ĐGM. Cận Lộc Cương: Chúng tôi rất vui mừng về cuộc đối thoại giữa ĐTC với Trung Quốc
Trong bối cảnh của cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Trung Quốc đang diễn ra, đã có những ý kiến phỏng đoán về việc hai bên sắp đạt được thoả thuận trong mối quan hệ giữa Toà Thánh và Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề bổ nhiệm giám mục, tương lai của các cộng đoàn Giáo hội “thầm lặng”… Một số phát biểu – kể cả của một vài vị chức sắc trong Giáo hội – bày tỏ lo ngại, thậm chí chỉ trích Đức Giáo hoàng và Toà Thánh chủ trương thoả hiệp, hy sinh quyền lợi hợp pháp của các cộng đoàn Giáo hội “thầm lặng”.
ĐGM. Cận Lộc Cương: Chúng tôi rất vui mừng về cuộc đối thoại giữa ĐTC với Trung Quốc
Còn ý kiến của những “người trong cuộc”, của những người thuộc cộng đoàn Giáo hội “thầm lặng” ở Trung Quốc?
Ngày 16-02-2018, trang mạng Vatican Insider đã đăng bài trao đổi với Đức cha Nguỵ Cảnh Nghi, một trong những nhân vật có thẩm quyền của cộng đoàn Giáo hội được gọi là “thầm lặng” ở Trung Quốc. Trong cuộc trao đổi này, Đức cha Nghi đã xin các bạn hữu ở ngoài Trung Hoa đại lục, bao gồm cả những ai ở Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan: “Đừng phát biểu nhân danh chúng tôi. Đừng cứ nhất quyết nói thay cho chúng tôi. Các vị không phải là người có thể đại diện cho Giáo hội thầm lặng ở Trung Quốc.”
Tiếp theo những phát biểu của Đức cha Nguỵ Cảnh Nghi, ngày 23-02-2018, Vatican Insider đã đăng bài trao đổi với Đức cha Cận Lộc Cương, cũng là giám mục của cộng đoàn Giáo hội “thầm lặng”; cuộc trao đổi do phóng viên Gianni Valente thực hiện.
– Thưa Đức cha, đất nước của Đức cha đã chứng kiến công trình của các nhà thừa sai thuộc Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại (PIME) thành công rực rỡ.
– Vào nửa sau của thế kỷ XIX, đó là những người đã khai sinh hạt Đại diện Tông toà đầu tiên ở Hà Nam, thuộc miền trung Trung Quốc. Gia đình tôi là gia đình Công giáo và tôi chịu chức linh mục vào năm 1992; lúc ấy giám mục tiên khởi của Giáo phận Nam Dương là Đức cha Giuse Cận Đức Thần, là người họ hàng của tôi. Hiện nay, giáo phận Nam Dương có khoảng 20.000 tín hữu, với khoảng 50 nữ tu và 23 linh mục.
– Các sự kiện gần đây trong giáo phận của Đức cha dường như là dấu chỉ cho thấy tình hình của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc thật phức tạp.
– Năm 1995, Đức Giám mục Giuse Chu Bảo Ngọc (sinh năm 1921) được bổ nhiệm làm giám mục Nam Dương. Trước đó – trong những năm 1960 và 1980 – ngài đã trải qua nhiều năm trong tù và trong các trại cải tạo. Ngài là một giám mục của cộng đoàn Giáo hội “thầm lặng”, được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm nhưng không được chính quyền chấp thuận. Sau đó, vào năm 2007, tôi được bổ nhiệm làm giám mục phó với quyền kế vị, vẫn theo cách “bí mật”. Đến năm 2010, Toà Thánh đã chấp thuận cho Đức cha Chu từ nhiệm, và tôi trở thành bản quyền của giáo phận. Nhưng ngay sau đó, bộ máy chính quyền địa phương đã quyết định công nhận Đức cha Chu là Giám mục “chính thức”, và vào ngày 30 tháng 6, họ để ngài nhận Nhà thờ Chính toà với tư cách giám mục được chính phủ công nhận. Thế là giáo phận trở thành “chính thức”. Bây giờ cả hai chúng tôi đều là giám mục được Đức Giáo hoàng phê chuẩn, nhưng chính quyền chỉ chính thức công nhận Đức cha Chu là Giám mục của giáo phận, hiện nay ngài đã 97 tuổi.
