28/11/2024

Kinh Truyền Tin 25/02: Biến hình giúp hiểu Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25-2-2018 với 30.000 tín hữu hành hương, ĐTC diễn giải biến cố Chúa hiển dung và ngài đặc biệt kêu gọi ngưng bắn tại Siria. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay…

 Kinh Truyền Tin 25/02: Biến hình giúp hiểu Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu

 

 

 

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 25-2-2018 với 30.000 tín hữu hành hương, ĐTC diễn giải biến cố Chúa hiển dung và ngài đặc biệt kêu gọi ngưng bắn tại Siria.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, thuật lại việc Chúa hiển dung trước 3 môn đệ trên núi theo trình thuật của Tin Mừng theo Thánh Marco (9,2-10).

Bài huấn dụ của ĐTC

“Tin Mừng hôm nay, Chúa Nhật II Mùa Chay, mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng cuộc hiển dung của Chúa Giêsu (x. Mc 9,2-10). Giai thoại này cần được nối với những gì xảy ra 6 ngày trước đó, khi Chúa Giêsu tỏ lộ cho các môn đệ biết tại Jerusalem Ngài sẽ phải “chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ lão, các trưởng tế và các luật sĩ phủ nhận, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mc 8,31). Lời loan báo này đã làm cho Phêrô và toàn nhóm môn đệ bị khủng hoảng, Phêrô đã phủ nhận ý tưởng theo đó Chúa Giêsu bị các thủ lãnh của dân phủ nhận và rồi bị giết. Thực vậy, các môn đệ trông đợi một Đức Messia quyền năng, mạnh mẽ, thống trị, thế mà Chúa Giêsu lại tự giới thiệu mình như một người đầy tớ khiêm hạ, hiền lành của Thiên Chúa, đầy tớ của con người, sẽ phải hy sinh mạng sống, tiến qua con đường bách hại, đau khổ và cái chết. Làm sao có thể theo Một Bậc Thầy và một Đức Messia mà cuộc sống trần thế của Người kết thúc như thế? Các môn đệ nghĩ như vậy. Và câu trả lời đến từ cuộc hiển dung. Cuộc hiển dung của Chúa Giêsu là gì? Đó là một sự hiện ra phục sinh được xảy ra trước.


Chúa Giêsu mang 3 môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo, lên “một núi cao” (Mc 9,2) và tại đó, Ngài tỏ cho họ thấy vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Thiên Chúa. Biến cố này giúp các môn đệ đương đầu vững hơn với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu một cách tích cực, không bị đảo lộn. Các môn đệ đã thấy điều mà sau cuộc khổ nạn sẽ xảy ra, và qua đó Chúa chuẩn bị các môn đệ. Cuộc hiển dung của Chúa giúp các môn đệ vả cả chúng ta hiểu rằng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là một mầu nhiệm về sự đau khổ, nhưng nhất là một hồng ân tình thương vô biên của Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu hiển dung trên núi làm cho chúng ta hiểu rõ hơn sự phục sinh của Ngài. Thực vậy, để hiểu các biến cố ấy, cần biết trước rằng Đấng đang chịu đau khổ và được vinh quang không phải chỉ là một người, nhưng là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta qua tình yêu trung tín của Ngài cho đến chết. Qua đó Chúa Cha lặp lại lời tuyên bố về Chúa Con, đã xảy ra bên bờ sông Giordan sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa và Chúa Cha nhắn nhủ: “Các ngươi hãy nghe lời Ngài!” (c. 7). Các môn đệ được kêu gọi theo Thầy trong niềm tín thác và hy vọng, dù cái chết của Chúa; thiên tính của Chúa Giêsu phải được biểu lộ trên thập giá, chính trong cái chết của Ngài theo thể thức ấy, đến độ Thánh sử Marco đặt trong miệng viên bách quân quan lời tuyên xưng đức tin: “Quả thực người này là Con Thiên Chúa!” (15,39).

ĐTC kết luận: “Giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, một thụ tạo nhân trần được hiển dung trong nội tâm nhờ ơn Thánh của Chúa Kitô. Chúng ta hãy tín thác cho sự phù giúp của Mẹ để tiếp tục hành trình Mùa Chay trong tin tưởng và quảng đại.”

