Lan toả sự dâng hiến và trung thực của người trẻ
Bé Hải An (Hà Nội) ra đi nhưng em vẫn còn đó trên cuộc đời: giác mạc em hiến vừa được cấy ghép cho hai người được sáng mắt.
Lan toả sự dâng hiến và trung thực của người trẻ
Bé Hải An (Hà Nội) ra đi nhưng em vẫn còn đó trên cuộc đời: giác mạc em hiến vừa được cấy ghép cho hai người được sáng mắt.
Từ phải sang: chị Ngô Thị Thìn, chị Vũ Thị Thuỳ Dương và anh Nguyễn Mạnh Đạt đến đăng ký hiến tạng chiều 28-2, nhau khoe tấm thẻ và chiếc huy hiệu “Cho đi là còn mãi” dành tặng người đăng ký hiến tạng của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Việc hiến mô, tạng của em bé mới 7 tuổi để cứu người làm lay động trái tim bao người.
Có lẽ vì lẽ đó, ngay những ngày đầu năm, ở hai đầu đất nước – TP.HCM và Hà Nội – nhiều người đã đến Trung tâm điều phối hiến tạng để đăng ký hiến khi mình qua đời, giúp người khác có thêm cơ hội sống.
Cũng những ngày này, câu chuyện về các bạn trẻ ở Sóc Trăng, Cà Mau, chuyện người chủ nhà máy xay lúa ở Bình Định tìm thấy vàng chờ người đến nhận… dường như đang lan tỏa, thật ấm áp, cảm động!
TTO – Hải An hơn 7 tuổi, qua đời hôm 22-2 vừa qua vì chứng bệnh ung thư, nhưng cuộc đời ngắn ngủi của bé gái hơn 7 tuổi rất xinh, có cặp mắt rất sáng ấy đã mở ra nhiều cuộc đời khác: bé tặng lại giác mạc cho những người mù còn ở lại.
15h30 chiều 28-2, anh Nguyễn Mạnh Đạt (37 tuổi) đến Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Hà Nội) đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Anh có ý định đi hiến tạng từ lâu, nhưng do vợ và gia đình chưa thuận nên còn do dự.
“Qua câu chuyện của bé Hải An, tôi quyết định đi đăng ký hiến tạng luôn. Câu chuyện của bé như cởi nút thắt do dự của tôi. Tôi còn định chờ 8-3 mới đi đăng ký hiến, xong mang thẻ với huy hiệu “Cho đi là còn mãi” về tặng vợ” – anh Đạt nói làm cả phòng cười ồ lên.
Chị Ngô Thị Thìn đang bị ung thư giai đoạn 3, đến đăng ký hiến tạng và xúc động hôn lên chiếc huy hiệu “Cho đi là còn mãi” của mình – Ảnh: Phương Chinh
Cùng thời gian đó, chị Ngô Thị Thìn (42 tuổi, ở Hà Nội) và chị Vũ Thị Thùy Dương cũng cùng đến đăng ký hiến tạng. Chị Thìn là chủ một tiệm cắt tóc, gội đầu ở Cầu Giấy (Hà Nội). Tiệm cắt tóc của chị nhận dạy nghề miễn phí cho những bệnh nhân đang bị ung thư và chị cũng đang bị ung thư giai đoạn 3.
Kể về câu chuyện của mình, chị không kìm được nước mắt. Năm 2015, chị phát hiện mình bị ung thư, cuộc sống như hoàn toàn sụp đổ. “Tôi như nhận một án tử, cả tinh thần lẫn sức khoẻ suy sụp một cách nhanh chóng. Tôi cũng hoá trị, xạ trị, người gầy đến nỗi chỉ còn lại xương” – chị kể.
“Rồi tôi quyết định không điều trị nữa, trở về sống cuộc sống bình thường, cố gắng lạc quan, lấy con cái, công việc làm niềm vui. Tinh thần thoải mái, ăn uống điều độ và tuân thủ lời bác sĩ, tôi khoẻ lên trông thấy”.