– Mối tương quan của hai Đức cha như thế nào?
– Chúng tôi là hai giám mục sống hiệp thông với nhau trong cùng một thành phố. Đức cha Chu là nguyên Giám mục, còn tôi là Giám mục Chính toà. Ngài được chính quyền công nhận, thì ở Nhà thờ Chính toà; còn tôi ở tại giáo xứ trong thành phố. Nhưng tôi vẫn có thể viếng thăm mục vụ tất cả các giáo xứ khác. Và đôi khi tôi cũng cử hành Thánh lễ ở Nhà thờ Chính toà. Cả hai chúng tôi luôn trung thành với Đức Giáo hoàng và Toà Thánh. Và trong mấy năm gần đây, từ khi cuộc đối thoại được mở lại, mọi chuyện cũng đã được cải thiện về phía chính phủ, họ không yêu cầu chúng tôi bất cứ điều gì đi ngược lại đức tin Công giáo. Tôi chỉ cần thông báo cho chính quyền khi tôi rời khỏi Nam Dương.
– Nhưng trong quá khứ, Đức cha cũng đã chịu áp lực, bị trục xuất khỏi giáo phận và bị buộc tham dự các khoá “nhồi sọ”.
– Những người trong chính quyền bảo tôi không được cử hành nghi thức nhận giáo phận. Tôi thì luôn tuyên bố rằng tôi có thể không cử hành nghi thức cách công khai, nhưng tôi vẫn là Giám mục Giáo phận Nam Dương. Vào năm 2012, họ đưa tôi đến khách sạn trong dịp Lễ Phục Sinh, nên tôi không thể cử hành Tam Nhật Thánh được. Nhưng đó là thời kỳ căng thẳng giữa Trung Quốc và Vatican.
– Nếu Toà Thánh và Chính phủ Trung Quốc đạt được thoả thuận, Đức cha có cảm thấy rằng những nỗ lực và đau khổ ấy đang bị lờ đi, bị phản bội không?
– Chúng tôi chỉ muốn bước theo Chúa Giêsu, muốn hiệp nhất với Đức Giáo hoàng và với toàn thể Giáo hội Công giáo. Điều này có thể có cả nhọc nhằn và đau khổ. Đó là một phần cuộc sống của chúng ta theo Phúc Âm. Nếu chúng ta sống những đau khổ này cùng với Chúa Giêsu, hiệp nhất với Người, thì cũng như dự phần vào những đau khổ của Người. Và Chúa Giêsu không để cho những đau khổ của chúng ta rơi vào hư không. Người biết những đau khổ ấy, đón nhận và làm cho những đau khổ ấy trở nên quý giá. Thế nên chúng tôi không cần bất kỳ sự nhìn nhận nào khác, không cần phần thưởng nào khác. Chúng tôi không muốn trách cứ ai vì chúng tôi thấy Chúa Giêsu đã nhận lấy những đau khổ của chúng ta.
– Vậy, Đức cha nhận định thế nào về những thông tin nói rằng có thể đã có những tiến triển trong cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Chính phủ Trung Quốc?
– Nếu chính phủ hiện đang nói chuyện với Đức Giáo hoàng, điều đó có nghĩa là họ nhìn nhận Đức Giáo hoàng. Đây là một tin vui khiến chúng tôi vui mừng. Những đấu tranh và khó khăn của quá khứ không mất đi, chúng là một phần của cuộc sống chúng ta với Chúa Kitô. Nhưng lúc này tôi không nghĩ về quá khứ, về những giai đoạn khó khăn ấy. Nếu chính phủ nói chuyện với Đức Giáo hoàng, tức là họ nhìn nhận Đức Giáo hoàng, và chúng tôi sẽ có thể bày tỏ sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Giáo hoàng.
