29/11/2024

Thay đổi tận gốc tư duy cũ để đột phá trong năm 2018

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 26-2 đăng bài “Sức ép cải cách đã rất nóng” nêu những vấn đề đặt ra cho các ngành về những cải cách, đột phá trong năm 2018, nhiều chuyên gia, bạn đọc tiếp tục gửi đến các ý kiến đặt hàng, đề xuất.

 

Thay đổi tận gốc tư duy cũ để đột phá trong năm 2018

Sau khi Tuổi Trẻ ngày 26-2 đăng bài “Sức ép cải cách đã rất nóng” nêu những vấn đề đặt ra cho các ngành về những cải cách, đột phá trong năm 2018, nhiều chuyên gia, bạn đọc tiếp tục gửi đến các ý kiến đặt hàng, đề xuất.
 
 
 
 

Thay đổi tận gốc tư duy cũ để đột phá trong năm 2018 - Ảnh 1.

UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất điều chỉnh quy hoạch nhiều khu vực quy hoạch đất chỉnh trang đô thị, đất giáo dục, công cộng và tuyến đường dự phóng tại các quận, huyện thành đất ở. Nhiều nhà dân vướng quy hoạch sắp được thoát “án treo” nhiều năm. Trong ảnh: tuyến đường dự kiến đi qua khu dân cư P.13 (từ hẻm 128 Hoà Hưng đến hẻm 79 Tô Hiến Thành) được UBND Q.10 đề xuất xóa bỏ, điều chỉnh theo lộ giới hẻm hiện hữu – Ảnh: DUYÊN PHAN

Bà NGUYỄN MINH THẢO (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Tăng cường năng lực cơ chế giám sát

Thay đổi tận gốc tư duy cũ để đột phá trong năm 2018 - Ảnh 2.

Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Năm 2017 Bộ Công thương đã có sự quyết liệt trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi các quy định cho rõ ràng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn thấy rằng trong các điều kiện kinh doanh Bộ Công thương cần tiếp tục rà soát thêm, đặc biệt ở lĩnh vực nhạy cảm như ôtô, xăng dầu, khí… chưa thấy có sự rà soát tổng thể, còn nhiều điều kiện đặt ra và gây cản trở khó khăn hơn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Bởi vậy, khi bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục khẳng định sẽ quyết tâm rà soát các điều kiện kinh doanh, tập trung những ngành nghề nhạy cảm, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, kỳ vọng những sự quyết tâm này sẽ thành việc làm cụ thể. 

 

Thêm nữa, khi ban hành văn bản chính sách, dù quy định khá tích cực và phù hợp với thông lệ rồi nhưng để văn bản đi vào cuộc sống, cần tăng cường năng lực cơ chế giám sát thực thi, đảm bảo văn bản đưa ra đạt đúng tinh thần, bởi hiện nay giữa quy định và khoảng cách vẫn còn xa.

Thêm nữa là khi chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm thì năng lực bộ máy giám sát hậu kiểm rất quan trọng. Do đó, việc người đứng đầu ngành công thương xác định sẽ tiếp tục tái cơ cấu, rà soát lại từng vị trí và giao nhiệm vụ là cần thiết. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu đội ngũ, cải cách phải thực chất, đi đúng yêu cầu và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.


PGS.TS NGUYỄN LÊ NINH (Uỷ ban MTTQ TP.HCM):

Phải vì lợi ích chung của xã hội

Hiện nhiều cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa mạnh dạn cải cách trong việc sử dụng cán bộ phục vụ người dân. Vì vậy, tôi cho rằng các cơ quan nhà nước phải thay đổi tận gốc tư duy kiểu cũ dù phải chịu sự mất mát. Đó là nhanh chóng không sử dụng những cán bộ thiếu tài, kém đức mà cần sử dụng các cán bộ có tầm và có tâm.

Hiện sức ì trong bộ máy xã hội còn rất lớn nên đòi hỏi mọi việc phải tốt ngay là điều rất khó. Thế nhưng, không vì thế mà chấp nhận những tồn tại, bất cập trong xã hội. Chẳng hạn tình trạng dư thừa cả trăm ngàn kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp thiếu việc làm. Người lao động có nghề nghiệp muốn đi làm việc ở các đơn vị nhà nước phải “tiêu cực”.

Điều bất hợp lý đã diễn ra trong mấy chục năm qua là người dân tại các quận ven hoặc ở các tỉnh lân cận về TP làm việc hoặc ngược lại dẫn đến xe chạy nhiều trên đường phố, gây ùn tắc giao thông. Nguyên nhân cơ bản là khi hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp không ai nghĩ đến việc xây dựng khu dân cư, bệnh viện, trường học, chợ… để người ta không phải đi lại xa trên đường.

Bây giờ, cần phải có chủ trương, chính sách đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất phải đầu tư đồng bộ để trong 10-15 năm nữa người dân không còn ngược xuôi đi lại gây ùn tắc giao thông và với các khu công nghiệp hiện hữu cũng cần điều chỉnh bổ sung.

Anh PHẠM XUÂN VINH (người dân huyện Hóc Môn, TP.HCM):

Cải cách quy hoạch, thủ tục xây dựng

Đây là vấn đề liên quan thiết thực tới đông đảo người dân, thời gian qua mặc dù cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực nhưng thực sự chưa được như sự kỳ vọng. Thực tế, còn rất nhiều khu quy hoạch “treo” dẫn đến treo luôn rất nhiều quyền lợi của người dân nhưng hầu như không cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm. Đây là khâu rất cần được cải cách.

Quy hoạch phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng một cách thực chất và có thời gian thực hiện. Trong thời gian quy hoạch khi người dân muốn cải tạo, xây dựng nơi ở thì phải tạo điều kiện thuận lợi bằng hình thức cấp phép tạm chẳng hạn, miễn sao người dân đồng ý trong thời gian thực hiện đúng quy hoạch sẽ tháo dỡ mà không đòi bồi thường.

Trường hợp quá thời gian nhưng việc triển khai quy hoạch vẫn chưa xong thì phải xem như quy hoạch đó đã được xoá và mọi quyền lợi của người dân ở đó phải đảm bảo được công bằng như những nơi khác.

Vấn đề cần cải cách nữa, theo tôi, là thủ tục xây dựng. Chính sự rắc rối thủ tục xây dựng là điều kiện phát sinh tiêu cực. Trên cơ sở đó, rất mong lĩnh vực này sẽ được tập trung cải cách trong thời gian tới nhằm mang đến sự tiện lợi, phục vụ dân được tốt hơn.

N.AN – Q.KHẢI – N.ẨN ghi