Kêu gọi hoà bình cho Syria

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC khẩn thiết kêu gọi ngưng các xung đột tại Syria, để các đồ cứu trợ nhân đạo được đưa tới các nạn nhân, di tản những người bị thương và bệnh nhân. 

Ngài nói:

“Tôi nghĩ đến quốc gia Syria yêu quý và bị tàn phá, nơi mà chiến tranh đang gia tăng, nhất là tại miền Ghouta ở mạn đông. Tháng 2 này là một trong những tháng bạo lực nhất trong 7 năm xung đột: hàng trăm, hàng ngàn thường dân trở thành nạn nhân, các trẻ em, phụ nữ, người già; cả các nhà thương cũng bị; dân chúng không kiếm được lương thực để ăn… Tất cả những điều ấy thật là vô nhân đạo. Không thể bài trừ sự ác bằng một sự ác khác. Và chiến tranh là một sự ác. Vì thế, tôi tha thiết kêu gọi tức khắc ngưng bạo lực, để các đồ cứu trợ nhân đạo – lương thực thuóc men – được đưa tới và di tản những người bị thương và các bệnh nhân. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để điều này được diễn ra tức khắc.”

ĐTC chào thăm các tín hữu hành hương từ Roma, Italia và nhiều nước, đặc biệt là từ thành Spis của Slovak. Ngài cũng nhắc đến các đại diện đài truyền hình của Giáo phận Prato bắc Italia cùng với ĐGM giáo phận, các bạn trẻ chịu Phép Thêm Sức và các thiếu niên tuyên xưng đức tin đến từ một số nơi ở Italia…

Viếng thăm giáo xứ

Lúc 4 giờ chiều hôm 25-2-2018, ĐTC đã đến viếng thăm Giáo xứ Thánh Gelasio I Giáo hoàng, ở mạn đông bắc Roma. Đây là giáo xứ thứ 16 được ngài viếng thăm trong vòng 5 năm qua, từ khi được bầu làm GM Giáo phận Roma.

Giáo xứ này được thành lập cách đây 46 năm, và hiện có 7.500 giáo dân do 2 LM thuộc tu hội gia đình Truyền giáo ”Giáo hội – Thế giới”, coi sóc, và cũng có một LM sinh viên người Tây Ban Nha phụ giúp.

Tại giáo xứ, ĐTC 4 giờ chiều, ngài lần lượt gặp gỡ các trẻ em, những người dự lớp giáo lý, và các em tham gia sinh hoạt giáo xứ, các gia dình, các bệnh nhân và người già, sau cùng là các nhân viên trung tâm Caritas của giáo xứ, thường giúp đỡ khoảng 250 người nghèo, phân phát quần áo và các thùng thực phẩm vào những ngày thứ năm. Ngoài ra, quán phát chẩn của giáo xứ cung cấp các bữa ăn sáng và ăn trưa cho hơn 50 người.

ĐTC cũng chào thăm gặp hai thanh niên 18 và 25 tuổi người Gambia của Phi châu, được giáo xứ đón tiếp và giúp đỡ. Đặc biệt ngài gặp các thân nhân của gái Giulia Rinaldo, một trong những nạn nhân bị thiệt mạng hồi tháng 8 năm 2016 ở miền trung Roma. Em Giulia 11 tuổi đã lấy thân mình làm khiên thuẫn che chở em gái Giorgia 4 tuổi và nhờ đó cứu em khỏi cảnh bị nhà sụp ở làng Pescara del Tronto.

Sau các cuộc gặp gỡ đó, ĐTC giải tội cho một số giáo dân, trước khi bắt đầu cử hành Thánh lễ lúc 6 giờ chiều. Đồng tế với ngài trong dịp này có Đức TGM Giám quản Roma Angelo De Donatis, Đức cha Phụ tá khu vực phía bắc Roma, cha sở và cha phó và một số LM thuộc quận thứ 11 ở Roma.

 

 

G. Trần Đức Anh OP