– Nhưng có những người lại đang gây áp lực để thuyết phục Đức Giáo hoàng đừng tiếp tục đối thoại với Trung Quốc. Họ cũng nói rằng một thỏa thuận với Trung Quốc là sự phản bội đối với nỗi đau khổ của Đức cha.
– Nhưng chúng tôi phải chịu đựng mọi khó khăn để không che giấu sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng. Và bây giờ, nếu có sự cảm thông giữa Đức Giáo hoàng và chính phủ, thì sao chúng tôi lại không thể vui mừng về điều đó? Sao chúng tôi lại không theo ngài? Điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn với Đức Giáo hoàng. Và chúng tôi chắc chắn không nghĩ đến việc làm khác đi. Nếu Đức Giáo hoàng đạt được thoả thuận với chính phủ, chúng tôi sẽ theo ngài, tiếp tục cùng với ngài đi theo con đường chúng tôi phải đi, với những đau khổ nhọc nhằn. Vì theo Chúa Giêsu là chấp nhận chịu đau khổ, và cũng vì thế mà bây giờ chúng tôi vui mừng, bởi vì một số vấn đề sẽ được giải quyết và chúng tôi có thể đi xa hơn.
– Nhưng bây giờ, nói một cách cụ thể, công việc trong giáo phận của Đức cha ra sao?
– Các linh mục của chúng tôi đoàn kết với nhau, tôi muốn rằng các quyết định có sự tham khảo ý kiến của tất cả các linh mục. Tất cả chúng tôi làm việc vì sự hiệp nhất của Giáo hội, và tôi thấy rằng Đức giáo hoàng Phanxicô đang hướng dẫn chúng tôi sống sự hiệp nhất ấy. Chúng tôi cũng đã cất một ngôi nhà cho người khuyết tật và hai nhà cho người già.
– Nhưng Đức cha không hề quan tâm đến các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Trung Quốc và Toà Thánh? Đức cha không có ý kiến gì sao?
– Tất nhiên, tôi yêu cầu phải luôn thận trọng trong tiến trình này. Nhưng cuộc đối thoại được bắt đầu trong những năm gần đây đã mang lại một số điểm lợi cho chúng tôi. Chính phủ chỉ yêu cầu chúng tôi đăng ký. Các linh mục đều đã đăng ký. Và nếu Toà Thánh bảo tôi rằng tôi có thể làm như vậy để giúp cho công việc mục vụ, thì chính tôi cũng sẽ đăng ký. Tôi tin rằng trong tất cả những điều này, trong các mối quan hệ với chính phủ và các nhà cầm quyền chính trị, chúng ta phải luôn tuân theo lời Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy trả lại cho Cesar những gì thuộc về Cesar, và trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”
Cũng nên nhắc lại, trong một bài viết dài đăng trên Công Giáo Báo – cơ quan truyền thông của Giáo phận Hong Kong – Đức hồng y Gioan Thang Hán, nguyên Giám mục Hong Kong, đã từng viết: “Nhiều anh chị em thuộc cộng đoàn Giáo hội thầm lặng cũng ủng hộ cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Bắc Kinh… Họ tin rằng việc bình thường hoá quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc có thể mang lại những điều tốt lành cho nhân dân Trung Quốc chứ không chỉ cho người Công giáo… Dân Chúa tại Trung Quốc sẽ được tự do hơn trong việc thực hành đức tin… Do đó, chúng ta hãy bước theo Đức Giáo hoàng và tin tưởng vào bất cứ quyết định nào của ngài về mối quan hệ với Trung Quốc.” (Sự hiệp thông của Giáo hội tại Trung Quốc với Giáo hội phổ quát, 31-7-2016).