Chị nói về quyết định lớn của mình: “Ngày hôm kia, tôi chợt nghĩ mình phải làm gì đó, không thể cứ thế mà chết đi. Tôi quyết định sẽ hiến tạng cho y học. Hôm nay tôi đến đây đăng ký, bước vào phòng vẫn thật hồi hộp nhưng cảm thấy có gì đó nhẹ nhõm”.
Tính từ năm 1992 đến nay đã có gần 3.000 người được ghép mô, tạng. Bé gái được ghép gan đầu tiên ở VN giờ đã thành một nữ sinh viên và sắp tới sẽ làm nghề y. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, số người được ghép mô, tạng đã tăng lên rất nhanh. Tất cả là nhờ “quà tặng sự sống” của những người hiến tặng tạng
Ông Nguyễn Hoàng Phúc (phó giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người)
Chị Vũ Thị Thuỳ Dương (Hà Nội, huấn luyện viên yoga) vui vẻ nhất trong phòng. Chị và mẹ từ lâu đã có ý định hiến mô, tạng.
“Quan niệm của tôi là sống như hôm nay là ngày cuối cùng. Tôi sống hết mình và cũng muốn để lại điều gì đó tốt đẹp sau khi qua đời, nên đăng ký hiến tạng. Tôi cũng xin thêm mấy mẫu đăng ký cho người nhà ở quê cũng có nguyện vọng như tôi”.
Cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu luôn bắt đầu từ bản thân con người, khi cho đi là sẽ còn mãi.
Cho đi là “được” nhiều nhất
Một lần vào thăm đồng nghiệp bị ung thư gan điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tôi rơi nước mắt khi các bác sĩ cho biết chỉ cần có người phù hợp, đủ điều kiện hiến gan để ghép, chắc chắn anh sẽ được cứu sống.
Tôi xin hiến gan cho anh, nhưng bác sĩ bảo nhóm máu của tôi và anh không tương thích. Anh vĩnh viễn ra đi do không có tạng để ghép.
Sau chuyện đó và sau những bài báo về chuyện hiến mô, tạng đã giúp gia đình ủng hộ nguyện vọng của tôi. Tôi đến Trung tâm điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy để đăng ký.
Kể từ đó, cứ vào dịp năm mới tôi lại nhận được thiệp chúc tết và thư cảm ơn của ban giám đốc bệnh viện. Sau đó tôi còn đến Trường ĐH Y dược TP.HCM để đăng ký hiến thi hài khi qua đời với mong muốn làm tiêu bản người thật cho sinh viên ngành y nghiên cứu, thực hành.
Tôi làm những việc trên với quan niệm rằng nếu như cái chết là định mệnh không ai tránh khỏi thì việc mang lại cơ hội sống cho nhiều người khác là điều ai cũng làm được, chỉ cần có tâm. Mặc dù lúc còn sống ta chưa thể giúp ích gì cho mọi người, khi chết vẫn có thể thực hiện được.
Cũng nhờ đọc báo, tôi biết là một người chết vì chấn thương sọ não, tối thiểu cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi, tụy tạng của mình.
Trong lúc chờ cơ hội thực hiện tâm nguyện cuộc đời, tôi vẫn đều đặn cứ ba tháng/lần đến Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP.HCM để hiến máu. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, khẩu hiệu ấy luôn nhắc tôi không bao giờ lỡ hẹn với chương trình hiến máu nhân đạo.
Cho đi song chính tôi mới là người “được” nhiều nhất: nhờ đã đăng ký hiến tạng và tham gia hiến máu thường xuyên nên tôi luôn rèn luyện, giữ gìn sức khỏe, đảm bảo những gì tôi đang và sẽ hiến tặng có chất lượng thật tốt.
Mình giúp người khác, rồi sẽ có người giúp lại người thân của mình. Cuộc đời luôn là vậy, yêu thương và ấm áp.
– HỮU CHƠN –
TTO – Quan sát những người đăng ký hiến tạng, ai cũng nở nụ cười vui vẻ. Đâu đó trong vô thức, mình cảm thấy sự kết thúc của mình có ý nghĩa.