào con người, vì con người là con đường của Giáo Hội và cũng là con đường của Thiên Chúa.

2.2. Nền nhân bản toàn diện và liên đới

Một nền nhân bản toàn diện vì bao gồm mọi yếu tố, mọi lĩnh vực của con người: thể xác và tinh thần, tự nhiên và siêu nhiên, ngoại giới và nội tâm, cá nhân và tập thể. Trong nhiều thế kỷ, người ta coi thường thể xác con người, cho thể xác đó là tội lỗi do tác động của tham vọng và dục vọng nên bị coi là xấu xa; coi thường đời sống tự nhiên và vạn vật quanh mình. Người ta chỉ muốn cứu rỗi linh hồn con người chứ không muốn cứu thể xác trong khi “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm” để nhắc nhở giá trị của con người toàn diện. Không ít linh mục, tu sĩ ngày nay chỉ lo phụng vụ, bí tích, rao giảng lời Chúa mà quên Đức Giêsu ra lệnh cho họ phải lo cho dân chúng ăn uống, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ và làm cho kẻ chết sống lại.

Nền nhân bản ấy gọi là liên đới vì mở ra cho chúng ta những liên hệ, những mối tương quan thay vì đóng kín vào chính mình hay thu hẹp vào một cộng đoàn, một tập thể hoặc theo một ý thức hệ, một chủ nghĩa nào đó. Con người không thể chỉ sống một mình, cũng không phải là thần linh. Con người có 4 mối tương quan: với Thiên Chúa như người con với Cha của mình nên giữ tinh thần thảo hiếu; với người khác như anh chị em của mình nên giữ tinh thần huynh đệ; với vạn vật như những đứa em nhỏ nên giữ tinh thần huynh trưởng, với chính mình như con người vừa có thể xác, có tinh thần, có tự do và những giá trị cao cả nên phải giữ tinh thần tự chủ.

Thánh Phaolô trong Bài đọc II hôm nay nhắc nhở chúng ta: “dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa….Trong mọi hoàn cảnh, tôi đã cố gắng làm đẹp lòng mọi người, không tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng cho nhiều người để họ cũng được cứu độ” (1Cr 10,31-33).

Lời kết

Hình ảnh của Chúa Giêsu hôm nay như mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình: chúng ta có đang xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới để đạt tới cùng đích là xây dựng nền văn minh tình yêu hay chúng ta đang cổ vũ nền văn hoá loại trừ và bất bình đẳng?